Trên tư cách diễn giả trong phiên thảo luận toàn thể "Các nguy cơ mới về an ninh biển" tại Đối thoại Shangri-La sáng 5/6, Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh thông tin cho thế giới về tình hình an ninh Biển Đông và chính sách quốc phòng của Việt Nam.
Minh bạch thông tin
Với chủ trương “thông tin để khu vực và thế giới hiểu đúng”, tại diễn đàn, Bộ trưởng Thanh đã chủ động nêu sự kiện tàu Bình Minh 02.
“Trên Biển Đông, các vụ va chạm đã xảy ra nhiều lần, khiến các quốc gia ven biển thêm lo ngại. Vụ việc mới đây nhất diễn ra hôm 26/5, khi Bình Minh 02 - một tàu khảo sát của Việt Nam - đang tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thì bị cản trở bởi cáp của tàu bị cắt".
“Trên Biển Đông, các vụ va chạm đã xảy ra nhiều lần, khiến các quốc gia ven biển thêm lo ngại. Vụ việc mới đây nhất diễn ra hôm 26/5, khi Bình Minh 02 - một tàu khảo sát của Việt Nam - đang tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí bình thường trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam thì bị cản trở bởi cáp của tàu bị cắt".
Tướng Thanh cho hay, Việt Nam đã kiên nhẫn xử lý tình huống này bằng giải pháp hòa bình, theo đúng luật pháp quốc tế và nguyên tắc kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia trong khi vẫn giữ gìn hòa bình và ổn định ở Biển Đông cũng như duy trì quan hệ thân thiện với các nước láng giềng.
"Chúng tôi hy vọng sự việc tương tự như vậy không tái diễn", ông Thanh nói.
Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phùng Quang Thanh phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 10 |
Trong phần hỏi đáp, tướng Thanh cho hay, tại Biển Đông, do chưa phân định, nên vẫn xảy ra những vụ việc đáng tiếc.
Năm 2010, khi Việt Nam khảo sát để lập hồ sơ báo cáo với Liên hợp quốc về đường ranh giới ngoài của thềm lục địa, tàu của Việt Nam cũng bị tàu của Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Ngoài ra còn có các vụ Trung Quốc bắt tàu cá, ngăn cản Việt Nam thăm dò dầu khí ở Biển Đông trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Những vụ việc như vậy vi phạm luật pháp quốc tế và DOC, gây lo ngại cho Việt Nam và các nước trong khu vực”, Đại tướng Phùng Quang Thanh nhấn mạnh.
Đại tướng Phùng Quang Thanh kêu gọi các bên củng cố cơ sở pháp lý cho các hoạt động trên biển, tuân thủ triệt để Công ước về luật biển 1982 của Liên Hợp Quốc.
"Các bên cần thực thi nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và nỗ lực hoàn thành một bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc".
Chính sách quốc phòng không nhằm vào nước khác
Đại tướng Phùng Quang Thanh cho biết thêm, Việt Nam đang thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong tình hình hiện nay, phát triển kinh tế được xác định là nhiệm vụ trung tâm và bảo đảm quốc phòng-an ninh để bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước là nhiệm vụ trọng yếu thường xuyên.
Khi kinh tế phát triển, Việt Nam từng bước hiện đại hóa quân đội, trong đó ưu tiên hiện đại hóa hải quân, phòng không-không quân, thông tin liên lạc... để bảo vệ hòa bình, bảo vệ đất nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam cũng làm rõ thắc mắc liên quan đến hợp đồng mua tàu ngầm của Nga. Tướng Thanh nêu rõ, Việt Nam đã ký hợp đồng mua của Liên bang Nga 6 chiếc tàu ngầm lớp Kilo 686. Các tàu ngầm này sẽ chỉ hoạt động trong vùng biển của Việt Nam.
Tướng Thanh khẳng định, việc Việt Nam mua tàu ngầm là “bình thường”. “Chúng tôi rất công khai và minh bạch như tôi đã có dịp trả lời phỏng vấn báo chí trong nước”.
Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Việt Nam nhấn mạnh, “chính sách quốc phòng của Việt Nam là tự vệ, chứ không nhằm vào nước khác và không bao giờ đi xâm lấn bờ cõi của nước khác. Chúng tôi xây dựng quân đội mạnh nhằm bảo vệ hòa bình, để ai có ý đồ xâm chiếm Việt Nam cũng phải tính đến nhân tố này”.
- Nguồn: Bộ trưởng Thanh: “Xây dựng quân đội mạnh để bảo vệ hòa bình” / Trung Phương (từ Shangri La, Singapore) // VNN, 6.6.2011.