Chủ Nhật, 9 tháng 12, 2012

BƯỚC ĐI CUỐI CÙNG THÔN TÍNH BIỂN ĐÔNG NGUY HIỂM CỦA TRUNG QUỐC

Lê Ngọc Thống

Nếu như trò xảo trá in bản đồ có “đường lưỡi bò” vào hộ chiếu của Trung Quốc là một tuyên bố ngang ngược, hiếu chiến, “coi biển Đông bằng ao” của nhà cầm quyền Trung Quốc trước thế giới thì hành động tiếp theo của Trung Quốc mới đây là để thực thi tuyên bố đó.
Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam (HĐNDHN) phê chuẩn quy định mới cho cảnh sát, biên phòng trên biển hôm 27.11. Theo đó, cơ quan công an biên phòng Trung Quốc có thể xử lý với các tàu thuyền được coi là “xâm nhập lãnh hải Trung Quốc bất hợp pháp” bằng các biện pháp như “lên tàu, kiểm tra, bắt giữ, trục xuất, ra lệnh dừng tàu, đổi hướng và trở về”. Quy định mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày1/1/2013.
Đặc biệt, quy định sửa đổi cũng nhấn mạnh rằng cảnh sát phải tăng cường tuần tra vùng biển xung quanh cái gọi là “thành phố Tam Sa” và phối hợp với các cuộc tuần tra của chính phủ.
Hành động này của HĐND tỉnh HN nói lên điều gì?
Ngô Sĩ Tồn, tổng giám đốc sở Ngoại vụ Hải Nam, kiêm viện trưởng viện Nghiên cứu Nam Hải, một cơ quan tham vấn cho chính quyền Bắc Kinh về Biển Đông, vừa khẳng định lại tính chất địa phương, cục bộ, của quyết định này. (Sau khi bị thế giới lên án, phản đối quyết liệt)
Theo Reuters, ngày 5.12, ông Ngô Sĩ Tồn thừa nhận, quy định mới về chặn xét và bắt giữ tàu ngoại quốc được tỉnh này thông qua vào hạ tuần tháng 11, chỉ là một sáng kiến của cấp tỉnh.
Tuy nhiên, trước đây mấy ngày, phát biểu với đặc phái viên New York Times, Ngô Sĩ Tồn nhắc lại các quy tắc được cơ quan luật pháp Hải Nam thông qua vào tuần trước đó rằng, một phần các quy định, là để đối phó với sự gia tăng của các tàu đánh cá Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa, quần đảo mà ông thừa nhận là cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều đang đòi chủ quyền. Ông Ngô còn cho biết thêm, các quy định này được thảo luận từ một năm nay, nhằm bổ sung vào các quy tắc đã có từ năm 1999.
Nên nhớ là, Hải Nam không phải là địa phương duy nhất thông qua các lệnh càn rỡ liên quan đến việc hành hung ngư dân Việt Nam trên biển. Thời gian gần đây, tỉnh Chiết Giang và tỉnh Hà Bắc cũng đã thông qua các quy định ngang ngược trong cái gọi là “nỗ lực bảo vệ biển đảo” tại những vùng tranh chấp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền.
Phải chăng các địa phương này của Trung Quốc đã “ly khai” hay sao mà một quyết định gây “đại loạn” cho khu vực, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh Trung Quốc mà chính quyền trung ương lặng thinh, làm ngơ? Thậm chí việc in bản đồ có đường lưỡi bò vào hộ chiếu Trung Quốc cũng cho rằng cấp ra quyết định ấy là bộ, ngành…Vậy, Trung Quốc đại loạn hay là “tư tưởng lớn luôn gặp nhau”?
Câu trả lời chính xác: “ly khai” thì các địa phương này không dám mà đó chính là “tư tưởng lớn-bành trướng”, ngạo mạn, coi thường nước nhỏ… trùng khớp nhau giữa trung ương và địa phương. Và, Bắc Kinh đã lợi dụng chủ nghĩa dân tộc cực đoan này để trục lợi.
Như vậy, Hành động ngang ngược này của HĐND tỉnh Hải Nam, thực chất là hành động của nhà cầm quyền Trung Quốc giao cho tỉnh Hải Nam thực thi.
Các quốc gia trên thế giới đều hiểu rằng, bất kỳ một vùng lãnh thổ, lãnh hải nào mà quốc gia nào đó coi là chủ quyền thì vùng lãnh thổ, lãnh hải đó hoàn toàn được quốc gia này áp đặt luật và thực thi pháp luật của họ trên vùng đó cho bất cứ đối tượng nào.
Bởi vậy, nếu như trong vùng lãnh hải, chủ quyền của Trung Quốc thì lực lượng thực thi pháp luật của Trung Quốc có những quy định như vậy là điều có thể, không ai bàn cãi. Nhưng cái khu vực mà “Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam phê chuẩn” để cho cảnh sát của tỉnh Hải Nam thực thi chiếm hơn 80% diện tích biển Đông, đó chính là “đường lưỡi bò” phi lý mà Trung Quốc vạch ra đã làm cho thế giới phản đối dữ dội…thì đúng là ngang ngược, coi thường tất cả, là hành động phi pháp.
Thực chất cái gọi “phê chuẩn” của HĐND tỉnh Hải Nam là việc nhà cầm quyền Bắc Kinh triển khai, biến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) thành “vùng đặc quyền quân sự” (dựa trên luật 1998 về vùng đặc quyền kinh tế mà Trung Quốc ban hành, năm 2002 Trung Quốc tiếp tục ban hành đạo luật cấm các nước khác khảo sát đo đạc trong EEZ) sau khi đã coi 80% diện tích biển Đông là của họ.
Đây là những nấc thang cuối cùng đi đến chiến tranh trong chiến lược thâu tóm biển Đông của Trung Quốc đang tiến hành thực hiện.
Nói là những nấc thang cuối cùng bởi lẽ, Trung Quốc biết rằng khu vực đó bao gồm quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam, ngoài ra còn có chủ quyền của Philipines, Malaisia, Brunay, Indonesia…trên biển Đông, đồng thời là tuyến hàng hải quan trọng của thế giới, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Mỹ …Do đó, hành động của Trung Quốc mở rộng quyền thực thi cho cảnh sát của họ đã buộc tất cả các quốc gia phải lựa chọn, hoặc là tuân thủ hoặc là chống lại. Tuân thủ có nghĩa là mất chủ quyền, còn nếu chống lại thì xảy ra xung đột, chiến tranh.
Dư luận đặc biệt quan tâm là, Trung Quốc, thông qua tỉnh Hải Nam tuyên bố như vậy có nghĩa là sẵn sàng hành động đối đầu với Mỹ, Nga…trên biển Đông, thách thức tự do an toàn hàng hải mà Mỹ coi là lợi ích quốc gia chăng?
Trước sự kiện này, phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hồng Lỗi nhấn mạnh, “tất cả các nước đều có quyền tự do hàng hải ở Biển Đông theo đúng tinh thần luật quốc tế”.
Té ra vậy, điều này có nghĩa: Mỹ, Nga…yên tâm, Trung Quốc không làm gì ảnh hưởng đến tàu các vị khi đi qua biển Đông.
Không ai nghi ngờ “thiện chí” này của ông Hồng Lỗi, bởi dẫu có 30 năm nữa Trung Quốc vẫn chưa đủ gan, đủ sức để đối đầu với Mỹ, Nga, Nhật…huống chi bây giờ dám cả gan cho cảnh sát biển (cấp tỉnh) thực thi điều họ tuyên bố mà Mỹ, Nga…coi đó như hành động cướp biển thì họ không những coi “biển Đông như ao” mà còn “coi trời bằng vung”.(Đến đây chúng ta càng hiểu rõ hơn tại sao bản đồ “đường lưỡi bò” trên hộ chiếu Trung Quốc không có Senkaku).
Cuối cùng điều đã rõ, đối tượng mà thuộc sự “điều chỉnh” của quy định này là những nước có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc và chính sự mập mờ không xác định cụ thể những hành vi thế nào bị coi là “xâm nhập lãnh hải Trung Quốc bất hợp pháp” của ông Hồng Lỗi đã là một sự đe dọa ngầm cho 4 nước có tranh chấp với Trung Quốc mà tâm điểm là Việt Nam và Philippines.
Sách lược tránh đối đầu với Mỹ…lợi dụng thế mạnh về kinh tế, quân sự, hăm dọa, ép các nước nhỏ phải lựa chọn hoặc là đầu hàng hoặc là chiến tranh của Trung Quốc đã khiến tình hình biển Đông càng ngày càng tiến gần đến miệng hố chiến tranh.
Ông ngoại trưởng Philippines tỏ ra bất mãn với Trung Quốc, than phiền, trách cứ, rằng “Trong khi các nước trong khu vực đang cố gắng phấn đấu cho hòa bình thì Trung Quốc lại như thế” (khiêu khích gây chiến)… Đừng vô ích, trứng vịt thì không bao giờ nở ra con gà đâu thưa ngài Bộ trưởng!
Chiến lược thôn tính Biển Đông hình thành từ trong máu, được Trung Quốc thực hiện có bài bản, từ bắt đầu đến kết thúc. Đầu tiên là biến không thành có, biến khu vực không tranh chấp thành khu vực có tranh chấp, tiếp theo là tuyên bố với thế giới khu vực tranh chấp đó là của mình “không chối cãi”, phát hành bản đồ và bước cuối bên miệng hố chiến tranh là áp đặt luật và thực thi luật của họ trên khu vực đó.
Chiến lược này đã tùy theo từng giai đoạn mạnh yếu khác nhau mà Trung Quốc triển khai thực hiện và đến đây được coi như bước cuối cùng. Trung Quốc không còn “bài” gì trên biển Đông nữa, ngoại trừ chiến tranh.
Rõ ràng là, nếu như quốc gia nào cản trở việc thực thi pháp luật của Trung Quốc trên khu vực mà họ tuyên bố chủ quyền thì sẽ xảy ra xung đột. Lúc đó họ dùng “cơ bắp”, nghĩa là chiến tranh. Nếu để Trung Quốc thực thi pháp luật trên đó mà không ai làm gì, chống đối…thì có nghĩa khu vực đó mặc nhiên sẽ là “chủ quyền toàn vẹn, tuyệt đối” của Trung Quốc.
Có thể nói, chủ nghĩa Đại Hán kết hợp với sức mạnh quân sự hiện có đã như một căn bệnh ung thư đã đến lúc phát tác chiến tranh. Trung Quốc đang rất khát khao chiến tranh, rất hý hửng cho chiến tranh.
Tổ chức Hiệp hội ĐNA (ASEAN) đã bị Trung Quốc làm nhục biến thành “thảm họa”.
Dù vậy, nhưng chắc chắn là trước hành động này của Trung Quốc thì các quốc gia “trong khu vực vùng lưỡi bò” lo ngại, buộc phải phản đối và có thể liên minh lại với nhau để chống Trung Quốc. Trung Quốc không muốn điều này xảy ra, cho nên, trong tương lại gần, một số nước như Indonesia, Malaisia…chưa phải là đối tượng để Trung Quốc thực thi (chưa ăn thì còn đó).
Kế sách của Trung Quốc là muốn họ yên tâm, im lặng, làm ngơ, mặc cho hàng xóm phải đơn độc đối phó, để tập trung cô lập, tách Việt Nam, Philippines ra khỏi những mối quan hệ còn lại cho dễ bề trấn áp.
Việt Nam, Philippines…sẽ làm gì khi tàu cá của ngư dân mình và các loại tàu khác mà Trung Quốc coi là “xâm nhập lãnh hải Trung Quốc bất hợp pháp” bị cảnh sát biển tỉnh Hải Nam hành xử như kẻ cướp biển trong vùng chủ quyền của mình bắt đầu từ ngày 01/01/2013?
Với Philippines, Trung Quốc có thể sẽ nhẹ tay hơn trong vấn đề thực thi vì Philipines còn là đồng minh với Mỹ, nhưng với Việt Nam chắc chắn sẽ rất quyết liệt.
Việt Nam muốn hòa bình, nhưng hòa bình phải gắn với độc lập tự chủ. Một nền hòa bình lệ thuộc, không bình đẳng, mất độc lập tự chủ, bị xâm phạm chủ quyền lãnh thổ thì không bao giờ chúng ta chấp nhận.
Khi Việt Nam đã làm tất cả những gì có thể để gìn giữ hòa bình mà nước khác cứ muốn xâm hại lợi ích của đất nước ta thì lúc đó chúng ta không còn con đường nào khác là “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.
Dân tộc Việt bao đời nay không muốn chiến tranh nhưng chưa lúc nào sợ chiến tranh.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-12-12