Thứ Hai, 16 tháng 5, 2011

Vì sao công ty Mỹ rút cổ phần khai thác dầu ở Biển Đông

Phúc Lộc Thọ
imageMột cái tin hết sức quan trọng liên quan tới một động thái ngoại giao đáng chú ý của Mỹ, đó là việc một số công ty Mỹ tuyên bố sẽ bán cổ phần, rút ra khỏi các dự án khai thác dầu ở Biển Đông (tin RFI). Mặc dù cái lý do mà phía các công ty Mỹ đưa ra nghe ngớ ngẩn, giống như mấy anh nhà giàu thanh minh với bàn dân thiên hạ cái việc: không chén các món cao lương mỹ vị mà lại đi “ húp tương”, thường xuyên xơi món “cá gỗ” qua bữa do bí tiền; tương là một món ăn của đám tiện dân có mức thu nhập dưới 1 USD/người/ngày?
Hiện nay người trong cuộc là ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương phụ trách món khai thác dầu đã từ chối bình luận về thông tin này với các hãng thông tấn nước ngoài; còn báo chí lề phải thì im thin thít, có thể do đã nhận được chỉ đạo không đưa tin này hoặc do ú ớ về chính trị, không nhận ra đây là một tin quan trọng, nhạy cảm, chí ít trong bối cảnh chính trị cực kỳ phức tạp, căng thẳng hiện nay mà Việt Nam đang phải cố sứ lê lết, hụt hơi, chèo chống với thời cuộc… Đó là việc đang chạy đua, tìm mọi cách để tranh thủ sự ủng hộ nhiều phía cộng với việc nâng cao tiềm lực quốc phòng để tránh không bị Trung Quốc lấn lướt, bắt nạt trên Biển Đông…


Mặc dù theo các hãng tin nước ngoài, cổ phần của các công ty Mỹ trong các dự án khai thác dầu tại Biển Đông do PETROVIETNAM làm chủ đầu tư chỉ chiếm 20 %; Việt Nam chiếm 51 %, chưa phải là gì ghê gớm đối với Việt Nam và Mỹ; thế nhưng đằng sau Công ty khai thác dầu của Mỹ là gì thì một cậu học trò lớp 1 cũng đoán ra…
Có một gợi ý nhỏ trên mạng: Liệu nếu Mỹ rút ra, tất nhiên là Mỹ có quyền bán cho những ai có nhu cầu; nếu Trung Quốc xô vào mua với giá cao thì sao? Đối với Mỹ thì đó chỉ là chuyện vặt; nhưng đối với Việt Nam đó là một bài toán nan giải. Nếu Mỹ đồng ý bán cho Trung Quốc và Trung Quốc nhất định sẽ mua thì Việt Nam chả nhẽ lại đi từ chối?
Nếu từ chối thì khác gì tuyên chiến với Trung Quốc? Còn nếu cho Trung Quốc vào góp cổ đông thì “bài toán” kinh tế – an ninh về Biển Đông coi như xong… Và châm ngôn ứng xử của Thuyết “buôn vua” lại được lặp lại: Cái gì không mua được bằng tiền thì phải mua mất nhiều tiền… Thế thôi!
Đối với Việt Nam nếu đem súng đạn ra dọa, đua đấu có khi lại thua. Điều này Pháp, Mỹ và cha ông của người Trung Quốc đã từng thử và đã thất bại; thế nhưng cứ đổ tiền có khi lại mua được giá hời; vấn đề là đổ vào khâu nào, vào ai… Phải tìm cho ra được những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống thời nay thì mới ăn…
Tại sao một anh trọc phú lại ăn uống, chi tiêu dè sẻn như một anh tiện dân? Nếu thảng hoặc anh ta đang bị bệnh ung thư hay bị một chứng bệnh nào đó, khiến cho cơ địa của anh buộc phải kiêng khem các món cao lương mỹ vị? Hay chẳng qua chỉ là động tác giả vờ mang động cơ chính trị đánh bóng tên tuổi, thương hiệu?! Ai cũng biết cả thế giới đang khát dầu mỏ, đang lao đao vì dầu: làm cho khốc hại chẳng qua vì dầu… Thế mà Mỹ lại chê dầu Việt Nam là cớ mần răng hỡi các chú Yanky?! Theo thông tin của Phúc Lộc Thọ thì mời Mỹ vào các lô này là có tính toán, có ưu tiên cho Mỹ, thế mà bây giờ…
Hành động rút các cổ phần ra khỏi các dự án khai thác dầu tại biển Đông của các công ty Mỹ theo Phúc Lộc Thọ đó là: một động thái ngoại giao của Mỹ trong cái giai đoạn cực kỳ nhạy cảm về các quan hệ đối ngoại đầy tranh chấp, đầy lắt léo của Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam tiếp tục triển khai chính sách “đong đưa ngoại giao” giữa 4 cái “anh bồ”- các trung tâm chính trị: Trung Quốc – Nga – Mỹ + Nhật + Tây Âu…
Trong quá khứ, trong giai đoạn xảy ra 2 cuộc chiến tranh, người giữ được giá cho các động thái “đong đưa ngoại giao” giữa Việt Nam với Trung Quốc và Liên Xô là ông Hồ Chí Minh; còn đối với Việt Nam trong giai đoạn hiện nay khó tin các vị đủ trí thông minh (chưa đòi hỏi tài năng), đủ các tiểu xảo để những cú liếc mắt đưa tình của mình trở nên “hư hư thực thực”; “hư mà thực, thực mà hư” … như ông Hồ Chí Minh đã làm…
Các vị đã không bằng ông Hồ Chí Minh chứ chưa đòi hỏi bằng cha ông, nhưng có vẻ các vị lại tự cao, tự đại, lại bảo thủ, lại chuyên quyền, độc đoán, gia trưởng thì các vị rất dễ đẩy tiền đồ đất nước vào ngõ cụt…
Còn nhớ vào năm 1964, khi Mỹ chuẩn bị leo thang chiến tranh, Tây Âu đã cho một nhà báo Pháp sang nắn gân Hồ Chí Minh bằng một cuộc phỏng vấn. Khi trả lời câu hỏi của nhà báo Pháp, với tiềm lực kinh tế, quốc phòng hiện tại của Việt Nam, nếu phát động chiến tranh với Mỹ, liệu Việt Nam có trở thành “ vệ tinh”, bị phụ thuộc vào Trung Quốc không ? Hồ Chí Minh đã cao giọng: Jamais – Không bao giờ.
Tuyên bố là vậy mà Trung Quốc vẫn cứ chở súng đạn, lương thực thực phẩm sang tiếp tế cho cuộc chiến tranh? Ngoại giao thế mới là ngoại giao chứ!
Còn mối tương quan giữa Mỹ – Việt Nam – Trung Quốc thì cho dù giữa Mỹ và Trung Quốc cũng có nhiều khoản ngoặc ngoẹo với nhau; nhưng chắc chắn hai anh ả này luôn ở cái tình cảnh “đồng sàng dị mộng”, khó ăn ở với nhau “đầu bạc răng long” lắm…
Hãy xem thiên tượng trời đất, thiên nhiên, nhân hòa trong những ngày này mà thấy lo cho cơ đồ xã tắc: Chó dữ xuất hiện ở Lao Cai xông ra cắn trẻ em; thú lạ xông vào moi đầu, phủ tạng chó nhà xơi; mà chó nhà xưa nay là biểu tượng, là kẻ trông giữ an ninh, là người bạn trung thành, tin cậy của người nông dân… Thế mà bây giờ lại xảy ra: Điềm trời báo gì đây?!
Trước thời xảy ra Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc đều có những điều kỳ dị xảy ra!
Chưa hết, sân bay quốc tế Nội Bài: cái nơi được coi là bộ mặt quốc gia, mặt tiền chế độ, mọi cái về kỹ thuật, ứng xử phải đảm bảo chuẩn mực, tuyệt đối về an toàn, văn minh tối thượng thế mà lại bị bục bể phốt, phân người nổi lềnh bềnh trước du khách bốn phương…
Rồi thì ông Nông Đức Mạnh khi đương là Tổng Bí thư, trong một cuộc hội nghị tổng kết học tập tác phong, đạo đức Hồ Chí Minh đã quyết liệt lên án một loại tội ác trong Đảng: Tội kéo bè kéo cánh, bản vị cục bộ… Là Tổng Bí thư mà ông cũng chỉ phát trị được tại hội nghị.
Mới đây Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang đã phải thổ lộ với cử tri trong một cuộc tiếp xúc tại thành phố Hồ Chí Minh: Đang có cả một bầy sâu chứ không vài con trong “bát canh” của con dân đất Việt? Nghe câu này của ông Trương Tấn Sang nhiều người dân không dám ăn canh nữa!
Nếu chịu khó tập hợp, liên kết theo kiểu “điều tra xã hội học” sẽ thấy đây là giai đoạn mà nội tình thế sự đất nước có nhiều điềm dữ, điều đáng lo? Việc các công ty Mỹ tuyên bố bán lại cổ phần chỉ là một trong các dữ liệu nhỏ cần phải quan tâm xem xét.
Theo người viết bài này, vì sao Mỹ là giở chứng ra như vậy? Có khả năng Mỹ đã nhìn thấy sự thiếu tin cậy, nếu tiếp tục lao vào mồi chài Việt Nam đang thi hành cái “chính sách đong đưa” cò quăm. Chắc Mỹ phật lòng trước việc Hà Nội phớt lờ mọi ý kiến của Mỹ, Tây Âu tỏ thái độ phản đối vụ xét xử Cù Huy Hà Vũ…
Và gần đây là thái độ quyết liệt của Quý Thanh theo kiểu Nhiếp Nguyên Tử trên báo Công an Nhân dân đã làm cho Mỹ không khỏi bẽ bàng…
Bởi vì, một kẻ nông cạn về tư duy chính trị cũng dễ dàng nhận ra Cù Huy Hà Vũ và Ngô Bảo Châu là những anh “học trò”- “bạch diện thư sinh” đang cổ súy cho các giá trị dân chủ Tây Phương… Có điều họ tham gia chính trường với tư cách của một kẻ “trói gà không chặt”.
Cù Huy Hà Vũ là một anh không tham gia đảng phái chính trị nào, “cùn” lên thì viết thư kiện Thủ tướng chơi; còn anh ta còn lâu mới trở thành một “thủ lĩnh” chính trị theo đúng nghĩa của từ này. Ngô Bảo Châu thì thực ra cũng chỉ là một nhà toán học trẻ theo đúng nghĩa, anh ta không là đảng viên của bất cứ đảng phái hay tổ chức chính trị nào, không vây cánh của ai. Bố mẹ là Giáo sư đó nhưng ngẫm cho cùng hơn gì anh giáo quèn!
Một cái thẻ thông hành tối thiểu của những ai muốn lao vào “canh bạc” chính trị Ngô Bảo Châu nào đâu có màng. Nếu anh ta ở Việt Nam thì giỏi lắm cũng leo lên được chức Trưởng khoa Toán của một trường đại học như Lê Bá Khánh Trình, một người từng lừng danh ở Olympic quốc tế về Toán. Ngô Bảo Châu có về Việt Nam hẳn thì làm sao mà thăng tiến được như 2 đồng chí vào Ban chấp hành Trung ương vừa rồi: Một đồng chí đang là Phó Hiệu trưởng một trường đại học, một đồng chí đang là Bí thư một quận của một thành phố; tài năng chưa có gì nổi rõ đột nhiên “leo trực thăng” đi họp trung ương?
Nếu không có các sự kiện do được “phong thánh” thái quá, nếu để bình thường thì Ngô Bảo Châu cũng chỉ là Ngô Bảo Châu và Cù Hà Vũ chỉ là Cù Huy Hà Vũ chứ làm được nên cơm cháo gì ?
Ngày xưa sở dĩ Mỹ chìa tay bắt tay với Trung Quốc, lờ Hoàng Sa cho Trung Quốc chiếm là do tại bị Việt Cộng đánh ác quá nên Mỹ cáu; còn ngày nay, nếu nhìn tương quan về sức hút chính trị thì sức hút của Trung Quốc với Nga so với Việt Nam với Nga? Cứ nhìn vào cán cân thương mại và các hoạt động đi đêm giữa các tập đoàn tài phiệt và cả các chính khách của 2 quốc gia này thì rõ… Hứng lên thì Nga bỏ ra vài chai rượu, quăng ra vài cái gậy ra để cho láng giềng đánh nhau cho nó XARASO, cho nó vui! Người Nga hiện nay khác với người Liên Xô trước kia lắm lắm, nhất là các chính khách…
Hiện tại Việt Nam là khoản thêm nếm với Nga; Mỹ mới là thế lực liên quan tới quyền lợi chiến lược của cả vùng Đông Bắc Á…
Do vậy, theo Phúc Lộc Thọ, kế sách thông minh nhất hiện nay đó là: Vận động Mỹ tiếp tục ở lại đầu tư vào các dự án khai thác dầu, để Mỹ dỗi bỏ đi là gay go đấy; mặt khác tiếp tục thi hành chính sách nhân nhượng có nguyên tắc và được tính toán thông minh với Trung Quốc; thả Cù Huy Hà Vũ để tránh làm mất mặt Mỹ-Tây Âu không cần thiết…
Bắt giữ Cù Huy Hà Vũ chỉ để thỏa mãn cái tiểu khí của kẻ tiểu nhân nhưng rất có thể sẽ làm xáo trộn “đại khí”, xáo trộn ván cờ đại cục, ảnh hưởng tới tương lai chính trị, “tiền- hàng” đất nước!
Cần lưu ý, nhắc nhở báo Công an và các báo lề phải không tiếp tục đăng những bài như của Quý Thanh, tránh xách động chính trị theo kiểu Nhiếp Nguyên Tử; kẻ viết báo chữ to châm ngòi cho cuộc Đại cách mạng văn hóa vô sản ở trung Quốc trong thập kỷ 60 thế kỷ trước…
Khẩu khí trong bài viết của Quý Thanh rất dễ đẩy Việt Nam vào thế có thể được lòng những ai có xu hướng thân, gần với Trung Quốc nhưng lại sa vào tình thế đối đầu một cách không cần thiết với cái trục Mỹ-Tây Âu-Nhật Bản.
Với những động thái viết lách non nớt về mặt chính trị theo kiểu Quý Thanh và báo Công an nhân dân, chữa cháy theo kiểu “lửa đổ thêm dầu”: viết bài chỉ trích nặng nề Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ quá mức cần thiết này khác gì việc dùng dao mổ trâu để giết gà; việc này sẽ gây hậu quả: rút giây động rừng; là ném chuột làm hỏng đồ quý…

P. L. T.