Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Xuất khẩu gạo VN 'có thể vượt chỉ tiêu'

Gạo VN (Reuters)
VN dự kiến xuất 7 triệu tấn gạo trong năm 2011.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam, nước xuất khẩu lớn thứ hai thế giới sau Thái Lan, có thể vượt mục tiêu cho năm nay khi sản lượng gia tăng và các nhà xuất khẩu nhằm mục tiêu các thị trường mới, kể cả nước Trung Quốc, theo tờ Bloomberg hôm 15 tháng Bảy.
Tờ này trích ý kiến của Thứ trưởng Nông nghiệp VN, Diệp Kính Tần cho hay mục tiêu vẫn là xuất 7,4 triệu tấn, nhưng VN sẽ cố gắng giãn rộng lợi nhuận thông qua khối lượng và giá cả gạo xuất khẩu.
Bloomberg cũng thuật lời của ông Huỳnh Minh Huệ, Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho hay kim ngạch xuất khẩu ngạch hàng này của VN gần đây cải thiện với các khách hàng mới ở Trung Quốc, Indonesia và Bangladesh.
Tờ báo Mỹ nhận định cho tới khi tình hình chính trị ở Thái Lan, đối thủ trong khu vực và trên thị trường gạo thế giới của VN, được ổn định xong, VN vẫn đang thu được một số lợi thế nhất định tại một số thị trường.
Bloomberg dẫn ý kiến của một thương gia Ấn Độ, ông Rakesh Singh, nhà buôn thuộc công ty Emmsons International Ltd tại New Delhi xác nhận: "Tại thời điểm này, Việt Nam là người bán hàng duy nhất."
"Tại Thái Lan, cho đến khi chính phủ có một chính sách rõ ràng, nông dân Thái sẽ tăng cường sản lượng của họ," thương gia này cho hay.
Giá gạo niêm yết tại thị trường Chicago Board of Trade là 16,85 USD cho mỗi 100 kg, trong khi tại Singapore, giá gạo chạm mức 17,07 USD ngày thứ Năm, được cho là mức cao nhất cho một hợp đồng kể từ tháng 10 năm 2008.
Còn tại theo chỉ số giá lương thực thế giới của Liên Hợp Quốc, giá gạo đã tăng lên 233,84 điểm so với tháng trước, ở mức 2% là ngưỡng tăng cao nhất từ trước tới nay, vẫn theo Bloomberg.
Theo thống kê chính thức tuần này từ Tổng cục Thống kê trong nước, xuất khẩu gạo của VN đạt 4.000.000 tấn trong giai đoạn từ tháng Giêng tới tháng Sáu, tăng 16% so với một năm trước đây.
Trang tin Vinanet trích nguồn tin từ Hiệp hội Lương thực VFA cho hay xuất khẩu của cả nước trong năm 2011 có thể đạt mức 7 triệu tấn.
Thị trường mới
Sự phát triển hiện nay ở Thái Lan là tốt cho Việt Nam. Nếu họ tăng giá, giá gạo Việt Nam cũng sẽ tăng lên và đây là điều tốt
Đại diện Hiệp hội Lương thực VN

Tờ Bloomberg dẫn lời thứ trưởng Tần cho biết bên cạnh các khách hàng nhập ở Đông Nam Á và Nam Á như Indonesia và Bangladesh ra, Trung Quốc bắt đầu mua gạo của VN.
Lý do, theo lãnh đạo của Bộ này là "thời tiết xấu" làm tổn thương tới vụ mùa của TQ. Bộ nông nghiệp VN được trích thuật cho biết Trung Quốc có thể mua 200.000 tấn gạo trong quý II.
Hôm 06 tháng Bảy, tờ Thời Báo Tài Chính từ Hà Nội cho biết Bangladesh và Indonesia dự kiến ​​sẽ mua nhiều hơn trong năm 2011, với Bangladesh đã ký hợp đồng mua 100.000 tấn gạo với 15% tỷ lệ tấm hạt, dự kiến giao hàng vào tháng Bảy.
Trong khi đó, Indonesia đang đàm phán để mua 400.000 tấn gạo, vẫn theo thời báo này. Tờ Bloomberg dành một thời lượng đáng kể phân tích về động thái của nhà xuất khẩu Thái Lan trong liên quan tới chính trường của nước này.
Theo đó, Chính phủ của tân Thủ tướng Thái Lan, bà Yingluck Shinawatra, cam kết bảo đảm nâng giá gạo chưa xay xát thu mua từ nông dân. Chính phủ của bà cũng có kế hoạch thu mua với mức giá 15.000 baht (hay 498 USD) một tấn, tức khoảng 50% trên mức hiện tại.
Điều này có thể giúp tăng giá xuất khẩu gạo của Thái Lan đến 810 USD một tấn vào thời điểm 31 tháng Mười Hai.
Bloomberg tường thuật ý kiến của quan chức ngành xuất khẩu gạo VN bình luận rằng diễn biến này có thể thuận lợi cho xuất khẩu của VN.
"Sự phát triển hiện nay ở Thái Lan là tốt cho Việt Nam," ông Huế từ Hiệp hội VFA nói, "Nếu họ tăng giá, giá gạo Việt Nam cũng sẽ tăng lên và đây là điều tốt."
Các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng cho hay họ tiếp tục để mắt tới động thái của nhà xuất khẩu gạo vốn cũng là đối thủ trong khu vực, Ấn Độ.
"Chúng tôi cũng muốn xem xét xem Ấn Độ sẽ bán gạo của họ như thế nào kể từ khi họ cho biết gần đây rằng họ có kế hoạch xuất," vẫn ông Huế được trích thuật nói.
Sản lượng gạo chưa xay xát của Việt Nam được dự báo sẽ tăng 2,3%, lên mức đạt 40,8 triệu tấn vào năm 2011, theo một báo cáo từ Bộ Nông nghiệp VN hồi tháng Năm.