SGTT.VN - Sau Cải cách ruộng đất, người ta mở cuộc triển lãm lớn tuyên truyền thành tích. Lũ trẻ chúng tôi tò mò trốn học dến xem. Nhiều chuyện quá ghê rợn, giờ trên sáu chục tuổi, nghĩ đến vẫn rùng mình, lạnh gáy.
Ngày ấy, ở một góc phòng trưng bày, cả lũ xúm đông xúm đỏ quanh cô thuyết minh chỉ vào hình nộm to hơn con chó bécgiê làm bằng vỏ bao tải cũ màu nâu xám, trên thân có vẽ những vằn như da cọp bằng vôi trắng. Cô thuyết minh thao thao đọc thuộc lòng: “Đây là một âm mưu của bọn địa chủ cường hào, đại gian đại ác cấu kết với lũ phản động trong xã Y. Khi cán bộ Đội về xâu chuỗi, bọn chúng làm cái lốt cọp này khoác vào, đêm đêm ẩn hiện bụi tre, gốc đa đầu xóm rồi phao tin có cọp về làng khiến bà con nông dân sợ không dám đi họp đấu tố địa chủ… Bị phát hiện, bọn địa chủ, phản động đã bị đền tội”… Lũ chúng tôi chưa một lần nhìn thấy cọp, thấy địa chủ, xem vậy, nghe vậy và biết vậy. Cả lũ nhao nhao: “Chà, bọn phản động thâm hiểm thật! Thâm hiểm thật”…
Lớn lên theo học ngành động vật học, chiến tranh vào rừng sơ tán. Học trong rừng sống trong rừng. Tháng nào cũng phải vào rừng kiếm củi, chặt nứa lợp nhà. Hoạ hoằn mới thấy vết chân nai, chân heo. Đêm đêm nghe tiếng chim kêu, vượn hú và hươu nai rống trong rừng sâu mà chẳng bao giờ thấy cọp. Một chiều, cả lũ lội suối từ lớp học trong rừng về lán, bỗng một cậu hét toáng lên: “Có cọp! Có cọp!” Cả lũ co chân định chạy nhưng cậu ta vẫy cả nhóm lại và chỉ vào những vết chân “cọp” còn in rõ trên đất ướt bên suối. Chúng tôi vội đi báo thầy. Nghe tin, thầy chủ nhiệm vội khoác khẩu súng săn cùng cả lũ sinh viên lao ra thị sát hiện trường. Ngắm nghía vết chân một lúc, thầy phán: “Về hình dáng vết chân này, không ngoại trừ là vết chân cọp”. Thế là cả lũ xanh mặt. Bọn con gái thì ngoài giờ lên lớp vào nhà đóng chặt cửa. Tuyệt không dám ra tắm ở khúc suối ấy. Lũ con trai thì phân công nhau ôm súng canh gác lán trại thâu đêm.
Mấy tuần trôi qua, chẳng thấy cọp đâu. Bà con trong xóm thấy lũ sinh viên lo lắng chỉ cười mà bảo: chuyện hão! Sau này mới biết có tay nào tinh nghịch sau bài giảng của GS Đào Văn Tiến đã làm vết chân cọp giả để thử gan mọi người. Ấy vậy mà cũng lừa được cả thầy chủ nhiệm.
Hơn tuần nay, tin đồn rộ lên trên báo in, báo mạng. Nào là chó lạ tấn công người, tấn công gia súc trên núi cao Lào Cai. Cùng lúc lại có tin mãnh thú vào làng xơi cả chục chú chó. Lạ một nỗi chúng “cắt” đầu chó, moi hết nội tạng chén sạch. Thế là dân chúng Lào Cai, Quảng Ngãi lại mất ăn mất ngủ. Cửa đóng then cài. Đi đâu cũng lăm lăm dao rựa. Đàn bà trẻ con một phen hú vía vì chó đuổi, mãnh thú rập rình lẩn quất đâu đây.
Nhận biết cái dấu chân động vật tưởng chừng như rất đơn giản ấy lại tiếp tục thành chuyện thời sự nóng bỏng. Các nhà quản lý môi trường, các nhà động vật học và cơ quan an ninh đâu cả rồi? |
Nạn chó lạ thì dập được khá nhanh vì nó xuất hiện, tấn công người, trâu bò là thật và người ta đã hạ gục, chôn sâu những con quái khuyển này. Hỏi nó là chó gì? Sao đông thế, sao dữ thế, ở đâu ra thì chẳng ai biết ai hay. Được lệnh giết thì cứ giết. Bảo chôn thì đem chôn. Chẳng ai dại dột mà ăn thịt cái lũ quái khuyển này.
Lạ thay, “mãnh thú” ở Quảng Ngãi thì vẫn nhởn nhơ đâu đây. Báo chí đưa tin các lực lương liên ngành “băm nát cả quả đồi” mà không tìm ra mãnh thú đâu cả. Người ta chỉ đưa ra tấm hình không mấy rõ về những vết chân lạ. Rồi đưa tin phán của ngài viện trưởng nọ ở tận Hà Nội rằng có thể nó là con gấu. Cán bộ kiểm lâm nhìn vết chân bảo “có thể là báo, có thể là beo, có thể là bẹcgiê…” Có thể là, là, là, tha hồ mà đoán”.
Mỗi ngày qua đi, khi chưa túm được mãnh thú thì lại một tin giật gân mới. Hôm nay mở nhật trình thấy đăng tin công an ngồi quán nước nghe lỏm được tin cơ sở này cơ sở nọ ở Dung Quất nuôi cọp bị sổng chuồng… Đọc tin giật gân lại lo ngay ngáy.
Nhớ lại chuyện cọp xưa và liên hệ chuyện mãnh thú nay ở một tỉnh miền Trung, thấy có chuyện gì đó không ổn... Nhận biết cái dấu chân động vật tưởng chừng như rất đơn giản ấy lại tiếp tục thành chuyện thời sự nóng bỏng. Các nhà quản lý môi trường, các nhà động vật học và cơ quan an ninh đâu cả rồi? Ra tay đi chứ, để thiên hạ biết được thực hư ra sao, để người dân khỏi lạnh gáy và mất ăn mất ngủ dài ngày.
TS VŨ THẾ LONG