Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Lời lẽ hiếu chiến của Trung Quốc về Biển Đông bị phê phán tại Đài Loan

Trọng Nghĩa

Thái độ hung hăng đòi chủ quyền trên Biển Đông của Trung Quốc tiếp tục bị phê phán. Nhân một cuộc hội thảo khoa học vừa được tổ chức tại Đài Loan, một số chuyên gia cho rằng động thái hiếu chiến của Bắc Kinh chỉ nhằm thâu tóm nguồn dầu hỏa nằm trong khu vực.
Bản đồ yêu sách chủ quyền (đường chấm đỏ) của Trung Quốc tại  Biển Đông
Bản đồ yêu sách chủ quyền (đường chấm đỏ) của Trung Quốc tại Biển Đông

Trong hai ngày 07 và 08/10/2011, Học viện Nghiên cứu Âu Mỹ thuộc Viện Nghiên cứu Trung ương Đài Loan Academia Sinica đã tổ chức Hội nghị Quốc tế về các vấn đề luật pháp và chính sách chủ yếu liên quan đến Biển Đông.
Tham gia hội nghị này gồm các học giả Đài Loan, cùng với nhiều chuyên gia quốc tế nghiên cứu Biển Đông, đến từ Mỹ, Úc, Canada, và đặc biệt từ châu Âu như Pháp, Bỉ, Na Uy…
Trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có các động thái quyết đoán hơn trong việc tranh giành chủ quyền tại Biển Đông, đặc biệt là những hành động hù dọa sách nhiễu nhắm vào Việt Nam và Philippines, các học giả đã chú ý đến các vấn đề như giá trị pháp lý của tấm bản đồ hình lưỡi bò xác định chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, quyền tự do hàng hải trong khu vực, ý đồ thực thụ của Trung Quốc và lẽ dĩ nhiên là sự can dự của Đài Loan vào hồ sơ Biển Đông.
Theo Thời báo Đài Bắc (Taipei Times) ngày 09/10/2011, giọng điệu hung hăng của báo chí Trung Quốc trong những ngày qua nhắm vào các nước đang có tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông với Bắc Kinh đã thu hút mối quan tâm của nhiều người tham gia hội nghị, trong đó có bà Theresa Fallon, thuộc Viện Nghiên cứu Châu Á, một cơ quan tham vấn (think tank) của châu Âu, đặt trụ sở tại Bruxelles.
Chuyên gia này đã nhấn mạnh đến lời lẽ hiếu chiến trong bài xã luận đăng trên ấn bản tiếng Hoa ngày 29/09/2011 của tờ báo chính thức Trung Quốc, Hoàn cầu Thời báo (Global Times), với nội dung kêu gọi Trung Quốc khởi động ngay một cuộc chiến tranh nhắm vào Việt Nam và Philippines, hai nước đã kiên quyết bảo vệ các đòi hỏi chủ quyền của mình trên các hòn đảo nhỏ trong khu vực.
Phát biểu tại hội nghị, bà Theresa Fallon cho rằng giọng điệu hung hăng có vẻ “không khôn ngoan” và “phản tác dụng” về mặt chiến lược và quân sự. Theo chuyên gia này, một quan điểm như vậy chỉ có hệ quả là đẩy Việt Nam và Philippines về phía Mỹ, cũng như về phía Nhật Bản và Ấn Độ, để hình thành ra một liên minh chống Trung Quốc.
Tuy vậy, chuyên gia Fallon đã nêu bật một mục tiêu trước mắt mà bài xã luận trên tờ báo chính thức của Trung Quốc muốn nhắm tới. Đó là xua đuổi các tập đoàn dầu khí phương Tây ra khỏi Việt Nam và Philippines, hù dọa các công ty này để họ không hợp tác với Hà Nội và Manila.
Bà Fallon đã trích dẫn một bức điện mật của ngành ngoại giao Mỹ vừa được WikiLeaks tiết lộ, theo đó thì ngay từ năm 2006, Trung Quốc đã gây sức ép trên các tập đoàn dầu khí như Exon Mobil, BP, Chevron và Petronas sau khi những công ty này ký kết hợp tác với Việt Nam.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/