Thứ Sáu, 20 tháng 7, 2012

Khi Trung Quốc nói đến cải tổ, nỗi sợ bất trắc tăng lên

New York Times
17-7-12
 
Michael Wines 
Tháng 10 vừa qua, một nhóm nhân vật “nặng ký” tụ họp ở một đại yến trong toà nhà chọc trời cao nhất Bắc Kinh.  Con của người kế nhiệm Mao Trạch Đông[1] có mặt ở đó, cũng như con gái của vị chỉ huy quân sự thứ hai trong gần 3 thập kỷ, cùng với người chị một cha khác mẹ với chủ tịch sắp đến[2] của Trung Quốc.
Chương Lập Phàm (Zhang Lifan), một người có mặt hôm ấy, thuật lại: “ Bạn chỉ cần nhìn vào số lượng những xe ôtô xịn và biển số số thấp”

Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên hơn cả là lý do của cuộc họp này. Một nhóm nhỏ của con cái những tinh hoa khai quốc công thần của Trung Quốc – nhóm mong muốn có những cải tổ chính trị và kinh tế sâu rộng hơn – đã đến dó để bàn cãi về sự cần thiết của một định hướng mới cho thế hệ kế tiếp của lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc, thế hệ mà theo lich trình (mười năm một lần) sẽ được trao quyền năm nay.  Nhiều người trong nhóm này đã gặp nhau một lần hồi tháng tám trước đó, và sẽ gặp lại vào tháng hai.
Những cuộc họp tư riêng này là một dấu hiệu cho thấy ngay cả một số người trong giới tinh hoa cũng lo lắng về con đường mà Đảng Cộng sản đang vạch ra cho tương lai Trung Quốc.  Và đối với những người biện hộ cho thay đổi chính trị, chúng cho hi vọng là những đảng viên có ảnh hưởng cũng ủng hộ ý cho rằng một nước Trung Quốc tương lai nên cho công dân của họ nhiều quyền hơn trong việc chọn lựa lãnh đạo và tìm bồi thường cho những sự kêu ca của dân chúng, hai than phiền dài hạn về hệ thống hiện nay.
 Song, vấn đề là: Ngay khi một nhóm bé nhỏ các nhà cải cách chính trị đang thu hút được sự ủng hộ của nhiều nhân vật có quyền thế, thì nhóm này lại phân chia ra nhiều phe phái không đồng ý với nhau về “cải cách” là thế nào, đừng nói chi đến chuyện làm sao để thực hiện cải cách ấy.  Hầu hết nhóm này đều đồng ý rằng phải có những thay đổi căn bản: một hệ thống luật pháp nằm ngoài sự kiểm soát của Đảng Cộng sản, bầu cử với những quy luật thực sự và lựa chọn thực sự giữa các ứng cử viên khác nhau. Tuy nhiên, ngay cả những người cực đoan nhất trong nhóm cũng nghĩ rằng đó là những giấc mơ xa vời, cùng lắm là một phần của giai đoạn cải cách thứ hai.
Thêm nữa, ngọn gió chính trị không thổi theo hướng thuận lợi cho họ.  Sự thất sủng ngoạn mục vào mùa xuân vừa qua của Bạc Hi Lai (một thành viên Bộ Chính trị, người đã công khai theo đuổi một triết lý dân tuý xung khắc với những lãnh tụ ưu tú) là một bài học về những nguy hiểm của việc thách thức tình trạng hiện hữu. Và sự im lặng của chính quyền xung quanh sự cố Bạc Hi Lai cho thấy nỗi sợ hãi ở cấp cao rằng bất cứ một sự công khai rạn nứt bề mặt đoàn kết của tập đoàn lãnh đạo nào cũng có thể đưa đến sự tan vỡ quyền lực của tập đoàn này.
Hậu quả là, ít ai ở Trung Quốc tin rằng, trong tương lai trước mắt, Đảng sẽ sẵn lòng tự thay đổi.  Ngay những người thuộc thành phần ưu tú (trong đó có thế hệ “thái tử đảng” thứ hai, như vẫn thường gọi) sẵn sàng thảo luận về những thay đổi cơ bản, những người này cũng muốn duy trì quyền lợi của chính họ.
Chương Lập Phàm, một sử gia từng công tác ở Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc nói: “So sánh tình trạng hiện nay với 1989 thì những người hô hào cải cách năm 1989 có nhiều thuận lợi hơn”, ông ám chỉ phong trào sinh viên đòi dân chủ -- một phong trào được sự ủng hộ của một số lãnh đạo Đảng quan trọng nhưng bị đè bẹp ờ quảng trường Thiên An Môn.  “Hai mươi năm sau sự cố ấy, những người cổ vũ cải tổ đã trở nên yếu hơn.  Bây giờ có quá nhiều quyền lợi gắn liền với chế độ, đến mức những người biện hộ cải tổ ngày nay sẽ bị lập tức loại trừ nếu họ đụng đến quyền lợi của người khác”.
Đối với ông Chương và nhiều người khác, bài toán hóc búa cho sự trổi dậy của Trung Quốc là: một chế độ độc tài có khả năng lộn ngược từ ý thức hệ Mác xít để trở nên nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới dường như lại không thể chấp nhận những thay đổi chính trị có khả năng kéo dài sự tồn tại của chính chế độ ấy.
 Giống như nhiều người Mỹ than phiền là chính phủ của họ tê liệt vì khoảng phân cách giữa hai chính đảng ngày càng rộng ra, những người Trung Quốc cổ vũ cải cách cũng than phiền về một đảng Cộng sản nắm mọi quyền bính nhưng lại bị tê liệt vì sự chồng chéo của các lợi ích tư riêng.  Không một phe phái chủ yếu nào (trong ba phe phái: (a)  thành phần ưu tú nhiều của cải và thống trị, (b) những công nghiệp nhà nước giàu có và nhiều ảnh hưởng; (c) một bộ máy hành chính rộng lớn và bám rễ sâu) sẽ có lợi nếu san sẻ quyền lực với đại thể quần chúng.
Nhiều người trong phong trào cải cách cho rằng, dù sao đi nữa, thay đổi là không thể tránh được chỉ vì, theo họ, biến động xã hội sẽ bắt buộc thay đổi xảy ra.  Theo quan điểm này, sự bất mãn với tình trạng bất bình đẳng không ngừng gia tăng, với tham nhũng, với ô nhiễm môi trường và những tệ nạn xã hội khác, chắc chắn sẽ dẫn đến một xã hội dân chủ hơn – hoặc một bẻ ngoặc về hướng chủ nghĩa toàn trị.
Một mối lo to lớn là: trừ khi thay đổi là có kế hoạch và được cẩn trọng thực hiện, Trung Quốc có cơ nguy sa vào một biến động kiểu Cách mạng Văn hoá, một biến động có thể đẩy quốc gia này lùi lại nhiều thập kỷ.   “Các quan chức vẫn chưa cảm thấy một cuộc khủng hoảng như thế,” tổng biên tập của một nhật báo lớn của Đảng đã nói thế (với yêu cầu không tiết lộ tên ông) trong một cuộc phỏng vấn năm nay. “Họ nghĩ rằng họ có thể tiếp tục xoay xở để luồn lách cho qua.” Và có thể là họ làm được như thế  ̶  ít nhất là trong ít lâu nưa.  Đa số người Trung Quốc ghi nhận công trạng của Đảng trong việc nâng cao mức sống của nhiều trăm triệu công dân khỏi sự nghèo khổ và tạo ra một giai cấp trung lưu khổng lồ ở thành thị  ̶  những người này là nền móng cho sự ủng hộ tình trạng hiện hữu.
Nhưng nhiều người không hài lòng với một giới tinh hoa vẫn nắm chặt kiểm soát chính trị, thu tóm vô số của cải, và hoạt động với quyền lực hầu như không bị kiềm chế.  Các học giả nói rằng con số những “sự kiện quần thể” (mass incident) – một cách đo khá mơ hồ của chính quyền về sự bất mãn, trong đó có những cuộc phản kháng tự phát của công chúng – đã tăng gấp hai từ năm 2005.  Từ năm 2006 trở đi, chính phủ ngưng công bố tổng số.
“Chúng tôi nhìn nhận những thành tựu,” Dương Kế Thằng (Yang Jisheng), một biên tập viên của tạp chí phóng khoáng Viêm Hoàng Xuân Thu (Yanhuang Chunqiu) nói. “Nhưng chúng tôi lo là làm thế nào để tiếp tục những thành tựu ấy”
“Cái bánh là cực kỳ to, cái bánh to thứ hai trên thế giới.  Nhưng nó bị chia một cách cực kỳ không công bằng,” Dương Kế Thằng nói thêm. Và “điều ấy có tính hệ thống.  Nếu hệ thống không thay đỏi, nó sẽ mãi mãi là không công bằng.”
Vài nhà lãnh đạo chia sẻ sự sợ hãi ấy.  Trong cuộc họp báo thường niên của ông trong tháng Ba vừa qua, Ôn Gia Bảo – người duy nhất mạnh miệng biện hộ cho cải tổ hệ thống của Đảng Cộng sản  ̶  đã cảnh cáo rằng nếu không cải tổ toàn diện nhóm lãnh đạo của Đảng thì sẽ có cơ nguy châm ngòi một cuộc Cách mạnh Văn hoá thứ hai. Thay đổi chính trị là một đề tài thường được thảo luận trong nhiều nhóm nghiên cứu của chính phủ và ở trường Đảng, nơi huấn luyện những lãnh tụ tương lai. “Cả người cai trị lẫn người bị trị đều không vui với tình trạng hiện hữu,” sử gia Chương Lập Phàm nói.  “Ý kiến hiện nay của đa số là thay đổi sẽ đến sớm, song câu hỏi là như thế nào.  Thay đổi sẽ hoặc là đến từ cấp lãnh đạo cao nhất, hoặc là từ người dân.”
Những người chỉ trích than phiền về sự trì trệ trong mười năm cầm quyền của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, và chỉ ra rằng Ôn Gia Bảo có thúc giục thay đổi song không năng nổ gì lắm.  Họ nói rằng Đảng không quan tâm đến việc giải quyết những bất mãn của công chúng bằng việc thiết lập một hệ thống an ninh tinh xảo đề bịt miệng người dân.
Ý kiến của Ôn Gia Bảo nhằm nới lỏng cơ cấu Cộng sản là sự kêu gọi “dân chủ nội bộ Đảng,” ám chỉ là cho những đảng viên cấp dưới có nhiều tiếng nói hơn trong việc đặt định chính sách và lựa chọn lãnh đạo cấp cao.  Nhưng không có bằng chứng nào cho thấy ngay những thay đổi nhỏ bé như thế trong “phương trình quyền lực” đã được nghiêm túc xúc tiến.
Ít có gì rõ ràng về xu huớng của thế hệ mới, tức thế hệ sẽ thay thế Hồ Cẩm Đào và đa số thành viên của Thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyền lực cao nhất của Đảng, trong giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu vào mùa thu này.
Quan đỉểm chính trị của Tập Cận Bình, hiện là phó chủ tịch Trung Quốc và đã được chỉ định kế nhiệm Hồ Cẩm Đào, thì không ai biết, mặc dù trong một số diễn văn và cuộc gặp gỡ ông có vài dấu hiệu mà đối với các nhà quan sát thì có vẻ như có khuynh hướng tiến bộ hơn Hồ Cẩm Đào.
Vài người khác dường như sẽ được cho lên địa vị lãnh đạo cũng cho thấy một ít dấu hiệu là họ ủng hộ thay đổi.  Đó là Lý Khắc Cường, người được cho là sẽ thay thế Ôn Gia Bảo làm thủ tướng, phó thủ tướng Vương Kì San, trưởng Ban Tổ chức Đảng Lý Nguyên Triều, và bà Lưu Diên Đông, tranh thủ để được là người phụ nữ duy nhất trong Thường vụ Bộ Chính trị.
“Tôi lạc quan,” Chu Chi Tinh (Zhou Zhixing), một giám đốc truyền thông và nguyên quan chức một cơ quan nghiên cứu của Đảng Cộng sản, nói về Thường vụ sắp đến của Bộ Chính trị. “Tôi nghĩ rằng những người ấy hiểu rất rõ hiện tình Trung Quốc, và họ biết rằng cải cách chính trị là một trong những đòi hỏi của dân chúng.”  Trạm web của Chu Chi Tinh (Consensus Net) đã trở thành một diễn đàn quan trọng cho tranh luận chính trị.
Chu Chi Tinh và nhiều người khác cho rằng, nếu thay đổi trong hoà bình có xảy ra thì nó phải xuất phát từ nội bộ Đảng Cộng sản; bài học của Thiên An Môn là cấp lãnh đạo sẽ không dung thứ những đe dọa cho quyền hành của họ. Nhiều người nói đến một sự biến đổi như ở Đài Loan, nơi mà nhà cầm quyền chuyên chế đã lẵng lặng nhường bước cho bầu cử trực tiếp năm 1996, và dọn đường cho chế độ dân chủ mạnh mẽ ngày nay.
Song nhóm cổ vũ cho cải tổ đồng ý về ít điều gì khác: hoặc là Trung Quốc nên có một nền dân chủ kiểu Tây phương, hoặc là một dạng “mở” hơn của chế độ chuyên chế độc đảng của Cộng sản, hoặc một thể chế nào đó hoàn toàn khác.
Những người có tư tưởng dân tuý thì muốn tái tạo Đảng để phản ảnh quan điểm trước đây của Mao, tái phân phối hàng tỷ đồng của cải nhà nước cho dân chúng.  Phong trào gọi là tân dân chủ, cầm đầu bởi một nhà kinh tế chuyên về phát triển nông thôn kiêm ký giả tên Trương Mộc Sanh (Zhang Mucheng) đang có nhiều người theo, đề xuất một kế hoạch thêm “kiềm chế và đối trọng” (checks and balances) vào nền cai trị độc đảng, và tăng gia đáng kể những bổng lộc an sinh (welfare benefits) cho dân chúng.  Song đa số các lãnh tụ hiện nay khinh bỉ chủ nghĩa dân tuý kiểu Mao, và Bạc Hi lai, có lẽ là thủ lĩnh phái này, đã bị hạ gục vì một scandal mùa xuân vừa qua.
Một phe cộng sản thứ hai muốn mở Đảng ra cho cạnh tranh nội bộ, bỏ đi bộ mặt đoàn kết bên ngoài của cấp lãnh đạo, và cho phép những phe phái cạnh tranh trình bày ý kiến của họ rộng rãi trong Đảng để tìm sự chấp thuận.  Về lâu về dài, những người thuộc phe này khẳng định, sự minh bạch sẽ nảy sinh nhiều đảng cạnh tranh nhau dưới cái ô của đảng Cộng sản  ̶  một loại dân chủ độc đảng.  Nhưng ở Trung Quốc, nơi mà sự ổn định là quan tâm ám ảnh của cấp lãnh đạo, quan điểm rằng nên phơi trần sự chia rẽ ở chóp bu quyền lực có vẻ gần như là một chuyện khôi hài.
Đúng thế, những người cổ vũ cải tổ thậm chí không đồng ý với nhau ngay cả về động cơ của họ.  Trí thức và những người đối kháng thì xem việc mở thoáng chính trị như một việc tất nhiên.  Nhiều người thuộc thế hệ đỏ thứ hai, con cái của những khai quốc công thần, thì bị thúc đẩy bởi sự giận dữ của họ đối với cái mà họ cho là Trung Quốc đã trở thành dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào.
“Họ cho là Thanh Đoàn đã phá hỏng cái quốc gia mà cha họ đã chiến đấu và hi sinh,” sử gia Chương Lập Phàm nói, ám chỉ Đoàn Thanh niên Cộng sản, tức là căn cứ quyền lực của Hồ Cẩm Đào.
Song, những người lý tưởng đang bị bao vây thì không thể kén chọn như thế. “Chúng tôi hoan nghênh họ,” ông Chuơng nói. “Ít ra có ý muốn cải tổ là tốt rồi, bất kể tại sao”.
Nhưng tầm cỡ to lớn của sự bất đồng ý kiến khiến nhiều người kêu gọi thay đổi phải phân vân: có thể họ là một hội tranh cãi hơn là một phong trào  ̶  các nhà trí thức thì trao đổi lý thuyết qua những dĩa mì trong căn hộ của họ, còn thế hệ đỏ thứ hai thì trao đổi lý thuyết qua những đại yến thịnh soạn trong khách sạn.
“Mao thường nói “cách mạng không phải là dạ tiệc,” ông Dương, tổng biên tập của tờ Viêm Hoàng Xuân Thu mỉa mai. “Nhưng ngay bây giờ, cách mạng chính là một dạ tiệc”


 -------------------------
[1] Chú thích của người dịch: Tức là con của Hoa Quốc Phong
[2] Chú thích của người dịch: Tức là người chị cùng cha với Tập Cận Bình.  Cha của Tập Cận Bình (là Tập Trọng Huân) có (ít nhất!) hai vợ, Tập Cận Bình là một trong bốn người con của bà thứ hai.

Nguyên văn: As China Talks of Change, Fear Rises on the Risks (New York Times 17-7-12)

© Bản dịch của viet-studies