Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Viết sau ngày 5-6

Đợi mọi cảm xúc lắng xuống. Bây giờ mới có thể ghi lại vài cảm nghĩ của buổi sáng 5- 6-2011.
Cuộc tuần hành lừng lẫy của thanh niên Sài Gòn – Hà Nội. Tôi đi cùng những  người lớn tuổi cụ GS sử học lão thành Nguyễn Đình Đầu và nhân vật không xa lạ với phong trào đấu tranh đô thị trước 1975. Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng, Lê Công Giàu, Cao Lập… để bày tỏ thái độ trước nguy cơ ngoại xâm thì tuần hành hay chỉ đứng tham gia trong đám đông thì già hay trẻ , dù hét to những khẩu hiệu hay chỉ giơ cao nắm tay nó cũng cùng đều chung mục đích vì Tổ quốc . Nó không như một nhận định hỗn xược với lời lẽ chợ búa, thiếu văn hóa của một Blogger còn trẻ [ chắc chắn tuổi tác còn chưa ngang bằng với con cái của giáo sư ] gọi họ là những lão già đi “ sô hàng“.
Cụ Nguyễn Đình Đầu, nhà Sử học, trí thức 92 tuổi và những nhân vật đứng đắn hẳn không chấp thứ ngôn ngữ chợ búa ấy [ vì thế, tôi không nhất thiết dẫn đường link ở đây ].
Tháng 6- 2008.
Khi còn lưu trú tại Hoa Kỳ nơi nhà của một người bạn vong niên, dịch giả Hoàng Ngọc Biên, tôi xem cuộc rước đuốc Olympic Bắc Kinh băng qua Sài Gòn – Việt Nam qua truyền hình VTV 4, khi mà hình ảnh Hoàng Sa – Trường Sa vẫn in rõ thuộc về Trung Quốc trong những áp- phích Olympic của Bắc Kinh .!!! Cảm giác thật não nề.
Về lại Sai Gòn. Cuộc biểu tình không lâu sau đó nổ ra. Trước đó ngành Văn hóa thông tin đã phải gỡ những Banner có nội dung chống Tống, Nguyên, Minh, Thanh khỏi nội dung tuyên truyền trên đường phố “Dân ta thuộc Sử ta “ treo gần Lãnh sự quán Trung Quốc, ngã tư Phạm Ngọc Thạch vì một lệnh từ đâu ai cũng có thể đoán được. Những Banner chống Pháp – Mỹ được cho phép giữ lại. Lịch sử là lịch sử. Sự ngạo mạn của các “Thái Thú “ ngày càng lộ liễu và sự nhu nhược nhân danh “tình Hữu nghị – Hòa bình – ổn định “ cũng lộ liễu theo.
Cuộc biểu tình bùng nổ. Những “ Thái Thú “ mới ngạo nghễ mở cửa sổ khoanh tay theo dõi cuộc biểu tình bị ngăn chận từ lực lượng quân sự và công an Việt Nam. Nhiều người trẻ tham gia bị bắt bớ với nhiều lý do khác nhau. Đấy là chuyện của 3 năm trước.
Hôm nay.
Những ai đã rời cây súng chẳng bao giờ muốn cầm lên nữa trừ một điều duy nhất: Tổ quốc bị lấn át, uy hiếp. Hải đảo, sinh mệnh đồng bào trên biển ngày càng bị đe dọa thì thái độ công dân là không cần ai kêu gọi hay tổ chức. ”Ổn định chính trị “ như cách nói của nhà cầm quyền phải được hiểu là an dân. Khi lòng dân không an thì cái ổn định vô nghĩa.
Chọn xuống đường cùng những người tuổi trẻ hôm nay hẳn những người từng vào sinh ra tử như những nhân vật được kể tên ở trên không những chỉ gặp lại tuổi trẻ chính mình mà còn là thái độ chia sẻ tình cảm đồng bào.Thật kinh ngạc khi có những người nắm trọng trách người thầy ở cương vị cao trong ngành lại xuất hiện yêu cầu sinh viên, những học trò mình giải tán. Giải tán có nghĩa là đừng yêu nước theo cách của mình, phải chờ “ yêu nước “ theo cách của họ, khi được…cho phép [ !!!]. Một nền giáo dục như thế, những người trẻ hôm nay còn trông mong được giảng dạy điều gì về đất nước ?
Nền giáo dục ấy chính nó sản sinh ra những con người tuổi đời còn trẻ nhưng đủ trâng tráo gọi cuộc tuần hành biểu dương tinh thần Việt Nam trước đe dọa ngoại xâm, trước sự có mặt của những nhân sĩ, trí thức và kể cả những người từng là cán bộ của chế độ nhưng đầy đủ lòng tự trong dân tộc là cuộc “ sô hàng “.
Sự vô liêm sỉ ấy không có gì khó hiểu.
“Hàng chục năm nay chúng ta mơ ước xây dựng thành công con người mới xã hội chủ nghĩa. Thật khủng khiếp thay ! Chúng ta đã… thành công !”
Một câu nhận định hài hước chua chát được truyền khẩu.
Và những kẻ hỗn xược ấy chính là sự ” thành công khủng khiếp ! “

Ảnh (Nhà báo Nguyễn Quốc Thái gửi từ Sài Gòn. Người chụp: Cao Lập): Từ trái qua: Đình Vượng, Vương Đình Chữ, cụ Nguyễn Đình Đầu, cựu “quan chức” Mặt trận Tổ quốc Lê Hiếu Đằng, Nhà thơ Đỗ Trung Quân, Nhà báo Nguyễn Quốc Thái, cô Trần Tử Vân Anh, André Menras Hồ Cương Quyết, Huỳnh Tấn Mẫm- có thể khác tuổi tác, tôn giáo, dân tộc, quá khứ, thậm chí cả chính kiến … nhưng cùng chung một tình yêu đất nước.

Nguồn: http://anhbasam.wordpress.com/