Ông Susilo Bambang Yudhoyono nói tại hội nghị ngoại trưởng Asean vừa khai mạc sáng thứ Ba 19/07 tại Bali rằng tiến trình thảo luận Asean-Trung Quốc về ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct -COC) cần được tăng tốc.
Ông tổng thống nói một nghị quyết về tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông sẽ gửi "thông điệp mạnh mẽ" tới thế giới rằng tình hình trong khu vực có thể kiểm soát được, đồng thời đóng góp cho sự ổn định ở trong vùng.
"Chúng ta càng làm được nhiều thì càng có thể kiểm soát tình hình Biển Đông. Tôi chắc rằng chúng ta cũng sớm có thể bắt đầu thảo luận về một bản quy tắc ứng xử ở Biển Đông."
Tổng thống Indonesia nhắc lại rằng khối Asean và Trung Quốc mất 10 năm mới có thể đi đến được Tuyên bố chung về Quy tắc ứng xử (DOC) , và chín năm nay cuộc thảo luận về bộ quy tắc vẫn chưa đi tới thỏa thuận.
Ông nói: "Tiến trình không thể chậm chạp thế mãi".
Trong 5 ngày, lãnh đạo ngoại giao các nước Asean sẽ họp với nhau và tới thứ Bảy, Diễn đàn An ninh Khu vực Asean (Arf) sẽ có thêm đại diện Trung Quốc, Nhật Bản và Hoa Kỳ.
Giới quan sát cho rằng chủ đề Biển Đông sẽ là trọng tâm chính trong hội nghị khu vực lần này.
Thông điệp của Asean
Tổng thống Yudhoyono nói: "Chúng ta cần gửi thông điệp mạnh mẽ tới thế giới rằng tương lai ở Biển Nam Trung HOa là ổn định, được kiểm soát và lạc quan".Thời gian gần đây, một số nước như Philippines và Việt Nam đã cáo buộc Trung Quốc có hành động gây hấn tại các khu vực mà hai nước này giữ chủ quyền tại Biển Đông.
Tổng thư ký Asean Surin Pitsuwan nói các ngoại trưởng sẽ thảo luận chủ đề Biển Đông vào thứ Ba này và rằng họ sẽ phải cố gắng để đưa ra các văn bản trong thời gian tới.
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn hoài nghi một dự thảo cho bộ quy tắc ứng xử có thể được thống nhất lần này.
Đại diện cho Việt Nam tại hội nghị khu vực ở Bali là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm, người sẽ rời chức vụ vào cuối tháng.
Thái Lan, nước vừa bầu cử xong, và Malaysia cũng không có ngoại trưởng tại hội nghị.
Trung Quốc cho tới nay vẫn cương quyết muốn đàm phán song phương với từng quốc gia liên quan chứ không muốn làm việc với cả khối và không muốn có sự tham gia của các nước bên ngoài khu vực.
Trung Quốc vừa lên tiếng bày tỏ quan ngại 'sâu sắc' về việc 5 dân biểu Philippines chuẩn bị ra thăm một đảo ở Biển Đông mà Bắc Kinh hiện đang tranh chấp với Manila.