Thứ Tư, 11 tháng 5, 2011

Về sự ngộ nhận của Giáo sư Ngô Bảo Châu

Quý Thanh
 
Bài viết này được lên trang Công an nhân dân, mục Sự kiện-Bình luận hơn 1 giờ trước. Nhưng độc giả của BS đã loan tin từ bữa qua, khi đọc trên báo giấy An ninh thế giới giữa tháng. Thật thú vị khi thấy bài viết này, lại trên một tờ báo của Bộ Công an. Bởi nhiều lẽ:
1- Sau hơn 1 tháng, hầu như báo chí quốc doanh im hơi lặng tiếng, nhường “sân chơi” cho cư dân mạng áp đảo tuyệt đối bằng những lời ngợi khen lần lượt với ba con người cùng ba sự kiện đình đám hiếm thấy, có liên quan với nhau: TS Cù Huy Hà Vũ trước tòa án, GS Ngô Bảo Châu với đôi bình luận về vụ này, và SV Nguyễn Anh Tuấn với Đơn tự thú “tàng trữ” tài liệu của TSCHHV, nay cũng đã có được một bài… tàm tạm.
2- Một trong những lý do để “im hơi” là tính hai mặt của tuyên truyền. Không nói ra thì thôi, nói ra thì những gì cần che đậy kỹ lại phơi bày ra nơi thiên hạ, điều mà dân gian gọi bằng “bới thối”, là “vạch áo cho người xem lưng”. Ngàn vạn người vốn không biết bài viết của GS NBC, nay lại lao lên mạng tìm kiếm, nhất là lại tìm kiếm về những con người mà họ vốn ngưỡng mộ. Và họ sẽ biết không chỉ có vậy. Niềm tin nơi họ khó mà đặt được vào một tay viết vô danh tiểu tốt chưa bao giờ nghe trên làng báo, mà chắc chắn sẽ ở GS NBC, vẫn đang được bộ máy tuyên truyền của Nhà nước ca ngợi hết lời, các vị lãnh đạo muốn gắn cả tên tuổi mình vào [ông].
Tính hai mặt còn ở chỗ người đọc, khi được bài báo này kích thích trí tò mò, sẽ biết được nội dung còn lại trong bài viết của GS NBC, thì chút giá trị nếu có từ bài báo trên ANTG sẽ mất hết. Bởi vì dấu hỏi quá lớn là giả sử nếu tin vào những gì bài báo đánh giá TS CHHV, bằng những lối bôi lem vu vơ, thì đâu cần phải “bắt ông bằng hai bao cao su đã qua sử dụng” và bày ra “phiên tòa nửa công khai, nửa bí mật” với “ông quan tòa từ chối thực hiện thủ tục tố tụng để tránh tranh luận về nội dung những bài viết, chứng cớ về những việc được cho là vi phạm pháp luật của ông Vũ”, mà hệ quả là “cố tình làm mất thể diện quốc gia”?
Cái sự “bới thối” còn được tiếp tục khi một sự việc đã bắt đầu qua đi, ít được trao đổi nữa, thì giờ đây lại sẽ tiếp tục được bình luận, mà “trận địa” vẫn nghiêng tuyệt đối về phía “phi chính thống”. Chưa hết! Người ta sẽ soi xét kỹ hơn, nhiều hơn tới lối hành xử của chính quyền với GS NBC trong thời gian tới, trong khi đó lại đang là một nan đề.
3- Sai lầm to nghiêm trọng nhất của bài báo này là ở chỗ đã không sử dụng tội trạng tày đình của TS CHHV do quan tòa tuyên để phản bác đánh giá cao của GS NBC đối với ông – như một người anh hùng, mà lại quanh quẩn dựa vào mấy chuyện đời tư cho tới nay hiếm ai được biết. Như vậy lại là mặc nhiên công nhận những nhận xét của GS NBC đối với ông quan tòa là đúng đắn, tức giá trị của những lời buộc tội [của quý Tòa đối với CHHV rõ ràng] quá yếu, nay “ta” phải lôi mấy chuyện đời tư ra để phủ nhận hình ảnh người anh hùng thôi.
Dại nữa là người viết còn dựa vào cả việc cố tình thể hiện sai lệch hành động tự ứng cử chức Bộ trưởng của TS CHHV, từng được chính báo chí quốc doanh đưa đậm nét, và lờ đi hành động đẹp của ông khi quyết liệt bảo vệ Đồi Vọng Cảnh nhiều năm trước. Cái này trong quyền Anh kêu bằng “uýnh dưới thắt lưng”, nó chỉ làm hại ngay chính người viết và tờ báo.
4- Còn rất nhiều điều để góp cho bài báo này, nhưng xin được nhuờng lời cho độc giả. Chỉ một lần nữa mong các “cơ quan chức năng” nên có bài bản trong công tác tuyên truyền, tránh lối chụp giựt, “đau đâu chích đó” kiểu như trong quản lý kinh tế, phát triển giáo dục, văn hóa, xã hội, … để khỏi lặp lại cách tranh đấu này ít ra là với vụ Đơn tự thú của SV NAT (lúc này đã có tới 413 phản hồi riêng trên trang BS).
Vậy là sau một thời gian rất dài, báo chí chính thống bắt đầu “tấn công” bài viết của Giáo sư Ngô Bảo Châu viết trên Blog Thích học toán của mình. Bài viết ngắn cô đọng, hàm súc, tinh diệu của Giáo sư Ngô Bảo Châu đã từng gây ra một hiệu ứng lớn trên khắp các trang mạng xã hội tiếng Việt trên toàn cầu từ hôm 5.4.2011 đến nay tuởng chừng đã rơi vào trạng thái bão hòa, rồi lặng lẽ như chốn thiền môn của Hòa thượng Thích Học Toán, thì hôm nay, bỗng lại xáo trộn trở lại.
Bài viết của Giáo sư Ngô Bảo Châu chỉ lưu hành trên mạng internet (blog, website cá nhân, báo điện tử…), nay lại được hiện diện trên báo giấy của tờ báo bán chạy nhất và có tia-ra phát hành lớn nhất Việt Nam – báo An ninh thế giới. Người nào đã đọc bài của Giáo sư Châu thì đọc lại, nguời nào chưa đọc thì sai con cái, nhắn bạn bè tìm về và in ra để cùng đọc.
Và người ta lại tiếp tục tìm hiểu về Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ để xem ông này là ai mà một người danh giá như Giáo sư Ngô Bảo Châu lại viết về ông như vậy! (Xin nhắc thêm, ba chữ “Ngô Bảo Châu” đuợc người đọc tìm kiếm nhiều nhất trên Google, đứng đầu trong cả năm 2010).
Về một bài viết xa lạ với nghề báo
Tôi đi chợ mua “đồ ăn tinh thần” hôm nay, một ngày nóng nực, oi bức. Dẫu món ăn quá thiu thối, nhưng cũng là món độc hiếm, mấy tháng nay mới thấy trên báo chí có một món vừa nhắc tới trí thức trong tù Cù Huy Hà Vũ, vừa nhắc đến trí thức ngoài tù Ngô Bảo Châu như vậy. Có lẽ nó chỉ thơm, tươi, ngon… với người ăn thụ động, cơ hội và tăm tối. Tôi thay mặt họ cũng xin cảm tạ người đã cấy trồng, lao động cật lực mãi mấy tháng mới cho ra những món ăn tinh thần giá bèo của thời lạm phát này. Nhưng do món hôm nay quá ôi thiu gây xáo trộn, bí bách tinh thần không thể chịu được nữa, nên xin phép trình bày ý kiến của mình.
Luật gia Cù Huy Hà Vũ, nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà báo Quý Thanh… tất cả các anh đều là những người trí thức, ở các hạng khác nhau (viết vì tiền, viết vì quyền, viết vì trách nhiệm…), đều đã cung cấp cho tôi những món ăn đủ mọi mùi vị, độ ngon của các anh. Nhưng món người trí thức dấn thân, của người công dân đau đáu vì đất nước, của con người văn minh thìkhông thể thiu thối ngay sau khi viết ra được, dù tiết trời có nóng nực…
Dưới khía cạnh làm người trí thức chân chính, Quý Thanh đã thất bại thảm hại, bởi anh không đi đến cùng các giá trị chân chính cộng đồng như sự thật, công lý dùng để đánh giá và tôn vinh. Dưới khía cạnh đả kích cá nhân, làm theo nhiệm vụ, viết để tuyên truyền, Quý Thanh đã hoàn thành nhiệm vụ ở mức nghiệp vụ trung bình với sự tận dụng dăm ba chuyện đời tư nhặt nhạnh chưa được kiểm chứng và đồn thổi để đăng tải công khai trên báo chí một chiều.
Báo chí thêm một lần nữa có thêm bài viết của nhà báo Quý Thanh cùng phương pháp “dưới thắt lưng”, “chụp mũ”, cảm tính nông cạn làm cho tôi thấy lời của nhà báo bậc thầy Phan Khôi, viết năm 1936 quá đúng: “Ít nào người ta cũng phải có một chút lòng tôn trọng chân lý thì mới đứng ra làm một cái nghề như nghề báo”, hay nói chính xác hơn lời của GS Ngô Bảo Châu ngày nay: “Có cố tình làm mất thể diện quốc gia cũng khó mà làm hơn“.
Trích dẫn sai!
Báo CAND mới đăng bài viết chỉ trích Gs Ngô Bảo Châu và Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ. Tôi không bàn đến nội dung bài viết, chỉ muốn chỉ ra một trích dẫn sai, nhưng có ý nghĩa không nhỏ.
Trong đoạn cuối của bài viết, tác giả viết: “Ngạn ngữ Hy Lạp nói: ‘Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần’.” Trích dẫn này sai. Không có câu ngạn ngữ Hi Lạp nào nói như thế cả.
Ngạn ngữ Hi Lạp nói rằng “When the gods seek to destroy someone, first they make him mad”.  Cũng có phiên bản viết “Those whom the gods wish to destroy they first make mad/angry”, “He whom the Gods wish to destroy, first makes angry”.  Tạm dịch là “Khi các thần linh muốn tiêu diệt một ai, họ sẽ làm cho người đó điên lên”. Gods ở đây nên hiểu là thần linh, chứ không phải Thượng đế (một số đạo chỉ tin có 1 Thượng đế, chứ không có nhiều thượng đế). Làm cho điên khùng, chứ không biến thành một vị thần như tác giả viết/hiểu.
Câu này được trích dẫn nhiều lần trong quá khứ, nhưng hình như nghĩa của nó vẫn còn trong vòng tranh cãi. Ngày xưa, người ta nghĩ thần thánh rất ác ôn, nên mới có chữ “destroy” (tiêu hủy, tiêu diệt). Theo câu ngạn ngữ, thì để diệt ai đó, các thần linh sẽ trước hết làm cho người đó nổi giận, nổi điên lên. Còn sau đó, thần linh làm gì thì chúng ta không biết, nhưng chắc là hành động không tốt mấy. Đặt trong bối cảnh, câu ngạn ngữ có tính cách cảnh báo. Ngày nay, chúng ta biết rằng không có thần linh hay thượng đế nào cả (ít ra là tôi nghĩ thế, vì không có bằng chứng). Do đó, câu nói trên cho biết nếu chúng ta đang thấy ai nổi nóng, thì người đó đang tự hủy diệt mình. Câu này xem ra ứng nghiệm với những ai đang nổi nóng với Ngô Bảo Châu và Cù Huy Hà Vũ. :-)
Hình như Khổng Tử cũng từng nói đại khái rằng một người nóng giận thì trong người đầy độc tố.  Nên tránh xa người đó!
Chỉ có điều đáng tiếc, ý kiến của GS Ngô Bảo Châu đã vô tình trở thành một luận cứ tâm lý có lợi cho những kẻ ngu dốt hoặc cơ hội… GS là niềm tự hào của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, GS là biểu tượng về mặt trí thông minh cho một dân tộc” (Quý Thanh). Vâng, chính vỉ GS Châu là một biểu tượng của trí thông minh Việt Nam trong thời đoạn hiện nay nên ông đã không thể làm một con cừu ngoan ngoãn đi theo lề đường mà những kẻ ngu dốt, cơ hội muốn dẫn dắt ông. Ông buộc phải tự mình nhìn thẳng vào những ung nhọt đang diễn ra trên khắp đất nước: nào công an giết người như cơm bữa; nào hàng vạn dân oan mất đất bị đẩy vào tình cảnh sống dở chết dở, khiếu kiện đâu cũng bị từ chối; nào bao nhiêu tài nguyên của Tổ quốc bị khai thác cạn kiệt, bao nhiêu cảnh quan thiên nhiên kỳ thú bị phá hủy không thương tiếc chỉ cốt làm béo bở một số ít những kẻ đang lo “gánh vàng đi đổ sông Ngô” nhằm ních chặt tiền của vào túi mình; nào kẻ thù phương Bắc đang thừa cơ lấn chiếm gặm nhấm đất đai biển đảo nước ta từng ngày từng giờ, trong khi người cầm chịch vận mạng non sông thì bám víu vào mấy khẩu hiệu rất kêu “16 chữ” và “4 tốt” như những cái phao cứu mạng…
Rồi còn nào là những vụ án hiếp dâm tập thể mà “chính danh thủ phạm” rốt cuộc lại được tha bổng, vụ khác thì kẻ đầu sỏ tham nhũng sau một thời gian vào nhà tù nằm chơi lấy lệ đã được tháo cũi sổ lồng như chơi, hoặc vừa rục rịch thấy nguy đã cho “hạ cánh an toàn” rồi. Còn người ngay thì… thử điểm lại đi nào, có một ai không rơi vào những “trò diễn” đại loại vài cái bao cao su, ít hòn đá ném vào đầu, một tội danh trốn thuế… để rồi cuối cùng là dăm câu kết luận búa bổ – viết sẵn – của các ngài Thẩm phán, bất chấp nguyên tắc sơ đẳng của luật pháp dân chủ, đã phải chui thẳng vào nhà đá không hẹn ngày gặp lại vợ chồng con cái?
Còn gì nữa đây mà lên giọng bêu riếu đời tư một người đang chịu án 7 năm tù giam và 3 năm quản thúc chỉ vì người ấy muốn đem ra công lý những việc làm khuất tất nguy hại cho quốc gia dân tộc? Những dẫn chứng nhai đi nhai lại cũ mèm ông viện dẫn đó hỏi còn hiệu lực gì cho luận cứ bác bỏ Cù Huy Hà Vũ là người vì nước vì dân mà một hai cứ rêu rao? Hãy nghĩ ra một cách nào khác, hoặc nếu có gan, xin ông tác giả bài báo can đảm vạch mặt những kẻ đang đứng sau hậu trường làm đủ mọi việc đi ngược lại lợi ích nhân dân và chỉ cốt vinh thân phì gia xem thử! Chỉ có như thế may ra mới thuyết phục được người nghe cũng như GS Ngô Bảo Châu thôi.
Bauxite Việt Nam

Giờ đây, hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về “anh hùng” Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy.
Khoảnh khắc Hector ngã xuống dưới ngọn lao của Achilles dưới chân thành Troy cũng là khoảnh khắc chàng dũng sỹ đi vào tâm thức của nhân loại như biểu tượng về một phẩm giá cá nhân và tài năng mang tính thời đại. Đó là nhân vật hiếm hoi trong thần thoại Hy Lạp chiến đấu không phải cho danh vọng, oán thù hay khát khao quyền lực mà chàng chiến đấu để bảo vệ chính quê hương mình, gia đình mình, nhân dân mình. Hector với trí tuệ và hiểu biết của mình đã phản đối chiến tranh. Nhưng khi chiến tranh xảy ra, chính Hector không do dự khi đối đầu với một Achilles mình đồng da sắt, một việc không khác gì tìm đến cái chết trong khi chàng có thể có những lựa chọn khác. Nhân cách ấy, tài năng ấy và tinh thần ấy đã đưa Hector vào bất tử. Chàng trở thành một trong số Chín Hiệp Sĩ Được Kính Trọng để sánh vai cùng Alexander đại đế, Julius Caesar,  vua Arthur, Hoàng đế Charlemagne [Charlemagne – BVN]…
Trong blog cá nhân của mình  (blog Thích học toán – entry ngày 13/4/2011), GS Ngô Bảo Châu đã so sánh: “Tôi vốn không đặc biệt hâm mộ ông Cù Huy Hà Vũ. Những lý lẽ ông đưa ra tôi cũng không thấy có tính thuyết phục đặc biệt. Nhưng với những gì xảy ra gần đây, ông thể hiện mình như một con người không tầm thường. Như Hector người thành Troy, như Turnus người Rutuli hay như Kinh Kha người nước Vệ, ông Vũ không hề sợ hãi khi phải đối mặt với số phận của mình. Những nhân vật huyền thoại này đã làm mọi thứ để được đối mặt với số phận, để hoàn thành sứ mệnh của mình trong cuộc đời này”. Phát biểu ấy, dù vô tình hay cố ý, đã đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những người anh hùng trong lịch sử nhân loại.
So sánh ấy thật sự là một điều đáng tiếc cho hình tượng của Hector, Hoàng tử thành Troy, vua Turnus của người Rutuli hay tráng sỹ Kinh Kha người nước Vệ. Những con người ấy trong tất cả những điều kiện tương ứng của thời đại đã đạt tới tầm vóc của anh hùng nhờ vượt lên những cám dỗ tầm thường của cuộc sống. Kể cả ham muốn sống với họ cũng trở thành nhỏ bé khi đi đến cùng những giá trị tinh thần của mình.
Cù Huy Hà Vũ sống trong một thời đại khác. Dù sức mạnh bạo lực không còn được tôn vinh nhưng giá trị của nhân cách và trí tuệ vẫn là những yếu tố bất biến để tạo nên một anh hùng. Cù Huy Hà Vũ đã làm gì để đạt tới một tầm vóc như vậy?
Đây là một câu hỏi không khó trả lời. Từ trước đến nay, không ai biết đến Cù Huy Hà Vũ trong các lĩnh vực học thuật hay tư cách cá nhân. Có hai con đường để mọi người biết đến Vũ. Thứ nhất là cái bóng của những thế hệ đi trước. Thứ hai là cách gây ra những sự vụ chẳng giống ai qua những lá đơn kiện. Nó hao hao như cách những ngôi sao đánh bóng tên tuổi bằng những scandal. Khi chạm tới những giá trị cá nhân, Vũ chỉ là một kẻ nhỏ bé với những cư xử tầm thường.
Bỏ qua những mưu đồ chiếm dụng nhà đất, bỏ qua những cách ứng xử đoạn tuyệt tình nghĩa gia đình, bỏ qua quá khứ học hành và làm việc không rõ ràng, chỉ cần vài chi tiết nhỏ cũng đủ nói lên bản chất của Vũ. Đơn cử như năm 2006, Vũ tự ứng cử mình vào vị trí Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin. Khi trả lời về khả năng để có thể đảm đương chức vụ, Vũ nói: “Bố của tôi là nhà thơ, nhà cách mạng Cù Huy Cận. Tôi học được ở ông rất nhiều điều, nhất là nhiệt huyết. Còn nếu nói về đức và tài, tôi xin tự khẳng định là tôi thừa đủ. Đảng đã nói là cần phải lựa chọn cán bộ có đức có tài cơ mà, vậy tôi có những điều đó tại sao lại không được lựa chọn?”. Với một người có khả năng trả lời một cách kiêu ngạo và tùy tiện như vậy, hẳn cũng không phải nói thêm nhiều. Nhiệt huyết thì do bố truyền lại, đức tài thì tự mình phong cho mình. Hơn nữa với cách trả lời trên thì gần như duy nhất Vũ là người có đức có tài hoặc cái đức cái tài của Vũ hơn hẳn thiên hạ. Ứng cử vào một chức vụ liên quan nhiều đến văn hóa, ngay từ vốn văn hóa ứng xử cơ bản Vũ đã hiểu hết chưa?
GS Ngô Bảo Châu đã quá tùy tiện khi đặt Cù Huy Hà Vũ ngang với những biểu tượng anh hùng. Dù những anh hùng đó thuộc về những thời đại đã qua nhưng mang một sự trân trọng trong tâm thức mỗi người. Nó dễ gây sự lầm lẫn biến Cù Huy Hà Vũ từ một kẻ vô giá trị thành một biểu tượng.
Tuy nhiên, câu hỏi quan trọng nhất được đặt ra là mục đích của tất cả những hành động trên của Cù Huy Hà Vũ là gì? Liệu nó có phải vì đất nước, vì dân tộc như một số người vẫn thổi phồng hay không?
Nhìn lại cả quá trình, Vũ chưa bao giờ biết hy sinh cho xã hội. Vũ kiên quyết giữ căn nhà 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội như một tài sản cá nhân thay vì chấp nhận để Nhà nước xây dựng một phần thành Bảo tàng Xuân Diệu, một công trình mang tính cộng đồng. Những đơn kiện chẳng giống ai chỉ là những scandal nhằm đánh bóng tên tuổi Vũ. Chỉ khác với giới nghệ sỹ đánh bóng mình trên sân khấu, Vũ đánh bóng mình trên vũ đài chính trị. Và chi tiết thể hiện ham muốn quyền lực mang tính chất cá nhân lớn nhất của Vũ chính là việc tự ứng cử chức vụ Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin năm 2006. Cứ giả sử Vũ muốn cống hiến thật thì đó cũng là một cống hiến có điều kiện, một điều kiện không hề khiêm tốn.
Có những kẻ muốn biến Vũ thành anh hùng. Bằng những tụng ca đầy tính từ, Cù Huy Hà Vũ đã được đẩy lên đến tận mây xanh. Dân chủ đã trở thành những chiêu bài chính được đưa ra trong những ý kiến cá nhân đó. Tuy nhiên, nếu những cá nhân trên thật sự muốn dân chủ, hẳn họ phải hiểu rằng dân chủ đi đôi với trí tuệ. Một người có trí tuệ không bao giờ chấp nhận một tư cách như Vũ làm anh hùng. Trường hợp còn lại, họ hiểu Vũ không đủ khả năng làm anh hùng nhưng vẫn biến Vũ thành anh hùng thì đây là những hành động đơn thuần nhằm thực hiện những mưu đồ cá nhân. Vũ khoác lên bộ y phục lóng lánh của những mỹ từ, trong khi giá trị thực cũng chỉ là một con bài trong tay kẻ khác mà thôi.
Chỉ có điều đáng tiếc ý kiến của GS Ngô Bảo Châu đã vô tình trở thành một luận cứ tâm lý có lợi cho những kẻ ngu dốt hoặc cơ hội đó. GS là niềm tự hào của Việt Nam. Trong bối cảnh hiện tại, GS là biểu tượng về mặt trí thông minh cho một dân tộc. Bởi vậy, những phát ngôn của GS không đơn thuần là những câu nói mang tính chất cá nhân nữa vì nó có tác động mãnh liệt đến suy nghĩ và niềm tin của hơn 80 triệu dân. Có điều chính GS hình như cũng không lường trước được hết những tác động từ những phát biểu của mình.
Hệ quả là chính GS cũng được biến thành một kiểu biểu tượng về trí tuệ uyên bác trên các diễn đàn. Là một tài năng trong lĩnh vực toán học, GS đã được đám đông mặc định như một trí tuệ ở một ngạch khác bao trùm hơn: hình ảnh của GS đã trở thành một cái gì đó hao hao như một nhà triết học, một nhà chính trị học, một nhà xã hội học có khả năng phán xét đúng sai cho mọi vấn đề trong cuộc sống Việt Nam.
Trong khi đó hơn một nửa cuộc đời mình GS Ngô Bảo Châu làm việc, học tập và nghiên cứu ở châu Âu. Lĩnh vực chuyên môn và chắc chắn cũng là lĩnh vực GS dành nhiều thời gian nghiên cứu nhất là toán học. Cuộc sống thì rộng hơn toán học và mang nhiều những phức tạp trong mỗi toan tính của con người. Phải sống trên chính đất nước của mình, thấu hiểu từng niềm vui, nỗi buồn, từng thành công, khổ cực của con người mới hiểu phần nào thực tại đang diễn ra hằng ngày, hằng giờ.
Việc phân tích từng câu nói, mổ xẻ từng ý tứ của Ngô Bảo Châu tưởng như để thể hiện sự tôn vinh, hóa ra lại trở thành một sự lợi dụng. Chân lý không quan tâm đến người phát ngôn. Việc trích dẫn Ngô Bảo Châu xét cho cùng cũng chỉ là mượn gió bẻ măng. Có những kẻ cần sự nổi tiếng, cần niềm tin mà những người Việt Nam đang đặt trên hình tượng Ngô Bảo Châu. Về mặt phương pháp cũng không khác gì việc thổi Cù Huy Hà Vũ lên thành một anh hùng để thực hiện những toan tính cá nhân.
Việt Nam rất cần những anh hùng. Tuy nhiên, những anh hùng của thời hiện đại không thể giống những Hector, Turnus hay Kinh Kha ngày trước. Cả thế giới đang bước vào thời kỳ mà trí thức quyết định phần lớn những tiến bộ trong xã hội. Người anh hùng của hiện tại trước hết phải là những người có trí tuệ, có trái tim, có tầm vóc văn hóa và kỹ năng đối thoại với thế giới. Trong bối cảnh đất nước đang phải đối mặt với nhiều vấn đề mang tính chất thời đại như biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế, khủng hoảng văn hóa thì khả năng hành động của những con người như vậy chính là chìa khóa để vươn lên.
Ngược lại, việc tạo nên những anh hùng một cách áp đặt hay thổi phồng những cá nhân không xứng đáng chỉ tạo nên những hiệu ứng tiêu cực. Nó tạo ra sự hoang mang trong xã hội và sự sụp đổ của niềm tin. Đó chính là những thảm họa của văn hóa và chính trị. Cho nên bất kỳ người trí thức nào trước khi tạo ra những so sánh cần sự cân nhắc kỹ càng.
Ngạn ngữ Hy Lạp nói: “Nếu Thượng đế muốn hủy hoại ai đó, thì trước hết, ngài sẽ biến người ấy thành một vị thần”. Thường con người muốn lợi dụng ai thì trước hết biến người đó thành một biểu tượng. Giờ đây, những hình ảnh về Cù Huy Hà Vũ và GS Ngô Bảo Châu xuất hiện dày đặc trên một số luồng thông tin với những mỹ từ cao cả nhất. Nhưng sẽ chỉ là một sự ngộ nhận của niềm tin nếu chỉ nhìn nhận bằng sự lấp lánh của ngôn từ. Điều đó cũng giống như sự ngộ nhận về “anh hùng” Cù Huy Hà Vũ của GS Ngô Bảo Châu vậy.

Q. T.
Nguồn: cand.com.vn