Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Việt Nam và Con Rồng

 


Đông Nam Á cần sự ủng hộ của Mỹ để đứng lên chống lại hành xử côn đồ của Trung Quốc
Ngày 8 tháng 6 năm 2011
Việc công khai bày tỏ sự phản đối là điều xảy ra hiếm hoi tại Việt Nam là nơi mà chính quyền cộng sản thường xuyên theo dõi và hạn chế mọi sự tụ tập ở nơi công cộng, nhất là khi sự tụ tập là vì một mục đích chính trị. Vì thế khi các cuộc biểu tình xuất hiện thì đó là một dấu hiệu cho thấy chính quyền đã bắt đầu coi sự công khai bày tỏ sự phản kháng là một vấn đề nghiêm túc để cho phép một sự náo động nào đó không quá ầm ĩ và kết thúc chóng vánh.
Vào hôm Chủ nhật vừa qua tại Hà Nội, hàng trăm người đã tập hợp để phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Hoa Nam [Biển Đông]. Hôm 26 tháng 5, một tàu tuần tra của Trung Quốc được cho là đã cắt đứt cáp thăm dò của một chiếc tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam khi nó đang tiến hành công việc nghiên cứu địa chấn trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Ngoài ra Việt Nam còn tuyên bố rằng tàu của Trung Quốc hôm 1 tháng 6 đã nã đạn cảnh cáo vào ngư dân Việt Nam đang đánh bắt cá ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Biểu tình cũng diễn ra tại Thành Phố Hồ Chí Minh vào hôm Chủ Nhật tuần qua và báo chí Việt Nam do nhà nước quản lý chỉ đến lúc ấy mới vội vội vàng vàng công khai chỉ trích cách hành xử kiểu côn đồ của Bắc Kinh.
Những tranh chấp chủ quyền ở Biển Hoa Nam từ lâu nay đã là một vấn đề dễ gây ra sự căng thẳng trong khu vực, song chính sách ngoại giao trong những năm gần đây đã đột ngột rẽ sang một bước ngoặt mang màu sắc gây gổ. Ngay cả trước khi Trung Quốc hồi năm ngoái đã gọi vùng biển giàu tài nguyên mỏ này là một “lợi ích cốt lõi” thì chính sách hàng hải ngớ ngẩn của Bắc Kinh đã dẫn đến những tình huống khó xử không kéo dài song nhiều khi máu đã đổ và báo hiệu một sự xung đột nghiêm trọng hơn.  
Mỗi khi căng thẳng xảy ra thì Việt Nam hầu như đều giữ im lặng. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc có một lịch sử lâu dài những cuộc xâm lăng của Trung Quốc, thế nhưng mối quan hệ được cải thiện gần đây vẫn khiến Hà Nội e ngại tự khẳng định rõ ràng thái độ chống lại kẻ thù truyền kiếp này. Điều này giờ đây dường như đã sắp sửa thay đổi. Trước đây chính quyền Việt Nam đã bỏ tù các blogger và nhà hoạt động vì họ chỉ trích chính sách bạc nhược của Việt Nam đối với Trung Quốc. Nay thì Hà Nội có vẻ như đã sẵn sàng để kêu gọi sự chú ý trên quy mô rộng hơn tới trường hợp của Việt Nam. 
Điều nan giải nằm ở chỗ Việt Nam có nguy cơ phải chịu sự rủi ro ấy là Việt Nam đang đẩy cao sự quan tâm của nhiều người theo cách đất nước này tự để lộ ra điểm yếu của mình. Mặc dù sáu nước hiện đang có tuyên bố chủ quyền chồng chéo đối với các hòn đảo ở Biển Hoa Nam, song chính sách ngoại giao ở khu vực này hầu như đều lựa chọn hình thức thỏa thuận song phương giữa các bên tranh chấp. Song, giống như các nước khác ở Đông Nam Á đang có tranh chấp chủ quyền như  Philippine, Malaysia và Brunei, Việt Nam một thân một mình đã không có dũng khí để đi đến những thỏa thuận có tính xây dựng với Trung Quốc. Hiện trạng thỏa thuận cho tới lúc này chỉ là dựa trên những tuyên bố khẳng định quyền sử dụng thuộc về lịch sử là điều hoàn toàn không đủ rõ ràng để bắt các bên phải chấp hành.
Vì thế đối với Hà Nội thì việc đặt mối quan hệ song phương ôn hòa nếu không muốn nói là quá ư ôn hòa vào tình thế rủi ro qua việc tán thành tình cảm công khai chống Trung Quốc sẽ dường như là một sự tự sát – trừ phi, dĩ nhiên, Việt Nam có những lý do để tin rằng họ có nhiều bạn bè đứng về phía mình hơn là những gì mà một mối quan hệ thuần túy song phương có thể đem lại. Tại cuộc Đối thoại thường niên Shangri-La tại Singapore vào cuối tuần qua, bộ trưởng quốc phòng của Việt Nam Phùng Quang Thanh đã hưởng ứng người đồng nhiệm của Philippine và Malaysia khi khẳng định rằng sự tranh cãi om sòm giữa nước ông với Trung Quốc được giải quyết mà không cần có sự can thiệp của các bên thứ ba.
Thế nhưng xu hướng rành rành khác xảy ra gần đây nhất lại cho thấy trong đó có một vai trò dứt khoát của các bên thứ ba – của một bên thứ ba, nói riêng. Có lẽ Hà Nội chỉ thừa nhận đãi môi tầm quan trọng của việc đàm phán song phương với Trung Quốc, song Hà Nội từ lâu nay đã nỗ lực tạo điều kiện chắc chắn để có được sự hỗ trợ của Mỹ. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ  Robert Gates đã nói tại Singapore rằng sự hòa giải trung gian hợp pháp của bên ngoài sẽ là chìa khóa để giải quyết sự tranh cãi. “Tôi lo sợ rằng nếu không có luật đi đường [rules of the road] và những cách tiếp cận được thỏa thuận để giải quyết những vấn đề này thì những va chạm chắc chắn sẽ xảy ra.”
Sự ủng hộ của Mỹ chắc chắn sẽ được chào đón. Hiệp hội các nước Đông Nam Á, gọi tắt là ASEAN, có bốn nước có tranh chấp chủ quyền với nhau song đã cố gắng gạt sự tranh cãi nhỏ nội bộ sang một bên để cùng nhau đối phó trước Trung Quốc như là một mặt trận thống nhất. Một bộ quy tắc ứng xử đa phương chính thức ở Biển Hoa Nam được thảo luận từ gần một chục năm nay mới đây đã được sửa lại song có lẽ rồi nó cũng lại chịu số phận bị chỉm nghỉm. Song, với sự ủng hộ của Mỹ, ASEAN có thể tập hợp được sự thống nhất để chủ động ngăn chặn trước một sự xung đột.
Còn về phía Trung Quốc thì bộ trưởng quốc phòng Lương Quảng Liệt đã nói tại  Singapore hôm Thứ Sáu rằng “Trung Quốc cam kết duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Hoa Nam,” trong khi ông ta lưu ý rằng những hành động gần đây của hải quân Trung Quốc ở vùng biển này là để theo đuổi “sự phát triển hòa bình.” Cách tốt nhất để đảm bảo các nước khác trong khu vực này đoàn kết được với nhau cùng với Mỹ là chống lại cách hành xử côn đồ của Trung Quốc.
Bài đăng trên trang 11, báo giấy The Wall Street Journal
Ảnh: Người dân Việt  Nam tổ chức một cuộc biểu tình chống Trung Quốc phía trước tòa Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội (AP)

Người dịch: Hiền Ba
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2011