Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

Chế độ Kadhafi cáo chung, Tây phương tăng sức ép lên Syria

Tú Anh

Sau khi góp phần giúp đối lập Lybia chiến thắng, các quốc gia Tây phương tập trung áp lực vào những chế độ chuyên chế còn lại trong khu vực, và hy vọng thuyết phục Bắc Kinh và Maxcơva ngưng ủng hộ nhà độc tài Bachir al-Assad. Cái chết của Kadhafi đã làm cho phong trào phản kháng tại Syria và tại Yemen tăng niềm tin.
Kadhafi bị lật đổ : phong trào nổi dậy ở Syria tăng niềm tin (Reuters)
Kadhafi bị lật đổ : phong trào nổi dậy ở Syria tăng niềm tin (Reuters)

Sự cáo chung của chế độ Tripoli và cái chết của đại tá Kadhafi cùng với ba trong số bốn người con trai của nhà độc tài sau 42 năm thống trị, sẽ làm cho tình hình trong khối Ả Rập sang trang. Theo giới phân tích, các nước Tây phương sẽ tập trung sức ép vào Yemen và nhất là Syria.
Hôm qua, 21/10/2011, tại New York, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhất trí thông qua một nghị quyết do Anh, Pháp, Mỹ, Đức bảo trợ, kêu gọi tổng thống Saleh của Yemen ra đi để bảo toàn tánh mạng.
Trong khi đó tại Syria, cuộc đàn áp trong ngày cầu nguyện hôm qua làm 19 người chết nhưng chỉ làm dân chúng quyết tâm hơn. Họ thề nguyện là sẽ lật đổ chế độ của tổng thống cha truyền con nối Bachir al-Assad và nhà độc tài này sẽ chịu số phận tương tự như đại tá Kadhafi.
Theo chuyên gia Jean-Yves Moisseron, thuộc Viện nghiên cứu vì phát triển tại Paris, chế độ Damas sẽ không tồn tại lâu dài vì quyết tâm của dân chúng muốn kết thúc một thời kỳ hung bạo kéo dài quá lâu và vì chính quyền đã mất hết tính chính đáng. Đây cũng là hai điểm chung giữa chế độ Kadhafi và chế độ của dòng họ al-Assad.
Để đáp lại nguyện vọng đòi dân chủ hóa chính trị và cân bằng xã hội, chính quyền Damas đã sử dụng quân đội, xe tăng, tàu chiến rối đến thành phần « dân quân côn đồ » để trấn áp. Theo thẩm định của Liên Hiệp Quốc, số nạn nhân tử vong đã lên đến 3000 kể từ tháng 3 đến nay.
Theo nhận định của ông Pascal Boniface, giám đốc Viện quan hệ quốc tế Paris, chính quyền Syria nghĩ rằng họ có đủ thời giờ tiêu diệt đối lập trong lúc Tây phương còn đang bận tâm giải quyết tình hình Libya. Nhưng bây giờ Lybia đã xong, cộng đồng quốc tế sẽ tập trung nhìn về Syria. 
« Thuyết phục Trung Quốc » 
Vấn đề là Bachir al-Assad có thể tiếp tục được Nga và Trung Quốc bảo vệ hay không ? Một nhà ngoại giao Tây phương tin rằng Nga và Trung Quốc sẽ bị áp lực nhiều hơn và không thể lẫn tránh trách nhiệm của một đại cường trong hồ sơ quốc tế này.
Cũng theo chuyên gia Pascal Boniface, Nga và Trung Quốc cho là họ bị Tây phương đánh lừa, biến mục tiêu của nghị quyết 1973 « bảo vệ thường dân Libya » thành « ủng hộ lực lượng nổi dậy » cho nên họ dè dặt trước mọi sáng kiến trừng phạt Syria. 
Thật ra, theo nhà nghiên cứu chiến lược Pháp này thì cả Bắc Kinh lẫn Maxcơva đều không có lý do sinh tử để bảo vệ chế độ Damas bằng mọi giá.
Ngoại trưởng Pháp Alain Juppé, hôm nay 22/10/2011, đang có mặt tại Bắc Kinh sẽ tìm cách thuyết phục chính quyền Trung Quốc đừng chống lại một nghị quyết cứng rắn đối với Syria.
Phụ tá phát ngôn viên của bộ ngoại giao Pháp, Romain Nadal, cho biết Paris sẽ nhắc nhở đối tác Trung Quốc là cộng đồng quốc tế cần phải gởi một « thông điệp rõ ràng » tới Damas là phải « chấm dứt đàn áp ».
Theo giới quan sát,  Tây phương có thể thuyết phục Trung Quốc và Nga bằng quyền lợi kinh tế. Phải làm cho chính quyền hai nước này cảm thấy rằng họ có thể đặt chân trở lại Libya thời hậu Kadhafi và không cảm thấy bị thua thiệt trong tiến trình dân chủ hóa tại địa bàn có nhiều dầu hỏa này.
Hiện còn khá sớm để có thể biết được giới lãnh đạo Bắc Kinh rút tỉa bài học như thế nào, có chuyển hướng hay không trước hình ảnh thi hài Kadhafi đẫm máu và thái độ vui mừng của người dân Libya được giải phóng.
http://www.viet.rfi.fr/