Vào cuối năm nay, Hoa Kỳ và Úc sẽ tăng cường đáng kể quan hệ quân sự; Ấn Độ và Mỹ cũng rốt ráo thúc đẩy một cơ chế đối thoại an ninh tay ba bao gồm cả Nhật Bản; tân lãnh đạo chính quyền Tokyo cũng sẽ công du New Delhi để thắt chặt thêm quan hệ Nhật Ấn.Một thế liên hoàn đang dần hình thành để đối phó với tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc.
Theo các nhà quan sát, chính các hành động gần đây của Trung Quốc là nguyên nhân thúc đẩy 4 cường quốc châu Á Thái Bình Dương nói trên xích lại gần nhau hơn, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng.
Cụ thể nhất là xu hướng củng cố thêm liên minh quân sự Mỹ - Úc. Vào hôm nay, cả ngoại trưởng lẫn bộ trưởng quốc phòng hai nước gặp nhau tại San Francisco để đúc kết nhiều thỏa thuận quan trọng về phương diện quốc phòng, từng được đánh giá là một bước tiến lớn nhất trong quan hệ quân sự Mỹ Úc từ 30 năm nay.
Các thỏa thuận này sẽ mở đường cho quân đội Mỹ quyền tự do tiếp cận các căn cứ tại Úc, cung cấp cho Hoa Kỳ với một chỗ đứng vững chãi nằm giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ vào năm ngoái đã cam kết là sẽ chuyển thêm lực lượng qua khu vực Đông Nam Á, trong đó có cả việc cùng với Úc chia sẻ quyền sử dụng các hải cảng và căn cứ. Một quan chức quốc phòng cấp cao xin giấu tên đã tiết lộ với hãng tin AFP rằng quân đội Mỹ có thể bố trí sẵn thiết bị của mình trên đất Úc, sử dụng dễ dàng hơn các cơ sở và hải cảng của Úc.
Trả lời báo Anh Financial Times, ông Patrick Cronin, chuyên gia quân sự đặc trách vùng Đông Á tại trung tâm nghiên cứu Center for a New American Security của Mỹ cho rằng : “Úc đóng một vai trò bản lề trong khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương,". Đối với ông, việc Mỹ tăng cường quan hệ quân sự với Úc “Sẽ vượt quá khuôn khổ đào tạo và quyền trú quân đơn thuần, mà sẽ giúp cho toàn thể khu vực được yên tâm hơn”.
Theo các nhà phân tích, Trung Quốc ngày càng lộ rõ tham vọng độc chiếm Biển Đông và một số nơi khác, tăng cường tiềm lực hải quân, đồng thời không ngần ngại có động thái đe dọa, chèn ép hầu hết các nước gọi là có tranh chấp với họ, từ Việt Nam, Philippines cho đến Nhật Bản và mới đây là Ấn Độ. Sự kiện đó là nhân tố gây quan ngại không chỉ cho những nước bị Trung Quốc lấn lướt, mà cho cả Hoa Kỳ, cường quốc cho đến nay, vẫn đóng vai trò bảo đảm ổn định cho khu vực Thái Bình Dương.
Chính đó là chất xúc tác thúc đẩy Hoa Kỳ tăng cường quan hệ quân sự với Úc đồng minh thân thiết lâu đời của mình trong vùng. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng thắt chặt quan hệ với Nhật Bản và nhất là với một đồng minh mới hơn là Ấn Độ.
Hôm thứ Hai 12/09 vừa qua, tại Washington, đã mở ra cuộc đối thoại chiến lược Mỹ Ấn lần thứ tư về khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Hai bên đã thảo luận một loạt các vấn đề khu vực và toàn cầu như chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sắp tới tại Indonesia mà cả Ấn Độ lẫn Hoa Kỳ đều là thành viên. Đặc biệt là hai cường quốc này còn bàn thảo về cuộc họp đầu tiên của cơ chế đối thoại tay ba Mỹ-Nhật-Ấn, sẽ được mở ra từ nay đến cuối năm tại Nhật Bản.
Về phần mình, Nhật Bản trong thời gian gần đây, cũng không che giấu ý định tăng cường quan hệ với Ấn Độ để giảm bớt ảnh hưởng của Bắc Kinh. Theo một số nguồn tin từ chính quyền Tokyo vào hôm qua, thì tân thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda có thể sẽ đi thăm Ấn Độ ngay vào tháng 11 tới đây để tìm lực làm đối trọng với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc trong vùng.
Phải nói rằng mới đây, Trung Quốc đã làm tăng thêm mối quan ngại tại Nhật Bản khi để cho báo chí chính thức của mình tuyên bố là vùng biển Hoa Đông, cũng thuộc phạm vi lợi ích cốt lõi của Bắc Kinh. Tại vùng biển này, Trung Quốc đang tranh giành chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản quản lý, và thường xuyên cho tàu vào khiêu khích lực lượng tuần duyên Nhật.
Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, tại New Delhi, ông Noda sẽ thảo luận với đồng nhiệm Manmohan Singh về ảnh hưởng ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. Theo các nhà quan sát, một khi quan hệ Nhật Bản - Ấn Độ được thắt chặt, sự kiện đó sẽ củng cố thêm thế liên hoàn giữa 4 cường quốc Mỹ, Ấn, Nhật, Úc mà mắt xích yếu nhất cho đến nay là liên hệ New Delhi-Tokyo.