Thứ Hai, 6 tháng 6, 2011

GS CHU HẢO TRẢ LỜI PV VỀ "ĐƯỜNG LƯỠI BÒ"

Thân gửi TS Nguyễn Xuân Diện,

Trong file kèm theo là bản gốc bài trả lời phỏng vấn của tôi cho báo NLĐ .Theo thoả thuận trước, đáng lẽ bài này sẽ được đăng trên báo in vào ngày 5 tháng 6 (nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ đi tìm đường cứu nước và ngày con cháu của Người được biểu tình trong ôn hoà để tỏ rõ quyết tâm giữ nước). Nhưng đêm ngày 4 tháng 6 tôi được phóng viên thông báo là hoãn đăng đến đầu tuần sau. Tôi tưởng là đã bị loại, nhưng buổi chiều chủ nhật thì bài này được đưa lên NLĐ online. Tuy nhiên một số đoạn, có ý tứ riêng của nó, thì đã bị bỏ.

Xin gửi TS bản gốc, trong đó những dòng chữ màu đỏ là các đoạn bị cắt, để chia sẻ với ban đọc của Blog Lâm Khang.
Thân ái!
Chu Hảo
Toàn văn bài trả lời phỏng vấn Giáo sư Chu Hảo:

Phóng viên: - Theo dõi các diễn biến gần đây về Biển Đông, ông nhìn nhận thế nào về việc tàu hải giám Trung Quốc ngang ngược xâm phạm sâu sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN để cản trở, cắt cáp thăm dò địa chấn tàu Bình Minh 02 trong khi Người phát ngôn Bộ Ngoại TQ lại nói là “hoạt động bình thường”?

GS Chu Hảo: - Tôi cho rằng đó một bước leo thang nguy hiểm nhưng đã được chuẩn bị kỹ của phía Trung Quốc nhằm biến yêu sách “đường lưỡi bò” hay còn “đứt đoạn 9 khúc”… trên Biển Đông thành hiện thực. Đó hoàn toàn không phải là một hành động gây hấn bột phát mà được lên kịch bản từ trước với những toan tính sâu xa. Thứ nhất, TQ muốn lập lờ đánh tráo giá trị khi xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của ta nhưng lại la làng lên rằng đây là vùng tranh chấp. Toan tính thâm sâu là một chiêu trọng yếu để hiện thực hoá “đường lưỡi bò” vì yêu sách không chỉ “ngoạm” những vùng biển đảo rộng lớn thuộc chủ quyền của VN mà còn của nhiều quốc gia và khu vực ở Biển Đông. Thứ hai, TQ muốn đo lường phản ứng của VN cũng như khu vực và quốc tế trước bước leo thang mới - xâm phạm sâu vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của một quốc gia có chủ quyền. Thứ ba, để dọn đường cho những bước đi tiếp theo trong tham vọng hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò”.

- Căn cứ nào để ông nhận định hành động của TQ với tàu Bình Minh 02 ngày 26-5 vừa qua là một kịch bản được dàn dựng trước?

- Nếu nhìn lại những hành động xuyên suốt của TQ để thực hiện yêu sách “đường lưỡi bò” là thấy rất rõ điều đó. Nhiều năm qua, TQ đã đầu tư rất mạnh cho hạm đội Nam Hải cũng như lực lượng mà họ dựa vào để đòi chủ quyền trên Biển Đông như giám hải và tuần ngư. Sau khi chính thức công khai yêu sách “đường lưỡi bò” tháng 5-2009, TQ cũng đồng thời cũng gia tăng các hành động đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Đó là các hành động cản trở, xua đuổi, uy hiếp, thậm chí bắt giữ tàu đánh cá VN trong vùng biển thuộc chủ quyền của mình; ra các lệnh cấm đánh bắt cá; tăng cường tầu giám hải, tuần ngư, tàu quân sự… Ngoài VN, TQ cũng ra tăng các hành động tương tự với các nước khác trên Biển Đông.

Ngay việc 2 trong số 3 tàu hải giám xâm TQ phạm vùng đặc quyền kinh tế của VN để cản trở hoạt động tàu Bình Minh 02 là những tàu hiện đại, mới hạ thuỷ cũng cho thấy hành động gây hấn này hoàn toàn không phải bột phát.

- Cho rằng TQ đã lên kịch bản để hiện thực hoá yêu sách “đường lưỡi bò” thì theo ông bước tiếp theo sẽ là gì?

- Những hành động trên của TQ có thể nhằm “dọn đường” cho bước leo thang tiếp theo là đưa dàn khoan dầu khổng lồ mà nước này vừa chế tạo vào hoạt động ở các vùng tranh chấp trên Biển Đông, thậm chí không loại trừ cả vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước trong khu vực. Hiện các nước trong khu vực Biển Đông đều đang theo dõi sát động thái này với mối quan tâm và lo ngại sâu sắc. Trường hợp TQ đơn phương tiến hành các hoạt động thăm dò, khai thác dầu ở khu vực còn tranh chấp sẽ đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) mà TQ đã ký với ASEAN.

- Vì sao TQ đã ký kết DOC mà lại luôn có những hành động đi ngược lại cam kết của chính họ trên Biển Đông?

- Tham vọng hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” che mờ tất cả. Biến Biển Đông thành “ao nhà” của mình, TQ không chỉ khống chế một huyết mạch hàng hải, một khu vực địa chính trị chiến lược trọng yếu của khu vực và thế giới mà còn mặc sức khai thác các nguồn tài nguyên giàu có như dầu khí, hải sản… Tuy nhiên, xét theo luật pháp quốc tế hiện đại cũng như luật pháp quốc tế cổ điển, yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở khoa học, không có giá trị pháp lý quốc tế và không ai có thể chấp nhận được. Ngay cả nhà nước cho tới học giả TQ cho đến nay vẫn không thể trả lời được câu hỏi làm sao xác định được tọa độ cũng như vị trí chính xác trên thực địa của từng đoạn cũng như của toàn bộ 9 đoạn của “đường lưỡi bò” mà yêu sách. Đó là lý do để TQ miệng nói đối thoại nhưng lại dùng sức mạnh vượt trội về mọi mặt so với các nước và khu vực còn lại trên Biển Đông để dần biến yêu sách của mình thành “sự đã rồi”.

- Nói như ông thì dù phi lý và ngang ngược nhưng TQ vẫn bất chấp để hiện thực hóa bằng được yêu sách của mình?

- TQ tham vọng và có sức mạnh song không dễ hiện thực hóa “đường lưỡi bò”. Cứ nhìn vào phản ứng quyết liệt và mạnh mẽ của Phillippines, một quốc gia tiềm lực yếu hơn TQ rất nhiều, cũng có thể thấy điều đó. Tàu quân sự TQ cản trở tàu thăm dò của mình, Phillippines lập tức cho máy bay chiến đấu ra răn đe, xua đuổi. TQ có những hoạt động bất thường ở vùng biển Philippines tuyên bố chủ quyền, đích thân Tổng thống nước này tuyên bố kiện lên LHQ… trong khi dư luận trong nước lên tiếng phẫn nộ.

- Song những phản ứng như vậy dường như đủ đến ngăn cản hành động của TQ?

- TQ có thể không ngại một quốc gia ASEAN tiềm lực thua xa mình nhưng bó đũa 10 nước ASEAN lại là chuyện khác. Ở đây không chỉ là vấn đề tiềm lực và sức mạnh mà quan trọng nhất là chính nghĩa, là lẽ phải. Một cường quốc mà để cả 10 nước láng giềng gần cùng phản ứng thì cường quốc đó không chỉ khiến khu vực mà cả thế giới phải dè chừng với con mắt đầy cảnh giác. Vấn đề vì thế phải làm sao để tiếng nói và hành động của ASEAN thực sự đồng nhất như chính hình ảnh trong biểu chưng của ASEAN là một bó lúa kết lại thật chặt với nhau trong một hiệp hội. Tư duy thờ ơ kiểu “không phải việc liên quan tới mình” của các quốc gia ASEAN khác trong từng việc, sự kiện xảy ra trên Biển Đông chính là một thứ thuốc kích TQ trong cơn thèm khát “đường lưỡi bò”.

- Vậy còn phản ứng của chúng ta?

- Chúng ta cần phản ứng thích đáng trên cả 3 cấp độ: song phương, khu vực và quốc tế. Chúng ta nhất quán tuân thủ DOC, Công ước về Luật Biển năm 1982 của LHQ cũng như thỏa thuận cấp cao hai nước VN-TQ nhưng cần dứt khoát và kiên quyết trong việc khẳng định và bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Chúng ta cần chuẩn bị sẵn sàng và chủ động trong mọi tình huống. Những hành động xâm phạm ngang ngược và rõ ràng vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa như ngày 26-5 vừa qua cần được ghi lại bằng các chứng cứ rõ ràng để thông tin nhanh nhất đến nhân dân trong nước, các nước trong  khu vực và toàn thế giới. Tàu cá hay các tầu khác hoạt động trong vùng biển của ta cũng nên có phương tiện ghi lại các hành động cản trở, uy hiếp… của tàu TQ làm bằng chứng và lập thành hồ sơ để cho thấy ai là bên đã vi phạm các thỏa thuận song phương, đa phương và luật pháp quốc tế.

Về cấp độ khu vực tôi đã nói ở trên. Điều cần làm trước mắt kiên trì và đẩy nhanh tiến trình DOC thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để ràng buộc trách nhiệm pháp lý của TQ trong vấn đề Biển Đông.

Với những vụ việc ngang ngược và rõ ràng như vụ xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa để cắt cáp thăm dò địa chấn tàu Bình Minh 02 vừa qua rất nên hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục để đưa lên LHQ và kiện ra tòa án quốc tế. Thực tế tòa án quốc tế đã thụ lý và phán quyết về những vụ việc tương tự vụ tàu Bình Minh 02.

Kết hợp tốt phản ứng cả 3 cấp độ, tôi tin TQ sẽ luôn phải nghĩ kỹ trước mỗi hành động tiếp theo trên Biển Đông.

- Xin cảm ơn ông.