Thứ Hai, 1 tháng 8, 2011

DÁN VÀ BÓC

Lời cuối cho một lần cuối của vụ việc
Phạm Xuân Nguyên
1. Vậy là cái tấm composite ghi lời chiếu Nguyễn Huệ gửi Nguyễn Thiếp dán đè lên bài văn bia khắc lời thơ Hồ Chí Minh viết về Nguyễn Huệ đã được bóc ra. Trưa 31/7/2011 một người bạn tôi ở Vinh vừa đi lên đền thờ Quang Trung trên núi Dũng Quyết đã gọi điện báo cho tôi biết sự việc này. Tùy tiện dán vào và tùy tiện bóc đi. Thích thì dán, thích thì bóc, không cần thông báo, giải thích, coi đền thờ anh hùng dân tộc như nhà riêng của mình. Điều đó khiến có cảm giác một việc làm mập mờ và lén lút. Nhưng nếu không có một sự đánh động thì chỉ có tùy tiện dán mà không có tùy tiện bóc, để rồi biến thành sự hiển nhiên thay bia. Tùy tiện đến nỗi nghe đâu, lúc đầu tấm composite ấy định để lên một cái giá đặt bên cạnh bia cho du khách đối chiếu, so sánh (thận trọng biết bao!), nhưng vì giá chưa làm được (khó đến vậy sao!), nên cứ dán vào, che đi cho chắc đã. “Tượng thờ dù đổ vẫn thiêng / Miếu thờ bỏ vắng vẫn nguyên miếu thờ” (M. Lermontov), trong khi đền thờ và tấm bia thờ Quang Trung còn mới nguyên và vững chãi vì chỉ mới được ba năm!
 2. Nhiều người đọc không kỹ bài tôi nên đã hiểu nhầm là ông Vũ Khiêu viết bài văn bia mới thay vào tấm bia khắc lời ông Hồ. Không phải vậy. Ông Vũ Khiêu nhận lời mời của tỉnh Nghệ An viết bài phú kể sự nghiệp vua Quang Trung để thay cho bài văn kể công trạng (tấm bia bên trái từ cổng vào). Tôi chưa đề cập tấm bia đó. Bài viết của tôi chỉ tập trung vào tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh (đặt ở bên phải từ cổng vào) đã bị thay bằng tấm composite ghi lời chiếu của Quang Trung để đặt câu hỏi: Ai thay? Vì sao phải thay? Do hiểu nhầm như vậy nên đã có những lời bình khá nặng nề đối với ông Vũ Khiêu, thiết nghĩ không cần thiết phải thế.
 3. Thật ra, những người có trách nhiệm ở thành phố Vinh và Nghệ An trong chuyện tấm bia khắc lời Hồ Chí Minh tại đền thờ Quang Trung có thể học được kinh nghiệm xử lý của chính vị “anh hùng áo vải”. Đó là hãy nhận trách nhiệm về mình và sửa sai. Trong bài viết thứ hai của mình, tôi có dẫn ra hai câu thơ Quang Trung trả lời đơn của dân làng Văn Chương xin dựng lại những tấm bia Văn Miếu bị hư hỏng do binh đao. Hai câu đó là nằm trong bản phê đơn viết bằng chữ Nôm của Quang Trung gồm ba cặp lục bát.
Trước hết vị vua trẻ nhận lỗi về mình:
    Thôi, thôi, thôi việc đã rồi
Trăm nghìn hãy cứ trách bồi vào ta
 Rồi ông hứa với nhân dân:
 Nay mai dọn lại nước nhà,
Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian.
Và kết thúc, ông một lần nữa nhận lấy trách nhiệm về mình, dặn dân đừng đổ vấy cho triều trước:
Cơ đồ họ Trịnh đã tan,
Việc này cũng đừng đổ oan cho thằng Trịnh Khải!
Một thái độ đạo đức đối với dân với nước như vậy của Nguyễn Huệ-Quang Trung cũng là thái độ đạo đức của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Tấm gương của hai vị đáng khắc bia dựng tượng để cháu con ghi nhớ, học tập, và noi theo. Nếu những người có trách nhiệm chính trong chuyện này, và không riêng chuyện này, hiểu biết lịch sử, kính trọng tiền nhân, phục vụ nhân dân, thì đã biết ứng xử có văn hóa và đạo lý.
4. Tiếc thay, người ta đã không có phản hồi chính thức, đã coi là bài đăng trên mạng thì không “chính thống” nên không trả lời. Nhưng không phản hồi chính thức mà vẫn đưa ra những lời chống chế và ngụy biện. Và rốt cục người ta đã phải bóc ra cái đã dán vào. Hành động bóc đó chứng thực là họ không thể coi thường dư luận của mạng cá nhân, tuy ngoài miệng họ nói khác. Toàn bộ diễn biến sự việc càng khẳng định điều tôi đã nói: đó là việc làm tùy tiện và lấp liếm. Nên tôi vẫn còn lo, một thời gian sau khi thấy dư luận nguôi đi rồi thì người ta sẽ “bóc ra rồi lại dán vào như không”. Lịch sử không thể và không được dán và bóc như vậy.
         Một điều làm tôi buồn nữa là không một tờ báo nào thuộc “lề phải” đăng chuyện này lên, dù sự việc là hoàn toàn có thực, và dù tôi đã có nói với một số tổng biên tập báo giấy, báo mạng. Câu trên đây tôi đã định viết là “không một tờ báo nào thuộc “lề phải” dám đăng chuyện này”, nhưng thế thì lại càng buồn hơn. Có gì phải dám ở đây, khi lẽ thường một thông tin như vậy, một sự thật như vậy, báo chí đúng nghĩa báo chí là phải đưa ra cho người đọc biết.
         Dẫu sao, bây giờ lên núi Dũng Quyết (Vinh – Nghệ An) thăm đền thờ Quang Trung, mọi người Việt Nam vẫn còn được đọc những lời Hồ Chí Minh nói về Nguyễn Huệ khắc trên tấm bia đá dựng ở bên phải cổng vào:
Nguyễn Huệ là kẻ phi thường
 Mấy lần đánh đuổi giặc Xiêm, giặc Tàu
 Ông đà chí cả mưu cao
 Dân ta lại biết cùng nhau một lòng
 Cho nên Tàu dẫu làm hung
 Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà
May thay!
Hà Nội 31.7.2011
P.X.N