“Những hành động gần đây của Bắc Kinh đã tăng cường sức mạnh cho những người theo đường lối cứng rắn ở Ấn Độ bằng việc hợp pháp hoá những giả định mà họ dựa vào đó để xây dựng nên thế giới quan của mình.”
Khi Thủ tướng Trung Quốc thăm New Delhi, ông đã phản đối những người chủ nhà về việc họ cho phép những người Tây Tạng bất đồng chính kiến hoạt động trên đất Ấn Độ và thậm chí đi đến mức cho phép họ tiến hành các cuộc biểu tình trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng. Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ kiên nhẫn giải thích rằng “ở Ấn Độ chúng tôi không khuyến khích ai đó mưu phản chống lại Trung Quốc nhưng chúng tôi không thể ngăn cản việc người dân bày tỏ quan điểm của họ.”
Chuyến thăm đó diễn ra cách đây hơn một nửa thế kỷ. Hai nhân vật chính trong cuộc nói chuyện đó là Chu Ân Lai, Thủ tướng đầu tiên của nước Trung Quốc cộng sản và Morajir Desai, Bộ trưởng Tài chính Ấn Độ khi đó. Đó là dịp Chu Ân Lai sang Ấn Độ năm 1960 để toạ đàm về đường biên giới tranh chấp giữa hai nước, câu chuyện mà sau rất nhiều năm bị bỏ ngỏ trong yên lặng, bỗng nổi lên trở thành vấn đề gai góc nhất trong quan hệ hai nước.
Ấn Độ nhận thức được sự thiếu thiện chí và thái độ tư lợi rõ ràng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ, một phần bởi vì điều mà biên tập viên Sumit Ganguly của tờ Current History đã gọi là “sự chấp nhận không mang tính phản biện các đường biên giới kế thừa thời thực dân” của Thủ tướng Jawaharlal Nehru. Về phần mình, Trung Quốc bị thuyết phục rằng quyết định của Ấn Độ cho phép Dalai Lama, lãnh đạo tôn giáo của Tây Tạng cư trú tại Ấn Độ, đã báo trước tham vọng muốn nuốt sống khu vực Tây Tạng. Mặc dù chuyến thăm diễn ra trước thất bại nặng nề của Ấn Độ trước Trung Quốc trong cuộc chiến tranh năm 1962, nó vẫn vấp phải sự phản đối dữ dội của người Ấn Độ, những người đã cầm những tấm biển mang dòng chữ “Ngài Chu, hãy quay về.”
Tháng 12 năm 2010, một Thủ tướng khác của Trung Quốc cũng lập lại một kịch bản gần như tương tự. Ôn Gia Bảo, khi đến New Delhi, đã được chào đón bởi các biển báo có dòng chữ “Độc lập của Tây Tạng, an ninh của Ấn Độ.” Những ngày trước đó, đại sứ Trung Quốc ở Ấn Độ đã cảnh báo rằng quan hệ song phương “rất mong manh” do sự phản đối từ các chính trị gia Ấn Độ và trên phương tiện thông tin đại chúng về một loạt vấn đề, bao gồm các tranh chấp biên giới cũ. Nếu quan hệ trở nên gay gắt hơn, ông ta lo ngại, sẽ “rất khó để hàn gắn.” Nirupama Rao, Ngoại trưởng Ấn Độ, đóng vai của Desai: “những người bạn Trung Quốc của Ấn Độ,” bà giải thích, “đang càng ngày càng khó chịu với bản chất sôi động và tôi muốn nói rằng, ồn ào của nền dân chủ của chúng ta.” Trên thực tế, sự ồn ào này đã đạt đến mức cao nhất trong vài năm trở lại đây, bất chấp các tiến bộ trong lĩnh vực ngoại giao và sự tăng lên nhanh chóng của chu chuyển kinh tế trong hai thập kỷ vừa qua. Sự thân thuộc hóa ra lại nuôi dưỡng điều rất gần với sự khinh miệt, ít nhất trong một bộ phận dân chúng Ấn Độ. Truyền thông và các nhà phê bình Ấn Độ, trong sáu năm kể từ chuyến thăm cuối cùng của Ôn đến đất nước này, đã không có chút ý định nào đưa tin về sự phản trắc mang tính gây hấn của Trung Quốc dọc đường biên giới còn tranh chấp, trên biển và quanh vùng ngoại vi còn tranh cãi với Ấn Độ. Không thiếu các giả định có lý về nguyên cớ dẫn đến các hành động gần đây của Trung Quốc và những nỗ lực đối kháng của Ấn Độ. Tuy nhiên, hầu như người ta rất ít quan tâm đến những nhân tố định hình cách thức mà giới chiến lược Ấn Độ, với tất cả sự đa dạng biến hóa của mình, phản ứng với các điều chỉnh này.
Nhận thức của Ấn Độ về Trung Quốc có thể kể ra từ thái độ thù địch kiên quyết đến thái độ nồng ấm kiên trì với các sắc thái quan điểm lên xuống thất thường trong suốt giai đoạn đó. Theo quan điểm của tôi, việc Trung Quốc dần dần để lộ ra học thuyết trỗi dậy hoà bình của nước này, những nỗ lực gần như phòng thủ của nước này chống lại Mỹ và thành công của việc hiện đại hoá quân sự của Ấn Độ là những nhân tố quan trọng nhất tác động đến nhận thức của Ấn Độ về Trung Quốc. Những nhân tố này sẽ giúp xác định lối tư duy nào của Ấn Độ về Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế trong kỷ nguyên đa cực hoá đang xuất hiện này.
Từ tan băng đến đóng băng
Kể từ khi kết thúc thời kỳ đấu tranh cách mạng cách nhau hai năm (Ấn Độ giành độc lập năm 1947, Trung Quốc thống nhất năm 1949 – ND), Ấn Độ và Trung Quốc đã tương tác với nhau trên nền tảng của tình anh em ngoài mặt và sự không tương thích về lãnh thổ. Một thập kỷ tràn đầy hy vọng về một sự hồi sinh của toàn châu Á dưới sự lãnh đạo của Trung Quốc-Ấn Độ, được Thủ tướng Nehru thúc đẩy, đã bị dập tắt bởi cuộc chiến tranh biên giới năm 1962. Trong gần ba thập kỷ, thậm chí khi Trung Quốc từ bỏ tư tưởng Mao và thúc đẩy hình thành nền kinh tế thị trường, quan hệ hai nước vẫn đình trệ. Giai đoạn cuối thập kỷ 80 thế kỷ XX chứng kiến một loạt cải cách mở cửa kinh tế và các phương diện khác, đã khiến hai nước đi đến những thoả thuận nhằm giải quyết tranh chấp lãnh thổ một cách hoà bình và tương đồng với các tham số chính trị nhất định, ví dư cố gắng không làm xáo trộn các trung tâm đông dân cư. Và sau đó, bắt đầu từ năm 2005 và 2006, mọi chuyện trở nên xấu đi.
Những năm gần đây, báo chí và các quan chức chính phủ Ấn Độ đã phàn nàn về sự xâm phạm biên giới ngày càng leo thang. (Do không có đường biên giới nào được công nhận hoặc thậm chí là một “đường kiểm soát” như với Pakistan ở Kashmir, các hoạt động xâm phạm phần lớn là một vấn đề về nhận thức.) Tờ New York Times đã phỏng vấn một nhà phân tích Ấn Độ người tuyên bố rằng quân đội Ấn Độ đã ghi lại được 270 vụ xâm phạm biên giới và gần 2.300 trường hợp “tuần tra biên giới mang tính gây hấn” do Trung Quốc thực hiện năm 2008. Srinath Raghavan, một nghiên cứu viên kỳ cựu của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách ở New Delhi lưu ý về “tần suất tuần tra ngày càng tăng” của Trung Quốc năm 2009.
Trong khi đó, người Ấn Độ cũng nhìn thấy một nỗ lực nhằm can dự vào không gian chiến lược truyền thống của Ấn Độ trong các động thái ngoại giao của Trung Quốc. Họ cáo buộc Trung Quốc tạo nên một chuỗi các phương tiện hàng hải – hầu hết trong số đó rất thô sơ, một vài thậm chí mang tính hư cấu – mà có thể cung cấp cho Bắc Kinh những lựa chọn tấn công hải quân trong trường hợp chiến tranh. Điều này làm hồi sinh mạnh mẽ trong các nhà chiến lược chính trị lẫn các quan chức một quan niệm lâu rồi không được lan truyền và thường được cho là gắn liền với quan điểm về thế giới của Pakistan – sự bao vây.
Trên bộ, chuỗi các quốc gia mà người Anh đã từng sử dụng như vùng đệm trong giai đoạn thực dân – Bhutan, Nepal, Afghanistan, và Myanmar, đã sụp đổ dưới ảnh hưởng ngày càng tăng cao của Trung Quốc, với việc Bắc Kinh nổi lên là nền kinh tế lớn tăng trường nhanh nhất trên thế giới và sẵn sàng bắt tay với tất cả các chính quyền thuộc mọi chế độ. Thậm chí khi Ấn Độ nắm giữ 30% cổ phần trong dự án khí đốt Shwe của Myanmar, giới quân sự cầm quyền của Myanmar đã chọn bán khí từ dự án này cho Trung Quốc thay vì Ấn Độ. Ở Nepal, nơi mà các cơ quan an ninh Ấn Độ nắm giữ ảnh hưởng chính và thường chi phối tiến trình chính trị, sự tăng lên của những người theo Mao cùng với các hoạt động tái thiết của Trung Quốc làm tan vỡ ảo mộng mà Ấn Độ đã từng có rằng nước này, giống như dãy Himalayas, là bức tường thành cho tiểu lục địa.
Liên quan đến Pakistan, Bắc Kinh đã xoay chiều nhanh chóng theo hướng trung lập khi vào năm 1999 nước này từ chối đứng lên ủng hộ Islamabad trong cuộc chiến tranh Kargil giữa Ấn Độ và Pakistan. Tuy nhiên, cuối thập kỷ tiếp sau đó, Trung Quốc đề xuất để xây dựng cho Pakistan hai lò phản ứng plutonium. Điều này tạo điều kiện thu nhỏ các đầu đạn hạt nhân và việc triển khai các vũ khí hạt nhân chiến thuật, những loại vũ khí được quân đội Pakistan sử dụng trên chiến trường mà sẽ đặt ra cho Ấn Độ nhiều vấn đề nghiêm trọng trong việc trả đũa nếu Delhi sở hữu những vũ khí nguy hiểm nhưng không cân xứng với Pakistan.
Chương trình hạt nhân của Pakistan – vốn không thể tự tồn tại nếu không nhờ vào việc chuyển giao các thiết kế đầu đạn, nguyên liệu tên lửa và công nghệ tên lửa của Trung Quốc – là vấn đề cốt lõi trong tình thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược của Ấn Độ: làm sao để chống lại chủ nghĩa khủng bố có quan hệ với quốc gia hoạt động đằng sau tấm lá chắn hạt nhân? Mười một năm sau chiến tranh Kargil, Ấn Độ vẫn giữ nguyên sự thù hận sâu sắc khi Trung Quốc cho phép và tiếp tay cho việc thành lập quân đội Pakistan với những mối liên kết mở rộng với phiến quân và kho vũ khí hạt nhân làm vô hiệu hoá quân lực truyền thống ưu thế hơn của Ấn Độ, như trong trận hòa năm 2002.
Trong lĩnh vực kinh tế, mặc dù tăng trưởng trong giao dịch thương mại đã vượt qua thậm chí là mức độ tăng trưởng kinh tế bùng nổ của hai nước, các chu chuyển kinh tế lại mất cân bằng nghiêm trọng. Giống như quan hệ Mỹ-Trung Quốc, quan hệ thương mại giữa Ấn Độ và Trung Quốc hiện cũng đầy những cán cân quá nghiêng về một bên và những hàm ý mang màu sắc của chủ nghĩa trọng thương mới. Ấn Độ lo lắng không chỉ nước này không thể làm phong phú các mặt hàng xuất khẩu ngoài các sản phẩm cơ bản – một sự phân công lao động cái mà thừa nhận giá trị gia tăng cao hơn thuộc về Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á – mà còn là sự thâm nhập ngày càng sâu hơn của các nhà sản xuất hàng viễn thông của Trung Quốc vào các khu vực nhạy cảm của thị trường Ấn Độ.
Tại sao có sự thay đổi?
Sự giải thích chuẩn mực cho việc xấu đi của quan hệ hai nước dựa trên tình thế lưỡng nan về an ninh ở châu Á cho thấy rằng các nỗ lực chống lại sự thống trị về mặt quân sự của Mỹ ở Đông Á đã đem lại những hệ quả không thể tránh khỏi cho cán cân quân sự Trung Quốc-Ấn Độ. Một nguyên nhân có thể dẫn đến chiến tranh – tranh chấp biên giới – thì đã hiện rõ hơn bao giờ và khả năng chiến tranh từ đó cũng hiện hữu trong quan hệ ở một mức độ bất thường. Và do không có sự bảo đảm rằng thậm chí một cuộc chiến tranh hạn chế trên bộ sẽ không leo thang, sự cân bằng về hải quân, không quân và tên lửa sẽ luôn luôn được tính đến trong dự kiến một cuộc xung đột có thể diễn ra như thế nào. Nhưng cách diễn giải về cạnh tranh chiến lược này, dù hoàn toàn hợp lý, lại chỉ cho chúng ta biết rất ít về việc tại sao mối quan hệ - vốn nhìn chung đã được cải thiện kể từ cuối những năm 80 thế kỷ XX – lại xấu đi từ năm đến sáu năm trước.
Giả thuyết thứ hai là thoả thuận hợp tác hạt nhân dân sự giữa Mỹ và Ấn Độ năm 2006 cùng với rất nhiều thoả thuận quốc phòng kèm theo, đã làm nặng thêm sự sợ hãi sâu sắc của Trung Quốc về sự ngăn chặn mà đã trở nên rõ ràng từ khi Ấn Độ bắt đầu ngả theo Mỹ những năm 90 thế kỷ XX.
Trung Quốc, đối mặt với những đồng minh chính của Mỹ ở phía Đông và sự hiện diện quân sự đáng kể của Mỹ ở sườn phía Tây tại Afghanistan, không phải là không có lý khi có những quan ngại về một sự liên kết đang thay đổi. Bản thân các quan chức trong chính quyền của Tổng thống George W.Bush miêu tả Ấn Độ bằng những từ ngữ to tát nhất có thể như là một đối trọng với một nước Trung Quốc đang nổi lên. Các cuộc tập trận hải quân chung giữa Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản năm 2007 càng làm sâu sắc thêm nỗi lo sợ về một liên minh dân chủ nhằm vào Trung Quốc. Vấn đề với cách giải thích này là, thậm chí khi quan hệ Trung-Mỹ cải thiện – với đỉnh cao là việc Tổng thống Barack Obama tháng 11 năm 2009 đề xuất với Trung Quốc một sắp đặt “G-2” để giải quyết các vấn đề toàn cầu – nhưng nỗi lo của Trung Quốc về Ấn Độ dường như không hề giảm đi.
Thứ ba, tình hình an ninh nội bộ bấp bênh của Trung Quốc có lẽ cũng ảnh hưởng đến chính sách của nước này với Delhi. Cụ thể, quan ngại về việc kiềm toả của Bắc Kinh đối với Tây Tạng và khu vực Tân Cương ở phía Bắc tăng lên vào năm 2008 và 2009 sau rất nhiều cuộc biểu tình lớn làm rung chuyển cả hai khu vực này. Sự hiện diện của Dalai Lama ở Ấn Độ vẫn còn là vấn đề gây nhức nhối và thị trấn Tawang - ở bang Arunachal Pradesh phía đông bắc Ấn Độ mà Trung Quốc tuyên bố là Nam Tây Tạng là một địa danh quan trọng mang tính biểu tượng, nơi mà Dalai Lama chạy sang vào năm 1959. Có lẽ lập trường gân guốc của Trung Quốc về biên giới phản ánh sự bất ổn về an ninh của chính nước này.
Nhưng quan điểm này không thể giải thích cho những căng thẳng biên giới trước đó như khi năm 2006 đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ làm Delhi ngạc nhiên bằng việc tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Tawang bất chấp những thoả thuận trước đó về việc sẽ không làm ảnh hưởng đến dân cư đang sinh sống ở khu vực. Trong bất kỳ trường hợp nào thì vẫn chưa rõ là liệu Ấn Độ có đúng trong việc diễn giải các hành động của Trung Quốc là mang tính khiêu khích hay không; chúng có thể là một sản phẩm phụ không chủ ý giữa các nỗ lực của Bắc Kinh nhằm cải thiện cơ sở hạ tầng biên giới và tăng cường tuần tra. Thêm vào đó, thái độ của Trung Quốc với Ấn độ cũng cứng rắn hơn trong các lĩnh vực hầu như không liên quan đến biên giới như chạy đua năng lượng. Trong bất cứ sự kiện nào, mặc dù sự cạnh tranh kình địch là có thể thay thế, nhưng lãnh thổ không thể là động cơ để ảnh hưởng đến quan hệ rộng lớn hơn.
Ấn Độ đã nhận ra trong các động thái ngoại giao của Trung Quốc một nỗ lực nhằm can dự vào không gian chiến lược truyền thống của Ấn Độ.
Thứ tư và cuối cùng, liệu sự lạnh lẽo trong quan hệ có thể liên quan đến những diễn biến trong các thể chế chính trị và dân sự-quân sự của Trung Quốc? Từ đầu những năm 90, ngân sách cho Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã tăng lên ở mức hai con số. Andrew Scobell, một học giả nghiên cứu quan hệ dân sự-quân sự Trung Quốc cho rằng đầu tiên là Chủ tịch Giang Trạch Dân và sau đó là Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã trao cho lãnh đạo quân sự của nước này quá nhiều quyền hành. Scobell miêu tả “một PLA xảo quyệt hoạt động trên một dây xích lỏng lẻo” và nhận ra một “sự chia rẽ trong suy nghĩ và thái độ giữa các lãnh đạo quân sự hiếu chiến và các lãnh đạo dân sự ôn hòa hơn.” Điều này có thể giải thích một sự gia tăng trong các vụ được cho là xâm phạm biên giới do Trung Quốc gây ra cũng như sự mở rộng hoạt động hàng hải của Hải quân PLA.
Thêm vào đó, nền tảng chính trị của Trung Quốc đang trải qua một giai đoạn chuyển giao, với việc khép lại giai đoạn của Hồ Cẩm Đào. Người kế nghiệp của ông, nhiều khả năng là Tập Cận Bình, có kinh nghiệm đáng kể trong Quân uỷ Trung ương và việc đi lên của ông dường như sẽ tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng vũ trang Trung Quốc.
Tuy nhiên, giả thuyết này cũng có những vấn đề. Tại sao việc PLA có ảnh hưởng lớn hơn vào những năm 90 thế kỷ XX lại không thể chuyển thành chính sách bên miệng hố chiến tranh lớn hơn với Ấn Độ, đặc biệt là vào thời điểm Delhi từ bỏ việc chống Mỹ về mặt thể chế của nước này? Nhìn chung, chúng ta thiếu những lý do cơ bản về việc tại sao quan hệ Trung-Ấn lại dường như trở nên biến động hơn từ năm 2005 trở đi, mặc dù rất nhiều ý tưởng có vẻ như xác đáng đã được nêu lên. Điều ít được khám phá là phạm vi mà các quan điểm của Ấn Độ đã nảy sinh từ sự thay đổi này.
SHASHANK JOSHI, nghiên cứu sinh theo học tiến sĩ tại đại học Harvard
Hằng Ngân (dịch)
Đỗ Thủy (hiệu đính)