Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Việt Nam với cơn thịnh nộ được kiểm soát cẩn thận

Bridget O’Flaherty
Ngày 6-7-2011
Những cuộc biểu tình xảy ra vài tuần qua ở Hà Nội, liên quan đến tranh chấp biển đảo với Trung Quốc, có thể là nhỏ đấy, nhưng vẫn hết sức bất thường.

5 chủ nhật liên tiếp trong tháng qua, những người biểu tình ở Hà Nội đã tập trung gần Đại sứ quán Trung Quốc để phản đối các hành động gần đây của Trung Quốc trên biển Hoa Nam (được Việt Nam gọi là Biển Đông).
Những cuộc tụ tập thu hút có lẽ thu hút chỉ vài trăm người, và thậm chí có mấy lần còn ít hơn thế nữa. Tuy nhiên, ở một nước nơi các cuộc biểu tình công cộng rất hiếm khi xảy ra và nếu xảy ra thì nhìn chung chỉ tập trung vào các vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống thường nhật của người dân, như là chiếm hữu đất đai hay điều kiện làm việc ở nhà máy – thì những cuộc tụ tập như thế đặc biệt bất thường.
Cho đến nay, các cuộc biểu tình đều bắt đầu ở gần Đại sứ quán Trung Quốc, mặc dù hàng rào trên đường Hoàng Diệu nơi đại sứ quán thật sự tọa lạc thì nói chung chưa bao giờ được công an dỡ bỏ. Hậu quả là những người biểu tình phải đứng ở quảng trường Ba Đình (nơi có bức tượng Lenin nổi tiếng) (1) rồi sau đó đi vòng quanh khu trung tâm thành phố và cái hồ trung tâm của Hà Nội – Hoàn Kiếm.
Về phần mình, công an có vẻ phải bận tâm hơn một chút so với khi làm công việc đảm bảo cho xe cộ lưu thông ổn thỏa.
Nhiều người biểu tình mà tôi có dịp nói chuyện cùng cho biết, họ nghe tin về cuộc biểu tình qua các nguồn trên mạng, chẳng hạn Facebook. Mạng xã hội này rất được ưa thích ở Việt Nam, mặc dù chính quyền đã chặn Facebook từ cuối năm 2009 khi các nhà hoạt động bắt đầu tiến hành tổ chức trên mạng, chủ yếu xoay quanh một vấn đề gây tranh cãi, là vụ Trung Quốc khai thác các mỏ bauxite ở Tây Nguyên.
Nhớ lại thời gian đó, vấn đề bauxite đã đoàn kết các nhóm trước nay vốn chia rẽ, từ nhóm Thiên Chúa giáo bất đồng chính kiến, tới các nhà hoạt động môi trường, tới các nhân vật bất đồng về chính trị – những người lo lắng trước ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Việt Nam. Do vậy, một trong những nỗi lo bây giờ là sự thể hiện chủ nghĩa dân tộc như hiện nay có thể tạo cớ cho những nỗi bất mãn khác được thổ lộ.
“Mặc dù những người phản đối được phép biểu tình, nhưng công an theo dõi rất chặt mọi âm mưu chuyển hướng thông điệp sang đối tượng chính phủ” – Jennifer Richmond, giám đốc nhóm phân tích thông tin tình báo Stratfor ở Trung Quốc, nhận xét. “Nói cách khác, nền chính trị trong nước lung lay không vững đang làm phức tạp thêm nỗ lực của các quốc gia nhằm kiểm soát tranh chấp chủ quyền ở biển Hoa Nam”.
Ít nhất thì cho đến nay, cũng hầu như chưa có bằng chứng nào rõ ràng về việc này, mặc dù hồi tháng 6, một người biểu tình đã cầm theo khẩu hiệu viết tay với nội dung chống cộng, và một số nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng cũng có mặt. Nhìn chung sự phẫn nộ chủ yếu tập trung vào Trung Quốc và những hành động của nước láng giềng lớn này, mà theo quan sát là đã vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, cũng như cách hành xử của đội tàu Trung Quốc với ngư dân Việt Nam. Một số cơ quan báo chí nước ngoài còn đưa tin rằng, cùng với tình cảm dân tộc chủ nghĩa bừng bừng dâng lên, một số lượng ngày càng gia tăng doanh nghiệp Trung Quốc đã bị tẩy chay.
“Trung Quốc chấm dứt vi phạm chủ quyền Việt Nam” – một khẩu hiệu điển hình viết như vậy. Một người biểu tình khác giơ cao ảnh tướng Võ Nguyên Giáp, năm nay đã 90 tuổi (2), vị kiến trúc sư đằng sau thất bại của quân Pháp ở Điện Biên Phủ. “Tinh thần Võ Nguyên Giáp bất diệt. Chúng tôi sẵn sàng gia nhập quân đội!”.
Một số ý kiến cho rằng bằng việc cho phép biểu tình, Hà Nội đang thực hiện hai mục đích: gửi một thông điệp rất tế nhị tới Bắc Kinh, đồng thời cũng cho phép người dân xả chút ít nóng giận thông qua việc để cho họ thể hiện nỗi bất bình của mình một cách dễ dàng.
Lập trường cứng rắn hơn của Việt Nam đối với Trung Quốc lần này – tiến hành tập trận bắn đạt thật và công bố thông tin chi tiết về những người được miễn nghĩa vụ quân sự nếu chiến tranh nổ ra – kết hợp với một chút hành xử linh hoạt trong nước, đối lập với những giai đoạn bất ổn trước đây khi các blogger và nhà hoạt động bị truy tố vì đã công khai chỉ trích chính phủ “để mất đảo vào tay Trung Quốc”.
Năm 2008, 6 nhà hoạt động ở thành phố cảng phía bắc, Hải Phòng, và thành phố Hải Dương lân cận, đã trương biểu ngữ đòi dân chủ, lên án chính phủ tham nhũng, và cho rằng chính phủ đã nhượng đảo cho Trung Quốc. Cả 6 người đều bị xử tù.
Năm 2009, ông Carl Thayer, một chuyên gia về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Australia ở Canberra, viết rằng phong trào phản đối về chính trị khi ấy đã phát triển đến một mức độ bao hàm cả những mối quan tâm dân tộc chủ nghĩa, thay vì chỉ tập trung vào nhân quyền và tự do ngôn luận. “Điều này làm lộ ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với chính quyền của đất nước độc đảng này, khi mà phản ứng thù địch với Trung Quốc ngày một gia tăng và lan rộng từ các thành phần cực đoan về chính trị sang cả tầng lớp tinh hoa chính trị – những người thắc mắc về phản ứng mà theo họ là chưa phù hợp của chính quyền trước sự quyết liệt ngày một mạnh mẽ của Trung Quốc trên biển Hoa Nam” – ông Carl Thayer viết.
Chắc chắn là, người Việt Nam có một sự ngờ vực sâu sắc đối với Trung Quốc; thái độ này đặc biệt rõ ở miền Bắc, nơi từng bị Trung Quốc chiếm làm thuộc địa tới hơn 1000 năm.
Cuộc đối đầu gần đây nhất giữa hai nước là lần đụng độ tồi tệ nhất kể từ năm 1988 khi hải chiến xảy ra làm 70 người Việt Nam bị sát hại. Năm 1979, Trung Quốc xâm lược Việt Nam như một hành động trả đũa việc Việt Nam đưa quân vào Campuchia để lật đổ Khmer Đỏ, song quân Trung Quốc đã bị đánh bại sau một cuộc chiến ngắn nhưng đẫm máu dọc biên giới phía bắc Việt Nam.
Hiện nay, sức mạnh hải quân gia tăng của Trung Quốc khiến nhiều người Việt Nam – và chính quyền Việt Nam – lo ngại, và để đáp lại phần nào, nước này đã tăng cường hải quân của mình. Năm ngoái, họ mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga, và tuyên bố mở cửa vịnh Cam Ranh ở miền Trung, gần địa điểm nghỉ mát Nha Trang, cho các đội tàu nước ngoài.
Vịnh cảng Cam Ranh từng được người Mỹ sử dụng trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam, sau đó là người Nga. Hiện tại, Việt Nam đã lấy lại quyền kiểm soát vịnh cảng, và có tin cho rằng Việt Nam sẽ phát triển Cam Ranh với sự trợ giúp của Nga. Kế hoạch của họ được coi như một nỗ lực mạnh hơn nhằm đương đầu với sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Tuy nhiên, như thế có lẽ vẫn chưa đủ để làm yên lòng một số người Việt Nam. Một người biểu tình giấu tên cho biết anh không làm chính trị, mà anh chỉ muốn phản đối hành động của Trung Quốc một cách ôn hòa. “Nhưng tôi hy vọng là trong mấy ngày tới, sẽ có thêm nhiều người nữa tới đây để phản đối, để cho thấy rằng chính sách của chính phủ Việt Nam đối với Trung Quốc là chưa đủ mạnh mẽ” – anh nói.
Khó mà biết chắc được những người biểu tình như anh cảm thấy như thế nào về chuyến thăm của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Hồ Xuân Sơn tới Bắc Kinh hồi cuối tháng qua, tại đó ông Sơn nhất trí với các quan chức Trung Quốc là phải nhấn mạnh tầm quan trọng của đàm phán ngoại giao trong việc giải quyết tranh chấp hàng hải Trung Quốc – Việt Nam.
Nhưng ngay cả khi họ có bất mãn đi nữa, cũng không còn thời gian để người Việt Nam có thể xả cơn phẫn nộ của họ một cách công khai. Khi đã nối lại được quan hệ ngoại giao với Trung Quốc theo một hình thức nào đó, có thể nói chính phủ đang ngày một chán cái đám người ít ỏi mà to mồm, đang đòi nhà nước phải hành động cứng rắn hơn kia. Do vậy, cuộc biểu tình cuối tuần qua có lẽ là cuộc biểu tình cuối cùng, ít nhất cũng là trong một thời gian nữa.
(1) Tác giả nhầm, ở đây không phải quảng trường Ba Đình mà là vườn hoa Chi Lăng.
(2) Nguyên văn là nonagenarian, nghĩa là người thọ chín mươi tuổi. Tuy nhiên năm nay Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã bước sang tuổi 100.
Người dịch: Thủy Trúc
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011