Một doanh nghiệp ở Quảng Đông Trung Quốc đã đăng ký độc quyền trong 10 năm 2 nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột, mặc dầu đây là chỉ dẫn địa lý mà Tỉnh Đắc Lắc được bảo hộ quốc gia từ năm 2005.
Nam Nguyên phỏng vấn Luật sư Lê Quang Vinh, chuyên gia Công ty Cổ phần Sở hữu Trí tuệ Bross và Cộng sự trụ sở ở Hà Nội, là nơi phát hiện và công bố sự kiện này. Mời quí vị theo dõi.
Hành vi không trung thực
Nam Nguyên: Thưa Luật sư, Tỉnh Đắc Lắc là địa phương được bảo hộ quốc gia về chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, sự bảo hộ này có giá trị quốc tế hay không?
Vấn đề ở đây là hành vi đăng ký như thế dưới góc độ thương mại mà nói thì đấy là hành vi xấu người ta hay gọi là “Bad faith” (Không trung thực, gian trá).
LS Lê Quang Vinh
LS Lê Quang Vinh: Không có giá trị quốc tế, đấy là câu trả lời. Bởi vì chỉ dẫn địa lý cũng giống như các quyền sở hữu công nghiệp khác, giống như đối với nhãn hiệu hay thương hiệu, nó chỉ được bảo hộ độc quyền ở lãnh thổ nào mà nó đăng ký, chứ không có giá trị mặc nhiên là giá trị mở rộng ra các lãnh thổ khác. Đó là nguyên tắc căn bản của pháp luật quốc tế cũng như pháp luật Việt Nam.
Nam Nguyên: Như thế doanh nghiệp bên Trung Quốc có vi phạm luật pháp quốc tế hay không?
LS Lê Quang Vinh: Doanh nghiệp Trung Quốc không vi phạm gì luật pháp quốc tế cũng như luật pháp Việt Nam cả. Vấn đề ở đây là hành vi đăng ký như thế dưới góc độ thương mại mà nói thì đấy là hành vi xấu người ta hay gọi là “Bad faith” (Không trung thực, gian trá). Tức là người ta lợi dụng qui định của pháp luật Trung Quốc về xác lập quyền sở hữu công nghiệp trong đó có quyền đối với nhãn hiệu để nộp đơn đăng ký. Theo luật của Trung Quốc thì một địa danh chưa nổi tiếng với dân chúng Trung Quốc thì người ta vẫn cấp đăng ký nhãn hiệu, không có vấn đề gì cả.
Nhưng dưới góc độ về động cơ thương mại lành mạnh của tập quán thương mại quốc tế thì hành vi đó là hành vi không trung thực, Buôn Ma Thuột là của Việt Nam, anh biết rõ Buôn Ma Thuột nổi tiếng về cà phê mà anh lại tự động xác lập cái quyền đó, anh không báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam thì đấy là một hành vi không trung thực.
Nam Nguyên: Thưa LS, như thế thì Tỉnh Đắc Lắc hoặc Cục Sở hữu Trí tuệ là quản lý Nhà nước của Việt Nam có thể làm gì trong trường hợp này?
LS Lê Quang Vinh: Bây giờ họ vẫn đang nghiên cứu, chúng tôi tư vấn cho họ và họ đang cân nhắc các giải pháp nên chưa thể nói gì về vấn đề này.
Nhưng về căn bản mà nói thì chúng tôi nghiên cứu luật pháp của Trung Quốc và thấy rằng có cơ sở pháp lý có thể hủy thành công hai nhãn hiệu này nếu tiến hành bằng pháp lý theo luật của Trung Quốc và mình tiến hành khiếu kiện theo thủ tục hành chính luật nhãn hiệu Trung Quốc, để hủy bỏ hai nhãn hiệu này. Căn cứ theo qui định luật nội dung của họ thì chúng tôi thấy là khả năng thành công rất cao, đấy là quan điểm của chúng tôi.
Nam Nguyên: Thưa, tức là khởi kiện ở bên Trung Quốc ở tòa án nơi công ty đó tọa lạc hay là …
LS Lê Quang Vinh: Thực ra bản chất của vấn đề chưa phải là khởi kiện, bởi vì luật Trung Quốc cũng như luật Việt Nam có nhiều điểm tương đồng, hầu hết những việc tương tự như vậy thì theo luật Trung Quốc hay Việt Nam người ta giải quyết bằng con đường hành chính. Thủ tục hành chính sẽ là người có liên quan yêu cầu Cơ quan Nhãn hiệu của Trung Quốc hủy bỏ nhãn hiệu đó trên cơ sở anh trình bày các bằng chứng pháp lý và căn cứ pháp lý. Người ta gọi đấy là thủ tục khiếu kiện thôi chứ không phải thủ tục khởi kiện, cơ bản giai đoạn đầu tiên là như vậy. Sau này nếu các bên liên quan không đồng ý với phán quyết của Cơ quan Sở hữu Trí tuệ Trung Quốc thì các bên có thể đưa nhau ra tòa án của Trung Quốc giống như một vụ án hành chính ở Việt Nam thì lúc đó mới là khởi kiện.
Cần chiến lược phù hợp
Nam Nguyên: Có thông tin là tỉnh Đắc Lắc có thể đi theo con đường ngoại giao để giải quyết việc này, luật sư có tư vấn cho họ vấn đề này hay không?
Hầu hết các nước không chấp nhận giải quyết bằng con đường ngoại giao, theo quan điểm của tôi sẽ là rất khó nếu tiến hành bằng con đường ngoại giao.
LS Lê Quang Vinh
LS Lê Quang Vinh: Theo quan điểm cá nhân của tôi, con đường ngoại giao là rất ít khả thi bởi vì các lý do, thứ nhất là mỗi nước đều có hệ thống pháp luật riêng, về nguyên tắc bây giờ trong một thế giới phát triển như thế này thì luật pháp phải được coi là thượng tôn, là câu chuyện quan trọng nhất, mọi tranh chấp phải dựa trên cơ sở pháp lý để mà tiến hành, chứ không thể đơn thuần bất kỳ việc gì xảy ra cũng tiến hành bằng con đường ngoại giao được. Lý do thứ hai, trong lịch sử chúng ta đã từng mất thương hiệu Vinataba ở nước ngoài và cũng đã tiến hành bằng con đường ngoại giao nhưng hầu hết đều thất bại, chỉ đòi được ở một vài nước mà người ta cố gắng chuyển nhượng lại hoặc hủy bỏ nhãn hiệu đó đi.
Nhưng hầu hết các nước không chấp nhận giải quyết bằng con đường ngoại giao, theo quan điểm của tôi sẽ là rất khó nếu tiến hành bằng con đường ngoại giao.
Nam Nguyên: Thưa LS, vậy thì muốn bảo hộ chỉ dẫn địa lý hay thương hiệu để có giá trị bên ngoài Việt Nam thì phải làm gì?
LS Lê Quang Vinh: Chúng tôi đã phân tích là chúng ta có cơ sở pháp lý theo luật Trung Quốc. Để xử lý việc này cần tiến hành qua hai giai đoạn. Thứ nhất phải hủy hiệu lực của hai nhãn hiệu đó đi. Giai đoạn thứ hai phải tiến hành đăng ký thương hiệu Buôn Ma Thuột với tư cách chỉ dẫn địa lý của ta tại các nước quan trọng mà chúng ta có thị trường. Nhưng trước mắt thì phải hủy nó đi đã để tránh những rủi ro pháp lý, khi xuất khẩu ra nước ngoài rủi ro pháp lý là thường trực có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.
Về nguyên tắc thì doanh nghiệp nào cũng thế thôi, nếu anh có thị trường xuất khẩu nước ngoài đương nhiên anh phải lưu ý chuyện đăng ký để bảo vệ quyền của mình, nếu đăng ký muộn có thể quyền đó bị mất, nếu nó mất thì những người chiếm dụng tài sản của mình có thể lợi dụng quyền đó để kiện ngược lại mình, trong trường hợp này cũng giống như vậy thôi. Rõ ràng đây là một thông điệp chuyển tới các doanh nghiệp nói chung và tất cả những chỉ dẫn địa lý nào, khu vực quản lý nào của Việt Nam nói riêng, là chúng ta phải đặc biệt lưu ý vấn đề này để có chiến lược sách lược phù hợp trong tương lai để tránh câu chuyện này xảy ra.
Nam Nguyên: Cảm ơn Luật sư Lê Quang Vinh đã trả lời phỏng vấn.