Tống Văn Công
Mấy tháng nay, thương lái Trung Quốc thao túng, lừa đảo, gây rối
loạn thị trường khắp nơi. Họ tung hoành từ vùng duyên hải, đồng bằng
, đến các vùng rừng núi xa xôi.
Họ không chỉ làm chủ khâu mua bán mà còn tác động đến sản xuất kinh
doanh của nhiều địa phương: Thúc đẩy người dân Bến Tre lập cơ sở chế
biến thạch dừa; kích thích nông dân Vĩnh Long bỏ lúa trồng khoai
lang; làm cho nông dân nhiều tỉnh bỏ lúa thơm trồng lúa thường;
Tranh mua trái cây làm cho nhà máy chế biến hoa quả Tiền Giang ngừng
hoạt động…Họ sử dụng điêu luyện những chiêu thức: Đầu tiên là trả
giá cao, kêu gọi bà con ta “ luôn luôn lấy chữ tín làm đầu”; Họ ứng
tiền trước mà tỏ ra không hề sợ mất; Cuối cùng là một cú lừa gom
sạch cả vốn, cả lời của bà con ta, làm hằng chục cơ sở sản xuất phá
sản, hàng ngàn ha khoai không nơi tiêu thụ…
Tình hình trên chứng tỏ thương lái Trung Quốc hoạt động không quá
kín đáo, khiến cho các cơ quan chức năng không thể nào hay biết. Vậy
thì hãy xét thêm, vì sao hành tung của họ không được nghi vấn, cảnh
báo? Xin được nói cho công bằng là, đã có một người cảnh báo, nhưng
như ném đá ao bèo, có lẽ vì món lợi trước mắt quá lớn, nên không ai
muốn nghe. Ngày 5 tháng 8 năm 2011, giáo sư Vũ Cao Đàm có bài viết
khuyên nông dân Vĩnh Long hãy cảnh giác chớ ham lợi trước mắt mà bỏ
lúa trồng khoai. Giáo sư nhắc lại chuyện đã qua rất đáng nghi vấn
của thương lái Trung Quốc, như họ thu mua với giá rất cao các loại
hàng hóa: móng trâu, rể hồi, cáp quang…sau đó để lại nhiều hậu quả
xấu. Có thể nông dân Vĩnh Long không có điều kiện đọc bài viết ấy,
nhưng các cơ quan chức năng và Hội Nông dân cũng không bén nhạy để
giúp đỡ họ. Năm nay, trong khi thương lái Trung Quốc mua dứa (khóm)
với giá 4000 đồng đến 6000 đồng/ kg thì thời điểm ấy ở Vân Nam Trung
Quốc giá dứa trung bình chỉ có 3000 đồng/kg. Tại sao các cơ quan
quản lý kinh tế của chúng ta không chú ý chuyện không bình thường
đó? Được biết Hiệp hội lương thực Việt Nam có chỉ đạo các các doanh
nghiệp thành viên nên cẩn trọng khi làm ăn với thương lái Trung
Quốc. Rất tiếc ý kiến đó không được phổ biến chi tiết và rộng khắp
đến mọi người nông dân.
Tại sao các cơ quan quản lý chỉ ngồi chờ đối tượng tới đăng ký mà
không có biện pháp ngăn chặn những hành vi kinh doanh phi pháp không
cần đăng ký? Chúng ta có nhiều cơ quan có chức năng quản lý sản xuất
và tiêu thụ hàng hóa, nhưng không có sự liên kết chặt chẽ với nhau.
Các cấp chính quyền và các đoàn thể cũng không có sự phối hợp cùng
bàn bạc xử lý những hiện tượng xảy ra bất thường. Con voi thương lái
Trung Quốc lọt qua lỗ kim không phải vì chúng có tài thánh mà chỉ vì
không ai trong chúng ta thấy mình có trách nhiệm!
20-6-12