Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Kiến Nghiệp và Đại Nghiệp

Nguyễn Xuân Nghĩa
Chín mươi năm của đảng Cộng Sản Trung Hoa....

Vạn lý trường chinh về chốn cũ
Ngẫu nhiên thôi, khi Trung Quốc tưng bừng chào mừng 90 năm ngày thành lập Trung Hoa Cộng sản đảng (mùng một Tháng Bảy 1921) thì dân Mỹ hẹn nhau... nướng thịt. Theo thông lệ, họ ở nhà ăn mừng ngày công bố Tuyên ngôn Độc lập, mùng bốn Tháng Bảy 1776, đến tối thì gọi nhau ra ngõ xem pháo bông, hầu như nơi nào cũng có. Cũng bình thường thôi, chuyện không có gì mà ầm ĩ.
Cũng ngẫu nhiên thôi, nhân dịp này, Trung Quốc phổ biến cuốn phim tuyên truyền về sự ra đời của đảng Cộng sản (Kiến Đảng Vĩ Nghiệp - sự nghiệp vĩ đại của việc dựng đảng) khiến ta nhớ đến cuốn phim năm ngoái để chào mừng 60 năm ngày thành lập Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc (mùng một Tháng 10 năm 1949). Phim Kiến Quốc Đại Nghiệp (sự nghiệp lớn lao của việc dựng nước)
Ngẫu nhiên vì có dịp so sánh giữa cái lớn lao và cái vĩ đại. Dựng đảng mới thật là vĩ đại, còn lớn hơn dựng nước!
Thâm thúy lắm.

Mà cũng là một ngẫu nhiên thâm tím. Khi nói đến phim Kiến Quốc Đại Nghiệp của Tầu là nhớ đến "Ngàn năm Thăng Long" của ta vào năm ngoái và cuốn phim về Lý Công Uẩn! Cuốn phim nên có tiểu tựa là... "công dã tràng": tác phẩm về thời độc lập ngàn năm trước chỉ là sản phẩm ngô nghê rất "tẫu". Nó vấy bẩn vào Thăng Long, vấy nhục cho văn hoá. Quả là thâm tím ruột gan vì một ngàn năm sau thì ta lại quay về thời Hán hóa.
"Đường tới thành Thăng Long" dẫn đến ngõ cụt. Công dã tràng là thế!
Nhưng thôi, bài này không viết về điện ảnh hay nghệ thuật tuyên truyền của Hà Nội... cho Bắc Kinh. Mà sẽ viết về Trung Quốc, nguyên bản của những âm bản đen tối đã thấy đảng Cộng sản Việt Nam nhiệt thành áp dụng....

Mao Trạch Đông - quái chiêu chính trị
Canh Tân và Độc Lập
Lúc ban đầu, đảng Cộng sản Trung Hoa được 13 người trí thức lập ra năm 1921, với hành trang tư tưởng là chủ nghĩa Marx, do Quốc tế Cộng sản (Komintern) của Liên Xô khai trí và yểm trợ.
Số đảng viên vào buổi đầu nguồn chỉ có 50 người, với hoài bão tiến hành một cuộc cách mạng với giai cấp công nhân tại thành thị và nông dân tại thôn quê. Mục tiêu là để ra khỏi trình trạng suy tàn của quốc gia sau khi nhà Mãn Thanh sụp đổ và tình trạng hỗn loạn của "Trung Hoa Dân Quốc" do Quốc dân đảng lãnh đạo.
Xuất hiện sau Quốc dân đảng chín năm, Cộng sản đảng là một dự án khác cho Trung Quốc, khi ấy đang bị nội loạn vì các lãnh chúa cát cứ và lại bị liệt cường uy hiếp, đứng đầu là Nhật Bản. Và cả hai đảng đều được Quốc tế Cộng sản yểm trợ để thực hiện mục tiêu của Liên Xô thời Lenin.
Không may cho Việt Nam, Hồ Chí Minh lại trôi vào cái mương đó.
Nhìn lại thì người ta thấy ra hai mục tiêu song hành của cả đảng là canh tân và độc lập. Cả hai đều muốn đuổi hươu, "trục lộc", tức là tranh thủ quần chúng cho cuộc cách mạng của họ. Trong mục tiêu đó tất nhiên là phải có tranh giành ảnh hưởng, dù là có giai đoạn chính thức hợp tác với nhau theo yêu cầu của Komintern sau khi Trung Quốc bị Nhật Bản xâm chiếm.
Nơi tranh thủ đầu tiên là thành thị thì tình hình còn ngang ngửa. Khi Cộng sản đảng đổi chiến lược và phát triển cơ sở tại nông thôn, họ huy động được một lực lượng quần chúng đông đảo hơn. Cuộc "Vạn lý Trường chinh" nằm trong chiều hướng đó và đấy cũng là lúc ngôi sao Mao Trạch Đông tỏa sáng. Khả năng huy động quần chúng nông dân đói khổ, nhất là từ các tỉnh bên trong lục địa, là yếu tố quyết định dẫn tới chiến thắng và sự ra đời của Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc vào tháng 10 năm 1949.
Thật ra, nền độc lập được thu hồi chủ yếu là do Nhật Bản bị Hoa Kỳ đánh bại năm 1945, nhưng công lao kháng Nhật cũng cho đảng một uy tín rất lớn để nắm quyền và tiến hành việc canh tân. Di sản ấy, lẫn mưu lược của mình, đã giúp Mao Trạch Đông kiểm soát được bộ máy nhà nước, nhưng để canh tân theo kiểu riêng: tiến hành cách mạng qua nhiều điều hoang tưởng và tàn ác.
Không nói đến tranh chấp ban đầu về đường lối mà chỉ kể từ khi nắm quyền dưới sự lãnh đạo của Mao cho đến ngày Mao tạ thế năm 1976, đảng phát động khoảng 25 chiến dịch lớn nhỏ lồng vào nhau. Làm vài chục triệu người mất mạng! Nào là "Thổ địa Chính cách", "Trấn phản" đến "Tam phản" rồi "Ngũ phản", "Bách hoa Vận động", "Đại dược tiến", "Đại văn cách", v.v...
Trung bình là trong hơn hai chục năm lãnh đạo của Mao, mỗi năm lại có một chiến dịch nhằm canh tân xã hội mà thực chất là củng cố quyền lực. Những đối tượng bị tiêu diệt chính là kẻ có tiền hoặc dám suy nghĩ khác với lãnh tụ. "Giai cấp tư bản" hoặc "Kẻ thù của nhân dân" chỉ là cách gọi tùy thời.
Ý thức hệ được sử dụng như chiến lược phát triển quốc gia thật ra chỉ là mưu lược của một lãnh chúa muốn nắm quyền tuyệt đối. "Ngã vi thiên hạ sự, hà tích tiểu dân tai". Ta mưu việc thiên hạ thì tiếc gì tai họa của đám tiểu dân! Châm ngôn tương truyền là của Thành Cát Tư Hãn có thể phản ảnh tinh thần Mao Trạch Đông. Và cái "thiên hạ sự" ấy chỉ là quyền bính, chứ không là canh tân hay hiện đại hóa.
Cuộc đời và sự nghiệp của Mao xứng đáng xuất hiện trong một cuốn sách về "Thuật chính trị", với ý nghĩa hắc ám nhất của chữ "thuật". Nhưng đáng ngạc nhiên là dân Trung Hoa, từ Phó Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ trở xuống, đều cúi đầu như một bầy cừu.
Nhìn lại thì người thật sự tiến hành cách mạng để canh tân Trung Quốc chính là Đặng Tiểu Bình.

Đặng Tiểu Bình - xây dựng nền móng cho chủ nghĩa lý tài đỏ
Sau ba lần bị "đuổi xuống chuồng bò", ông cũng có đầy mưu lược chính trị để tồn tại, kể cả lánh nạn Mao Trạch Đông và Giang Thanh bằng cách trốn vào tư dinh của... Mao Chủ tịch đấm ngực thế thốt! Nhờ vật mà không gặp số phận của Lưu Thiếu Kỳ, cũng ly kỳ như truyện Trung Hoa thời cổ vậy!
Mà cũng nhờ vậy, 30 năm sau khi Cộng hoà Nhân dân Trung Quốc ra đời, họ Đặng đã pha loãng cái chất đậm đặc sắt máu của ý thức hệ, và dàn xếp chuyện chính trị trên thượng tầng để tiến hành cải cách kinh tế. Một biến cố có góp phần cho những dàn xếp chính trị với phe thủ cựu là việc Quân đội Giải phóng bị rát tay khi cho Việt Nam một bài học vào năm 1979! Quá lạc hậu thì đánh đấm gì?
Nỗ lực cải cách trước hết của họ Đặng là buông bàn tay xiết họng nhân dân.
Canh Tân và Cấu Kết
Như vậy, sau hơn trăm năm mê hoảng chém giết, Trung Quốc chỉ bắt đầu hiện đại hóa là từ Đặng Tiểu Bình. Chúng ta không nói về Đài Loan ở bên kia eo biển....
Nhưng chỉ 10 năm đó sau thôi, việc giải toả kinh tế dẫn tới đòi hỏi về cải cách xã hội và chính trị trước hai tệ nạn là lạm phát và tham nhũng. Đây là nguyên ủy của vụ Thiên an môn 1989 khiến mấy ngàn người bị tàn sát khi quyền lực đảng bị đe dọa. Mọi cuộc tranh luận về cải cách chính trị đều chấm dứt. Đảng vẫn phải nắm quyến tuyệt đối.
Sau khi chấn chỉnh trong đảng, từ năm 1992 cũng Đặng Tiểu Bình quyết định tiếp tục cải cách kinh tế - và còn cho phép hình thành khu vực tư doanh. Tức là 70 năm sau khi thành lập, đảng Cộng sản xoá bỏ sự đối lập truyền kiếp giữa tư sản - hạt nhân của chủ nghĩa tư bản - với xã hội chủ nghĩa. Ông gọi đó là xã hội chủ nghĩa với màu sắc Trung Hoa. Diễn giải cho sát ý, đó là xã hội chủ nghĩa lý tài.
Đấy là một lý luận khá mới mẻ, mà cứ bị khoả lấp sau câu nói về "mèo trắng mèo đen", vốn dĩ không của họ Đặng!
Theo đúng phép Trung Hoa là phải có nhãn hiệu thì mới có danh nghĩa, họ nói đến "Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình" là tinh thần chỉ đạo. Sau này mới thêm một vế thứ ba, là "Phương pháp Giang Trạch Dân". Đó là khi họ Giang phát minh ra thuyết "Tam Biểu" để canh tân đảng – vẫn khác với canh tân quốc gia.
Xuất hiện từ năm 2000, thuyết "tam biểu" có nghĩa là đảng là đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến, đại biểu cho nền văn hoá kỹ thuật tiên tiến, và đại biểu cho quyền lợi căn bản của đại đa số quần chúng nhân dân.
Ta cần lùi lại một chút để nhìn trên toàn cảnh mà hiểu ra ẩn ý bên dưới.
Sau khi cho tư doanh hoạt động, và quả nhiên là họ giúp cho kinh tế tăng trưởng ngoạn mục, đảng thấy ra sự hình thành của một lớp người tiên tiến: các doanh gia! Màu sắc Trung Hoa mà...
Thành phần này bén nhạy chạy theo kinh tế thị trường mà tránh xúc phạm vào chính trị rồi trở thành lớp người biến báo thành công. Không thể để thành phần tự do ấy cứ tự do làm giàu, có khi trở thành thế lực xã hội chính trị, rồi sau này hoạt động song song với nhà nước được. Nếu tiêu diệt họ theo kiểu Mao thì xứ sở phá sản, đảng bèn kéo họ vào. Phong cho họ nhãn hiệu tiên tiến vì có khoa học kỹ thuật và phương tiện sản xuất tiên tiến!
Nhờ đặc tính đại biểu tiên tiến ấy, đảng Cộng sản tiếp tục giữ chính danh lãnh đạo để đưa Trung Quốc vào kỷ nguyên hiện đại. Tư tưởng Mao Trạch Đông có thể là sự rồ dại của một thiên tài chính trị, chứ lý luận Đặng Tiểu Bình và phương pháp Giang Trạch Dân mới là sự sáng tạo của một đảng chính trị!

Giang Trạch Dân - "tam biểu chi thuyết"
Nhưng, như một đồng tiền, sự thể này cũng có hai mặt.
Vốn dĩ thực tiễn hơn đám trí thức và quan lại của Trung Hoa truyền thống, các doanh gia Trung Quốc biết phân biệt lợi hại. Họ gia nhập đảng để qua đảng mà ảnh hưởng đến bộ máy nhà nước và khuynh đảo cơ chế kinh tế hầu gia tăng quyền lợi của mình! Họ trở thành một đám tư bản khoác áo đỏ. Tư bản đỏ là thế!
Thật ra, trong lịch sử, các đại gia Trung Hoa mà muốn làm giàu thì vẫn cấu kết với các quan trong triều, nhất là lớp thái giám đầy quyền uy như dưới đời Minh. Thời nay, các đại gia vào đảng và cấu kết với Trung ương Ủy viên, thậm chí Ủy viên bộ Chính trị. Vẫn chỉ là màu sắc Trung Hoa. Kết cuộc thì doanh gia và đảng viên đều cùng có lợi: đảng viên giữ đặc quyền, doanh gia chiếm đặc lợi.
Và đổi chác cho nhau trong một vùng đất xám được đôi bên cùng bảo vệ rất kỹ.
Cấu Kết và Tụt Hậu
Nhìn từ bên ngoài thì đảng Cộng sản Trung Quốc có vẻ đã thoát xác và tiến bộ hơn xưa.
Năm 1978, trước thời họ Đặng mở cửa, trong số đảng viên là 37 triệu thì hơn hai phần ba là công nông, thành phần "có học" chỉ là thiểu số. Sau sáng kiến của họ Giang, Hiến pháp được tu chỉnh năm 2002 đã cho các thành phần khác vào đảng, kể cả trí thức và tư doanh. Năm 2005, khi thế hệ thứ tư Hồ Cẩm Đào, Úy Kiện Hành và Ôn Gia Bảo đã nắm vững bộ máy đảng và nhà nước, đảng có 70 triệu đảng viên, gần gấp đôi thời mở cửa. Trong số này, công nông chỉ chiếm 29% và giới chuyên gia và bậc đại học chiếm đa số là 53%.

Hồ Cẩm Đào - Lưỡng diện và Bát phản
Cũng trong năm 2005, 75% doanh gia Hoa lục được khảo sát cho biết là họ đã hoặc sẵn sàng gia nhập đảng. Qua năm 2008, một công trình nghiên cứu khác cho biết 34% thành phần tư doanh của Trung Quốc đã thành đảng viên. Thuộc Quốc hội khoá 11 hiện nay, trong tổng số 2.987 đại biểu nhân dân, 70 người giàu nhất đang nắm trong tay tổng số tài sản trị giá hơn 75 tỷ đô la....Trunh bình là mỗi người có một tỷ rưỡi!
Tây phương khờ khạo bèn ngợi ca là đảng đang tự "tiểu tư sản hoá" chứ đã hết là cộng sản. May ra một tầng lớp trung lưu sẽ đưa tới thay đổi tốt đẹp hơn cho xã hội.
Sự thay đổi có xảy ra, nhưng không theo hướng đó!
Đảng Cộng sản Trung Hoa đã định chế hóa - hợp pháp hóa - sự cấu kết giữa chính trường và doanh trường, để một thiểu số trong xã hội thâu tóm cả quyền lẫn lợi, và thoải mái chuyển lại cho con cháu. Trong chính trường mà có "Thái tử đảng" thì ngoài doanh trường có "thế hệ đại gia thứ hai".
Sự cấu kết đó làm thui chột tinh thần cải cách, óc sáng tạo, và tổ chức kinh doanh, vì những kẻ có quyền và có lợi đều muốn bảo vệ nguyên trạng. Họ không chấp nhận thay đổi. Sự cấu kết đó còn lập ra rào cản tự nhiên khiến đa số còn lại không có đất tiến thân, bất mãn và gây nguy cơ động loạn. Tưởng rằng canh tân mà thật ra tụt hậu.
Sau "Tư tưởng Mao Trạch Đông, Lý luận Đặng Tiểu Bình và Phương pháp Giang Trạch Dân", họ phát minh ra "Kỹ thuật Hồ Cẩm Đào". Đó là ăn nói nước đôi, là trò chơi lưỡng diện, thò lò hai mặt.
Với bên ngoài thì "vận dụng khoa học kỹ thuật" để "xây dựng xã hội hài hòa" vì mục tiêu "quật khởi hoà bình", mà bên trong vẫn là việc khôi phục lại chủ nghĩa duy chủng Đại Hán trên các sắc tộc khác và phát huy nét đại bá của Mao Trạch Đông: nhân lễ kỷ niệm 90 năm ngày thành lập đảng, các biểu hiệu đỏ bầm của Mao vào thời Đại Văn Cách đã tái xuất hiện rợp trời, trong tiếng rống "Đông phương hồng"!
Nhiều nhân vật có thể giá sau Đại hội 18 vào năm tới đã ngấm ngầm khôi phục tư tưởng Mao Trạch Đông làm tinh thần chỉ đạo, cũng với đầy thủ đoạn của Mao.
Nghĩa là làm sao?
***
Nghĩa là 90 năm sau khi ra đời, 30 năm sau khi cải cách, đảng Cộng sản Trung Hoa đang trở thành một đảng cực kỳ phản động. Nó cưỡng chống sự tiến hóa và vì vậy lại trôi về chốn cũ.
Đấy là lúc ta nên nhắc đến hai chiến dịch liên tiếp của Mao, vào cuối năm 1951 là "Tam phản", vào đầu năm 1952 là "Ngũ phản".
Hai chiến dịch nêu ra tám tội danh vẫn đang là hiện đại như mới, phổ biến từ trong đảng ra đến ngoài: 1) tham nhũng, 2) lãng phí, 3) quan liêu, 4) hối lộ, 5) ăn cắp công sản, 6) trốn thuế, 7) gian dối trong hợp đồng, và... 8) đánh cắp tin tức tình báo kinh tế! Sáu mươi năm sau, hai chiến dịch này vẫn là ưu tiên cấp thiết! Chuyện canh tân đất nước chỉ là hão huyền
Canh tân quốc gia không xong thì đảng xoay về chuyện độc lập dân tộc, để ca tụng tinh thần Đại Hán. Qua sự cổ võ của đám Maoist và quân đội. Tinh thần Đại Hán ấy được hiện đại hóa thành chủ nghĩa bá quyền, với việc mở rộng khu vực đặc quyền kinh tế và xây dựng vùng trái độn quân sự ở bốn phương tám hướng!
Trong khi ấy, đa số thành phần trí thức thì vẫn trở lại nếp khôn ngoan truyền thống thời phong kiến. Các "viện sĩ" này không "thổi da trâu", là nói phét với thiên hạ, thì "vỗ mông ngựa", là nịnh hót cường quyền.
Vấn đề là hệ thống chính trị quái đản ấy chưa ra tới ngoài thì có khi đã bò nhoài ở trong vì nội loạn: Thành phần cùng khốn từng được Mao Trạch Đông vét vào cách mạng nay đang lởn vởn tư tưởng cách mạng ở trong đầu. Cũng rất truyền thống.
Cho nên, 90 năm sau khi đảng "kiến nghiệp", Trung Quốc có khi lại gặp "đại nghiệp" - một cái nghiệp kinh hoàng vĩ đại! Sự nghiệp và nghiệp chướng có khác nhau rất xa.
Lúc ấy, "thủ đoạn" Tập Cận Bình sẽ là gì?
Nguồn: Dainamax.org