Thứ Bảy, 8 tháng 12, 2012

Trần Hưng Đạo : Tinh hoa quân sự Việt Nam

 
Lịch sử Việt Nam là một chuỗi dài những cuộc chiến chống ngoại xâm. Về mặt số lượng và trang bị vũ khí, quân đội Việt Nam chưa bao giờ ở trong thế “cân sức” với kẻ thù xâm lược. Ấy thế mà, kẻ thù luôn thất bại, độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia Việt Nam luôn được giữ vững. Một tấm gương tiêu biểu : Trần Hưng Đạo hồi thế kỉ 13 đã ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông.
 
Trần Hưng Đạo trong tranh dân gian Đông Hồ
Trần Hưng Đạo trong tranh dân gian Đông Hồ
DR
Nguyên lý là : Dù nước Việt không hùng mạnh, quân Việt không đông, không có nhiều vũ khí, nhưng người Việt có nghệ thuật quân sự bách chiến bách thắng của riêng mình. Đó là một nghệ thuật quân sự dựa vào dân, lấy đoàn kết và quyết tâm làm sức mạnh, lấy “đoản binh để thắng trường trận”, “quí ở tinh nhuệ chứ không ở số quân nhiều hay ít”, một nghệ thuật quân sự mà hồi thế kỉ 13 đã được danh tướng Trần Hưng Đạo “trình diễn” trong ba lần đánh bại quân xâm lược Nguyên Mông.
Tấm gương học hỏi, tự rèn luyện
Đến với Trần Hưng Đạo trước tiên là đến với một tấm gương tự rèn luyện và học hỏi không ngừng để hoàn thiện bản thân đem trí tài phục vụ cho dân cho nước. Về vấn đề này, chúng tôi có dịp tiếp xúc với nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần tại thành phố Hồ Chí Minh, người có nhiều công trình lịch sử Việt Nam có giá trị, ông nhận định:
“Trần Hưng Đạo sinh ra trong một bối cảnh khá đặc biệt. Ông chào đời có lẽ là vào năm 1231. Tôi nói là có lẽ bời vì đến hiện nay tôi đã tập hợp được nhiều tài liệu Hán cổ, nhưng chưa một tài liệu nào xác định một cách chính xác năm sinh của ông. Có điều, dựa trên sự phân tích sử liệu, chúng ta có thể đoán chừng ông sinh năm 1231 và mất năm 1300, hưởng thọ 70 tuổi ta, 69 tuổi tây.
Bối cảnh ra đời của Trần Hưng Đạo như thế nào? Ông chào đời vào lúc nhà Trần vừa mới được thành lập, kinh tế rất đổ nát, chính sự rất rối ren bởi những di hại của triều Lý để lại.
Về đối nội, phong trào chống lại họ Trần cũng bùng nổ khá mạnh mẽ, đó là lực lượng của Đoàn Thượng, lực lượng của Nguyễn Nộn. Và chưa kể rằng nội bộ nhà Trần tuy mới bắt đầu cầm quyền những những vết rạn nứt cũng bắt đầu hình thành, và đặc biệt là vết rạn nứt giữa Trần Liễu và em ruột là Trần Cảnh. Trần Liễu là thân sinh của Trần Hưng Đạo còn Trần Cảnh là vị hoàng đế đầu tiên của triều Trần.
Về đối ngoại, nhà Trần cũng gặp không ít trở ngại. Trước hết, nhà Tống tuy suy yếu nhưng vẫn tiếp tục tác oai tác quái với nước Đại Việt. Và ở phía bắc của nhà Tống thì đế chế Mông Cổ đang trên đường nhanh chóng xác lập và sau đó đã thật sự là một đế chế hùng mạnh và gây hấn ở khắp cả Châu Âu và Châu Á. Lúc bấy giờ ở phía Tây và nam Đại Việt ta, Ai Lao, Vạn Tượng và Chiêm Thành đều gây những vụ bất ổn ở biên giới. Tóm lại, nhà Trần non trẻ phải đối mặt với những khó khăn trong cũng như ngoài nước.
Trong bối cảnh đó, Trần Hưng Đạo đã chào đời, và ông đã tìm cách xác lập vị thế của mình. Trước hết là bằng con đường tự học hỏi để nâng cao nhận thức và kỉ năng sống của mình. Ông học văn, văn rất giỏi. Ông học võ, võ rất tài. Chính Trần Hưng Đạo là người đã có công khai sáng nền khoa học quân sự của Việt Nam. Trần Hưng Đạo đã tiến hành quảng giao. Ông đã tiếp xúc với những người trong cũng như ngoài nước. Điều đáng nói là ông giỏi tiếng Trung Quốc đến nổi mà khi người Trung Quốc nói chuyện với ông họ không nghĩ rằng ông lại là người Việt”.
Ý chí học hỏi rèn luyện đó đã tạo ra một đại danh tướng Trần Hưng Đạo đánh bại quân Mông Cổ, đội quân mà vó ngựa từng giẫm nát khắp Á Âu.
Ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông
Danh tiếng lẫy lừng của Trần Hưng Đạo gắn liền với cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại hồi thế kỉ 13 chống quân xâm lược Nguyên Mông, một đế chế hùng mạnh từng một thời hoành hành khắp Á Âu.
Vào đầu thế kỉ 13, Thiết Mộc Chân thành lập một nước Mông Cổ hùng mạnh và bắt đầu bước đường xâm lược tứ phương. Năm 1215, Mông Cổ chiếm kinh đô nước Kim. Năm 1218, Mông Cổ chiếm được vùng phía đông của Turkestan ngày nay. Năm 1219, kỵ binh Mông Cổ tiến về Trung Á. Tại đây, một loạt những thành phố nổi tiếng lần lượt bị tấn công và bị triệt hạ. Năm 1221, các vương quốc như Azerbaijan, Gruzia và nhiều thành phố lớn của Nga bị vó ngựa Mông Cổ giẫm lên. Năm 1223, Nga bị quân Mông Cổ chiếm đóng. Năm 1225, Mông Cổ đánh chiếm Tây Hạ. Năm 1241, quân Mông Cổ đánh chiếm Hungari, đuổi vua của Hung-ga-ri đến tận biên giới nước Ý. Bấy giờ, cả Âu châu bị chấn động bởi vó ngựa hung hãn của quân Mông Cổ. Nỗi lo sợ trùm phủ khắp nơi.
Năm 1251, Mông Kha lên ngôi hoàng đế Mông Cổ. Quân Mông Cổ đẩy mạnh bành trướng xuống phương Nam. Năm 1252, ngay khi cuộc thôn tính Trung Quốc còn đang dở dang, Mông Kha ra lệnh cho em là Hốt Tất Liệt đánh xuống nước Đại Lý. Chỉ trong một thời gian ngắn, vua nước Đại Lý là Đoàn Hưng Trí đầu hàng, nước Đại Lý bị diệt. Năm 1260, Hốt Tất Liệt lên ngôi Hãn. Năm 1278, nhà Tống bị quân Mông Cổ tiêu diệt, Hốt Tất Liệt hoàn tất cuộc thôn tính Trung Quốc.
Sau khi thôn tính xong Trung Quốc, đế quốc Mông Cổ tập trung lực lượng đánh Đại Việt. Trong ba mươi năm (1257-1288), đế quốc Mông Cổ đã ba lần ào ạt cho quân tràn xuống xâm lược nước Việt, mỗi lần lực lượng mỗi to lớn hơn lần trước, chuẩn bị công phu hơn và quyết tâm cũng cao độ hơn.
Cuộc xâm lăng lần thứ nhất của quân Mông Cổ diễn ra vào năm 1257 do tướng Ngột Lương Hợp Thai chỉ huy với ba vạn kỵ và bộ binh. Cuộc tấn công này xuất phát từ nước Đại Lý. Ngột Lương Hợp Thai bắt vua nước Đại Lý mới đầu hàng là Đoàn Hưng Trí dẫn đường, nhưng Đoàn Hưng Trí chết khi chưa kịp đến Đại Việt. Kết quả cuộc xâm lượt này: Giặc thua to.
Cuộc xâm lăng lần thứ hai của quân Mông Cổ diễn ra vào năm 1285 do con trai Hốt Tất Liệt là Thoát Hoan đem năm mươi vạn quân tràn sang nước ta. Ngoài ra còn có đạo quân 10 vạn do tướng Toa Đô chỉ huy, trước đó đã có mặt ở Chiêm Thành cũng được lệnh rời Chiêm Thành tiến lên đánh nước ta, hai mặt giáp công. Tính ra, cứ khoảng sáu người dân Đại Việt (bất kể già trẻ trai gái), phải đương đầu với một tên giặc Nguyên hung hăng, tàn bạo và thiện chiến.
Lịch sử kim cổ đông tây quả thật cực kỳ hiếm có một cuộc đối đầu nào hoàn toàn không cân xứng như vậy. Thế mà kết quả cuộc xâm lược này là: Giặc thảm bại, quân chết vô số kể, Toa Đô bị chém, Thoát Hoan chui vào ống đồng để lính khiêng trốn chạy về Trung Quốc, Ô Mã Nhi và các tướng khác trốn thoát được theo đường thủy chạy về Trung Quốc.
Cuộc xâm lăng lần thứ ba của quân Mông Cổ diễn ra vào năm 1287. Hốt Tất Liệt quyết ý phục thù hai lần thất bại trước. Để tiến hành cuộc xâm lược này, Hốt Tất Liệt huy động năm mươi vạn quân tiến vào Đại Việt qua ba hướng khác nhau : Thoát Hoan làm tổng chỉ huy, tiến theo đường bộ, tướng Áo Lỗ Xích chỉ huy cánh quân thứ hai cũng tiến theo đường bộ. Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ huy thủy binh hỗ trợ cho bộ binh và kỵ binh. Trương Văn Hổ vận chuyển lương thảo theo sau.
Kết quả cuộc xâm lược này : Giặc thảm bại, quân chết vô số kể, đội quân Trương Văn Hổ bị đánh tan không thể vận lương đến, Ô Mã Nhi bị chém, đội thủy binh hoàn toàn bị tiêu diệt, Thoát Hoan và các tướng khác trốn về đến Trung Quốc đều bị trị tội theo quân pháp, Thoát Hoan bị cha là Hốt Tất Liệt đuổi đi không thèm nhìn mặt nữa.
Ta thấy rằng, khi ấy, so với nhà Tống, Đại Việt chỉ là nước nhỏ. Ấy thế mà đội quân Mông Cổ đã đánh bại nhà Tống, đã từng làm rung chuyển khắp Á Âu, lại đại bại ở nước Đại Việt nhỏ bé.
Trong ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông này, công lao của Trần Hưng Đạo là vô cùng to lớn. Sử gia Nguyễn Khắc Thuần tóm lược như sau :
“Trần Hưng Đạo đã tham gia việc cầm quân và huấn luyện quân sĩ. Khi chưa đầy 30 tuổi Trần Hưng Đạo đã là tổng chỉ huy quân đội của nhà Trần ở vùng đông bắc và có công rất lớn trong sự nghiệp chống quân xâm lăng Mông Cổ năm 1257-1258. Ông đã huấn luyện quân đội ngày càng tinh nhuệ, và chủ trương của Trần Hưng Đạo là một chủ trương rất tiến bộ mà giá trị câu nói của ông lúc sinh thời vẫn còn bất diệt với non sông, đó là “binh quí hồ tinh bất quí hồ đa”, nghĩa là “binh quí ở chổ tinh nhuệ chứ không phải ở số đông”. Chủ trương đó thật sự đúng đắn, đã phát huy được tác dụng to lớn trong sự nghiệp bảo vệ độc lập thế kỉ 13.
Trần Hưng Đạo là tướng tổng chỉ huy lực lượng vũ trang của quân đội Đại Việt trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại thế kỉ 13 chống quân xâm lược Nguyên Mông. Đó là lần thứ hai vào năm 1285 và lầ thứ 3 vào năm 1287-1288. Trần Hưng Đạo đã chọn đúng người đúng việc. Trần Hưng Đạo đã tự tin và chuyển tải niềm tự tin đó đến với mọi người, dù đó là binh sĩ, dù đó là tướng lĩnh, thậm chí đến thái thượng hoàng hay hoàng đế cũng được ông chuyển tải niệm tự tin ấy mới có thể vững vàng trước thử thách của non sông.
Trần Hưng Đạo đã khai thác hết mọi tài năng của con người, kể cả những người dưới đáy xã hội, đặc biệt là lực lượng gia nô. Chính ông đã có lời nói về hành vi của Yết Kiêu và Dã Tượng khi mà những người này bộc lộ niềm trung thành lớn lao và đức hi sinh cao cả. Ông nói rằng: “Chim hồng chim hộc sở dĩ bay cao bay xa là nhờ vào 6 trụ xương cánh. Nếu không có 6 trụ xương cánh thì chim hồng chim hộc cũng chỉ là chim thường thôi”.
Ở đây chim hồng chim hộc chính là Trần Hưng Đạo và quý tộc họ Trần, những vị tướng cao cấp của quân đội nhà Trần, còn 6 trụ xương cánh ấy chính là những người như Yết Kiêu, Dã Tượng, Nguyễn Địa Lô và nhiều gia nô khác.
Ông là nhà chỉ huy thiên tài, và thắng lợi trong cuộc chiến vệ quốc vĩ đại đã chứng tỏ thiên tài của Trần Hưng Đạo. Vì chúng ta biết rằng, đế quốc Mông Nguyên có diện tích khổng lồ, mình như con ác thú phủ kín từ Hắc Hải cho đến Thái Bình Dương”.
Khai sáng nền khoa học quân sự Việt Nam
Bên cạnh việc trực tiếp chỉ huy đánh trận, xông pha trên sa trường, Trần Hưng Đạo còn là một nhà khoa học quân sự xuất sắc. Các nhà sử học xem ông là người khai sáng nền khoa học quân sự Việt Nam. Sử gia Nguyễn Khắc Thuần ghi nhận:
“Trần Hưng Đạo không phải chỉ có huấn luyện quân đội, không phải chỉ tập luyện võ nghệ, mà quan trọng hơn là ông đã nghiên cứu binh pháp, và đã biên soạn ra một bộ binh pháp hoàn toàn mới. Trước đó, tướng lĩnh của nhà Trần phải học ít nhất 15 bộ binh pháp của Trung Quốc. Tất cả những bộ binh pháp đó được trình bày rất sắc xảo, và có những ý kiến rất xuất sắc, nhưng nó chỉ phù hợp với những cuộc chiến tranh xung đột nội bộ, mà không phù hợp với cuộc chiến tranh vệ quốc của dân ta. Vì thế, Trần Hưng Đạo đã biên soạn bộ “Binh Thư Yếu Lược”, và đó chính là tác phẩm khai sinh của nền khoa học quân sự Việt Nam.
Trước Trần Hưng Đạo, chúng ta có rất nhiều vị tướng giỏi, nhưng đó chỉ là những vị tướng có công đưa nghệ thuật cầm quân lên một trình độ cao, chứ chưa phải khoa học quân sự. Tôi không hề có ý nói rằng nghệ thuật thấp hơn quân sự, mà chỉ muốn nói: đến đây khoa học quân sự Việt Nam mới thật sự được khai sinh.
Sau khi đã biên soạn binh pháp, thì trong huấn luyện quân đội, Trần Hưng Đạo đã tìm đủ mọi cách để kích lệ tinh thần của quân sĩ, và tác phẩm nổi bật nhất của ông trong lĩnh vực này chính là bài “Hịch Tướng Sĩ Văn”. Đây là một trong những áng thiên cổ hùng văn có giá trị bất diệt, và chỉ cần là tác giả của Hịch Tướng Sĩ Văn thôi thì tên tuổi của Trần Hưng Đạo đã trở nên bất diệt với non sông. Huống chi ông còn là tác giả của nhiều tác phẩm lớn. Huống chi việc cầm bút chỉ là một phần nhỏ trong sự nghiệp to lớn của ông”.
Dĩ công vi thượng
Trần Hưng Đạo vốn là con của An Sinh Vương Trần Liễu. Trần Liễu là anh ruột của Trần Cảnh. Năm lên bảy tuổi, Trần Thủ Độ sắp đặt cho Trần Cảnh cưới vị hoàng đế cuối cùng của triều Lý là Lý Chiêu Hoàng khi ấy cũng lên bảy tuổi. Cùng năm đó, Trần Thủ Độ ép Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho Trần Cảnh. Thế là triều Trần được thành lập khi Trần Cảnh lên ngôi lấy miếu hiệu là Trần Thái Tông.
Năm 1237, do không sinh được con nên Lý Chiêu Hoàng bị giáng làm công chúa, rồi Trần Thủ Độ ép chị gái Lý Chiêu Hoàng là công chúa Thuận Thiên Lý Thị Oanh lấy Trần Thái Tông. Trớ trêu là khi đó Lý Thị Oanh là vợ của Trần Liễu và đang có mang với Trần Liễu.
Vì chuyện này mà Trần Liễu ghi hận trong lòng và nổi binh tạo phản nhưng thất bại. Thái Tông không trị tội và lấy thân mình bảo vệ cho ông trước Trần Thủ Độ. Thế nhưng Trần Liễu vẫn còn ghi hận. Trước phút lâm chung, Trần Liễu trăn trối lại với Trần Hưng Đạo phải báo thù cho ông. Trần Hưng Đạo giả vờ vâng mệnh để cho cha an lòng nhắm mắt nhưng không cho lời cha là phải nên Trần Hưng Đạo đã không làm theo, và còn tỏ ra một lòng trung nghĩa với triều Trần vì lợi ích quốc gia dân tộc.
Nhiều câu chuyện được sách sử ghi lại về lòng trung nghĩa, “đặt việc nước trước tình nhà” của Trần Hưng Đạo. Sử cũ chép, một hôm Trần Hưng Đạo vờ hỏi con ông là Hưng Vũ Vương: "Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?" Hưng Vũ vương thưa: "Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ !". Trần Hưng Đạo ngẫm cho là phải.
Lại một hôm ông đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: "Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ". Trần Quốc Tuấn rút gươm kể tội: "Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra" và định giết Quốc Tảng, Hưng Vũ Vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Trần Quốc Tuấn mới tha. Sau đó, ông dặn Hưng Vũ Vương: "Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng"
Sử cũ cũng kể rằng bấy giờ Hưng Vũ Vương được lấy Công chúa Thiên Thụy, thế nhưng tướng Trần Khánh Dư lại thông dâm với Thiên Thụy, khiến nhà vua phải xuống chiếu, trách phạt và đuổi Khánh Dư về Chí Linh. Vậy mà khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Đại Việt lần thứ 3, Trần Hưng Đạo đã gạt bỏ hiềm riêng, tin cậy giao hết công việc biên thùy cho Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Ngoài ra, khi soạn xong Vạn Kiếp tông bí truyền thư, thì Trần Khánh Dư cũng là người được ông chọn để viết bài Tựa cho sách.
Cũng có chuyện kể rằng, Trần Hưng Đạo là bậc kỳ tài, lại còn mối hiềm cũ của An Sinh Vương, nên có nhiều người nghi ngại. Trần Hưng Đạo theo vua, tay cầm chiếc gậy có bịt sắt nhọn. Mọi người đều gườm mắt nhìn. Trần Hưng Đạo liền rút đầu sắt nhọn vứt đi chỉ chống gậy không mà đi.
Trần Hưng Đạo cũng chủ động đề cao tình đoàn kết trong quí tộc học Trần để tạo thành sức mạnh chống ngoại xâm. Sử cũ chép Trần Hưng Đạo là quốc công tiết chế thống lãnh binh quyền, thế mà đã chủ động hạ mình tắm gội cho Trần Quang Khải. Trần Quang Khải chính là con ruột của Trần Thái Tông Trần Cảnh, tức em chú bác với Trần Hưng Đạo.
Trần Hưng Đạo đã đạt đến tột đỉnh vinh quang. Bản thân ông đã được phong đến quốc công tiết chế nắm hết binh quyền. Vua Trần còn sai lập sinh từ cho ông, tức đền thờ dành cho ông ngay khi ông còn tại thế.
Vợ Trần Hưng Đạo là Công chúa Thiên Thành, con gái lớn của Trần Thái Tông. Bà được phong tước là Nguyên Từ quốc mẫu. Bà có với Trần Hưng Đạo 5 người con, gồm 1 gái và 4 trai:
1) Một gái đầu lòng tên là Trinh, thường gọi là Trinh Công chúa, sau trở thành vợ của vua Trần Nhân Tông, tức Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng hậu, mẹ của vua Trần Anh Tông sau này.
2) Trần Quốc Nghiễn, tước Hưng Vũ Vương: Ông cưới Công chúa Thiên Thụy, trở thành Phò mã của vua Trần Thánh Tông. Sau khi đánh đuổi quân Nguyên Mông, tháng Tư (âm lịch) năm 1289, ông được phong làm Khai Quốc Công.
3) Trần Quốc Hiện, tước Hưng Trí Vương: Ông là người có công tổ chức khẩn hoang nhiều vùng đất hoang vu của khu vực tỉnh Hải Dương ngày nay.
4) Trần Quốc Tảng, tước Hưng Nhượng Vương: ông được phong làm Tiết độ sứ. Ông có con gái gả cho vua Trần Anh Tông, tức Thuận Thánh Hoàng hậu.
5) Trần Quốc Uất, tước Minh Hiến Vương: từng tham gia đánh giặc Nguyên Mông cùng các anh em dưới sự điều khiển của Trần Hưng Đạo.
Chúng ta thấy với gia thế vương giả đến như vậy, quyền uy đến như vậy, bản thân Trần Hưng Đạo nắm hết binh quyền, con gái thì là hoàng hậu, 4 con trai đều mang tước vương. Ở vào thế đó, thì việc lật đổ triều đình đối với Trần Hưng Đạo là chuyện trong tầm tay. Ấy thế mà, qua những mẫu chuyện nêu trên ta thấy rằng ông vẫn luôn đặt việc chung lên trên việc riêng, đặt thù nước trên thù nhà. Một tinh thần đáng quí lắm thay !
Lấy dân làm gốc
Bàn về chính sách giữ nước, Trần Hưng Đạo là người theo tư tưởng “Dân vi quí”, lấy sức dân làm nền tảng xây dựng sức mạnh của chế độ. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư nhà Hậu Lệ chép:
“ Hưng Đạo Vương ốm. Vua ngự tới nhà thăm, hỏi rằng: "Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào". Vương trả lời: "Ngày xưa Triệu Vũ dựng nước, vua Hán cho quân đánh, nhân dân làm kế "thanh dã" (tức Vườn không nhà trống-LP), đại quân ra Khâm Châu, Liêm Châu đánh vào Trường Sa, còn đoản binh thì đánh úp phía sau. Đó là một thời. Đời Đinh, Lê dùng người tài giỏi, đất phương Nam mới mạnh mà phương Bắc thì mệt mỏi suy yếu, trên dưới một dạ, lòng dân không lìa, xây thành Bình Lỗ mà phá được quân Tống. Đó lại là một thời. Vua Lý mở nền, nhà Tống xâm phạm địa giới, dùng Lý Thường Kiệt đánh Khâm, Liêm, đến tận Mai Lĩnh là vì có thế.
Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản [binh] chế trường [trận] là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như cách tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thứ sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy".
Qua cách lý luận trên ta thấy rằng Trần Hưng Đạo đã nắm hết những chỗ tinh yếu của binh pháp cổ kim, quả đúng là một bậc kỳ tài của thiên hạ. Ông đã nhấn mạnh đến việc dùng đoản binh thắng trường trận, dùng ngắn đánh dài, dùng ít thắng nhiều, dùng sức mạnh đoàn kết thắng kẻ thù tàn bạo. Điều đó hoàn toàn phù hợp với địa thế, lực lượng và truyền thống Việt Nam, đã được chứng minh tính hiệu quả qua biết bao chiến thắng kẻ thù xâm lược trong suốt mấy ngàn năm nay.
Đặc biệt điều đáng chú ý nhất đó là tư tưởng “lấy dân làm gốc” của Trần Hưng Đạo: dựa vào dân để xây nghiệp dài lâu, đây là đạo lý giữ nước, giữ chế độ ngàn đời nay không chỉ của riêng dân tộc Việt Nam mà của tất cả các dân tộc trên thế giới, bởi vì có dân là có tất cả, mà mất lòng dân thì sẽ mất tất cả vậy.
Một tấm lòng son chiếu sử xanh
Tài năng và đức độ của Trần Hưng Đạo đã đi vào thanh sử, được dân chúng bao thế hệ nay tôn thờ gọi ông là “Đức Thánh Trần”. Sử gia Nguyễn Khắc Thuần tóm lược:
“Bởi tấm lòng ấy, bởi tài năng ấy, Trần Hưng Đạo khiến cho muôn đời cảm phục. Vũ Phạm Hàm (từng đỗ tam nguyên thời nhà Nguyễn-LP) đã có đôi câu đối để ở đền thờ Vạn Kiếp rằng: “Vạn Kiếp hữu sơn giai kiếm khí
Bạch Đằng vô thủy bất thu thanh”. Nghĩa là:
Núi Vạn Kiếp chẳng nơi đâu là không có kiếm khí
Sông Bạch Đằng không có ngọn song nào không có hơi vũ khí,
Tức ca ngợi võ ông oanh liệt của Trần Hưng Đạo.
Và tôi đã đọc được những câu đối, kể cả những câu đối của người Trung Quốc đã ca ngợi Trần Hưng Đạo hết lời. Xin chọn một câu làm ví dụ:
“Địa chuyển ngã Việt chủng cư Bắc phương, Âu châu cảnh nội vô Mông kỵ tung hoành thiên vạn lý
Thiên sinh thử lương tài ư Tống thất, Trung Quốc sử tiền miễn Nguyên triều đô hộ nhất bách thiên"
Nghĩa là: Đất mà hoán chuyển cho người Việt lên ở phương Bắc, thì ngựa Mông Cổ không thể nào tung hoành ngàn vạn dặm đất Châu Âu - Trời mà sinh đấng lương tài này (tức Trần Hưng Đạo-LP) trên đất Tống thì lịch sử Trung Quốc không có chuyện bị Nguyên triều cai trị 100 năm.
Lời ca ngợi như thế là tột đỉnh của sự ca ngợi, và Trần Hưng Đạo xứng đáng nhận được những lời ca ngợi đó, không phải của người đương thời mà là của người hậu thế.
Đến hôm nay, tượng Trần Hưng Đạo được dựng lên ở khắp nơi, đền thờ Trần Hưng Đạo được dựng lên ở khắp nơi, và những bức tượng ấy, đền thờ ấy là kết tinh của sự sự kính trọng của người Việt Nam đối với Trần Hưng Đạo. Tên tuổi của Trần Hưng Đạo còn được dùng để đặt cho nhiều đường phố, trường học và công sở khác. Tên ông còn sống mãi với non sông này, đất nước này”.
Ba bài học quí
Đề cập đến những bài học rút ra từ cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo, sử gia Nguyễn Khắc Thuần nhấn mạnh đến tình thần “lấy dân làm gốc” và “Dĩ công vi thượng” của ông:
“Trong bối cảnh hiện nay, cuộc đời và sự nghiệp của Trần Hưng Đạo để lại cho chúng ta rất nhiều điều đáng suy ngẫm. Trước hết là ý chí tự lập và không ngừng vươn lên. Đó là ý chí chung của tất cả mọi người. Và trước hết, tuổi trẻ muốn khẳng định mình thì phải không ngừng nuôi dưỡng chí lớn đó.
Thứ hai, hãy một lòng thương yêu mọi người, đoàn kết, bởi vì chỉ có đoàn kết mới có thể thành công, nếu không đoàn kết thì không bao giờ có thành công. Tâm thành của Trần Hưng Đạo xứng đáng cho ngàn đời sau noi theo.
Thứ ba, Trần Hưng Đạo là người đã không ngừng tìm tòi sáng tạo. Và chỉ có sự tìm tòi sáng tạo vì mục đích là bảo vệ cho nhân dân, cho dân tộc thì sự nghiệp tìm tòi sáng tạo ấy sẽ được đời đời tôn vinh, đời đời ghi nhớ.
Điều quan trọng là tấm lòng đối với nhân dân. Như tôi đã nói, một người sở dĩ có thể trở nên bất diệt là bởi vì người đó luôn chăm lo cho dân, nói theo cách nói của Trần Hưng Đạo là : “Khoan sức dân làm kế rể sâu gốc vững ấy mới là thượng sách để giữ nước”. Lòng thương dân là biểu hiện của một tâm hồn trong sáng, đồng thời cũng là một di sản lớn mà Trần Hưng Đạo để lại cho thế hệ chúng ta”.
Đến đây ta có thể kết luận rằng: Nghệ thuật quân sự của Trần Hưng Đạo tựu chung lại có ba điểm chính sau đây: 1) Lấy đoản binh thắng trường trận, lấy ít thắng nhiều, đánh phục kích bất ngờ; 2) Nêu cao tinh thần đoàn kết, đoàn kết trên thượng tầng lãnh đạo, đoàn kết trong quân, đoàn kết trong dân, gạt bỏ tình riêng để cùng chiến đấu vì lợi ích chung của cả quốc gia dân tộc; 3) Thứ ba cũng là điểm quan trọng nhất đó là: “lấy dân làm gốc”, dựa vào dân để chiến đấu, để chiến thắng, để bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia, để làm nền tảng tồn tại của chế độ.
Tóm lại, nghệ thuật dùng binh của Trần Hưng Đạo là tinh hoa quân sự của dân tộc Việt Nam, đã được chứng minh tính hiệu quả qua biết bao chiến thắng trước những kẻ thù hùng mạnh suốt mấy ngàn năm lịch sử. Đó chính là sức mạnh quân sự của dân tộc Việt Nam, nó không nằm ở sự lớn mạnh về vũ khí và số lượng, mà là ở tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, biết gạt hiềm khích riêng tư vì lợi ích quốc gia, biết đề cao tinh thần “dĩ công vi thượng”, và đặc biệt là biết khoan sức dân, biết thấm nhuần tinh thần “lấy dân làm gốc”.