Nguyễn Quang A
Người ta đánh tráo khái niệm “biểu tình” bằng “tụ tập đông người”. Hãy quay lại với luật pháp hiện hành. Biểu tình là một quyền được Hiến Pháp quy định. Không luật nào, không tổ chức nào và người nào được làm trái hiến pháp. Có quy định nào về thủ tục biểu tình trong luật Việt Nam hiện hành? Tôi tìm thấy sắc lệnh số 31 do cụ Hồ ký. Toàn văn sắc lệnh như sau:
SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI SỐ 31 NGÀY 13 THÁNG 9 NĂM 1945
CHỦ TỊCH CHÍNH PHỦ LÂM THỜI VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Xét vì tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà;
Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao;
Sau khi Hội đồng các Bộ trưởng đã đồng ý;
RA SẮC LỆNH:
Điều thứ 1: Những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này.
Điều thứ 2: Ông Bộ trưởng Nội vụ và các Uỷ ban nhân dân Bắc Trung Nam bộ chịu uỷ nhiệm thi hành sắc lệnh này.
Hồ Chí Minh
Không rõ có văn bản pháp lý nào của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam đã tuyên bố sắc lệnh số 31 của cụ Hồ Chí Minh vô hiệu hay không? Nếu có, đề nghị Bộ Tư Pháp thông báo để nhân dân được rõ.
Nếu chưa có, thì sắc lệnh 31 vẫn có hiệu lực pháp lý.
Đảng Cộng Sản Việt Nam đã phát động phong trào học tập cụ Hồ. Tôi thấy cụ Hồ là một lãnh tụ, một chính trị gia lão luyện. Nhân dân ít có thể học được mấy từ Cụ, vì nếu cả 89 triệu dân Việt Nam đều như Cụ, thì đất nước suy sụp vì sẽ chỉ có toàn lãnh tụ và chính trị gia, mà số ấy chỉ là không đáng kể trong dân chúng. Cho nên các lãnh tụ, các cán bộ cấp cao và cán bộ nhà nước mới thực sự là những người cần và phải học cụ Hồ. Và phải học những việc rất cụ thể, không chung chung.
Liên quan đến quyền biểu tình của người dân đã được hiến định và nếu sắc lệnh 31 đã bị vô hiệu, thì có thể thấy các lãnh đạo, các chính trị gia, các đại biểu Quốc Hội đã chẳng chịu học Hồ Chí Minh và họ phải học ngay và thấu triệt tinh thần của Cụ Hồ về biểu tình để có luật về quyền tự do biểu tình của công dân.
“Tự do hội họp là một trong những nguyên tắc của chế độ Dân chủ cộng hoà”, câu mở đầu của sắc lệnh tuyên bố một cách chắc nịch về quyền tự do hội họp của người dân mà không thế lực nào có quyền làm mai một. “Nhưng trong tình thế đặc biệt hiện thời, cần phải xem xét, kiểm soát những cuộc biểu tình, đề tránh những sự bất trắc có thể có ảnh hưởng đáng tiếc đến việc nội trị hay ngoại giao” là lý do để cần có sắc lệnh 31.
Ngay cả trong tình trạng khó khăn như thế của Nhà Nước, quyền tự do biểu tình của người dân vẫn được đảm bảo. Và vì thế “những cuộc biểu tình phải khai trình trước hai mươi bốn giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại trong thời kỳ này”. Nói cách khác biểu tình không phải xin phép mà chỉ cần “khai trình trước”, thông báo trước 24 giờ. Hiện nay tình hình đất nước vững mạnh hơn khi Cụ Hồ ban hành sắc lệnh này rất nhiều, nên chẳng thể có lý do nào để có điều kiện khắt khe hơn điều kiện “khai trình” mà Cụ Hồ đưa ra.
Không cần phải có Nghị định hay thông tư hướng dẫn mà “Ông Bộ trưởng Nội vụ và các Uỷ ban nhân dân Bắc Trung Nam bộ chịu uỷ nhiệm thi hành sắc lệnh này”. Tức là họ chỉ có việc thi hành.
Toàn bộ sắc lệnh, kể từ Tiêu đề “sắc lệnh, ngày tháng,…,đến chữ ký Hồ Chí Minh” chỉ vỏn vẹn 155 từ.
Các lãnh đạo, các đại biểu Quốc Hội nên bỏ ra 5 phút để học Hồ Chí Minh về vấn đề biểu tình và lệnh cho công an cả nước học theo và tôn trọng pháp luật hiện hành, kể cả sắc lệnh 31 của cụ Hồ nếu nó chưa bị Quốc Hội Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam tuyên bố vô hiệu.
–
BS: Mời coi trên mạng – Sắc lệnh số 31 về việc buộc phải khai trình những cuộc biểu tình trước 24 giờ với các Uỷ ban nhân dân sở tại do Chủ tịch Chính phủ ban hành (Tailieu.vn)
Và bàn thêm: Có thể bản Sắc lệnh này chỉ có hiệu lực trong thời gian tồn tại của Chính phủ Lâm thời? Tìm trên mạng thì năm 1947 cũng có Sắc lệnh số 31 về việc tổ chức tư pháp công an do Chủ tịch Chính phủ ban hành; năm 1949 thì có Sắc lệnh số 31/SL về việc cử ông Nguyễn Cát Tường giữ chức đổng lý Văn phòng Bộ quốc gia giáo dục do Chủ tịch nước ban hành và năm 1951 lại có Sắc lệnh số 31/SL, đổi tên Nha Bưu điện thuộc Bộ Giao thông Công chính thành Nha Bưu điện – Vô tuyến điện.