Quỳnh Chi, phóng viên RFA
Tuần qua, đại sứ R S Kalha, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ, có bài lên tiếng cho rằng Ấn Độ nên suy xét lại việc hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông.
Ông này cho rằng việc hợp tác này có thể mang đến xung đột cho Trung Quốc và nước này. Cùng thời gian, giáo sư Ấn Độ Virendra Sahai Verma, từng là cựu sĩ quan tình báo cũng viết bài thể hiện sự quan ngại tương tự. Nếu không hợp tác với các nước khác, Việt Nam phải làm gì để vừa bảo vệ chủ quyền, vừa có thể khai thác vùng thuộc đặc quyền kinh tế của mình?
Quỳnh Chi hỏi chuyện giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, hiện công tác tại khoa quan hệ quốc tế trường Đại học Goerge Mason. Trước tiên, ông cho biết ý kiến về quan ngại của cựu Ngoại trưởng Ấn Độ:
Tự bảo vệ mình trước
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Ở một nước dân chủ, thể hiện ý kiến khác nhau là bình thường. Khi New Dehli muốn hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam, nguy cơ xung đột giữa Ấn Độ và Trung Quốc không thể nói là không có. Tuy nhiên, bây giờ chỉ ở mức hai bên mặc cả với nhau. Trung Quốc lúc nào cũng phản đối việc các quốc gia khác hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông. Vấn đề là các quốc gia khác có dám hợp tác không. Nếu khéo léo, Việt Nam không những lôi kéo sự hợp tác của công ty dầu khí Ấn Độ mà còn cả của các nước khác.
Quỳnh Chi: Nếu như Ấn Độ hay tất cả các nước khác đều từ chối hợp tác khai thác dầu khí với Việt Nam tại Biển Đông, thì Việt Nam nên làm gì để vừa khẳng định chủ quyền mà vừa hưởng lợi từ vùng tài phán kinh tế của mình?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trung Quốc lấn lướt trong vấn đề Biển Đông bằng cách chỉ đồng ý khai thác vùng thuộc chủ quyền của họ cũng như tại các vùng tranh chấp. Đối với những vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam, công ty nào vào khai thác sẽ bị hăm dọa. Khi Trung Quốc áp lực như thế, dần dần vùng ấy sẽ trở thành vùng của họ. Cho nên Việt Nam nên hợp tác khai thác vùng biển với các nước khác, như Mỹ chẳng hạn bởi vì nếu họ có quyền lợi thì họ sẽ tham gia vào thôi. Việt Nam cần mang được những công ty lớn như thế vào khai thác. Để làm được điều ấy, Việt Nam phải có khả năng bảo vệ cho các công ty nước ngoài ấy.
Quỳnh Chi: Còn vấn đề dựa vào thực lực quốc gia để bảo vệ và khai thác vùng đặc quyền kinh tế của mình thì sao thưa ông?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Dựa vào thực lực của mình là quan trọng nhất. Thứ nhất, mình phải có ý chí bảo vệ quyền lợi của mình. Thứ hai, mình phải chứng tỏ khả năng bảo vệ chính mình thì người khác mới có thể giúp được. Trong trường hợp của Việt Nam, ý chí không rõ rệt, lực lượng lại không có cho nên khi thảo luận với các nước khác thì phải làm thế nào để họ thấy được lợi ích của họ. Đừng quên rằng mỗi một quốc gia luôn phải định toán hơn thiệt về quyền lợi của họ. Mỗi một quốc gia có một quyền lợi riêng, và họ muốn được thể hiện điều đó.
Quỳnh Chi: Ông có thể nói rõ hơn không?
Dựa vào thực lực của mình là quan trọng nhất. Thứ nhất, mình phải có ý chí bảo vệ quyền lợi của mình. Thứ hai, mình phải chứng tỏ khả năng bảo vệ chính mình thì người khác mới có thể giúp được.
GS Nguyễn Mạnh Hùng
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Đối với Ấn Độ, đây là một nước cạnh tranh rất lớn của Trung Quốc tại Châu Á. Cho nên giảm bớt sự ảnh hưởng của Trung Quốc là một điều Ấn Độ muốn. Tình thế này là có lợi cho Việt Nam. Đối với các nước khác thì lợi ích lại theo một hướng khác. Mỹ cũng có một lợi ích khác.
Quỳnh Chi: Nhiều người cho rằng với Hạm đội 7, Hoa Kỳ sẽ đóng một trò chủ chốt tại Biển Đông. Tuy nhiên, có người nghi ngờ về sự ảnh hưởng của nước này khi họ là con nợ của Trung Quốc. Ông nhận định thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trong thời gian tới, Hoa Kỳ vẫn sẽ đóng một vai trò rất quan trọng ở Biển Đông. Dĩ nhiên là có những yếu tố làm việc thể hiện sự quan tâm ấy khác đi. Tuy nhiên, quan điểm thắng thế hiện nay vẫn là Hoa Kỳ phải để ý đến vấn đề Trung Quốc, cho nên họ sẽ không nhượng bộ vấn đề ở Biển Đông. Có những vấn đề Hoa Kỳ sẽ không nhượng bộ: đó là an ninh hàng hải, tự do lưu thông.
Hợp tác với nước khác
Quỳnh Chi: Tuần trước, Philippines tổ chức một hội nghị về vấn đề Biển Đông dành cho chuyên gia hàng hải và pháp luật của 10 nước trong khối ASEAN. Trước đó cũng có một cuộc hội nghị cùng chủ đề tại Bỉ. Cả hai hội nghị đều có mặt đại diện Việt Nam. Ông có cho rằng dựa việc tìm sự đồng thuận ở các nước ASEAN là việc nên làm?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Đó là đường hướng bắt buộc. Tôi thấy Philippines đang làm tốt con đường ấy. Philippines là một nước dân chủ nên sẽ có những phe đối lập và ý kiến trái chiều. Chính phủ Philippines hiện nay một mặt thì hòa hoãn với Trung Quốc, một mặt là nhất định khai thác những phần gì mà họ cho là của họ. Và họ nhất định mang các quốc gia khác vào. Tuy nhiên, Manila có một cái lợi là họ có hiệp ước phòng thủ với Hoa Kỳ. Họ đã hỏi thẳng với đại sứ Hoa Kỳ tại Philippines rằng hiệp ước này còn giá trị không. Và nếu còn thì nếu xảy ra giao tranh giữa Philippines và Trung Quốc thì bắt buộc Hoa Kỳ phải giúp đỡ.
Quỳnh Chi: Ngoài tổ chức 2 cuộc hội nghị về Biển Đông vừa qua, tổng thống Philippines cũng đang tranh thủ sự ủng hộ của Nhật. Ông đánh giá như thế nào về việc tranh thủ sự ủng hộ quốc tế của Việt Nam?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Trước hết thì Việt Nam cũng làm được nhiều việc rồi. Tuy nhiên, trong việc vận động quốc tế thì Philippines có căn bản vững vàng hơn. Việt Nam có phần nể Trung Quốc hơn. Nước ta gần Bắc Kinh nên bị nước này để ý nhiều hơn. Đối với Trung Quốc, nếu có thể làm Việt Nam nhượng bộ, các quốc gia khác cũng nhượng bộ hết. Thứ hai, cả Việt Nam và Trung Quốc đều có cùng ý thức hệ. Họ đều quan hệ nguy cơ thương tự như cuộc cách mạnh hoa nhài, cho nên hành động sẽ khác hơn.
Quỳnh Chi: Ông có nói về việc ký các hiệp ước bảo vệ lẫn nhau giữa các nước. Việt Nam và Liên Xô cũng từng ký một hiệp ước liên minh quân sự vào tháng 11 năm 1978 nhưng Việt Nam đã không được Liên Xô giúp đỡ trong cuộc chiến với Trung Quốc năm 1979 và 1988. Ông nhận thấy hiệu quả của các hiệp ước như vậy là như thế nào?
GS Nguyễn Mạnh Hùng: Hiệp ước còn tùy vào các điều khoản. Ví dụ, Hiệp ước phòng thủ Bắc Đại Tây Dương nói rằng khi một nước bị tấn công thì coi như tất cả các nước bị tấn công. Đối với Hiệp ước Phòng thủ Đông nam Á nói rằng trong trường hợp một nước bị tấn công, thì các quốc gia sẽ nghiên cứu vấn đề đó và hành động theo căn bản hiến pháp của họ rồi quyết định theo sự đồng thuận. Tóm lại, hiệp ước tùy thuộc vào điều khoản cam kết và tùy thuộc vào sự cam kết của các nước ký hiệp ước.
Quỳnh Chi: Cám ơn giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng.