Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Angela Merkel hôm nay cùng ký Tuyên bố chung Hà Nội, nâng tầm quan hệ hai nước lên thành đối tác chiến lược. Trong 5 lĩnh vực hợp tác then chốt có chính trị chiến lược; thương mại đầu tư.
Bà Merkel tới Hà Nội trong chặng dừng chân đầu tiên của chuyến công du châu Á. Sau lễ đón chính thức tại phủ Chủ tịch, Thủ tướng Đức hội đàm với Thủ tướng Việt Nam về các lĩnh vực hợp tác chung.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Merkel sau cuộc thảo luận. Ảnh: AFP |
Hai thủ tướng và quan chức cấp cao hai nước đã cùng ký nhiều văn kiện hợp tác quan trọng. Trong đó, đáng chú ý nhất là Tuyên bố chung Hà Nội, với nội dung nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác chặt chẽ hơn nữa trong thời gian tới.
"Việt Nam và Đức nhất trí thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, tăng cường hợp tác chặt chẽ trong thời gian tới, đặc biệt là trong những lĩnh vực then chốt", tuyên bố chung có đoạn.
5 lĩnh vực hợp tác then chốt được nêu rõ trong Tuyên bố chung Hà Nội gồm có: hợp tác chính trị chiến lược; thương mại và đầu tư; tư pháp và pháp luật; phát triển và bảo vệ môi trường; giáo dục, khoa học, công nghệ, văn hóa, truyền thông và xã hội.
Các nội dung này của Tuyên bố chung Hà Nội đã được hai bên đàm phán trong một năm qua, với 8 vòng đàm phán khác nhau, nhằm hướng tới mục tiêu cùng phát triển, đôi bên cùng có lợi.
Kế hoạch hành động chiến lược cụ thể của 5 lĩnh vực hợp tác nói trên gồm có một số điểm đáng chú ý như: dự án Ngôi nhà Đức tại thành phố Hồ Chí Minh, xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 tại thành phố Hồ Chí Minh, dự án Ngôi nhà Việt tại Berlin, tiếp tục đối thoại Việt – Đức về nhà nước pháp quyền, các chương trình xử lú nước hải và kinh tế chất thải tại Việt Nam, phát triển đại học Việt – Đức thành một cơ sở nghiên cứu hàng đầu, mở trường dạy nghề bậc cao tại Việt Nam.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Đức Angela Merkel duyệt đội danh dự trong lễ đón bà tại Hà Nội. Ảnh: AFP |
Trong cuộc họp báo chung, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết lãnh đạo hai nước đã có cuộc hội đàm trên tinh thần xây dựng, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, thông báo cho nhau tình hình của hai bên, thảo luận và đi tới thống nhất về Tuyên bố chung Hà Nội. Hai thủ tướng cũng trao đổi về những biện pháp để thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác chiến lược, cùng có lợi.
Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng kết quả hợp tác giữa hai nước vẫn còn chưa tương xứng với mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp lâu năm, vì thế cần phải thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự hợp tác trong tương lai.
Thủ tướng Đức Merkel cho biết bà đã trao đổi với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về hợp tác nhiều mặt, xoay quanh Tuyên bố chung. Bà cho biết sẽ thảo luận về ý tưởng xây dựng một trường đào tạo nghề chất lượng cao ở TP HCM nhằm cung cấp nguồn nhân lực hiệu quả.
Đức hiện là đối tác thương mại trong EU lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch thương mại hai chiều tăng trưởng khoảng 15% mỗi năm, đạt trên 4,1 tỷ USD trong năm 2010, tức là bằng tổng kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và nhiều nước châu Âu khác cộng lại. Theo số liệu của Đức có tính cả sự trung chuyển qua nước thứ ba, kim ngạch song phương thậm chí lên tới 6 tỷ USD. Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, Đức cam kết 400 triệu USD tài trợ phát triển cho Việt Nam.
Thủ tướng Đức Merkel trong cuộc họp báo chung với chủ nhà Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Cộng đồng người Việt Nam lao động và học tập tại Đức hiện có gần 100.000 người, theo số liệu của Văn phòng thống kê Liên bang Đức, và được nước sở tại đánh giá là một cộng đồng tích cực, có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của nước Đức. Ngoài ra, có một số lượng gần tương đương những người Việt Nam từng học tập hoặc làm việc ở Đức nay đã về nước. Đức hiện là nước tích cực nhất trong việc giúp Việt Nam đào tạo tiến sĩ, với khoảng 100 học bổng đào tạo mỗi năm. Những cộng đồng này chính là cầu nối quan trọng làm nên mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước trong suốt 36 năm qua, kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975.
Phan Lê