Nguyễn Quang Duy/DCV
Ngày 25/6/2011, Thứ Trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn đã gặp Ủy viên Trung Ương Đảng, Ủy Viên Quốc vụ Trung cộng Đới Bỉnh Quốc để thu xếp giải quyết các cuộc biểu tình tại Hà Nội. Hai Phía đồng thuận các cuộc biểu tình đang gây bất lợi cho cả hai đảng Cộng sản Tàu Việt.
Phía Trung cộng sau đó ra Thông cáo cho biết cả hai bên đã thống nhất "… ngăn chặn các lời nói và hành động có thể làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin tưởng lẫn nhau giữa nhân dân hai nước".Trong khi ấy phía Việt Nam cho hay "… hai bên khẳng định... tăng cường định hướng đúng đắn dư luận". Để tăng cường định hướng dư luận lẽ đương nhiên đảng Cộng sản phải ra tay trấn áp các cuộc biểu tình.
Việc Bộ Chính Trị đảng Cộng sản khẳng định: “…tăng cường định hướng đúng đắn dư luận" không phải chỉ để chiều lòng đàn anh Trung cộng. Mà thực chất còn mang nỗi sợ ngày tòan dân đứng lên đòi lại các quyền tự do đã bị đảng Cộng sản cướp đi.
Nhớ lại ngày Chủ Nhật 18/6/2011, dân Sài Gòn đã âm thầm “biểu tình ngồi”. Công an vây quanh người biểu tình. Không một ai đứng lên. Không một ai giương biểu ngữ. Không một ai hô khẩu hiệu. Tất cả đều im lặng. Hình ảnh cuộc “biểu tình ngồi” trong im lặng tự nó đã nói lên thân phận của một dân tộc mất tự do, ngay cả tự do biểu lộ lòng yêu nước.
Nhớ đến hình ảnh Sài Gòn để nhận ra ý chí của những người Hà Nội trong biểu tình ngày Chủ Nhật 10/7/2011 vừa qua. Chỉ với tấm lòng quyết tâm vài chục người vẫn đứng lên, vẫn giơ cao biểu ngữ, vẫn trực diện đấu tranh và vẫn chấp nhận bị bắt giải về đồn công an. Họ kiên cường chọn lựa đứng lên chỉ để giữ một nhóm lửa mà họ e rằng khó nhóm lại.
Trong số người bị bắt có cả ba nhà báo và em Phạm Thái Dương, con của tù nhân lương tâm Phạm văn Trội, em theo mẹ biểu tình. Tin tức về cuộc biểu tình đã nhanh chóng chuyền đi và 2 cơ quan quốc tế đã lên tiếng phản đối việc bắt người: Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch) và Tổ Chức Bảo Vệ Các Nhà Báo (Committee to Protect Journalists). Trong thông cáo của Tổ chức Bảo vệ các Nhà báo, ông Shawn Crispin, đại diện cao cấp ở Đông Nam Á cho biết: "Nhà báo không phải là các con cờ để Việt Nam sử dụng trong việc thương thảo với Trung Quốc". Nói cách khác: “đất nước và con người Việt Nam không phải là con cờ để đảng Cộng sản Việt Nam đem ra thương thảo với Trung cộng.”
Trọng điểm của cuộc biểu tình là hình ảnh một người thanh niên đưa cao biểu ngữ bằng xốp hai mặt với hai dấu chấm hỏi (?) thật lớn cho các câu hỏi TS (Trường Sa) HS (Hòang Sa) vì sao (?) vì ai (?) Dậy Đi. Hình ảnh này đã được nhiều người góp ý. Có người cho rằng chính biểu ngữ này đã gây ra việc đảng Cộng sản ra tay đàn áp cuộc biểu tình.
Những người bị bắt cho biết công an cộng sản chủ yếu chỉ xoay quanh vài câu hỏi ai là người đứng ra tổ chức cuộc biểu tình ? ai cung cấp những biểu ngữ cho cuộc biểu tình ? và ai đưa ra lộ trình tuần hành biểu tình ? Những câu hỏi trên chứng tỏ đảng Cộng sản rất lo sợ các cuộc biểu tình tự phát sẽ bước sang một giai đọan mới: giai đọan có tổ chức. Cho đến nay, chưa có một bằng chứng cho thấy các Tổ Chức Chính Trị chống độc tài cộng sản đứng ra tổ chức các cuộc biểu tình. Tất cả đều tự phát từ những người yêu nước yêu tự do.
Một trong số những ngừơi bị bắt và bị đặt câu hỏi là ông Ngô Duy Quyền, chồng của luật sư Lê thị Công Nhân (trước hành nghề luật sư - DCVOnline). Qua bài viết “Chồng Tôi Đi Biểu Tình”, luật sư Công Nhân cho biết chồng bà đã tham dự 4 cuộc biểu tình: Chúa Nhật 5 tháng 6, 12 tháng 6, 19 tháng 6, 5 tháng 7. Luật sư Công Nhân còn cho biết vì đang mang thai nên không thể sát cánh bên chồng.
Luật sư Công Nhân cũng cho biết ngày 7-7-2011, cảnh sát khu vực Nguyễn Xuân Sơn đã tìm cách ngăn cản ông Ngô Duy Quyền tham dự biểu tình. Ông Sơn đã nói: “… dạo này cậu Quyền xuất hiện hơi nhiều ở khu vực đại sứ quán Trung Quốc. Làm như vậy là không được, không đúng quy định pháp luật, cho nên vì mối bang giao tốt đẹp giữa Việt Nam và Trung Quốc yêu cầu là... là... cậu Quyền là... là... không được đến đấy nữa. Mình là công dân làm gì cũng phải theo chỉ đạo của chính quyền.” Biểu lộ lòng yêu nước cũng cần có chỉ đạo và được phép của nhà nước, cũng phải bị “ngăn chặn” (phía Trung cộng), hay được “định hướng” (phía Việt Nam ), đúng theo phương cách xưa nay đảng Cộng sản vẫn sử dụng.
Dưới chế độ tòan trị cộng sản tất cả mọi quyết định đều xuất phát từ Bộ Chính Trị. Lòng yêu nước cũng thế, cũng cần được quyết định bởi bộ chính trị và được “Đảng” định hướng. Chả thế trong một thời gian dài khẩu hiệu “yêu nước yêu chủ nghĩa xã hội” đã được liên tục tuyên tụng. Trong quan hệ Quốc Tế hai đảng Cộng sản Việt Tàu là anh em. Trung Hoa – Việt Nam núi liền núi sông liền sông. Bởi thế có nhừơng cho đàn anh Trung cộng Hòang Sa Trường Sa, thì các quần đảo này vẫn thuộc về Quốc Tế Cộng Sản, còn hơn trong tay kẻ thù “Mỹ Ngụy”.
Với một Bộ Chính Trị mạnh các quyết định sẽ biến thành những nghị quyết và được cả một guồng máy tuyên truyền để truyền đạt đến mọi cơ chế của chế độ. Công Hàm do Phạm Văn Đồng ký năm 1958 đã được rộng rãi loan truyền trên báo Nhân Dân. Để tránh bọn phản cách mạng làm lệch đi ý nghĩa “trong sáng” của nó, các “đồng chí” cao cấp ắt hẳn cũng đã được tận tường học tập. Còn ai phản đối là bọn phản cách mạng đã có công an mật vụ tận tình chăm sóc. Người dân khi ấy sinh họat theo tiếng kèn, tiếng kẻng. Giai cấp địa chủ đã bị tiêu diệt. Bọn phản cách mạng không theo Mỹ vào Nam thì đang bị bỏ tù. Tòan xã hội đã mất ý thức, tất cả đi theo khuôn khổ Bộ Chính Trị đề ra. Mà Bộ Chính Trị thì lại theo lệnh Quốc Tế. Đó là hòan cảnh nứơc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khi Phạm Văn Đồng ký Công Hàm Bán Nước.
Ngày nay đảng Cộng sản đã mất dần quyền lực. Kinh tế đã phần nào quyết định bởi cung cầu. Ông Trần Xuân Bách, nguyên Ủy Viên Bộ Chính trị đã lập luận rằng: Việt Nam phải đi bằng hai chân đổi mới chính trị song song với đổi mới kinh tế. Không đổi mới chính trị sẽ dẫn đến các thất bại kinh tế và lại kéo theo thất bại về chính trị.
Đỉnh cao của thất bại chính trị là “Đảng” đã sản sinh ra Ngài Tổng Bí Thư đương nhiệm, Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng là người đại diện Bộ Chính Trị là đầu não của “Đảng”, lại là “người lú”, người kém trí nhớ, mất trí nhớ thường không hiểu mình nói cái gì. Cứ xem trong khi đất nước đang sửa sọan “Chiến Tranh”, Tổng Động Viên, người biểu tình, người lo tranh luận việc Trung cộng xâm lấn Việt Nam . Còn ông trong suốt 1 tuần chủ tọa cái Hội nghị Trung ương II của Đảng Cộng sản lại chẳng một lời đề cập đến Biển Đông.
Dứơi sự lãnh đạo của Ngài Tổng “Lú”, cả kinh tế lẫn chính trị bộc lộ rõ ràng phương cách điều hành quốc gia theo kiểu làm, sai, sửa, rồi lại làm, sai, sửa. Phương cách làm, sai, sửa sẽ tiếp tục cho đến khi tòan cơ chế bị sụp đổ. Ông Marx xưa kia tiên đóan chế độ tư bản sẽ theo những chu kỳ, các chu kỳ càng ngày càng ngắn lại cho đến khi bị sụp đổ. Ông Marx quên rằng tư bản họ biết họ làm cái gì, thế nên ông tiên đóan sai tư bản càng ngày họ càng phát triển. Trong khi đảng Cộng sản dưới sự lãnh đạo của những người như Ngài Tổng “Lú” chẳng biết mình làm cái gì nên kết quả sẽ đúng như lời ông Marx tiên đóan.
Sống riết dưới chế độ cộng sản người dân mất tất cả các quyền nhất là quyền chính trị. Không ít người mặc dù không chấp nhận cộng sản vẫn tự khép mình vào khuôn khổ, chấp nhận việc chính trị là việc của “Đảng”. Thậm chí quan niệm rằng “việc gì cũng đã có Đảng lo”. Cũng có người dù người nhận ra bản chất của chế độ độc quyền chính trị, nhưng lại đâm ra nghi ngờ khả năng của chính mình và nghi ngờ các sinh họat chính trị không cộng sản. Nói một cách khác chế độ cộng sản đã hủy diệt ý thức chính trị của con người.
Thóat khỏi ngục tù cộng sản nhiều người vẫn chưa thóat khỏi phương cách suy nghĩ tách chính trị khỏi cuộc sống hằng ngày. Chẳng lạ gì, khi những chủ trương từ thiện phi chính trị, học đường phi chính trị, tôn giáo phi chính trị, hội đòan phi chính trị, cộng đồng phi chính trị, thậm chí biểu tình phi chính trị đã từng một thời gây nhiều tranh cãi trong sinh họat người Việt hải ngọai. Có lạ chăng, là các chủ trương này vẫn được đưa ra trong các xã hội dân chủ, ở đó chính trị quyết định mọi vấn đề.
Sống trong hệ thống chính trị dân chủ, người dân phải ý thức được quyền lợi chính trị và phải biết được bổn phận chính trị của mình. Nhờ có ý thức chính trị mà người dân mới tham gia hay không tham gia các Tổ Chức chính trị, mới tham chính hay không tham chính trong các chính quyền dân chủ. Và cũng chính nhờ ý thức chính trị người dân mới chọn lựa những người xứng đáng nhất đại diện cho mình trong từng giai đọan.
Qua bài “Phân Hóa Nội Bộ - Hoa Kỳ Chửa Đánh Đã Thắng”, người viết đã chỉ thấy một sự chia rẽ trầm trọng giữa hai đảng Cộng sản anh em Tàu – Việt. Các thành viên trong Bộ Chính Trị đảng Cộng sản thì thiếu “nhất chí” trong phương cách phục vụ đảng Cộng sản Tàu. Nhân cơ hội này lần đầu tiên và liên tiếp nhiều cuộc biểu tình đã được đồng bào Hà Nội, Sài Gòn, Bà Rịa… tự động đứng ra tổ chức. Những người tham dự biểu tình chính là những chiến sỹ tiên phong trong công cuộc giành lại tự do cho dân tộc Việt Nam .
Bước thêm một bước những người biểu tình đã đòi đảng Cộng sản phải trao trả quyền ôn hòa phát biểu ý kiến (quyền biểu tình, quyền ra Tuyên Cáo, quyền thông tin, … và quyền biểu lộ hành động yêu nước). Cuộc biểu tình lần thứ sáu tại Hà Nội đã đạt đến một cao điểm về ý thức chính trị. Các câu hỏi TS(Trường Sa) HS (Hòang Sa) vì sao (?) vì ai (?) và kêu gọi hành động Dậy Đi đã được công khai xuất hiện.
Đặt câu hỏi, tìm câu trả lời, xây dựng nhận thức, xây dựng ý thức, tiến đến vận động, đến tổ chức, đến hành động chính là cao điểm của cuộc đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Thiếu ý thức chính trị người biểu tình chỉ là con cờ để đảng Cộng sản Việt Nam thương thảo với Trung cộng.
Thiếu ý thức chính trị cá nhân như chiếc đũa muốn bẻ lúc nào cũng được. Có ý thức chính trị chúng ta liên kết như bõ đũa khó lòng bẻ gẫy.
Bài học của cuộc biểu tình tại Thái Bình xẩy ra trên một địa bàn lớn trong một thời gian dài vào năm 1997 là một bài học còn nóng hổi. Thiếu ý thức chính trị cuộc biểu tình tại Thái Bình cũng như mọi cuộc biểu tình tại Việt Nam đều dẫn đến sự chia rẽ nội bộ rồi những khuôn mặt nổi trong các cuộc biểu tình lần lượt vào tù.
Với một cơ chế đã bám sâu vào xương tủy của dân tộc, như đảng Cộng sản Việt Nam , thì việc giải thể chế độ này không phải là một việc làm dễ dàng. Tại Việt Nam trung bình mỗi 10 gia đình lại có một công an hay cảnh sát. Đó là chưa kể một con số không nhỏ người sẵn sàng làm mật báo cho chế độ. Muốn giải thể cơ chế này người đấu tranh cần bước sang một giai đọan mới: giai đọan đấu tranh chính trị, giai đọan vận động quần chúng và vận động đối phương.
Sáng nay qua Youtube người viết được xem một cảnh hai người phụ nữ chạy ngược chiều bị cảnh sát giao thông chặn lại. Giữa công chúng, một phụ nữ đã liên tục tát vào mặt người cảnh sát. Hình ảnh cho thấy người phụ nữ không còn sợ cảnh sát và ngược lại người cảnh sát lại sợ người phụ nữ này.
Vì ai ? Vì sao ? là những câu hỏi cần đặt ra? Phải chăng người cảnh sát sợ những thế lực đằng sau người phụ nữ. Viên cảnh sát sợ rằng ông bà, cha mẹ, cô chú, bác dì, anh chị của người phụ nữ có thể là những đảng viên cao cấp có ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo của ông ta và gia đình. Dưới chế độ mà “Đảng” ngồi trên hiến pháp, luật pháp thì tất cả người dân đều là nạn nhân của thiểu số cầm quyền. Các cảnh sát viên mang nhiệm vụ bảo vệ an ninh xã hội. Muốn hòan thành nhiệm vụ ông ta cần được luật pháp bảo vệ. Và chỉ dưới thể chế dân chủ pháp trị ông ta mới được luật pháp bảo vệ. Trong năm qua con số thống kê chính thức có hằng trăm cảnh sát bị giết chết trong khi thi hành nhiệm vụ. Khi họ biết được vì sao ? vì ai ? khi họ đã có được ý thức chính trị cũng là lúc họ sẽ dùng vũ khí để đối đầu với quân thù Trung cộng và bọn Việt gian bán nước.
Vì ai? Vì sao? Dậy Đi chỉ sáu chữ lại là cẩm nang cho phương cách vận động quần chúng đứng lên.
Quan sát các cuộc biểu tình tại Sài Gòn và Hà Nội rất dễ thấy công an cộng sản đã tung hết “chiêu” từ dụ dỗ, mắng chửu, bắt bớ, đàn áp các cuộc biểu tình. Điểm cao là công an cộng sản đã cho những sinh viên các trường an ninh và mật vụ tham dự các cuộc biểu tình.
Ngược lại người tham dự biểu tình khi bị bắt và được thả ra đã lên tiếng trên các cơ quan truyền thông mạng hay các đài phát thanh quốc tế hay hải ngọai cho thấy họ đều không còn sợ chế độ vì họ tin rằng chế độ này đang thoi thóp từng ngày từng giờ vì thông đồng với giặc Tàu xâm lược.
Tin tưởng vào cuộc đấu tranh chưa đủ, người đấu tranh chính trị cần vận động đồng bào xây dựng nhận thức chính trị và ý thức chính trị. Có ý thức chính trị sẽ dẫn đến hành động chính trị, đến tổ chức thì mới mong có thể giải thể được chế độ độc tài cộng sản. Nếu không chế độ cộng sản dù đã chết vẫn như một cái xác thúi ai cũng ghê tởm và không ai muốn dọn dẹp.
Vì ai? Vì sao? Dậy Đi chính là vũ khí chiến lược cho cuộc đấu tranh hiện nay.
Vì mục tiêu của cuộc đấu tranh là để mang tự do dân chủ đến với Việt Nam, người dấn thân đấu tranh phải tự xây dựng cho mình và cho tập thể ý thức được quyền lợi và bổn phận chính trị. Có ý thức chính trị người Việt mới quyết định tham gia hay không tham gia các Tổ Chức chính trị, mới tham chính hay không tham chính trong chính quyền dân chủ hậu cộng sản. Và cũng chính nhờ ý thức chính trị người dân mới chọn lựa những người xứng đáng đại diện cho một Việt Nam hậu cộng sản.
Vì sao Hòang Sa Trường Sa mất vào tay giặc? Vì ai Hòang Sa Trường Sa mất vào tay giặc? Bằng ý thức chính trị câu hỏi đã được những người biểu tình công khai đặt ra giữa trời Hà Nội.
Thuận lòng dân thì sống, ngược lòng dân chắc chắn sẽ bị đào thải. Dưới chế độ dân chủ bằng ý thức chính trị người dân sẽ chọn lựa những người xứng đáng để bảo vệ lãnh thổ cha ông để lại. Còn thể chế cộng sản bán nước cầu vinh, người dân chỉ còn một con đường duy nhất là Dậy Đi giành lại các quyền tự do, trong đó có quyền tự do biểu lộ lòng yêu nước chống xâm lăng.
Melbourne, Úc Đại Lợi (Australia - DCVOnline)
14/7/2011
14/7/2011
Nguồn:DVC Online