Thứ Năm, 21 tháng 6, 2012

Phượng Hoàng Trung đô và khát vọng dang dở của Quang Trung

- Phượng Hoàng Trung đô, kinh đô đang được xây dựng thời Tây Sơn. Tuy nhiên, cũng giống như sự nghiệp của Quang Trung, kinh đô này cũng chịu cảnh dang dở do sự ra đi đột ngột của vị hoàng đế tài ba này.

Những kinh đô trong lịch sử dân tộc

Trong lịch sử dựng nước lâu dài của dân tộc ta, có những vùng đất do đặc điểm đặc biệt của nó đã vinh dự được các triều đại chọn làm kinh đô. Đầu tiên, vào thời kỳ đất nước Việt Thường, kinh đô đóng ở vùng Ngàn Hống (nay thuộc huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) mà chúng tôi đã có lần giới thiệu. Đến thời đất nước Văn Lang, kinh đô đóng ở Văn Lang, còn gọi là Phong Châu (nay là TP Việt Trì, Phú Thọ).

Thời An Dương Vương, kinh đô đóng ở Cổ Loa (nay thuộc Đông Anh, Hà Nội). Thời Hai Bà Trưng, đóng đô ở Mê Linh (nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc). Ngô Quyền giành lại độc lập tự chủ cho dân tộc, trở lại đóng đô ở Cổ Loa, kinh đô cũ của An Dương Vương. Hai triều đại Đinh - Lê chọn đóng đô ở Hoa Lư (nay là Trường Yên, Ninh Bình). Các triều đại Lý - Trần - Lê - Mạc đều đóng đô ở Thăng Long (nay là Hà Nội). Nhà Hồ đóng đô ở Tây Đô (nay là Vĩnh Lộc, Thanh Hóa). Nhà Tây Sơn và nhà Nguyễn đóng đô ở Phú Xuân (nay là TP Huế).

Năm 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) chọn đóng đô ở Hà Nội, tức kinh đô Thăng Long của các triều đại Lý - Trần - Lê xưa.

Bản đồ Phượng Hoàng Trung đô do Phan Duy Kha lập lại từ ảnh chụp trên máy bay.
Bản đồ Phượng Hoàng Trung đô do Phan Duy Kha lập lại từ ảnh chụp trên máy bay.
Phượng Hoàng Trung đô và khát vọng của Quang Trung
Ngay từ năm 1788, khi chưa lên ngôi, Quang Trung đã để ý đến việc tìm đất xây dựng kinh đô ở Nghệ An. Trong chiếu gửi La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp về việc chọn đất xây dựng kinh đô, Quang Trung đã viết: "Chiếu truyền cho La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp được biết: Ngày trước ủy thác cho Phu tử về Nghệ An xem đất đóng đô cho kịp kỳ này ngự giá ở Bắc về trú. Sao ta về tới đây thấy chưa được việc gì? Nay ta hãy hồi giá về Phú Xuân cho sĩ tốt nghỉ ngơi. Vậy ban chiếu xuống cho Phu tử nên sớm cùng ông Trấn thủ Thận tính toán và làm việc xem đất đóng đô tại Phù Thạch".

Tờ chiếu đề ngày 1 tháng 6 năm Mậu Thân (1788), như vậy việc giao trách nhiệm chọn đất đóng đô phải diễn ra trước đó.

Người ta cho rằng, sở dĩ Quang Trung chọn đất đóng đô ở Nghệ An là do Nghệ An là quê hương, gốc gác của ông. Điều đó chỉ đúng một phần. Bởi nếu thế thì sao ông không chọn Tây Sơn (Bình Định) là nơi sinh ra và trưởng thành của ông, lại là nơi ông phất cờ khởi nghĩa?

Đền thờ Vua Quang Trung nằm trên đỉnh núi Dũng Quyết (Vinh, Nghệ An)
Đền thờ Vua Quang Trung nằm trên đỉnh núi Dũng Quyết, TP Vinh, Nghệ An. (Ảnh: TTO)
Chúng tôi cho rằng, sở dĩ Nguyễn Huệ chọn Nghệ An để đóng đô bởi hai lẽ. Một là, nơi đây đất rộng người đông, là đất căn bản của nước nhà. Ngay từ thời Trần, khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần thứ hai (1285), chúng chiếm được Kinh thành Thăng Long và hầu hết miền Bắc, triều đình nhà Trần đã phải  lui về Thiên Trường (Nam Hà) rồi lại phải chạy vào Thanh Hóa, Trần Nhân Tông vẫn tin tưởng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bởi vẫn còn đất căn bản Nghệ An: "Hoan Diễn do tồn thập vạn binh" (ở châu Hoan Diễn ta còn 10 vạn quân).
Thực tế, nhà Trần đã giải phóng đất nước sau đó không lâu. Thời Lê, đất Nghệ An được coi là đất thang mộc của triều đình, lính bảo vệ kinh thành đều lấy ở Thanh Nghệ. Ta nhớ rằng khi ra Bắc diệt quân Thanh, Quang Trung đã dừng lại ở đây để tuyển quân. Nhân dân Nghệ An (bao gồm Nghệ An - Hà Tĩnh bây giờ) đã nô nức lên đường tòng quân, đóng góp vào chiến thắng thần tốc của Quang Trung .

Hai là, về địa lý, Nghệ An cách Thăng Long 300km, cách Phú Xuân trên 300km, nằm vào khoảng giữa rất cân đường ra vào (lúc bấy giờ vùng đất từ Quảng Ngãi trở vào thuộc quyền kiểm soát của Nguyễn Nhạc). Trong chiếu gửi Nguyễn Thiếp, Nguyễn Huệ cũng viết: "Nay kinh đô ở Phú Xuân thì hình thế cách trở, ở xa trị Bắc Hà địa thế khó khăn. Theo đình thần nghị rằng chỉ đóng đô ở Nghệ An là đường vừa cân, vừa khống chế được trong Nam ngoài Bắc và sẽ làm cho người tứ phương đến kêu kiện tiện việc đi về" (chiếu đề ngày 3 tháng 9 năm Thái Đức 11, tức năm 1788). Cũng trong tờ chiếu đó, Nguyễn Huệ còn ghi nhận ở đây "hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng, có thể chọn để xây dựng kinh đô mới. Thật là chỗ đất đẹp để đóng đô vậy!". Cũng vì nóng lòng muốn dời đô ra Nghệ An mà Nguyễn Huệ đã đích thân ra tận nơi để đốc thúc công việc (7/1789).    
 
(còn nữa)

Phan Duy Kha