Thứ Tư, 8 tháng 6, 2011

Cũng đành bứt sợi dây câu…



…Cái gì chứng minh một linh hồn biết vui khi thấy nhà mình có những thứ mua được bằng chính cái chết của mình? Chữ của tôi bắt đầu đổ tháo…”


Đường từ Rạch Giá vào nhà Mai xanh cây cỏ. Những cơn mưa cuối mùa còn đọng thành những cái vũng trên con đường xóm. Những quán tạp hóa nhỏ. Một tiệm thu mua phế liệu, ve chai lông vịt tanh nồng. Người phụ nữ đang đốn trúc bên hông nhà ngẩng lên chỉ đường khi chúng tôi hỏi nhà Huỳnh Mai, “đằng đó, chút xíu nữa là tới rồi”. Mũi dao phay lia về phía có căn nhà lụp xụp, thấp và tối.
Sân cũng thấp, có vẻ ngập nước suốt mùa mưa, thấp thoáng rêu mọc theo giề củi mục ướt sũng. Mặt đất tái nhợt, bủng beo. Người trong nhà xúm xít khi khách đến. Ngoại Mai gầy, khóc quắt queo ngoài hàng ba, với tôi. Kể rằng, “con nhỏ có hiếu lắm, nó nói lấy chồng để kiếm ít tiền mua vài công đất, “chớ cha già rồi đâu có đi đâm ếch kiếm sống được nữa…” (Tôi gạch chân mấy chữ lấy chồng để kiếm ít tiền) Kéo chéo khăn lau nước mắt, bà ngoại lại kể, rối bời. Tôi tự chắp vá không gian và thời gian, “con nhỏ đi mần công nhân được hai năm. Mùa khô đi cắt lúa mướn. Bữa lên máy bay theo chồng ngón tay út còn bó vải do cắt lúa bị đứt…”.
Câu chuyện đứt quãng, trong nhà vọng ra tiếng mẹ Mai, ấm ức, “ai mà ngờ thằng đó ác nhơn vậy, lúc tới đây nó tỏ ra cưng con Mai lắm, hun hít, kéo con nhỏ ngồi trong lòng, ai mà ngờ…”. Giọng mẹ Mai cao quá, át đi tiếng của bà ngoại. Bạn tôi ngồi xem lại album ảnh cưới, vài tấm hình người chồng đã bị cắt lìa, một mình Mai, cánh tay choàng lấy trống rỗng. Một tấm hình Mai chụp chung với các em mình. Nhiều hình ảnh hiện ra trên cái nền âm thanh là giọng nói lúc chì chiết, lúc u uẩn, lúc thê thiết của mẹ Mai. Cùng với tiếng phụ họa của dì, và vài chị nách con từ đằng xóm lại.
Tôi ra đằng sau, em gái Mai đang chụm lửa nồi canh suông khoai rạng. Gian bếp nguệch ngọac vài bó củi, cái tủ chén xiêu xiêu, hai cái cà ràng… Sàn lãn có một rổ ruột ốc bươu vàng. Hỏi, ốc để làm gì, em đáp, dạ cho cá trê lai ăn. Hồi chế em chết, người ta cho tiền, ba em mua cá về nuôi. Mượn đất bà ngoại. Hỏi người ta cho tiền vậy, sao không mua đất? Trả lời, bên kia người ta hứa cất nhà, cho đất, đang chờ… Em trai Mai dúi vào tay tôi ly trà đá đường, tôi hỏi, em còn học không, Tâm cười, em bỏ học lâu rồi. Cắm câu. Cỡ chạng vạng đi cắm, mười giờ đêm chống xuồng đi thăm một lần, sáng nhổ, một đêm bán được cũng hai ba chục ngàn. Cũng có khi đi đâm ếch, bắt chuột. Gì có tiền là làm.
Mẹ Mai đã thôi nói, đang cắm cúi cùng ba Mai viết biên nhận nhận số tiền từ một tổ chức ở Hàn Quốc nhờ chúng tôi mang tới trao tặng. Tôi đang rảo quanh nhà, mắt tôi đậu ở cành mai giả trên bàn, bà ngoại nói, con nhỏ làm trước khi đi, nó nói nó tên Mai, nên làm nhánh mai này để ở nhà nhìn mai mà nhớ nó. Cái rèm kia cũng vậy… Bà ngoại nói chính tay Mai thêu cái rèm đó, có đôi chim én bay lên trên nền những bông mai rơi lả tả.
– Con nhỏ nói vì nó tên Mai nên may mắn có chồng ngoại quốc…
Cô gái, và những người thân của mình không phân biệt được giữa mai và may. Không phân biệt được lấy chồng kiếm tiền và lấy chồng vì yêu. Như không phân biệt được một người để nương tựa và kẻ sát nhân. Cũng lầm lẫn nhiều giữa bản thân và một món hàng.
Ngộ nhận, lẫn lộn nhập nhòa cho đến khi Mai chết. Bàn thờ đơn sơ. Mai mắt xếch như đang cười. Cạnh đó là ti vi và đầu đọc DVD mới. Mẹ Mai nói, “con Mai hồi còn sống ước sắm cho cha mẹ coi cải lương, tụi tui mua để vong con nhỏ vui…”
Cái gì chứng minh một linh hồn biết vui khi thấy nhà mình có những thứ mua được bằng chính cái chết của mình? Chữ của tôi bắt đầu đổ tháo.
Nắng đỏ au báo hiệu sẽ có mưa chiều. Chúng tôi ra về. Bỏ lại sau lưng căn nhà có quá nhiều thứ bất an, hoặc nó không bất an nhưng tự tôi thấy vậy. Của nước mắt thấm trên chéo khăn bà ngoại và sự hí hửng của chị hàng xóm “trời, bao nhiêu tiền đô đó mà đổi được bốn chục triệu lận hả? Chuyến này vô mánh nghen, sắm đồ đã luôn…”. Của ngôi nhà ngó thấu trời sao bọc lấy giàn ti vi, đầu đĩa mới. Của khói hương bay lên từ bàn thờ cô dâu chết trẻ và câu nói của người dì “tại số con Mai, chứ cả xóm này con gái lấy chồng Hàn cũng nhiều, mà ai cũng sung sướng…”.
Vết thương từ một cái chết có vẻ mau liền da bởi đã được chữa trị bằng tiền, nhiều tiền, được rịt bằng bã thuốc cầm máu mang tên trừng phạt, kẻ sát nhân chịu án 12 năm tù, được che đậy bằng thứ thuốc chống đau “cái số phần nó vậy…”. Và năm ba cái chết cũng chẳng ngăn cản được những cuộc đi, cuộc bán mua, cuộc trôi giạt của hàng trăm hàng ngàn cô gái trên xứ sở này. “Cũng đành bứt sợi dây câu. Ra đi để lại một châu thổ buồn”, ông Cao Thoại Châu, hai câu đó ông làm cho mình hay cho những phận đời lưu lạc?!
Biết công lý được thực thi bên kia biên giới, tôi ngồi chép lại những dòng trong sổ tay, tôi đã định chỉ kể và kể, không để tình cảm của chính mình chen vào. Rốt cuộc, tôi đã không làm được.

Nguyễn Ngọc Tư