Thứ Tư, 6 tháng 7, 2011

18 trí thức kiến nghị, đòi nhà nước nói thật

Nghi ngờ Hà Nội-Bắc Kinh thỏa thuận ngầm Biển Ðông
 
1,200 chữ ký, yêu cầu công khai nội dung

HÀ NỘI (TH) - Nghi ngờ nhà cầm quyền Hà Nội thỏa thuận ngầm với Bắc Kinh những điều có thể phương hại cho quyền lợi quốc gia, hoặc cũng có thể Bắc Kinh chơi trò tuyên truyền, 18 người, trong đó có nhiều trí thức nổi tiếng ở Việt Nam, đòi Bộ Ngoại Giao Việt Nam giải thích.
Người Việt Nam biểu tình ở Hà Nội chống Trung Quốc bá quyền, ngày Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2011. (Hình: AP)
Thư kiến nghị đề ngày 2 tháng 7, 2011 của 18 nhân sĩ, trong đó có 7 người từng là giáo sư đại học, một thiếu tướng quân đội, một chủ tịch hội nhà văn, cùng 2 luật sư.
Bức thư nêu thắc mắc về khác biệt, tức những gì được nói trong bản tin tường thuật cuộc họp giữa thứ trưởng Bộ Ngoại Giao CSVN, Hồ Xuân Sơn, với thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, Trương Chí Quân, ngày 25 tháng 6, 2011. Sau cuộc họp, Thông Tấn Xã Việt Nam và Tân Hoa Xã đều cùng loan tin, nhưng khác nhau về nội dung.
Không thấy nói trong bản tin của Thông Tấn Xã Việt Nam, nhưng bản tin Tân Hoa Xã nói 2 điều.
Thứ nhất: “Cả hai nước đều phản đối những thế lực bên ngoài can dự vào tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam và nguyện sẽ tích cực hướng dẫn công luận và ngăn ngừa những lời bình luận hoặc hành động làm tổn hại tới tình hữu nghị và sự tin cậy giữa nhân dân hai nước, theo ông Hồng Lỗi.” (Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Trung Quốc)
Thứ hai: “Những hồ sơ lịch sử của Trung Quốc đã cho thấy rằng năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã khẳng định các hòn đảo trên Biển Hoa Nam như là bộ phận thuộc lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc, và kế đó Thủ Tướng Việt Nam Phạm Văn Ðồng đã bày tỏ sự tán đồng trong bức thư ngoại giao ngắn của mình gửi tới thủ tướng khi đó là ông Chu Ân Lai.”
Các nhân sĩ căn cứ vào điều 53 Hiến Pháp CSVN đòi Bộ Ngoại Giao Hà Nội cho biết những gì nêu trên và trong bản tin Tân Hoa Xã có đúng sự thật hay không. Nếu sai thì “yêu cầu phía Trung Quốc phải cải chính và xin lỗi.”
Thư kiến nghị còn yêu cầu Bộ Ngoại Giao Hà Nội “Cho biết quan điểm của Việt Nam về bức thư ngoại giao của Ông Phạm Văn Ðồng năm 1958” và “Thông tin chi tiết (toàn văn) thỏa thuận đã đạt được (nếu có) giữa ông Hồ Xuân Sơn và đại diện Trung Quốc trong buổi gặp đó.”
Nhà cầm quyền Hà Nội cử Thứ Trưởng Ngoại Giao Hồ Xuân Sơn sang Bắc Kinh, sau 2 lần tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam bị tàu Trung Quốc cản trở và cắt cáp dù hoạt động sâu trong khu vực đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam trên thềm lục địa. Người Việt Nam biểu tình mỗi Chủ Nhật trong suốt tháng 6, bày tỏ lòng phẫn nộ, trong khi báo chí của Bắc Kinh đưa cả tướng lãnh đe dọa không những dùng quân sự tiêu diệt hải quân của Việt Nam mà còn cướp hết các đảo mà Việt Nam đang canh giữ bảo vệ tại quần đảo Trường Sa.
Theo ông Lê Hiếu Ðằng, một trong những người ký tên trên bản kiến nghị, số người tham gia ký tên đã lên tới 1,200 người khi ông trả lời đài phát thanh RFI.
Ông Ðằng bày tỏ sự nghi ngờ của dân chúng là có thể đã có sự “đi đêm” giữa nhà cầm quyền Hà Nội với Bắc Kinh. Nếu không, Bắc Kinh đã không có cớ để tung ra các tin tức bất lợi cho Việt Nam “gây hoang mang trong dư luận và gây phẫn uất trong nhân dân Việt Nam.”
Ông đòi hỏi “phải công khai ra để trắng đen cho rõ ràng, chứ không thể mập mờ như vậy.”
Bản tin của TTXVN ngày 26 tháng 6, 2011 tường thuật “thông tin báo chí chung Việt Nam và Trung Quốc” về cuộc họp của 2 thứ trưởng Ngoại Giao hai nước, Hồ Xuân Sơn và Trương Chí Quân, chỉ nói hai bên “nhấn mạnh cần kiên trì đưa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện VN-TQ phát triển theo đúng phương châm 16 chữ vàng và tinh thần 4 tốt.” Rồi hai bên “khẳng định, cần tích cực thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo hai nước... tăng cường định hướng đúng đắn dư luận...”
TTXVN nói ông Hồ Xuân Sơn tới Bắc Kinh “chuyển ý kiến của lãnh đạo Việt Nam tới lãnh đạo Trung Quốc về quan hệ hai nước và tình hình Biển Ðông thời gian gần đây.”