Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

Chính sách liên minh của Việt Nam

Những diễn biến dồn dập gần đây cho thấy Việt Nam ngày một thành công hơn trong nỗ lực vận động các nước nối kết với mình qua các chuyến công du của lãnh đạo cao nhất nước.
AFP photo
Trung tướng Đỗ Bá Tỵ -Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam (thứ 5 từ bên trái) với lãnh đạo hải quân các nước khu vực Đông Nam Á họp tại Hà Nội vào ngày 27 tháng 7 năm 2011.

Đường lối ngoại giao ...

Khi Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng công du Trung Quốc song song với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang viếng thăm Ấn Độ thì thế cờ Biển Đông cách nào đó đang nặng về phía Trung Quốc bỗng chệch dần về phương Nam một ít. Giới quan sát quốc tế từ Tây phương tới Đông nam Á đều cùng đồng ý rằng Ấn Độ là đối trọng hợp lý nhất mà Việt Nam chọn lựa trong thế cân bằng với áp lực Trung Quốc ngày một đè nặng lên vùng biển tranh chấp.
Ấn Độ không nhường bước trước những hăm dọa của Trung Quốc như với các nước phương Tây khác khi quyền lợi kinh tế của họ bị Trung Quốc đem ra mặc cả. Nhiều tập đoàn dầu khí Tây phương nhượng bộ Trung Quốc khi ngưng khai thác các giếng thuộc chủ quyền Việt Nam để lãnh những gói thầu lớn hơn từ Trung Quốc cộng với các quyền lợi kinh tế khác là đòn mà Trung Quốc đánh trí mạng vào kinh tế lẫn chủ quyền Việt Nam. Cho tới khi Ấn Độ ngang nhiên chống lại những tuyên bố vô lý của Bắc Kinh thì chừng như Trung Quốc hiểu rằng không phải cứ lớn tiếng hăm dọa thì nước nào cũng nhịn nhục mình.
Việt Nam đã chủ động hơn khi công khai liên tiếp kết hợp những hội nghị, công du hay hợp tác với nhiều nước trong khu vực. Sau Ấn Độ là Nhật Bản, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh đạt được những thỏa thuận hợp tác quốc phòng với Nhật không phải là chuyện ngoại giao mà là một đối sách có tính chiến lược khi hiểu rằng ngoài Philippines, thì Nhật là nước có hoàn cảnh giống với Việt Nam nhất khi phải liên tục đối phó với Trung Quốc về chủ quyền biển đảo.
Bước sắp tới nữa là Việt Nam nên hợp tác nhiều hơn nữa với các nước, đặc biệt là Mỹ bởi vì thế lực quân sự của Mỹ trên thế giới này đáng kể hơn cả.
Nhà báo Ngô Nhân Dụng
Rõ ràng là Nhật không thể cung cấp vũ khí cho Việt Nam vì bản hiến pháp nước này ràng buộc ngặt nghèo không cho phát triển quốc phòng nhưng khi có biến thì Nhật sẽ không bó tay chờ Trung Quốc thanh toán mình bằng những phương tiện chiến tranh, vì dù sao thì Nhật cũng đang sở hữu một lực lượng hải quân hùng hậu nhất châu Á.
Nếu Việt Nam tạo được thế liên minh các nước trong tinh thần cùng gìn giữ an ninh trong khu vực thì Nhật cũng tự biết sẽ phải làm gì trước sự hùng mạnh lên của Trung Quốc.
Nhật Bản sẽ cùng các nước tạo thế cân bằng sức mạnh quân sự qua các hỗ trợ kinh nghiệm quốc phòng hay chia sẻ thông tin và nhất là tạo một niềm tin cho các quốc gia nhược tiểu có lẽ là điều thiết yếu trong lúc này khi mà Trung Quốc luôn tận dụng chính sách kinh tế đi kèm với quân sự để đè ép các nước trong vùng đặc biệt là Việt Nam và Philippines.
Cùng bị chèn ép như Việt Nam nhưng Manila tỏ ra linh hoạt và cứng rắn hơn Hà Nội rất nhiều. Không những sẵn sàng chọn lựa biện pháp vũ lực nếu bị tấn công, Manila còn công khai cho thấy hiệp ước hỗ trợ quân sự năm 1951 giữa nước này với Washington vẫn còn hiệu lực và Hoa kỳ cũng công khai thừa nhận điều này như một quỹ bảo hiểm cho bất cứ những manh động nào từ Trung Quốc.

... và quân sự

Chuyến viếng thăm Manila sắp tới của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang không những giải quyết những băn khoăn của Manila về tuyên bố chung 6 điểm Việt Trung mà ông Sang còn được kỳ vọng là chiếc gạch nối nhằm tạo thế liên lập giữa các nước nhỏ với nhau trong một không gian địa chính trị gắn bó mật thiết nhằm vô hiệu hóa kế hoạch bẻ đũa từng chiếc của Trung Quốc.
000_Hkg5492173-250.jpg
Hải quân VN xem mô hình "Trường Sa Lớn" tại buổi lễ kỷ niệm ngày thành lập "Đường mòn HCM trên biển" hôm 21/10/2011. AFP photo
Do thế nước yếu nên Việt Nam đã chuẩn bị rất nhiều kế hoạch cho việc tự vệ của mình với những vận động xin mua các loại vũ khí tối tân khác từ Ấn và Nga. Nhà báo Ngô Nhân Dụng, cây bỉnh bút thời sự của nhiều tờ báo lớn tại hải ngoại cho biết:
"Ngoài cái việc ông Phùng Quang Thanh nói chuyện với người Nhật về vấn đề hỗ tương về quốc phòng thì chúng ta còn biết chính phủ Việt Nam đã mua những hỏa tiễn của Ấn Độ hợp tác với Nga sản xuất điều đó cho thấy rằng Việt Nam đã đi theo con đường là phải hợp tác với nhiều quốc gia châu Á. Bước sắp tới nữa là Việt Nam nên hợp tác nhiều hơn nữa với các nước, đặc biệt là Mỹ bởi vì thế lực quân sự của Mỹ trên thế giới này đáng kể hơn cả.
Nước Nhật dù sao cũng bị hạn chế về hiến pháp hòa bình, không cho phép nước Nhật có quân đội, không cho phép Nhật có hải quân. Nếu trông cậy vào Ấn Độ và Nhật trong việc mua khí giới là điều tốt nhưng nước Mỹ là nước sẵn sàng cung cấp vũ khí cho những nước nhỏ để họ tự vệ."
Ngoài cái việc ông Phùng Quang Thanh nói chuyện với người Nhật về vấn đề hỗ tương về quốc phòng thì chúng ta còn biết chính phủ Việt Nam đã mua những hỏa tiễn của Ấn Độ hợp tác với Nga sản xuất
Nhà báo Ngô Nhân Dụng
Tuy nhiên yếu tố Hoa Kỳ mới chính là niềm tin của các nước châu Á, trong đó Việt Nam không thể không tính tới mặc dù danh xưng Xã Hội Chủ Nghĩa của Hà Nội vẫn đang là trở ngại cho những tiến độ nhằm gần hơn với thế giới. Sự trở lại lần này của Hoa Kỳ có tính bền vững hơn so với những đánh giá hời hợt như trước đây khi người ta cho rằng tổ chức ASEAN chưa đủ lớn để Hoa kỳ hướng tới. Kinh tế và triển vọng vươn lên của ASEAN tuy đã được Hoa kỳ đánh giá cao nhưng đến khi các vụ tranh chấp Biển Đông ngày một nặng nề hơn thì Washington nhận ra rằng quyền lợi lẫn quyền lực của mình đã bị Trung Quốc thách thức.
Khi tuyên bố Biển Đông là quyền lợi quốc gia, một cách chơi chữ đối với tuyên bố lợi ích cốt lõi của Trung Quốc, Ngoại trưởng Hillary Clinton cho thấy thái độ dứt khoát của Mỹ và phía sau tuyên bố ấy là một nước Mỹ đủ mạnh để khống chế mọi quyết sách quân sự của Trung Quốc chứ không phải là lời nói suông nhằm làm yên tâm những đồng minh của Mỹ.

Đồng minh Hoa Kỳ

Trong thông điệp nói về chính sách của Hoa Kỳ đối với Châu Á Thái Bình Dương, Ngoại trưởng Hillary một lần nữa cho thấy Hoa Kỳ xem khu vực này là trọng tâm như thế nào đối với chính sách mới mà Nhà Trắng hứa theo đuổi:
hilary-pgkhiem-state-250.jpg
NT Hillary Clinton và BT Phạm Gia Khiêm trong ngày kỷ niệm 15 bình thường hóa quan hệ Mỹ-Việt tại Hà Nội hôm 22/7/2010. Photo courtesy of state.gov
"Tôi rất tự tin cũng như chúng ta sẽ nói với các nước châu Á rằng chúng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới và sẵn sàng chọn lựa những khó khăn nhất để giữ lời hứa với đồng minh của chúng ta."
Bà Hillary cũng khẳng định Hoa kỳ sẽ bảo vệ vùng biển Malacca như tuyến đường huyết mạch bằng sức mạnh hiện có của hải quân Mỹ hiện diện trong vùng. Singapore sẽ là vọng gác tiền tiêu được Hoa kỳ hỗ trợ cho các hoạt động mà chính nước này cũng rất bất ngờ. Trước những động thái này nhà báo Ngô Nhân Dụng cho biết nhận xét của ông:
"Việt Nam tự nhiên thấy rằng mình có thể yên tâm hơn khi mình không bị những nước khác đe dọa vùng Biển Đông của mình, trong đó có lẽ Trung Quốc là nước tiêu biểu nhất. Tôi nghĩ là trong trường hợp này chính phủ Việt Nam nên bày tỏ lời hoan nghênh sự hiện diện của quân đội Mỹ. Đệ Thất Hạm đội mỹ ở vùng Malacca vì đó là con đường huyết mạch chuyên chở đến 80% dầu lửa và khí đốt nhập cảng cho các nước Trung Quốc, Nhật Bản hay Đài Loan. Việt Nam cũng nên bày tỏ ý kiến là mình cũng sẵn sàng đứng ra bảo vệ an ninh của vùng biển đó và trong đó có cả an ninh của chính mình."
Ông Đới Bỉnh Quốc mới đây đã làm dịu tình hình căng thẳng khi thấy rằng Trung Quốc có triển vọng bị cô lập qua tuyên bố chung sống và giải quyết các vụ việc trong tinh thần hòa bình. Tuyên bố của một nhân vật sắp nhận trọng trách đứng đầu hơn một tỷ dân chắc không thể là một tuyên bố suông. Dù cho thế nào thì Trung Quốc vẫn còn rất nhiều việc phải làm nhất là cần thời gian để tự trang bị thêm sức mạnh cho mình trước khi tính tới chuyện phải đối đầu gần như phân nửa thế giới hợp lại khi phát động một cuộc chiến chưa biết ai sẽ thắng ai.
Ông Lê Ngọc Thống một cây viết phân tích quân sự từ trong nước cho biết nhận xét của ông về viễn ảnh một cuộc tấn công của Trung Quốc nếu có:
Tôi rất tự tin cũng như chúng ta sẽ nói với các nước châu Á rằng chúng ta sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới và sẵn sàng chọn lựa những khó khăn nhất để giữ lời hứa với đồng minh của chúng ta."
NT. Hillary Clinton
"Thật ra thì cái điều này khó xảy ra lắm vì nó không đem lại cái lợi ích toàn cầu của Trung Quốc bao nhiêu cả. Thứ hai nữa chừng nào Trung Quốc đến mức coi thế giới không ra gì thì mới làm như thế. Tuy nhiên khi có xảy ra thì từ thực tiễn của năm 1979 bài học kinh nghiệm cho Việt Nam là không để bị bất ngờ và theo tôi sự đối phó với Việt Nam là không để bị bất ngờ."
Không ai muốn chiến tranh là lẽ thường nhưng khi có chiến tranh xảy ra thì không nước nào muốn mình thất bại. Để đạt được điều tưởng chừng như đơn giản này Việt Nam hơn ai hết rất cần rút lấy kinh nghiệm của cha ông trước khi tin vào các lời hứa của người láng giềng chưa bao giờ giữ lời hứa của họ trong hàng ngàn năm qua, trong đó có lời hứa mới nhất của ông Đới Bỉnh Quốc mà nhiều nước chưa có kinh nghiệm với Trung Quốc đã tỏ ra yên tâm.