Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

TQ càng hung hăng, Hoa Kỳ-VN-Ấn Độ càng gắn bó

Thanh Quang
 
Theo nhiều chuyên gia thì sự trổi dậy ngày càng hung hăng của Trung Quốc xem chừng như tạo nên nhiều biến chuyển trong mối quan hệ giữa các nước liên quan, tạo điều kiện cho Hoa Kỳ, VN và Ấn Độ gắn bó nhau hơn.
Photo courtesy of Paul Cohn/State Dept
Ngoại trưởng Hillary Clinton nói về mối quan hệ giữa Ấn Độ và Hoa Kỳ tại Thư viện Centenary Anna ở Chennai, Ấn Độ hôm 20 tháng 7 năm 2011

Mỹ từ hòa bình

Hồi tháng rồi, ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc Vụ Viện của Hoa Lục, có viết bài bình luận tựa đề “TQ chọn con đường hòa bình”, mở đầu rằng Bạch thư mà chính phủ TQ phổ biến mới đây chủ đề “Phát triển Hòa bình của TQ” đã tuyên bố với thế giới rằng phát triển hòa bình là sự lựa chọn chiến lược của TQ; Bắc Kinh sẽ hợp tác với các nước khác để xây dựng một thế giới hài hòa hưởng hòa bình dài lâu và cùng phát triển.
Lời lẽ hoa mỹ mà TQ đưa ra là hòa bình và sống hòa hợp hiện chủ yếu vẫn chỉ là mỹ từ công khai mà thôi, nhưng trên thực tế, phải nói chính sách mà Bắc Kinh theo đuổi lại gây hậu quả đáng ngại cho những nước khác.
GS Nick Bisley
Rồi quan chức họ Đới nêu lên câu hỏi rằng có phải tuyên bố phát triển hòa bình của TQ chỉ là lời nói suông không? Và ông tự trả lời rằng “không”, vì theo ông, phát triển hòa bình là cam kết mạnh mẽ của đảng CS, nhà nước và nhân dân TQ. Ông Đới Bỉnh Quốc cũng không quên bày tỏ hy vọng rằng thế giới sẽ hoan nghênh chủ trương phát triển hòa bình của TQ thay vì gây trở ngại.
Nhưng GS Nick Bisley dậy môn Bang giao Quốc Tế tại Đại học La Trope ở Úc nhận xét:
“Rằng lời lẽ hoa mỹ mà TQ đưa ra là hòa bình và sống hòa hợp hiện chủ yếu vẫn chỉ là mỹ từ công khai mà thôi, nhưng trên thực tế, phải nói chính sách mà Bắc Kinh theo đuổi lại gây hậu quả đáng ngại cho những nước khác.”

Giấc mộng bá chủ

trau-ngam-tq-250.jpg
Trung Quốc đưa các loại tàu ngầm tối tân ra biểu diễn nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập CHND Trung Hoa. AFP photo
Qua bài tựa đề “Biển Nam Trung Hoa – tức Biển Đông: Đó không phải là ao nhà của Bắc Kinh”, TS Kim R. Holmes, từng là trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ và hiện là phó Chủ tịch Sáng hội Heritage trụ sở tại thủ đô Washington, nêu lên câu hỏi rằng điều đáng phàn nàn là gì? Theo TS Holmes thì câu trả lời quả thực chỉ đơn giản thôi, đó là việc TQ khẳng định có chủ quyền gần trọn biển Đông. Dù đây không phải là chuyện mới, nhưng vấn đề là Bắc Kinh ngày càng có hành động gây hấn, hung hăng hơn, nhất là đối với VN và Philippines, với mục tiêu hiện giờ của Hoa Lục là muốn làm chủ những vùng biển từ các đảo nhà của Nhật Bản tới Đài Loan, Philippines, Eo biển Malacca, kể cả Biển Đông.
GS Renato Cruz de Castro thuộc Đại học De La Salle ở Philippines cho biết:
“Rằng Trung Quốc muốn chứng tỏ là một cường quốc đang lên và các nước phải tôn trọng điều gọi là quyền cũng như sức mạnh trên biển của họ. Bắc Kinh đang nhắm vào 2 nước VN và Philippines.”
Trung Quốc muốn chứng tỏ là một cường quốc đang lên và các nước phải tôn trọng điều gọi là quyền cũng như sức mạnh trên biển của họ.
GS Renato Cruz de Castro
Theo phân tích của TS Kim Holmes thì để toại nguyện giấc mộng bá chủ vùng lãnh hải bao la như vậy, TQ canh chừng hải quân Hoa Kỳ, ngăn chận tàu Mỹ tới hải phận quốc tế ở Biển Đông. Và nếu đạt được tham vọng đó, Bắc Kinh sẽ gây khó khăn cho hải quân Mỹ và những lực lượng khác tiếp cứu Đài Loan cùng những đồng minh Nhật Bản và Philippines một khi bị TQ tấn công.
Nhưng, TS Kim Holmes nhấn mạnh, Hoa Kỳ không để cho hành động của TQ gây phương hại những cam kết của Washington với những đồng minh của Mỹ, hay Hoa Kỳ sẽ can thiệp để thực hiện quyền di chuyển trong hải phận quốc tế. TS Holmes lưu ý rằng TQ không có quyền tự cho là sở hữu Biển Đông, và Bắc Kinh nên nhớ rằng mọi mưu toan thay đổi luật lệ và biến vùng Biển Đông thành “ao nhà” sẽ gặp phải sự kháng cự của Hoa Kỳ.

Thế kỷ Á Châu của Hoa Kỳ

hillary-clinton-indonesia-21jul2011-200.jpg
NT Hillary Clinton bắt tay BT ngoại giao Phạm Gia Khiêm trong chuyến viếng thăm Indonesia ngày 21-24 tháng 7 năm 2011 để thể hiện cam kết lâu dài của Hoa Kỳ trong khu vực Đông Nam Á. Photo courtesy of State Dept.
Qua bài tạm hiểu là “Nguyên nhân rắc rối ở biển Đông: TQ tiếp tục ngăn chận nỗ lực đa phương giải quyết tranh chấp ở biển Đông”, được tạp chí Asia Wall Street phổ biến, tác giả Barry Wain thuộc Viện Nghiên Cứu ĐNÁ tại Singapore khẳng định rằng nhân tố thực sự kiềm chế được TQ là sự hiện diện của Hải quân Hoa Kỳ, cùng nhu cầu ổn định mối quan hệ Mỹ-Trung.
Ký giả Barry Wain cho biết Hoa Kỳ đã can thiệp trong cuộc tranh chấp ở Biển Đông theo yêu cầu của các nước ASEAN. Hồi năm ngoái, sau khi có sự thôi thúc của VN và những nước khác ở ĐNÁ, các viên chức Mỹ bắt đầu lên tiếng khiến TQ bực tức; chẳng hạn như việc Ngoại trưởng Hillary Clinton tuyên bố thẳng tại diễn Đàn ASEAN Cấp Vùng rằng tự do đi lại ở Biển Đông là “quyền lợi quốc gia” của Mỹ, và bà khuyến khích các nước tranh chấp lãnh hải trong khu vực hãy thỏa thuận về quy tắc hành xử ở Biển Đông.
Cách đây chưa đầy 2 tuần, Ngoại trưởng Clinton viết bài tựa đề tạm hiểu là “Thế Kỷ hướng về Thái Bình Dương của Mỹ” được tạp chí Chính sách Ngoại giao ở Washington phổ biến, qua đó, bà tuyên bố rằng “Tương lai chính trị sẽ được quyết định tại Á Châu, chứ không phải ở Afghanistan hay Iraq, mà qua đó, Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò trọng tâm”. Ngoại trưởng Hoa Kỳ không quên đặc biệt lưu ý rằng “TQ hiện là một trong những mối quan hệ song phương nhiều thách thức nhất mà Hoa Kỳ phải ứng phó”. Nhưng, theo bà Clinton, vấn đề tùy thuộc hai nước thực sự chuyển lời nói thành hành động hợp tác thiết thực, và nhất là đáp ứng trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế.
Ngoại trưởng Mỹ cũng lưu ý rằng Hoa Kỳ đang hướng tới việc hợp tác trọn vẹn với các tổ chức trong khu vực, từ Hiệp Hội Các Quốc Gia Đông Nam Á ASEAN, Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Á Châu-TBD APEC, cho tới Thượng đỉnh Đông Á.
Qua bài tựa đề “Lừa bịp khiến dẫn tới khủng hoảng”, Giáo sư Hugh White thuộc Đại Học Quốc Gia Úc cảnh báo rằng vấn đề Biển Đông hiện giờ đã vượt khỏi phạm vi những hòn đảo tranh chấp hay thậm chí nguồn dầu khí có thể phong phú ở đó, để đi tới nguy cơ là sự kình chống nhau ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và TQ về ai ở thế bá chủ tại Á Châu.
Tương lai chính trị sẽ được quyết định tại Á Châu, chứ không phải ở Afghanistan hay Iraq, mà qua đó, Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò trọng tâm.
NT Hillary Clinton
Giáo sư Hugh White quan ngại rằng trừ phi 2 cường quốc Mỹ-Trung hết sức kiềm chế, nếu không thì chỉ cần một vụ va chạm nhỏ tại vùng Hoàng Sa cũng có thể phương hại tới mối quan hệ song phương, và đưa cả Á Châu vào cuộc khủng hoảng.
GS Hugh White nhân tiện nêu lên câu hỏi rằng tại sao TQ có hành động gây hấn như vậy? Và ông tự trả lời rằng rủi thay, câu trả lời hữu lý nhất – cũng gây quan ngại nhất – là Bắc Kinh hiện cảm thấy đủ mạnh để hành động, mà việc khẳng định chủ quyền gần trọn Biển Đông chỉ là một phần của nhiều hành động táo bạo hơn từ Hoa Lục xem chừng như trực tiếp và cố ý thách thức vị thế của Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Kể từ năm ngoái, Washington đã áp dụng những biện pháp cụ thể để ứng phó với sự thách thức đó của Bắc Kinh, kể cả việc ủng hộ VN và Philippines – 2 tiểu quốc đang bị TQ chiếu cố nhiều nhất.
Qua bài tựa đề “VN đón nhận cựu thù” được tờ New York Times phổ biến hồi cuối tháng Tám vừa rồi, bình luận gia Albert R. Hunt cho biết những nhà hoạch định chính sách Mỹ, vốn lo ngại về sự hung hăng gây hấn của một nước TQ ngày càng tự tin, muốn liên minh nhiều hơn với VN, giữa lúc VN, dù trải qua nỗi đau chiến tranh nhiều hơn Mỹ, hiện đã dang tay chào đón cựu thù Hoa Kỳ.
Hồi năm ngoái, nhân khi VN giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, Hà Nội ra sức vận động ngoại giao nhằm ứng phó hành động lấn lướt từ phương Bắc, và được Hoa Kỳ hậu thuẫn đáng kể. Chính mối quan ngại chiến lược đã thôi thúc VN vượt qua những dè dặt trước đó để mở rộng vòng tay hơn “ôm lấy” cựu thù Hoa Kỳ.
Một viên chức Ngũ Giác Đài, Trung tá Leslie Hull-Ryde, cũng nhận thấy như vậy khi nói rằng Hoa Kỳ và VN tiếp tục phát triển đáng kể mối quan hệ quốc phòng.

Trục VN-Hoa Kỳ-Ấn Độ

truong-tan-sang-indian-pm-12oct2011-250.jpg
Chủ tịch nước VN Trương Tấn Sang (T) bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Manmmohan Singh khi ông sang thăm New Delhi vào ngày 12 Tháng 10 năm 2011. AFP photo.
Qua bài “Quyền lợi chiến lược tại Vịnh Cam Ranh”, cây bút Robert Karniol chuyên về các vấn đề quốc phòng nhận định rằng VN, với lịch sử nhiều bất hạnh, đã từng theo đuổi sách lược “3 không”: không chấp nhận cho ngoại quốc đặt căn cứ, không liên minh chính thức với nước nào và không cho nước này dùng VN để tấn công nước kia. Nhưng, vẫn theo tác giả, hiện giờ, hành động của TQ tại Biển Đông có thể làm cho VN đổi ý.
Trong chiều hướng đó, ngoài việc xúc tiến hợp tác quốc phòng với Mỹ, VN trong thời gian gần đây xem chừng như cũng gia tăng hợp tác với Ấn Độ, thể hiện qua diễn biến mới nhất là chuyến du Ấn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
Bài “Trục Ấn Độ-VN” của GS Harsh V. Pant chuyên về quốc phòng, thuộc đại học King’s College ở Luân Đôn mở đầu rằng New Đề Li xem Hà Nội có thể đối trọng với Bắc Kinh cũng như Bắc Kinh xem Islamabad đối trọng với New Đề Li.
GS Harsh Pant nhắc lại thời điểm Ấn Độ hình thành chính sách “Hướng Đông” hồi đầu năm 1991 để khai thác sự tăng trưởng kinh tế của Đông Á, nhưng sự trổi dậy của TQ khiến mối quan hệ Việt Nam-Ấn Độ hướng tới tầm mức chiến lược mạnh mẽ - nếu không muốn nói là khẩn cấp.
Theo GS Harsh Pant thì mối quan tâm kiên định của New Đề Li đối với VN là trong lãnh vực quốc phòng, và Ấn muốn xây dựng mối quan hệ với những nước như VN để có thể đối trọng với TQ. Với ý định đó, Ấn Độ đang giúp Hà Nội tăng cường khả năng hải và không quân.
GS Harsh Pant nhận thấy hai nước Việt-Ấn có thể chia sẻ một nước bạn chung – là Hoa Kỳ. New Đề Li đã xây dựng dần mối giao hảo với Mỹ trong một thập niên nay trong khi VN cũng đang “ve vãn” Hoa Kỳ trong bối cảnh Biển Đông căng thẳng.
GS Harsh Pant cho rằng giữa lúc VN, Ấn Độ, Hoa Kỳ đang nghĩ cách ứng phó sự trổi dậy của TQ, thì 3 nước này hẳn sẽ gắn bó nhau hơn.