Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Phản biện về mối lo “TQ khống chế văn hóa VN"

Văn Hóa Việt Nam là tổng hợp của nhiều nền văn hóa Á đông và Tây Phương - thấm nhuần văn hóa Trung Quốc mà không sợ bị Hán hóa và vẫn độc lập. Không sợ mất gốc.
AFP photo
Phố thư pháp ở Hà Nội trước Tết Nguyên Đán 2010.
Trong bài ngày 21 tháng 9,2011 trên đài Radio Free Asia, nhà báo Mặc Lâm nêu vấn đề là một số người có mối lo Trung quốc khống chế văn hóa Việt Nam qua sự an phận với định kiến là 4 ngàn năm văn hiến của ta cũng xuất phát từ Tàu, qua các sự kiện như kiến trúc chùa chiền, lâu dài, phim ảnh, tiểu thuyết, đồ chơi trẻ em là phỏng theo hay xài đồ Tàu. Những người đó cũng phiền là chưa có một phản biện đúng đắn của các nhà nghiên cứu đáp lại mối lo này.
Nay chúng tôi xin tóm lược mấy điểm để gọi là đóng góp ý kiến phản biện, hầu củng cố niềm tin dân tộc vào nền văn hóa Việt Nam, đồng thời trả lời mấy câu mà các nhà văn hoá thường đặt ra trong vấn đề sợ mất văn hóa Việt nam vì Hán hóa như : phần văn hóa nào là Tàu hay Việt? phần văn hóa nào là bác học hay bình dân? cái nào là ngoại quốc hay bản địa ?
Chúng tôi xin đóng góp mấy nhận xét về khả năng tổng hợp nhiều văn hóa của người Việt, rồi sẽ thêm vài câu về mấy điểm mà nhà báo Mặc Lâm của Radio Free Asia có đặt ra.

Không sợ Hán hóa

Đây là sự hấp thụ đa văn hóa (ecclecticism) của người Việt Nam, thâu về một mối Văn hóa Á Đông và Văn hóa Tây Phương.
A. Văn hoá Á Đông, gồm hai thành tố như sau (nói theo Đào Duy Anh, VN Văn Hoá Sử Cương, và các sự mô tả của các học giả Âu Mỹ về văn hoá Trung Hoa và Việt Nam, indigenous culture và higher culture)
1. Một thành phần văn hóa dân gian Viêt Nam (còn được gọi là văn hóa bình dân hay bản địa Việt), phản ảnh trong các câu ca dao tục ngữ diễn tả phong tục tập quán người Việt ;
2. Một thành phần văn hóa bác học, phản ảnh trong các học thuyết và sinh hoạt xã hội và chính trị theo Nho học, nhập cảng từ Trung Quốc, và Phật giáo, từ Ấn Dộ và Trung Quốc. Nhưng Nho học và Phật học, khi nhập cảng vào VN, cũng được Việt hoá (có người dùng chữ Việt Nho và Việt Phật)—cho nên không có sự lo ngại người Việt bị Hán Hoá, vì tinh thần độc lập, tự chủ của Người Việt qua mấy ngàn năm.
Truyện Kiều là chuyện xảy ra trong xã hội Tàu thời Nhà Minh (“Rằng năm Gia Tĩnh Triều Minh, Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng”), nhưng Nguyền Du đã Việt hóa bằng lời thơ thuần tuý Việt Nam. Nho học ảnh hưởng đến sinh hoạt xã hội và hệ thống chính trị và luật pháp Việt Nam, nhưng đã có những sự thích ứng cho Việt Nam (Xin xem bài Confucianism in Vietnam: rule by law and rule of law” của Tạ Văn Tài trong website www.taivanta.com, cũng đã xuất bản trong Tạp chí Vietnam Social Sciences, số 1 và 3,2009). Việc Việt Nam nhận là smaller dragon, rồng nhỏ, so với bigger dragon, rồng lớn (tức Trung Quốc) không có gì phải ngượng ngùng, vì các nguyên tắc trị quốc và sinh hoạt xã hội của Khổng học như cần kiệm liêm chính, nhân nghĩa lễ trí tín, cách tuyển lựa các viên chức cầm quyền qua thi cử, tức là qua một hệ thống tuyển lựa bình đẳng các tài năng ra giúp xã hội (merit system), đã là động lực rất tốt cho sự thành công của các quốc gia “con hổ” (tigers) ở Á Đông như Đại hàn, Đài Loan, Singapore.
B. Văn Hóa Tây Phương, do 80 năm dưới sự cai trị của Pháp và 20 năm ảnh hưởng của Mỹ và Liên Xô. Tư tưởng chính trị, xã hội của Pháp nói riêng và của Tây Âu nói chung, của Cách Mạng Pháp (tư tương  dân chủ, liberté/tự do, egalité/bình đẳng, fraternité/huynh đệ), của các áng văn chương và kiến thức khoa học, học thuật Tây Âu đã ảnh hưởng sâu xa đến xã hội VN (thí dụ phong trào Tây học, cải cách xã hội, Tự Lực Văn Đoàn). Ảnh hưởng của Mỹ là tiếp tục các cách tổ chúc xã hội Tây Phương và tinh thần doanh thương và thực dụng.
C. Không có chuyện xung đột các nền văn minh (clash of civilizations) tại Việt nam, mà giáo sư Harvard Huntington đã sợ rằng sẽ sảy ra với xã hội Hồi giáo chẳng hạn— mà cũng không có khuynh hướng Hán hoá (như người gốc Ấn Độ sợ xảy ra khi họ sống tại Singapore hay Mã Lai), hay Tây hoá (như người Phi luật Tân) vì khả năng Việt hoá của Người Việt khi tiếp xúc với các văn hóa nhập cảng, vì người Việt hội nhập các văn hoá ngoại quốc vào trong sinh hoạt của đân tộc.
Trừ văn hóa  tây phương Mac-Lê tàn (đấu tranh tiêu diệt giai cấp, bạo lực chuyên chế) thì chắc người Việt Nam không chấp nhận nữa.
Và chính khả năng hội nhập các văn hoá nhập cảng mà không mất cá tính dân tộc cho nên người Việt đã giữ được nền độc lập dân tộc, và toàn vẹn lãnh thổ, sau 1000 năm Tàu đô hộ và 100 năm Pháp cai trị.  Chẳng khác người Mỹ cùng văn hoá với nguời Anh mà độc lập khỏi Anh.

Về mấy điểm nhà báo Mặc Lâm RFA nêu ra

Do-choi-Trung-thu-250-rfa.jpg
Một tiệm bán đồ chơi trẻ em ở Hà Nội toàn hàng TQ. RFA photo
1) Đồ chơi trẻ em phần lớn làm ở Tàu. Đây là vấn đề ngoại thương, sản xuất giá rẻ để tràn ngập thị trường kiếm lời, chứ không phải xâm nhập văn hóa, mà ngay ở Mỹ cũng bị tràn ngập hàng Tàu, mà có ai ở Mỹ sợ về mặt thua văn hóa đâu?—trái lại họ đánh trúng nhược điểm hàng Tàu và  thông báo ra cho quần chúng biết rõ trong đồ chơi Tàu có các chất độc sơn chì và sắt, hay kiểu mẫu nguy hiểm cho trẻ (trẻ dễ nuốt), và cũng kêu gọi dân trở lại mua các đồ chơi lành mạnh, bằng gỗ chẳng hạn, sản xuất ở Mỹ và dân Mỹ đã bắt đầu gây lại thế cờ bằng chiến dịch mua hàng Mỹ (Buy American). Việt Nam có thể làm tương tự như vậy mà không sợ hàng Tàu tràn ngập.
2) Các kiến trúc chùa chiền giống Tàu. Sự bắt chước kèm theo thêm đặc diểm Việt Nam vào đó (thí dụ như mái chùa không cong kiểu Tàu và có con rồng VN), thì cũng bảo vệ văn hóa kiến trúc VN, y như là các công thự lớn ở Mỹ có các kiểu cột cao, mái tròn domes, gác chuông giống Cổ Hy Lạp, La Mã, hay Âu châu khác (Gothic chẳng hạn) không làm ngươì Mỹ sợ mất văn hóa Mỹ?
3) Phim Tàu tràn ngập thì sao? Phim chưởng diễn lại các tiểu thuyết Kim Dung ở miền Nam VN truớc đây có làm dân say mê nhưng cũng chẳng làm ai sợ bị Hán hóa, vì giải trí theo phim truyện Tàu , rồi trở lại cuộc sống Việt Nam hàng ngày, thì không có nghĩa họ sẽ theo văn hóa Tàu. Ông Nguyễn cao Kỳ tự ví mình với Trương Vô Kỵ trong truyện Cô Gái Đồ Long của Kim Dung, và vài ông bộ trưởng của ông như bộ trưởng tài chánh cũng thích đọc và nói chuyện về tiểu thuyết Kim Dung, và giáo sư Nguyễn Ngọc Huy viết cả một cuốn sách về ý nghĩa chính trị trong tiểu thuyết Kim Dung, mà họ có lo bị Hán hóa đâu? Việc xem phim Tàu tại Việt Nam bây giờ cũng sẽ không làm cho dân Việt nam theo văn hóa Tàu. Họ còn nhạo báng cái nét văn hóa Tàu trong phim, nó khác văn hóa Việt nam, thí dụ trẻ em chào người lớn đến nhà mình, thì thay vì nói “con (hay cháu) lạy bác ạ!” thì nhà làm phim theo truyện Tàu để đứa trẻ trong phim nói : “xin bảo trọng!”, rất là ngây ngô, phi văn hóa Việt, làm người xem cười chế diễu sản phẩm văn hóa “lai Tàu” này.
4) Chỉ riêng sự thoái vị hay đầu hàng văn hóa của cán bộ nào đã cho người Tàu đấu thầu văn hóa việc làm phim lịch sử Lý Công Uẩn, khiến người Tàu bẻ quẹo lịch sử Việt Nam, thì đó mới là tội phản quốc về văn hóa. Nhưng thiết nghĩ cuốn phim đó cũng sẽ bị người dân sáng suốt và ái quốc tẩy chay và sẽ thành một phim thất bại, ít ăn khách, bị xếp xó ngay, chẳng có ảnh hưỏng văn hóa lâu dài gì.