Bao giờ quan hệ Việt – Trung mới được bình thường hóa một cách thực sự?
Chắc có người sẽ ngạc nhiên trước câu hỏi này vì cho rằng quan hệ
Việt – Trung đã được bình thường hóa vào năm 1990 với Hội nghị Thành Đô
lịch sử. (*)
Nhưng tôi tin cũng có nhiều người khác không nghĩ thế.
Những nguyên tắc chung cho một mối
quan hệ được gọi là bình thường giữa hai quốc gia là tôn trọng độc lập,
chủ quyền của nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình
đẳng và cùng có lợi. Thế thôi là đủ. Nếu vượt quá chỉ tiêu này, ví dụ
như thêm các mỹ từ như “đặc biệt”, “anh em”, “đoàn kết” để “cùng tiến
lên” cái gì đó hay thêm chữ này chữ nọ thì đó là những dấu hiệu của
những mối quan hệ bất bình thường giữa các quốc gia
Những nhân tố bất bình thường biểu hiện qua những mỹ từ như vậy
sẽ tiềm ẩn những nguy cơ lấn át và xâm phạm những nguyên tắc bình
thường trong mối quan hệ bình thường giữa các quốc gia . Lịch sử đã
chứng minh điều đó trong mối “quan hệ anh em” giữa các nước XHCN thuộc
khối Đông Âu ngày xưa. Đã là “quan hệ anh em” thì tất phải có nước
anh, nước em, và sẽ có lúc nước anh mang quân sang một nước em nào đó
để trị thằng em có biểu hiện không nghe lời hoặc để giúp thằng em là
chính phủ nước em đó đàn áp chính nhân dân nước em (ví dụ như sự kiện
Hungary năm 1956 hay Tiệp Khắc năm 1968). Và trong những trường hợp này,
nguyên tắc “anh em” bất bình thường đã lấn át nguyên tắc bình thường
trong quan hệ giữa các nước là “tôn trọng độc lập chủ quyền, không can
thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Trong mối quan hệ đó, cũng không phải lúc nào các nước đàn em
cũng khuất phục. Thân nhau lắm lúc này lại có thể cắn nhau rất đau lúc
khác. Ví dụ điển hình của sự không khuất phục này là sự bất phục tùng
“anh cả” Liên Sô của “anh hai” Trung Quốc trong những năm 50 – 60 của
thế kỷ trước. Một ví dụ khác nữa là sự không chịu nổi của nước Albanie
XHCN bé tí xíu trước sự lấn át, bắt nạt của các ông anh - lúc thì thân
nhau như anh em một nhà với Nam Tư, lúc bị ông anh XHCN láng giềng Nam
Tư bắt nạt thì dựa vào Liên Sô để tố cáo Nam Tư là “xét lại”, là có tham
vọng xâm lược, rồi lúc bị Liên Sô lấn ép thì ngả theo Trung Quốc để lên
án Liên Sô là “bọn Sa Hoàng mới”, sau cùng thì cũng nghỉ chơi với ông
anh Trung Quốc và dùng những ngôn từ ngoa ngắt và nặng nề nhất để chửi
rủa cả “hai tên đế quốc xã hội đầu sỏ” là Liên Sô và Trung Quốc trước
khi chính thể chế XHCN của Albanie cũng sụp đổ tan tành…
Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc sau Hội nghị Thành Đô cũng đã trở
thành một mối quan hệ vượt mức bình thường với những mỹ từ kèm theo như
“tình hữu nghị giữa hai nước XHCN anh em”, rồi lại còn “16 chữ vàng”…
Những yếu tố bất bình thường này cũng đang là những nhân tố lấn át và có
nguy cơ làm cho những nguyên tắc bình thường giữa hai quốc gia trở
thành thứ yếu và phần thua thiệt tất nhiên bao giờ cũng thuộc về “đàn
em” mà điều xấu nhất nếu xảy ra rất có thể sẽ là “Hoa quân nhập Việt”.
Vì vậy, với một sự kiện sẽ đi vào lịch sử dân tộc như Hội nghị
Thành Đô, thay vì nói đó là Hội nghị bình thường hóa quan hệ Việt –
Trung như cách nói từ trước đến nay thì phải nói rằng đó là sự kiện mở
ra một sự BẤT BÌNH THƯỜNG MỚI trong quan hệ giữa hai nước thì đúng hơn
Còn nhớ trước khi Liên Sô sụp đổ, Gorbachev cũng đã từng gạ gẫm
Trung Quốc “bình thường hóa” quan hệ Sô – Trung như là quan hệ của “2
nước XHCN vĩ đại”. Đặng Tiểu Bình đã rất tỉnh táo thẳng thừng tuyên bố
sẵn sàng bình thường hóa với Liên Sô nhưng chỉ theo những nguyên tắc
thông thường, không đưa vấn đề ý thức hệ “XHCN” vào đó.
Nhưng tại sao Trung Quốc lại đồng ý áp dụng nguyên tắc đó với
Việt Nam. Đó là vì với nguyên tắc ấy, thì nước nhỏ hơn bao giờ cũng ở
thân phận chư hầu đàn em và bị phụ thuộc (điều trớ trêu là Việt Nam lại
chủ động nêu ra “nguyện vọng” này đầu tiên, tự nguyện “chui vào ống tay
áo” của “thằng anh” vừa đểu vừa thâm hiểm là Trung Quốc). Còn nếu cũng
áp dụng nguyên tắc ấy với Liên Sô thì Đặng không muốn vì sợ sẽ đi vào
vết xe đổ của những năm 1950 khi Trung Quốc có thể sẽ lại phải nằm ở vị
thế đàn em, lép vế trước một siêu cường có phần hùng mạnh hơn là Liên Sô
lúc đó