Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Luật sư Vương Văn Bắc, nhà ngoại giao đồng hành cùng vận nước

Ngày 20 tháng 6 vừa qua, Thành phố Paris đã tiễn người Tổng trưởng Ngoại giao cuối cùng của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) về nơi an nghỉ cuối cùng.
Photo by Nguyễn Văn Đông
Tang lễ của Luật Sư Vương Văn Bắc
Trong bản cáo phó, đơn giản những dòng chữ:
Chúng tôi đau đớn báo tin cùng quý vị thân bằng quyến thuộc:
Ông Vương Vǎn Bắc, Chồng và Cha chúng tôi vừa qua đời sáng Thứ Hai 20 tháng sáu 2011, một cách êm dịu tại tư gia, trước mặt cả gia đình
.
Xin mời quý thính giả tưởng nhớ đến luật sư, Ngoại trưởng Vương Văn Bắc qua bài của thông tín viên Tường An gửi về từ Paris sau đây:
Luật sư Vương Văn Bắc sinh năm 1927, quê ở Bắc Ninh. Từ nhỏ ông học tại trường Bưởi, lớn lên, ông vào học tại Đại học Luật khoa, Hà Nội. Sau khi di cư vào Nam, ông làm việc tại văn phòng luật sư Vũ Văn Hiền ở Sài Gòn; ông đã gặp người phối ngẫu của ông là bà Nguyễn thị Hồng, cũng là luật sư tập sự tại đây, hai người lập gia đình năm 1960. Sau đó ông bắt đầu dạy tại trường Quốc Gia Hành Chánh ở Đà Lạt suốt từ năm 1964 đến năm 1974. Dưới thời chính phủ Nguyễn Bá Cẩn, ông làm thứ trưởng Bộ Giáo Dục một thời gian rất ngắn. Năm 1972 ông được cử làm Đại sứ VNCH tại Anh Quốc.
Ông cũng có mặt trong phái đoàn ký kết Hiệp định Paris ngày 27 tháng 1 năm 1973. Sau Hiệp định Paris, ông chính thức bước chân vào chính quyền, thay ông Trần văn Lắm làm Tổng trưởng Ngoại giao.
Tháng 1 năm 1974, khi Trung Quốc tấn công chiếm Hoàng Sa, ông đã lên án trước thế giới hành động xâm lấn của Trung Quốc và tuyên bố giữ vững chủ quyền của Việt Nam trên quần đảo Hoàng Sa.
Ðầu tháng 4 năm 1975, Tổng Thống Nguyễn vănThiệu cử Ngoại trưởng Vương Văn Bắc đi Saudi Arabia để đề nghị Quốc Vương Haled tiếp tục đồng ý cho Việt Nam Cộng Hòa vay tiền. Quốc Vương Haled lúc đó đã đồng ý cho vay.
Theo lời kể của bà Bắc, sau đó, ông đã cùng với ông Nguyễn Ngọc Diễm đến Hoa Thịnh Đốn để đề nghị vay thêm của Hoa Kỳ. Trên đường trở về, ông ghé Anh Quốc thăm gia đình và bị kẹt ở lại. Trong khi đó, ông Diễm trở về Việt Nam và bị 13 năm tù dưới chế độ CS.

Học sinh xuất sắc, giáo sư giỏi

vuong-van-bac-200.jpg
Hình LS Vương Văn Bắc lúc còn trẻ. Photo by Nguyễn Văn Đông.
Xuất thân từ một gia đình không mấy gì khá giả, ông đã phải vừa đi làm, vừa đi học. Học sinh Vương văn Bắc luôn luôn là một học sinh giỏi. Luật sư Trần Thanh Hiệp, bạn cùng học trường Bưởi với ông nhận xét:
"Đó là 1 người học sinh trung học xuất sắc lắm, năm nào ổng cũng chiếm giải xuất sắc, cứ là 1 chồng sách cao gần bằng nửa người ấy. Nét trội là ổng ấy là người rất là nghiêm chỉnh."
Vào đại học, ông vẫn giữ vị trí một sinh viên giỏi, siêng năng. Giáo sư Vũ Quốc Thúc, giảng sư tại Đại Học Quốc gia Hành chánh, thầy học của ông, đã nhớ lại về người học trò giỏi của mình:
"Ông Bắc lúc ấy sinh viên xuất sắc lắm, thi cử nhân thường năm nào thi lên lớp cũng đỗ đầu hết!"
Khi đã thành danh, trở lại trường củ để dạy học, giáo sư Vương văn Bắc cũng là một giáo sư giỏi, tận tâm, nghiêm chỉnh với chức năng thầy giáo. Đốc sự Lê Ngọc Diệp, hiện sống tại Cali nhớ về hình ảnh của người thầy củ:
Đó là 1 người học sinh trung học xuất sắc lắm, năm nào ổng cũng chiếm giải xuất sắc, cứ là 1 chồng sách cao gần bằng nửa người ấy. Nét trội là ổng ấy là người rất là nghiêm chỉnh.
LS Trần Thanh Hiệp
"Ổng vào lớp không bao giờ đem theo tài liệu, giấy tờ gì hết, chỉ nói không mà ổng nhớ từng chi tiết, ngày giờ, năm tháng, định chế! Ông dạy môn định chế chính trị. Các thể chế chínht rị Việt Nam thời nào, thời nào ổng nhớ đâu ra đó, mà ổng giảng rất là minh bạch, rõ ràng, đúng với tinh thần của Đại học.
Sinh viên rất mến ổng bởi vì ổng tận tâm, luôn luôn suy tư giới trẻ như thế nào để đóng góp cho Quốc gia Việt Nam mình. Ổng rất nghiêm trang nhưng mà ổng rất thân mật, ổng rất chú ý tới học trò. Ổng giảng dạy từng chút, từng chút. Mình đặt câu hỏi nào thì ổng giảng rất đàng hoàng, ổng rất là trọng học trò.
Cái nổi bật ở ông là tính nghiêm chỉnh trong mọi công việc, nguyên tắc trong cách sống, đó là ưu điểm mà đôi khi cũng là khuyết điểm của ông. Ông nói: "Ông không từ bỏ cái gì mà nó là của mình" do đó, ông không nhận vào quốc tịch Pháp hoặc Mỹ, điều đó đôi khi gây khó khăn cho bà Bắc khi phải cùng ông đi thăm các con đang sống ở Anh, ở Mỹ."

Tận tâm, nguyên tắc, trung thành

Về một Vương Văn Bắc rất nguyên tắc ấy, Đại tá Hoàng Cơ Lân, đang sống tại Pháp nói như sau:
"Ông Vương Văn Bắc là người rất chững chạc, nhiều khi hơi chững chạc quá là khác tại ông có các nguyên tắc chẳng hạn như là ông ấy không hề vào quốc tịch Pháp. Chúng tôi hàng năm làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ của Quân lực VNCH  thì năm nào ổng cũng đến.
Từ ngày chúng tôi làm tượng đài ở nghĩa trang quân đội của thành phố Nogent sur Marne, năm nào ổng cũng tới như vậy được 9 năm nay rồi! Ổng coi như có cái bổn phận ổng lại, cái đó tôi phục ổng lắm!"
Giáo sư Vũ Quốc Thúc cũng có cùng một chia sẻ:
"Très sérieux! (nghiêm chỉnh) Giỏi! giỏi! très intelligent! (thông minh). Ông ấy thận trọng lắm, người rất thận trọng thành ra đối với các hồ sơ của Quốc gia, tôi chắc ổng cũng phải tận tâm như thế!"
Cựu Dân Biểu Võ Long Triều nói với Viễn Đông: “Ông Vương Văn Bắc là một người rất có lòng với đất nước, mặc dù thời gian đã trôi qua, nhiều chuyện đã trở thành quá khứ, nhưng trong đầu ông lúc nào cũng nghĩ việc nước chưa hoàn thành, nhất là chưa thành với thế hệ mai sau, khiến ông lúc nào cũng ưu tư”.
vuong-van-bac-funeral-220.jpg
Giáo sư Vũ Quốc Thúc trong buổi tang lễ của LS Vương Văn Bắc. Photo by Nguyễn Văn Đông.
Đó có phải là 1 trong những nỗi niềm sâu kín đưa đến việc suy sụp sức khỏe của ông và cuối cùng dẫn ông đến chuyến đi vĩnh cữu không? Bà Bắc chia sẻ:
"Đang làm việc nhiều, cả ngày nghĩ đến việc của thân chủ, không phải lo đến chuyện trong gia đình. Bây giờ về nhà, hững! Về hưu cũng là một cái buồn. Tinh thần, việc nước mình cũng không ra làm sao mấy! Ăn uống kém hẳn đi, thay vì một bát cơm mỗi bữa, bây giờ một thìa cơm cũng không ăn hết. Bữa hôm đi thì chúng tôi chỉ được tự an ủi là nhà tôi không có đau đớn. Đi mà chúng tôi cũng không biết là đi, bấy giờ là đi trước mặt mình, trước mặt vợ con."
Nói đến Luật sư Vương Văn Bắc, hầu như bạn bè, bạn đồng môn đều nhắc đến cái tính nguyên tắc, trung thành của ông. Bà Bắc kể lại một mẫu chuyện nhỏ cho thấy ông chung thủy với những gì nhỏ nhặt nhất trong đời sống của ông:
"Từ khi chúng tôi quen biết nhau, cái mác nước hoa 4711 nó vẫn làm ở bên Đức đưa sang. Đến bây giờ chúng tôi mua là khó lắm tại vì không phải là hiệu nào cũng bán. Hồi trước là pharmacie bán, bây giờ pharmacie cũng không bán nữa, Cái mác nước hoa đó nó sắp sửa không bán nữa. Thế nếu mà ổng cứ trung thành như thế này thì ổng không chịu dùng các nước hoa khác. Nhưng mà ổng đã quen rồi, ổng không thay đổi. Thế tôi buồn cười, tôi bảo: "Thế có trung thành với vợ, vợ cũng không lấy làm hãnh diện lắm!" Tôi cứ đùa, tôi bảo thế."
Ra đi ở tuổi 83, những gì ông đạt được trong cuộc đời không phải là đương nhiên mà có. Nhà không khá giả, khi còn trẻ, ông phải vật lộn với cuộc sống đế trở thành luật sư; khi tham chính, ông đã bôn ba khắp nơi để cứu nguy vận nước.
Ngay cả trong tình duyên, ông cũng gặp nhiều trở ngại vì tôn giáo. Với bản tính trung thành, ông đã nói với cô Nguyễn thị Hồng lúc bấy giờ : "Nếu không làm đám cưới với em, thì anh cũng không lấy ai." Qua rất nhiều trở ngại, hai bên mới lấy được nhau. Bên cạnh di ảnh của người quá cố, bà Bắc hồi tưởng lại thuở ban đầu:
Ông Vương Văn Bắc là người rất chững chạc, nhiều khi hơi chững chạc quá là khác tại ông có các nguyên tắc chẳng hạn như là ông ấy không hề vào quốc tịch Pháp.
Đại tá Hoàng Cơ Lân
"Lần đầu tiên mà tôi thay mặt cho luật sư đến cãi cho 1 vụ rất dễ. Thân chủ của tôi là chống lại cái ông bên kia. Mà ông bên kia thì mang tội nhận tiền hối lộ của bên này. Thế thì bên này đã chứng minh được và người ta đã bắt được quả tang.
Tôi ra, tôi không cần phải cãi nhiều, thế là quan tòa y án, bắt ông kia giam. Thế thì bước ra ngoài, vợ con của cái ông đó đầy ở ngoài couloir (hành lang) tòa án, người ta khóc quá. Tôi thương quá, tại tính tôi hay khóc. Tôi trong thấy như thế thì nước mắt tôi cứ chảy ràn rụa. tôi không biết là ông Bắc, ông ấy ngồi phía sau.
Ổng ra ổng không biết là tôi khóc. Bắt đầu ổng đưa tay, ổng bắt tay tôi, ổng bảo «mes félicitation!» (chúc mừng) Ổng khen mình thắng cái cuộc đó. Ai ngờ ổng trông thấy nước mắt tôi ràn rụa, ổng sợ quá. Về sau ổng Bắc ổng tán tôi bằng cách ổng vẽ, ổng vẽ thì cũng chả đẹp mấy! Nhưng mà ổng vẽ tôi mặc áo luật sư mà có hai dòng nước mắt chảy…"

Mộng trở về

Là một luật sư, một nhà chính trị, ông còn là một họa sĩ, một người viết văn, làm thơ. Văn ông tuy không tuyệt vời, thơ ông tuy không bóng bẩy, nhưng nó đến từ những cảm xúc chân thành trong ông, nó là ông, một con người suốt đời chân thành với bạn bè, nghiêm khắc với bản thân, trung nghĩa với lý tưởng của mình.
Nay ông đã ra đi, xin gửi đến ông một nén hương lòng qua bài thơ của chính ông, bài thơ "Mộng trở về" nói lên nỗi niềm hoài vọng một ngày trở về quê hương, một bến bờ Tự Do của ông qua giọng đọc của cô con gái đầu lòng Vương Hồng Hạnh:
Lòng chán ngán những tình hờ, danh hão,
Tai nhàm nghe toàn Paul, Jacque, Henri.
Mười năm sống kiêm lưu linh, gượng gạo,
Quá lâu rồi đất Mẹ mộng quay về.
Bỏ lại hết những lâu đài xa lạ,
Những cánh đồng không ngập lúa quê hương.
Không vương vấn những vườn nho, tượng đá,
Ta ra đi nhằm nẻo Thái Bình Dương.
Qua sa mạc cận đông thiêu lửa Hạ
Ghé Chiraz thu tời trải hoa vàng.
Âm thầm vượt thành Afgang băng giá,
Hướng về đông, thuyền ngược Ấn Độ giang.
Nắng nhiệt đới làm bỏng da, cháy thịt,
Gió nồm lên, hơi thở nghẹn bụi đường.
Ta ngưng bước trên đồi cao nghĩ mệt,
Thấy mây trôi lòng dào dạt nhớ thương.
Ta tưởng thấy tháp rùa in đáy nước,
Ngỡ nghe chuông Thiên Mụ vọng bên đò.
Lòng rộn rã lại hăng say cất bước,
Đã đến ngày hò hẹn với Tự Do!
(Vương Văn Bắc, sáng tác ngày 25 tháng 5 năm 1985)