Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

DẤU HIỆU HÌNH THÀNH TRỤC MỸ-ÔXTRÂYLIA-ẤN ĐỘ

Tài liệu Tham khảo đặc biệt
Thứ hai, ngày 10/10/2011
TTXVN (Xítni 3/10)

Trong bài bình luận đăng trên tờ “Người Ôxtrâylia” gần đây, nhà phân tích Greg Sheridan nhận định Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao – quốc phòng thường niên Mỹ-Ôxtrâylia (AUSMIN 2011) ở San Fransisco ngày 15/9 đánh dấu một điểm mấu chốt mà trong đó Mỹ và Ôxtrâylia bắt đầu tái định nghĩa khu vực của họ không phải là châu Á – Thái Bình Dương, mà là Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đồng thời nhấn mạnh nỗ lực mới của Canbơrơ và Oasinhtơn sẽ đưa Ấn Độ ra khu vực Thái Bình Dương.
Hội nghị AUSMIN 2011, diễn ra vào thời điểm kỉ niệm 60 năm ngày thành lập Khối hiệp ước quân sự Ôxtrâylia-Niu Dilân-Mỹ (AUZUS) với sự tham gia của Ngoại trưởng Kevin Rudd và Ngoại trưởng Quốc phòng Stephen Smith từ Ôxtrâylia và những người đồng cấp Mỹ là Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, đã đưa liên minh Mỹ-Ôxtrâylia vào một địa hạt mới; vào không gian mạng và vào Ấn Độ Dương. Hội nghị này bị chi phối bởi ba công nghệ và ba quốc gia bên ngoài, đó là các công nghệ chiến tranh mạng, tên lửa, vũ khí hạt nhân và ba quốc gia là Trung Quốc, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên.
1/ Việc đưa thêm chiến tranh mạng vào lĩnh vực hợp tác là sự thay đổi quan trọng nhất trong quy mô của liên minh này kể từ khi Niu Dilân rời khỏi ANZUS vào giữa những năm 1980. Trong một thông báo chung về an ninh mạng, Ôxtrâylia và Mỹ tuyên bố: “Trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công mạng mà đe doạ sự toàn vẹn lãnh thổ, sự độc lập chính trị hoặc an ninh của một trong hai nước, Ôxtrâylia và Mỹ sẽ cùng tham khảo ý kiến và quyết định những lựa chọn thích hợp để giải quyết mối đe doạ đó”.
Có hai lý do giải thích tại sao chiến tranh mạng lại được nhắc đến mặc dù các cuộc tấn công mạng, giống như bấy kỳ cuộc tấn công nào khác, đã được đề cập tới trong Hiệp ước ANZUS, đó là nhằm thu hút sự chú ý và tạo khuôn khổ cho sự hợp tác sâu sắc giữa Mỹ-Ôxtrâylia trong vấn đề an ninh mạng. Nhưng điều quan trọng hơn là mong muốn phát đi thông điệp mạnh mẽ nhất có thể, đặc biệt là tới Bắc Kinh. Tác giả của đại đa số các vụ thâm nhập trên mạng mà Mỹ và Ôxtrâylia hứng chịu là Trung Quốc, với Nga là tác giả chưa rõ ràng thứ hai. Mọi người biêt điều này, và có thể thỉnh thoảng thấy những chỉ dẫn về điều đó trong những tài liệu quốc phòng của Mỹ và Ôxtrâylia. Thông báo AUSMIN khiến cho sự đáp lại của đồng minh dễ hiểu và điều đó rất có thể gây ra một phản ứng chính trị từ Bắc Kinh.
Các cuộc tấn công mạng, trong giai đoạn này phần lớn là để đánh cắp thông tin, và chủ yếu được nhằm vào những cơ sở quốc phòng của Mỹ và Ôxtrâylia, nhưng cũng được nhằm vào các thể chế chính phủ, cũng như những công ty mà Trung Quốc quan tâm về mặt chiến lược, nhất là các công ty khai mỏ của Ôxtrâylia.
Tuyên bố về an ninh mạng năm nay tiếp theo việc thành lập một nhóm làm việc về an ninh mạng tại Hội nghị AUSMIN 2010 ở Menbơn. Ôxtrâylia đã thiết lập một mức độ hợp tác tương tự với Anh tại hội nghị ở Xítni mới đây. Các cơ quan lãnh đạo là Cơ quan tình báo điện tử quốc phòng (DSD) ở Canbơrơ, Cơ quan an ninh quốc gia (NSA) ở Mỹ và Cơ quan tình báo viễn thông (GCHQ) ở Anh.
Mỹ và Ôxtrâylia đã tiến hành cuộc diễn tập an ninh mạng cường độ cao. Sự hợp tác kiểu này đòi hỏi mối quan hệ mật thiết và niềm tin lớn nhất. Quan hệ hợp tác tình báo Mỹ-Anh-Ôxtrâylia là tâm điểm của câu lạc bộ tình báo phương Tây. Đây là tình huống mà Mỹ, và ở một chừng mực kém hơn là Ôxtrâylia, đang phát triển các khả năng tấn công trên mạng trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột trên mạng, hoặc một cuộc xung đột nói chung với những khía cạnh trên mạng. An ninh mạng nói chung đã được mở rộng nhiều trong những năm gần đây ở Mỹ, Anh và Ôxtrâylia.
2/ Những lo ngại về công nghệ tên lửa và hạt nhân tại Hội nghị AUSMIN 2011 tập trung vào Bắc Triều Tiên. Cùng với mọi thứ đang diễn ra trên thế giới, Bắc Triều Tiên hiện đang được đưa vào tầm ngắm. Tuy nhiên, những đánh giá của phương Tây về Bình Nhưỡng rất bi quan. Điều này xuất phát từ hai đánh giá. Thứ nhất là Trung Quốc không thực sự giúp đỡ Bắc Triều Tiên, và nhìn lại trước đây, đã không thực sự giúp đỡ trong quá khứ. Bắc Kinh được hưởng quá nhiều lợi ích chiến lược từ hiện trạng với Bắc Triều Tiên. Nước láng giềng khó khăn của Trung Quốc này là một điều gây khó chịu tốn kém đối với Mỹ, một nguồn lực bẩy đối với Bắc Kinh, vốn có thể đề nghị hoặc từ chối giúp đỡ trong các vấn đề Triều Tiên, và tạo ra một vùng đệm lãnh thổ giữa Trung Quốc và đồng minh Hàn Quốc của Mỹ.
Thứ hai, có một sự hiểu biết rộng rãi rằng sự căng thẳng lãnh đạo ở Bình Nhưỡng có thể có những kết quả gây mất ổn định. Kịch bản có thể xảy ra gây lo ngại nhất là một loạt các vụ thử nghiệm tên lửa tầm xa của Bắc Triều Tiên, kết hợp với công việc nhằm thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân đủ để có thể được gắn vào tên lửa. Đây là một mối đe doạ chiến lược và khiến cho Bắc Triều Tiên trở thành một “bên tham gia” nguy hiểm trong vấn đề phổ biến hạt nhân.
Ôxtrâylia gia tăng hợp tác với Mỹ trong phòng thủ tên lửa, bất chấp thuyết của phe Tả trong Công đảng cầm quyền rằng phòng thủ tên lửa là công việc xấu.
3/ Về mặt khái niệm, AUSMIN 2011 chứng kiến một động thái quan trọng hướng tới kỷ nguyên Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương như là sự thay thế cho mô hình châu Á-Thái Bình Dương. Một cuộc đối thoại quan trọng đang diễn ra giữa Canbơrơ và Oasinhtơn ở điểm này. Về cơ bản, Canbơrơ đang đề nghị Oasinhtơn coi toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là một trường hoạt động tích hợp. Điều này một phần là do sự nổi lên của Ấn Độ đang làm thay đổi trọng tâm của khu vực. Nhiều phần của hệ thống Mỹ có cùng quan điểm, nhưng hệ thống Mỹ quá rộng đến nối (thông thường là như vậy) Ôxtrâylia đang đóng một vai trò trong việc tạo ra sự đồng thuận trong tổ chức quân sự/ngoại giao/chính trị của Mỹ.
Báo cáo đánh giá quốc phòng 4 năm một lần của Mỹ hồi năm ngoái đã mô tả Ấn Độ “là một bên cung cấp an ninh thực sự ở Ấn Độ Dương và xa hơn”. Một số thể chế phi chính phủ của Ôxtrâylia đang bắt đầu (tuy hơi chậm) hiểu về tầm quan trọng của sự nổi lên của Ấn Độ. Nhà phân tích Rory Medcalf thuộc Viện chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Xítni vừa mới công bố một nghiên cứu về tương lai của Ôxtrâylia giữa Trung Quốc và Ấn Độ nhằm tìm cách hiểu rõ một vài tác động đó. Viện Lowy đang tài trợ cho một cuộc đối thoại lớn mà họ hy vọng sẽ trở thành phiên bản Ấn Độ của Cuộc đối thoại lãnh đạo Ôxtrâylia-Mỹ. Đồng thời, Viện Ôxtrâylia-Ấn Độ thuộc Đại học Menbơn cũng đang bắt đầu vào cuộc.
Tại cấp độ AUSMIN, tuyên bố chung chính thức kêu gọi có những quan hệ chiến lược sâu sắc hơn giữa Ôxtrâylia, Mỹ và Ấn Độ, hoan nghênh sự can dự của Ấn Độ vào Đông Á và kêu gọi có sự hợp tác lớn hơn với Ấn Độ trong việc cung cấp an ninh trên biển. Đáng chú ý là tuyên bố này được đưa ra chỉ vài tuần sau khi hải quân Trung Quốc đối đầu với tàu INS Airavat của Ấn Độ sau khi tàu này có chuyến thăm tới Việt Nam. Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết biển Nam Trung Hoa (Biển Đông), một tuyên bố mà không có quốc gia biển ở châu Á nào chấp nhận hoặc công nhận. Điều quan trọng là thông báo AUSMIN tuyên bố liên quan đến Biển Đông rằng “cả Mỹ và Ôxtrâylia đều có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải” ở đó.
Hai lập luận mang tính khái niệm lớn của Ôxtrâylia được đưa ra trong bài phát biểu quan trọng của Ngoại trưởng Kevin Rudd tại Quỹ châu Á ở San Francisco. Lập luận thứ nhất là sự định nghĩa khu vực lợi ích của Ôxtrâylia mở rộng từ châu Á-Thái Bình Dương thành Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Ông Rudd nói: “Khu vực mang tính then chốt đối với tương lai của chúng ta giờ đây mở rộng để bao gồm cả Ấn Độ Dương. Cả Mỹ và Ôxtrâylia đều có những lợi ích khi Ấn Độ đóng vai trò của một cường quốc quốc tế lớn. Ấn Độ đang ngày càng hướng Đông cùng với sự quan tâm cả vì những lý do chiến lược lẫn kinh tế và bởi những liên hệ văn hoá lâu đời”. Ông Rudd chỉ ra những nét khác biệt cần thiết giữa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng khi đánh giá về uy thế kinh tế mới của châu Á, ông cho rằng “điều đó diễn ra mà không thể nói Trung Quốc và Ấn Độ là những động lực chính của uy lực mới này”. Do đó, thông điệp là rõ ràng. Ấn Độ đang hình thành là một bên có tầm quan trọng tương tự như Trung Quốc, mặc dù theo quan điểm của Mỹ và Ôxtrâylia là tốt lành hơn. Mọi việc tuỳ thuộc vào Oasinhtơn và Canbơrơ nhằm tối đa hoá đòn bẩy và những liên hệ của họ với Ấn Độ.
Tuy nhiên, ông Rudd cũng có một thông điệp khác gửi tới Mỹ, và đó là tầm quan trọng của sự can dự bền vững và sâu sắc của Mỹ ở châu Á. Ngoài ra, ông Rudd còn thu hút sự chú ý tới một thống kê mà nhiều người Ôxtrâylia có thể thích nhắc tới. Đầu tư tích luỹ hai chiều Mỹ-Ôxtrâylia đạt mức 960 tỉ đôla Úc (AUD), trong khi đầu tư hai chiều Trung Quốc-Ôxtrâylia là 31 tỉ AUD. Trở lại với thông điệp chính của ông Rudd, trong một kỷ nguyên có những điều kiện tài chính cực kỳ căng thẳng ở Mỹ, Oasinhtơn sẽ có những lựa chọn chiến lược đau đớn và ông Rudd nói rằng họ nên đặt cược vào châu Á.
Mong đợi nhiều từ trước khi diễn ra Hội nghị AUSMIN 2011 về những bố trí lực lượng và cam kết mới của Mỹ ở Ôxtrâylia sẽ bị trì hoãn đôi chút, trong khi Mỹ hoàn thành việc xem xét lại sự bố trí lực lượng của mình, và quân đội hai nước Mỹ và Ôxtrâylia tìm ra những lựa chọn tối ưu nhất cho việc gia tăng sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Ôxtrâylia.

Ôxtrâylia, Mỹ củng cố liên minh nhằm đối phó với các mối đe doạ trong tương lai

Theo Hãng truyền thông quốc gia Ôxtrâylia (ABC) ngày 16/9, hợp tác quốc phòng giữa Ôxtrâylia-Mỹ sẽ tiếp tục là vấn đề được quan tâm trong tương lai và một trong những trọng tâm chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ Barack Obama nhân chuyến công du Ôxtrâylia dự kiến vào tháng 11/2011 tới, tiếp theo việc các lãnh đạo hai nước thảo luận kế hoạch tăng cường hợp tác quốc phòng, trong đó có vấn đề an ninh mạng, tại Hội nghị ở San Fransisco ngày 15/9.
Thoả thuận mới về tăng cường hợp tác trong lĩnh vực an ninh mạng được đưa ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, đặc biệt trong lĩnh vực an ninh mạng. Năm 2008, quân đội Mỹ “hứng chịu” một đợt tấn công mạng nghiêm trọng được cho là do cơ quan tình báo Trung Quốc thực hiện, khiến cho toàn bộ hệ thống máy tính tại Bộ Tổng Tư lệnh Mỹ điều hành cuộc chiến tranh Ápganaxtan bị nhiễm virus.
Bộ trưởng Quốc phòng Ôxtrâylia Stephen Smith cho biết an ninh mạng là vấn đề quan tâm chung của các quốc gia bởi nó ảnh hưởng lớn đến lĩnh vực công nghiệp và thương mại. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhấn mạnh đây là một “chiến trường” trong tương lai và việc phối hợp hành động giữa hai nước là rất quan trọng nhằm đối phó với những thách thức đang đe doạ.
Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về việc Ôxtrâylia sẽ cho phép Mỹ tăng cường tập kết các phương tiện và vũ khí tại nước này, đồng thời mở rộng các chương trình huấn luyện quân sự giữa hai nước. Theo ông Kevin Rudd, một trong những nguyên nhân khiến châu Á có sự tăng trưởng nhanh chóng trong thập niên qua là do sự hiện diện của quân đội Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện Mỹ đang tìm cách tăng cường vai trò tại châu Á thông qua mở rộng căn cứ quân sự tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Ôxtrâylia và Mỹ cũng đưa ra một tuyên bố chung, trong đó hai bên cùng phản đối việc sử dụng vũ lực, quân sự và các biện pháp can thiệp khác về mặt kinh tế liên quan đến các tranh chấp ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi bảo đảm tự do hàng hải trong khu vực này.
Theo Giám đốc điều hành Viện Chính sách quốc tế Lowy có trụ sở tại Xítni, ông Michael Wesley, an ninh mạng là một lĩnh vực hợp tác mới giữa Ôxtrâylia và Mỹ và sự hợp tác này là hoàn toàn hợp lý. Một điều thú vị là trong hội nghị AUSMIN lần này, cả Ôxtrâylia và Mỹ đều đưa ra quan điểm rằng các cuộc tấn công trên mạng là hết sức “bình thường”. Tuy nhiên, việc đánh giá mức độ nghiêm trọng của chúng để so sánh với một cuộc tấn công ảo “bình thường” vẫn còn chưa rõ ràng.
Trả lời câu hỏi của ABC liệu việc Ôxtrâylia tăng cường hợp tác về an ninh mạng với Mỹ (quốc gia bị đe doạ nhiều nhất trong lĩnh vực này) có phải là một sự “cân bằng lực lượng” hay không, ông Wesley cho biết trên thực tế, Trung Quốc đang ngày càng nâng cao khả năng tấn công của mình trong thế giới ảo và điều này khiến rất nhiều nước cảnh giác. Hơn nữa, tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Ôxtrâylia và Mỹ, đều quan tâm đến vấn đề an ninh mạng. Điều này được thể hiện thông qua việc nhanh chóng cải thiện khả năng chống đỡ các cuộc tấn công ảo cũng như tự tổ chức các cuộc tấn công ảo hiệu quả.
Một lĩnh vực khác mà Ôxtrâylia và Mỹ tăng cường hợp tác là phòng thủ tên lửa đạn đạo. Bộ trưởng Quốc phòng Smith cho biết, đây là hợp tác mang tính chiến thuật vì, sự phát triển của các hệ thống phóng tên lửa đạn đạo hiện nay có thể tối ưu hoá các loại vũ khí truyền thống để bảo vệ các trung tâm dân cư. Theo ông Wesley, trên thực tế, Ôxtrâylia và Mỹ đã hợp tác trong lĩnh vực phòng không từ một vài năm trước đây. Tuy nhiên, điều thú vị là nó không chỉ đưa Ôxtrâylia gần Mỹ hơn mà còn gần cả các đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Thông qua việc mua hệ thống phòng thủ tên lửa từ Mỹ, Ôxtrâylia đã tham gia hệ thống phòng thủ cấp khu vực cùng với hai nước Bắc Á đó và điều này giúp tăng cường mối quan hệ và hợp tác quốc phòng giữa Ôxtrâylia, Mỹ và các nước khu vực trong tương lai./.