Một trăm phần trăm cử tri ở Trường Sa đã tham gia bỏ phiếu sớm tại kỳ bầu cử đại biểu quốc hội khóa XIII và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016, theo truyền thông trong nước.
Các cuộc bầu cử diễn ra tại 21 điểm bỏ phiếu ở thị trấn Trường Sa và các xã ở huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.Tại kỳ bầu cử sớm ở quần đảo có tranh chấp chủ quyền giữa Việt Nam và Trung Quốc và một số quốc gia láng giềng vốn diễn ra trước một tuần so với toàn quốc, các hòm phiếu lưu động được đưa tới tận nơi để cử tri "thực hiện quyền công dân" đối với 'các ngư dân đang đánh bắt hải sản ngoài khơi và chiến sỹ đang làm nhiệm vụ trên tàu', báo điện tử ViệtNamNet hôm Chủ Nhật cho biết.
Các đơn vị bầu cử còn lại của huyện Trường Sa nằm trong đất liền vẫn tiến hành bầu cử vào hôm Chủ Nhật 22 tháng Năm, Thông tấn Xã Việt Nam cùng ngày cho hay.
Hôm thứ Năm, tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại Giao tổ chức, người phát ngôn Nguyễn Phương Nga tuyên bố "bầu cử ở Trường Sa là việc nội bộ của Việt Nam."
Hiện VN và TQ đang đàm phán để tiến tới ký kết một thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển
Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn
Phát ngôn được đưa ra hôm 10/5 của Bộ Ngoại giao Việt Nam nhằm đáp lại một phản đối của nước láng giềng Trung Quốc về việc tiến hành bầu cử này.
"Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với quần đảo Nam Sa (Việt Nam gọi là Trường Sa) và các hải phận liền kề," phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, bà Khương Du, được Tân Hoa Xã trích thuật lên tiếng cùng ngày, trước đó, hôm thứ Năm.
Bà Khương nói: "Bất cứ một hành động đơn phương nào tiến hành bởi bất cứ quốc gia nào đối với Quần đảo Nam Sa đều là trái phép và không có giá trị."
Người phát ngôn phía Trung Quốc cáo buộc các cuộc bầu cử của phía Việt Nam "vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của Trung Quốc và không tuân theo tinh thần bản Tuyên bố Ứng xử giữa các bên trên Biển Nam Trung Hoa."
Nguyên tắc giải quyết
Trong một diễn biến riêng rẽ, nhân Hội nghị Tổng kết công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa Việt Nam và Trung Quốc được nhóm tại Hà Nội hôm 12 tháng Năm, lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam cho truyền thông trong nước hay:
"Hiện VN và TQ đang đàm phán để tiến tới ký kết một thỏa thuận về các nguyên tắc cơ bản trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển," Thứ trưởng Hồ Xuân Sơn được tờ Thanh Niên Online trích thuật nói.
Người nắm chức Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia này của Việt Nam nói các cuộc đàm phán song phương đã qua năm vòng ở cấp chuyên viên, vòng thứ sáu dự kiến sẽ diễn ra ở Bắc Kinh vào đầu tháng Sáu.
Các nguyên tắc cơ bản được áp dụng trong giải quyết tranh chấp, theo ông Sơn là "các nguyên tắc đã được pháp luật, cộng đồng quốc tế công nhận như Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC), các thỏa thuận giữa lãnh đạo cấp cao hai nước..."
"Bên cạnh đó là thỏa thuận về việc giữ hòa bình, ổn định, không để các vấn đề cụ thể ảnh hưởng đến quan hệ giữa hai nước là đối tác chiến lược toàn diện," ông Sơn cho hay.
Theo BBC