Thứ Sáu, 8 tháng 7, 2011

Sẽ có một ngày như thế

Sau khi Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Mình lần 1 vào tháng 5, từ đầu tháng 6 đã xảy ra biểu tình ôn hòa phản đối Trung Quốc tại khắp nơi trên thế giới.
AFP photo
Người Việt tại Tokyo tập trung biểu tình phản đối Trung Quốc hôm 25/6/2011

Việc nước là việc chung

Bất kể cuộc biểu tình xảy ra trong nước hay hải ngoại, số lượng thanh niên – sinh viên chiếm đa số. Và đối với họ, tham gia biểu tình là không phân biệt nơi chốn, thành phần và quan điểm chính trị.
Sáng sớm ngày 26 tháng 5, tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 khi tàu này đang thăm dò dầu khí tại lô thứ 148, cách bờ biển Phú Yên khoảng 120 hải lý. Sự việc đã gây phẫn nộ trong đông đảo người dân Việt Nam nên đã tạo nên làn sóng đấu tranh ôn hòa phản đối Trung Quốc. Theo những người tham gia biểu tình, mặc dù biết Nhà nước có thể có những chính sách riêng để giải quyết sự việc, nhưng tham gia nói lên ý kiến của mình là cần thiết. Hoa, một sinh viên du học tại Hà Lan vừa tham gia biểu tình phản đối Trung Quốc tại đây hôm 2 tháng 7 vừa qua, cho biết:
“Mình nghĩ khi nó là vấn đề của đất nước thì trách nhiệm và quyền hạn hay không chỉ thuộc về chính quyền. Tất cả công dân Việt Nam đều có quyền tham gia vào những sự kiện của đất nước. Mình cho rằng bổn phận của một công dân thì phải tham gia vào tất cả mọi sự kiện của đất nước, bao gồm cả chính trị.”
Cùng ý kiến với Hoa, nhà thơ trẻ Trịnh Sơn, người khởi xướng cuộc biển tình ôn hòa phản đối Trung Quốc tại Vũng Tàu hôm 25 tháng 6 nói thêm:
“Nếu có ai đó cho rằng vấn đề đất nước đã có Đảng và Nhà nước lo thì tôi muốn nói rằng đất nước này là của gần 90 triệu dân đang sống và còn của nhiều thế hệ cha ông khác nữa chứ không phải của riêng ai. Do đó lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ đất nước có thể được thể hiện theo nhiều ý chí và cách thức khác nhau nhưng đều mang một ý nghĩa đáng trân trọng”.
Tính cho đến thời điểm này, tại Hà Nội đã xảy ra 5 cuộc biểu tình liên tiếp mỗi sáng Chủ nhật gần Đại sứ quán Trung Quốc. Các cuộc biểu tình như thế cũng xảy ra ở Sài Gòn và Bà Rịa – Vũng Tàu. Tại hải ngoại, các cuộc biểu tình tương tự cũng diễn ra với hàng trăm người tham dự. Điển hình là cuộc biểu tình của sinh viên du học cùng thanh niên, công đồng hải ngoại bên ngoài tòa nhà Tổng Lãnh Sự Trung Quốc tại Melbourne, Úc ngày 4 tháng 6; tại Tokyo, Paris, và các thành phố lớn ở Canada ngày 25 tháng 6.
Gần đây nhất, vào ngày 2 tháng 7, cũng xảy ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc của cộng đồng người Việt ở Washington, ở Den Haag (Hà Lan) và ở Brussels.
Hầu hết các cuộc biểu tình trên xảy ra gần Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người lại cho rằng biểu tình không nhất thiết phải diễn ra tại các các cơ quan ấy. Anh Trịnh Sơn cho biết:
Mình cho rằng bổn phận của một công dân thì phải tham gia vào tất cả mọi sự kiện của đất nước, bao gồm cả chính trị.
Hoa, SV du học Hà Lan
“Qua các sự kiện vừa rồi thì tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng không nhất thiết chúng ta phải biểu dương lòng yêu nước trước Đại sứ quán hay Lãnh sự quán Trung Quốc. Ngược lại, chúng ta có thể làm ở mọi nơi, mọi lúc, mọi thời điểm thì tác dụng của nó rất nhiều bởi vì nó sẽ giúp đông đảo dân chúng nhận biết được bản chất sự việc”.
Nhà thơ Trịnh Sơn còn cho biết, cái mà người ta gọi là “cuộc biểu tình tại Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 25 tháng 6”, thực chất chỉ bắt đầu từ việc bản thân anh một mình đứng trước Trung tâm Thương mại thị xã Bà Rịa giơ cao biểu ngữ yêu nước. Sau đó, sự việc này đã được đông đảo các tầng lớp từ trí thức đến các anh đạp xích lô, em bé bán vé số hưởng ứng. Anh nói:
“Khi thấy tôi đứng giương biểu ngữ chống Trung Quốc, biểu ngữ “Tuổi trẻ Bà Rịa quyết tâm giữ nước” ban đầu chỉ có một mình tôi thôi, nhưng có lẽ là nhiều người thấy sự việc này là nên làm nên cũng tham gia. Đặc biệt là các em bán vé số, bán báo, các chị bán hàng rong, các anh xe ôm tập trung lại rất đông đều đứng lại rất lâu. Thời điểm cao nhất có thể lên đến hơn 100 người”.

Yêu nước là tiếng nói chung

000_Hkg5073133-250.jpg
Một phụ nữ trong đoàn biểu tình với khẩu hiệu "Chống Trung Quốc" tại Hà Nội hôm 03/07/2011. AFP photo
Theo bạn Lâm, một sinh viên du học tại Pháp tham gia cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Paris hôm 25 tháng 6 vừa qua, thì mặc dù các bạn không được biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris, nhưng khí thế cuộc biểu tình không vì thế mà chùng xuống. Lâm cho biết:
“Khí thế cuộc biểu tình rất cao bởi vì nơi biểu tình đối diện tháp Eiffel, đông người qua lại. Còn nếu biểu tình ở trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc thì có thể sẽ không có đông người hưởng ứng như thế”.
Còn nhớ khi vừa xảy ra tin tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02, dư luận trong nước đã tỏ ra bức xúc. Nhiều tour du lịch đi Trung Quốc đã bị bãi bỏ. Thậm chí một số website của Trung Quốc bị đánh sập mà có nguồn tin cho rằng tác giả chính là những hacker Việt Nam. Chưa nói đến vấn đề đúng – sai trong các hành động này, nhưng rõ ràng người Việt Nam phản đối hành động gây hấn của Trung Quốc bằng nhiều cách.
Có thể thấy, giữa lúc người ta chưa tìm thấy một phương pháp hữu hiệu giải quyết vấn đề biển Đông nói riêng và vấn đề quan hệ Việt – Trung  nói chung, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc biểu tình tuần hành ôn hòa như thế sẽ dừng lại. Điều đặc biệt, nhiều thanh niên Việt Nam lại cho rằng “hoạn nạn mới thấy chân tình”; họ sẵn sàng và mong muốn được nắm tay giải quyết vấn đề đất nước. Hoa cho biết:
“Dù là cuộc biểu tình có mang “cờ vàng” hay “cờ đỏ” thì mình cũng tham gia và không phân biệt. Bởi vì mình ý thức được rằng đây là vấn đề chung của đất nước. Hôm rồi các bạn sinh viên Việt Nam tại đây biểu tình phản đối Trung Quốc thì họ sử dụng cờ đỏ sao vàng làm biểu tượng cho nước Việt Nam. Và mình đã tham gia. Thế nhưng nếu các cô chú người Việt tại đây có dùng cờ vàng ba sọc đỏ để biểu tình phản đối Trung Quốc thì mình cũng sẽ tham gia. Quan trọng là cái tâm huyết của mình đối với đất nước”.
Đây không phải là ý kiến riêng của Hoa mà còn của rất nhiều bạn thanh niên. Chính vì thế mà bài hát “Nối vòng tay lớn” đã được hát lên trong hầu như tất cả các cuộc tuần hành vừa qua. Anh Trịnh Sơn nói:
Khi mọi người thể hiện lòng yêu nước là điều đáng quý. Người Việt ở khắp nơi trên thế giới nắm tay để giữ nước thì không chỉ riêng tôi, mà tất cả thanh niên Việt Nam đều nghĩ như thế.
Anh Trịnh Sơn
“Người Việt Nam dù đi đến đâu thì cũng có thể nhận ra nhau bằng tiếng nói. Khi mọi người thể hiện lòng yêu nước chân thành và trong sáng là điều đáng quý. Người Việt ở khắp nơi trên thế giới nắm tay để giữ nước thì không chỉ riêng tôi, mà tất cả thanh niên Việt Nam đều nghĩ như thế”.
Nắm tay nhau bảo vệ tổ quốc, không phân biệt quan điểm chính trị là mong ước của rất nhiều thanh niên Việt Nam; bởi họ ý thức được rằng trong lúc độc lập, chủ quyền dân tộc bị ngoại bang đe dọa thì hai từ mà tất cả mỗi dân tộc đều cần là “đoàn kết”.