Báo Đại Đoàn Kết vừa có loạt bài viết về Hoàng Sa và Trường Sa trong đó có bài nêu chi tiết trận hải chiến Hoàng Sa giữa miền Nam Việt Nam và hải quân Trung Quốc và nhắc tới việc vinh danh tử sỹ.
Báo Đại Đoàn kết nhắc lại lịch sử tranh chấp đảo Hoàng Sa trong thế kỷ trước trong đó có giai đoạn đảo này thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cho tới ngày 19/1/1974 khi Trung Quốc đưa quân tiến chiếm toàn bộ quần đảo.
Báo viết: "Trên thực tế khi ra tiếp quản quần đảo Hoàng Sa tháng 4/1956 từ quân đội Pháp, Hải quân Việt Nam Cộng Hòa phát hiện Trung Quốc đã bí mật chiếm đóng trái phép các đảo phía đông của quần đảo này.
"Kể từ đó cho đến khi diễn ra trận hải chiến 1974, vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam không còn bình yên truớc những diễn biến làm phức tạp tình hình từ phía Trung Quốc.
"Từ năm 1956, Hải quân VNCH đã phát hiện ngư dân Trung Quốc nhiều lần xâm nhập trái phép các đảo phía đông quần đảo Hoàng Sa do chính quyền VNCH quản lý."
'Lệnh Tổng thống'
Đại Đoàn Kết nói kế hoạch chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc mở đầu với tuyên bố ngày 11/1/1974 trong đó Bắc Kinh phản đối miền nam Việt Nam sát nhập quần đảo Trường Sa vào xã Phước Hải, quận Đất Đỏ thuộc tỉnh Vĩnh Tuy.
Trung Quốc cũng nhắc lại yêu sách về chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Bên cạnh đó, báo này nói, Trung Quốc đã đưa quân ra chiếm một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Theo Đại Đoàn Kết, Bắc Kinh đã cho tàu chiến tới vùng đảo này và nổ súng trước vào lúc 8:30 sáng 19/1/1974.
Còn trong một cuộc Bấm phỏng vấn trước đây với BBC, Cựu phó đề đốc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa Hồ Văn Kỳ Thoại nói ông chính là người đã ra lệnh khai hỏa vào ngày 19/1/1974 trong trận hải chiến Hoàng Sa vào lúc 10h sáng.
Quân Việt Nam Cộng hòa phải dùng võ lực theo đúng chỉ thị của tổng thống và khai hỏa lúc khoảng 10 giờ sáng 19/1/1974.
Cựu phó đề đốc hải quân Việt Nam Cộng Hòa Hồ Văn Kỳ Thoại
Vị cựu phó đề đốc nói:
"Lúc đầu chúng tôi làm đúng chỉ thị của tổng thống là mời họ ra khỏi lãnh hải một cách ôn hòa, thế nhưng họ nhất định không chịu ra.
"Cho tới sáng 19/1, tình hình hai bên cùng chĩa súng không thể kéo dài hơn được nữa.
"Quân Việt Nam Cộng hòa phải dùng võ lực theo đúng chỉ thị của tổng thống và khai hỏa lúc khoảng 10 giờ sáng 19/1/1974.
Phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết tuy quân số hai bên không khác nhau nhiều, các chiến hạm của Trung Quốc tối tân hơn hẳn của Việt Nam Cộng hòa.
"Chúng tôi phải quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của Trung Quốc đang trên đường tới khu vực và khả năng là sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam."
Đại Đoàn Kết trong khi đó nói "Việt Nam Cộng Hòa có hơn 50 binh sỹ tử trận. Trung Quốc bắt giữ 48 binh sỹ VNCH và một người Mỹ, sau đó trao trả cho Việt Nam và Hoa Kỳ tại Hồng Kông."
'Vinh danh'
Sau bài tường thuật chi tiết về trận hải chiến Hoàng Sa, Đại Đoàn Kết lại có tiếp bài với tựa đề Bấm "Ký ức Hoàng Sa trong nhiều thế hệ người Việt Nam".
Bài báo nhắc tới sự xuất hiện của Hoàng Sa trong sử sách Việt Nam trong nhiều thế kỷ cho tới đầu năm 1974.
Vinh danh những người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa cũng là một cách để khắc ghi ký ức Hoàng Sa vào tâm thức dân tộc mãi mãi không phai mờ.
Đại Đoàn Kết
"Hoàng Sa ghi dấu trong ký ức bao thế hệ người Việt, là nơi thấm đẫm máu xương, mồ hôi và nước mắt của người dân Việt kiên cường vượt lên đầu sóng ngọn gió để mưu sinh, và khi cần thiết người Việt cũng đã quyết tử để bảo vệ quần đảo - chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
"Trong khi thực hiện loạt bài này, chúng tôi nhận được rất nhiều ý kiến động viên, khích lệ của độc giả, trong đó có những ý kiến rất tâm huyết, trăn trở về việc thực hiện sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc.
"Có độc giả đề nghị nên bắt đầu bằng việc vinh danh xứng đáng những người con đất Việt đã quên thân mình để bảo vệ chủ quyền của Tổ quốc."
Đại Đoàn Kết cũng trích thư của một độc giả gửi tới về việc "cần vinh danh những người con đất Việt đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974”.
Báo này bình luận: "Vinh danh những người con đất Việt đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa cũng là một cách để khắc ghi ký ức Hoàng Sa vào tâm thức dân tộc mãi mãi không phai mờ."
Báo viết: "Nhìn nhận sự hy sinh của ông Ngụy Văn Thà – Hạm trưởng tàu Nhật Tảo (HQ10) cùng gần 60 đồng đội khác của ông trong trận quyết tử để bảo vệ Hoàng Sa ngày 19-1-1974, ông Nguyễn Thiện [độc giả Đại Đoàn Kết] bày tỏ: "Vinh danh những người con đất Việt hy sinh trong cuộc hải chiến Hoàng Sa 1974 là minh chứng sâu sắc rằng Tổ quốc là của mọi con dân nước Việt, là thể hiện sâu sắc sự công bằng với lịch sử, có tác dụng khuyến khích mạnh mẽ lòng yêu nước và tinh thần sẵn sàng bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, là bước đột phá quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết dân tộc.”.
Đây là một trong những lần hiếm hoi báo chính thống của Việt Nam không những đề cập chi tiết tới trận hải chiến vốn được coi là nhạy cảm mà còn công khai nói về chuyện vinh danh những người lính thuộc phía bên kia của 'cuộc chiến chống Mỹ'.
Mặc dù Việt Nam vẫn nêu nguyên tắc 3C tức "công khai, công luận và công pháp quốc tế" trong vấn đề giải quyết tranh chấp biển đảo với Trung Quốc nhưng đây là một trong số ít thời điểm chính quyền Hà Nội áp dụng đầy đủ nguyên tắc này.