Thanh Hà
Nỗi ám ảnh lớn nhất của Cuba hiện nay là gì ? Chắn chắn La Habana không sợ Hoa Kỳ đổ bộ. Còn đối với người dân thì cơn ác mộng không phải là sống thiếu một nhà lãnh đạo sáng suốt như Fidel Castro. Dấu hỏi lớn nhất đối với dân chúng cũng như chính quyền Cuba là tương lai hòn đảo này sẽ ra sao, nếu như tổng thống Hugo Chavez đột ngột rời khỏi chính trường Venezuela ? Chắc chắn là người kế nhiệm ông ở chiếc ghế tổng thống sẽ không còn tiếp tục hào phóng với La Habana như hiện tại. Tổng thống Chavez vừa đến Cuba điều trị một cơn bệnh hiểm nghèo. Caracas cho biết tính mạng ông Chavez không bị đe dọa. Nhưng người dân Cuba thừa hiểu rằng tổng thống Venezuela sẽ không "trường sinh bất tử". Từ khi lên cầm quyền đến nay người hùng Chavez luôn dành cho đất nước Cuba nhiều ưu ái : mỗi năm Caracas rót cho La Habana 3,5 tỷ đô la bằng cách cung cấp 115 000 thùng dầu mỗi ngày để bảo đảm nhu cầu tiêu thụ của Cuba. Lại cũng ông Chavez ký hàng loạt hợp đồng đầu tư vào Cuba để xây dựng hạ tầng cơ sở cho hòn đảo nằm sát cạnh nước Mỹ hay để giúp các nhà máy lọc dầu của Cuba tiếp tục hoạt động. Để đổi lại, Cuba xuất khẩu lao động cao cấp sang quê hương của ông Chavez : nào là các đội ngũ bác sĩ, y tá được đào tạo rất vững tay nghề, nào là nhân viên tình báo và an ninh …. Tựu chung, Venezuela là một đối tác kinh tế và thương mại hàng đầu của Cuba. Nhờ có dầu hỏa, đô la và lương thực của Venezuela mà Cuba còn cầm cự được đến ngày hôm nay, kể từ khi đánh mất nguồn viện trợ của người anh em cộng sản là Liên Xô vào năm 1991 ? Khó có thể tin rằng người kế nhiệm ông Hugo Chavez sẽ tiếp tục chính sách ưu đãi này với Cuba. Vậy phải chăng người dân La Habana lại một lần nữa lâm vào cảnh thiếu thốn những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết thực nhất, như họ đã từng trải qua khi bị Liên Xô cúp viện trợ ? Câu trả lời có lẽ là không. Lịch sử sẽ không lập lại và tương lai Cuba chắc chắn sẽ không đến nỗi quá đen tối bởi hai yếu tố : một là nền kinh tế của Cuba ngày nay đã được đa dạng hóa hơn so với 20 năm trước rất nhiều. Ngành du lịch, dầu hỏa và nhất là các khoản trợ giúp gia đình của người Cuba ở hải ngoại đem về một nguồn ngoại tệ lớn cho hòn đảo này. Yếu tố thứ hai, là dưới sự lãnh đạo của ông Raul Castro, La Habana đã tìm cách giảm bớt mức độ lệ thuộc vào Caracas để hướng tới những quốc gia như là Trung Quốc, Ấn Độ hay Brazil. Bản thân Cuba cũng đang từng bước “chuyển mình” với hàng loạt các biện pháp cải tổ, theo chiều hướng mở cửa cho tư nhân làm ăn. Đó mới chính là chiếc chìa khóa mở ra cuộc cách mạng thứ nhì cho Cuba !