Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012

Trước thềm Đối thoại Sangri-La: Trung Quốc gây sự là việc làm đã có tiền lệ

(GDVN) - Việc công luận đặt giả thiết Trung Quốc muốn gây căng thẳng trên biển Đông trước thềm đối thoại Shangri-la là điều dễ hiểu bởi nó đã có tiền lệ.
Có nhà quan sát tại Hà Nội đã đưa ra những nhận xét đáng chú ý khi cho rằng trước một sự kiện đối thoại an ninh có ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực Đông Nam Á như Sangri-La, Trung Quốc thường có các hành động gây rắc rối, phức tạp về chủ quyền lãnh hải với các quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, cụ thể là đối với Việt Nam và Philippines (5/2011 và 4/5-2012).
Về nhận định này, ông Phan Doãn Phúc, một chuyên gia nghiên cứu độc lập vốn có nhiều kinh nghiệm, đặc biệt trên lĩnh vực truyền thông về vấn đề Biển Đông đã có một số chia sẻ với PV báo điện tử GDVN. Dưới đây là nội dung cuộc trao đổi:

Với tư cách là một người nghiên cứu độc lập về vấn đề Biển Đông, ông đánh giá như thế nào về nhận định Trung Quốc muốn gây căng thẳng trên biển Đông trước thềm đối thoại Shangri-la của nhà quan sát nói trên? Nếu có điều đó, vậy Trung Quốc cố tình gây căng thẳng trước đối thoại Shangri-la nhằm mục đích gì?


Ông Phan Doãn Phúc(ảnh: Lê Dũng)
Việc công luận đặt giả thiết Trung Quốc muốn gây căng thẳng trên biển Đông trước thềm đối thoại Shangri-la là điều dễ hiểu bởi nó đã có tiền lệ. Trước khi diễn ra đối thoại Shangri-la năm 2011, tàu Hải giám Trung Quốc đã vào sâu trong lãnh hải Việt Nam, cắt cáp tàu Bình Minh 02 thuộc tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam là ví dụ, vụ việc căng thẳng trên bãi Scarborough năm nay cũng vậy, nhưng mức độ, tính chất nghiêm trọng hơn.
Vụ cắt cáp tàu Bình Minh mang tính chất “dằn mặt”, đe dọa các bên có tranh chấp, mà trực tiếp là trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong khi vụ Scarborough Trung Quốc không chỉ dừng lại ở “dằn mặt” và đe dọa mà đã lấn thêm một bước táo tợn và liều lĩnh hơn, đó là chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough bằng việc kéo gần 100 tàu thuyền các loại ra bãi cạn này “đánh dấu lãnh địa”. Hơn nữa, ngay sau đó là lệnh cấm đánh bắt cá và dự báo thời tiết trên bãi Scarborough được triển khai.
Khi đặt vấn đề việc Trung Quốc cố tình gây căng thẳng trước thềm đối thoại Shangri-la nhằm mục đích gì, đầu tiên cần khẳng định rõ: Độc chiếm biển Đông là chủ trương xuyên suốt, chiến lược dài hạn và không có gì thay đổi của Trung Quốc.
Để thực hiện được nó Trung Quốc có nhiều mánh khóe khác nhau, thông thường có thể gói gọn lại bằng hai kênh chính: Một là gây hấn, tạo sức ép hoặc chiếm quyền kiểm soát trên thực địa bằng lực lượng “có vũ trang phi quân sự” (Hải giám và Ngư chính), điều này chúng ta thấy rất rõ qua sự kiện cắt cáp tàu Bình Minh năm ngoái, chiếm quyền kiểm soát bãi Scarborough năm nay, kể cả việc tập trận của hạm đội Nam Hải trên biển Đông và kéo tàu “khủng”, dàn khoan “khủng” ra biển Đông.
Kênh thứ 2 là mặt trận ngoại giao và truyền thông (đặc biệt quan trọng) với đặc điểm nổi bật là chiến lược “bẻ từng chiếc đũa”, tức là một mặt Trung Quốc tìm mọi cách áp đặt luật chơi đàm phán tay đôi với từng bên có tranh chấp, ra sức phản đối đưa tranh chấp ra trọng tài quốc tế, mặt khác nỗ lực ngăn cản sự can thiệp của bất cứ bên thứ 3 nào vào vấn đề biển Đông.
Tàu hải giám CMS 84 của Trung Quốc đang hoạt động trên khu vực bãi cạn Scarborough thời điểm tháng 4 và 5/2012
Hiện nay, Trung Quốc đã tạo ra một đội ngũ “học giả” về biển Đông rất hùng hậu, đồng thời thành lập các trung tâm, viện nghiên cứu khác nhau thuộc nhiều ngành, nhiều lĩnh vực nghiên cứu về vấn đề biển Đông.
Những “học giả” này chuyên viết bài bình luận về chủ quyền biển Đông nhằm tuyên truyền, cụ thể hóa quan điểm độc chiếm và bất chấp mọi sự thật lịch sử, lý lẽ của các nước khác sau đó đằng tải trên các kênh truyền thông, báo chí lớn của Trung Quốc và quốc tế theo chiến lược “cả vú lấp miệng em”, “nói nhiều thành quen”.
Đỉnh điểm của chiến dịch truyền thông này là hàng loạt bài xã luận, phân tích, thậm chí bình luận phát sóng trực tiếp về chủ đề biển Đông và căng thẳng trên bãi Scarborough được đăng tải trên Tân Hoa Xã, Nhân dân nhật báo, Quân giải phóng, đài truyền hình trung ương CCTV phát sóng toàn cầu từ sau thời điểm ngày 10/4/2012 khi nổ ra căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines trên bãi cạn Scarborough đến nửa cuối tháng 5/2012.
Bài bản hơn, nhiều diễn đàn/forum trên internet về đề tài “chủ quyền”, quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông để thỏa sức tuyên truyền với những thông tin sai lệch, luận điệu hiếu chiến. (xem ví dụ điển hình)
Kênh thông tin này, một mặt mở rộng độ phủ sóng đến một nhóm đối tượng tuổi thanh niên, sinh viên học sinh mà kênh báo chí chính thống đôi khi lại khó tiếp cận, mặt khác thỏa sức tuyên truyền đủ mọi chiêu trò mà không lo phản ứng nào từ các nước liên quan khi họ bóp méo thông tin hoặc bình luận xuyên tạc, chụp mũ đối với các nước này, vì dù sao đó cũng chỉ là một “diễn đàn phi chính thống”
Hai kênh chính có thể ví như 2 gọng kìm Trung Quốc sử dụng để “kẹp chặt” biển Đông bổ sung, hỗ trợ cho nhau, và một điều dễ nhận thấy, nguyên tắc thông thường là khi nào anh chiếm ưu thế trên thực địa khi đó anh sẽ chiếm được thế thượng phong trên bàn đàm phán.
Đó là lý do và cũng là mục đích của những hành động leo thang trên biển Đông thường được Trung Quốc sử dụng trước thềm những hội nghị, diễn đàn an ninh có ảnh hưởng nhất khu vực, đó là tạo thế cho bàn đàm phán.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panettacùng đoàn hộ tống gồm có Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ Samuel Locklear, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey, Thượng nghị sĩ John McCain sẽ tham dự Đối thoại Sangri-La 2012 tại Singapore vào đầu tháng 6 tới - sự kiện này cho thấy Mỹ không chỉ nói suông khi chuyển hướng chiến lược sang khu vực châu Á - TBD
Lý do và mục đích thứ 2 của việc Trung Quốc gây căng thẳng trên biển Đông trước thềm đối thoại Shangri-la là vì, hiện tại có 2 cơ chế ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ, phản ứng của các bên liên quan đến tranh chấp biển Đông, một là các hội nghị nội khối ASEAN (Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng, thậm chí là hội nghị thượng đỉnh ASEAN), hai là diễn đàn an ninh Shangri-la quy tụ các quốc gia Đông Nam Á, đồng thời còn thu hút sự quan tâm của Mỹ và nhiều cường quốc khác.
Cơ chế thứ nhất Trung Quốc dễ gây ảnh hưởng và ít nhiều có thể thao túng được, vì chúng ta biết rằng Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất, có sức ảnh hưởng lớn nhất trong khu vực đối với các quốc gia Đông Nam Á, mặt khác trong 10 nước thì chỉ có 4 nước có tranh chấp biển Đông (Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei) trong khi các nước còn lại không có quyền lợi trực tiếp ở vùng biển này nên Trung Quốc dễ dùng ảnh hưởng của mình để  thay đổi lập trường của nội khối và từng thành viên.
Kết quả hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN lần 6 vừa rồi vẫn chưa có tiến triển nào đáng kể về một bản quy chế mang tính ràng buộc chặt chẽ hơn xung quanh ứng xử của các bên trên biển Đông được đưa ra là một minh chứng.
Trong khi đó, diễn đàn an ninh Shangri-la lại không đơn giản như vậy, Bắc Kinh dù nỗ lực đến mấy cũng khó lòng áp đặt được luật chơi trên biển Đông do mình tạo ra đối với Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia.
Do đó, gây căng thẳng trên biển Đông trước thềm diễn đàn này, một mặt có tác dụng dọa dẫm các bên liên quan có tranh chấp trực tiếp, chia rẽ ASEAN, mặt khác nhằm thử phản ứng của Mỹ và các nước khác đang muốn can thiệp, kết hợp với kênh ngoại giao – truyền thông “xù lông xù cánh” với hy vọng các nước này thấy thế mà nản, từ bỏ hoặc hạn chế can thiệp vào biển Đông.

Theo ông, sau khi Trung Quốc chiếm quyền kiểm soát bãi đá Scarborough bằng lực lượng tàu Hải giám và Ngư chính, Bắc Kinh sẽ có khả năng triển khai những hành động nào tiếp theo đối với bãi cạn Scarborough? (Trung Quốc đã bắt đầu cho dự báo thời tiết đối với khu vực bãi cạn Scarborough)

Việc đầu tiên Trung Quốc làm ngay khi chiếm quyền kiểm soát đối với bãi cạn Scarborough là lập tức gia tăng lực lượng và sự hiện diện của Trung Quốc tại khu vực này.
Người dân Philippines biểu tình chống Trung Quốc xung quanh vấn đề bãi cạn Scarborough. (ảnh tư liệu minh họa
Không phải ngẫu nhiên Trung Quốc kéo 92 tàu thuyền các loại ra Scarborough (theo báo cáo của Bộ Ngoại giao Philippines). Điều này rất quan trọng, và về lâu dài Trung Quốc có thực lực duy trì sự hiện diện của nhiều tàu thuyền trên bãi cạn Scarborough hơn là Philippines vì số lượng, quy mô, mức độ hiện đại của lực lượng “tàu công vụ” này của Bắc Kinh hơn hẳn Manila.
Thời điểm này, bên nào không chịu nổi mà rời bỏ bãi cạn Scarborough, thực tế sẽ bị coi như là nhận thua hoặc từ bỏ chủ quyền. Cũng như báo chí cũng đã đề cập, sắp tới mùa mưa bão, 1 tàu cảnh sát biển và 1 tàu thuộc Cục thủy sản Philippines đang trực ban trên khu vực bãi cạn Scarborough sẽ phải tìm nơi trú ẩn trong khi những tàu lớn của Trung Quốc có thể bám trụ ngay cả khi xảy ra mưa bão.
Thực tế về mặt truyền thông, rất nhiều học giả theo đuổi đường lối cứng rắn của Bắc Kinh cũng lên tiếng kêu gọi Trung Quốc “chơi đến cùng” với Philippines trên bãi Scarborough, điển hình như La Viện, thiếu tướng, chuyên gia phân tích tình hình biển Đông.
Việc thứ 2 Trung Quốc đã triển khai là ban hành “lệnh cấm đánh bắt cá” trên biển Đông mà trọng tâm là khu vực Scarborough để tạo cớ cho lực lượng Hải giám, Ngư chính ra tay xua đuổi, bắt bớ tàu thuyền Philippines hoặc nước khác nếu họ đến vùng biển này trong khi theo Bộ Ngoại giao Philippines chính ngư dân Trung Quốc đang ra sức vơ vét tài nguyên ở đây, bất chấp cái gọi là “lệnh cấm” của Bắc Kinh.
Tàu cá khổng lồ được giới truyền thông Trung Quốc đặt tên là "hàng không mẫu hạm" chuẩn bị được tung ra biển Đông với mục đích khai thác tài nguyên nghề cá
Ít nhất về mặt truyền thông chính thống, Bắc Kinh khẳng định hiện tại có khoảng 20 tàu cá đang hoạt động tại bãi cạn này.
Việc thứ 3, ngay sau khi chiếm quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã lập tức triển khai hoạt động dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn tại khu vực bãi Scarborough, một động thái khẳng định cái gọi là chủ quyền, đồng thời hỗ trợ ngư dân, tàu thuyền nước này hoạt động thuận lợi hơn tại khu vực họ vừa chiếm quyền kiểm soát.
Việc thứ 4, đây là một khả năng không loại trừ Trung Quốc sẽ xây dựng các cấu kiện, công trình quân sự mang tính bền vững tại bãi cạn Scarborough giống như những gì họ đã làm với Đá Vành Khăn nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam năm 1995, 1999.
Việc Trung Quốc kéo 92 tàu, trong đó có 6 tàu hàng hải công vụ hiện đại ra Scarborough có thể ít nhiều phục vụ cho mục đích đó. Tuy nhiên, Philippines đang nỗ lực kiểm soát thông tin về các hoạt động của tàu thuyền Trung Quốc tại khu vực này.

Nhiều nhà phân tích chiến lược nhận định rằng, chiến thuật đoản kỳ của Trung Quốc trong tranh chấp chủ quyền biển Đông là “mềm nắn rắn buông”, nhưng họ không bao giờ ngừng chiến lược dài hạn “Tàm thực” – tằm ăn dâu, hay nói cách khách là gặm nhấm dần biển Đông. Theo ông, chiến lược ngắn hạn và dài hạn đó của Trung Quốc trên biển Đông thời gian vừa qua có gì thay đổi hay không, khả năng diễn biến trong thời gian tới sẽ như thế nào sau khi kiểm soát được Scarborough? Trung Quốc sẽ đẩy mạnh chiến lược “tàm thực” hay duy trì hiện trạng? Tại sao?

Như đã đề cập ở phần trên, độc chiếm biển Đông là chiến lược xuyên suốt, chiến lược dài hạn của Trung Quốc.
Về mặt chiến lược cũng như cách thức mà Trung Quốc lựa chọn nhằm đạt được ý đồ ấy trong giai đoạn hiện nay theo tôi đã có sự điều chỉnh, thay đổi theo hướng đẩy mạnh chứ không còn duy trì hiện trạng.
Trong khoảng 3 đến 5 năm trở lại đây, tiềm lực kinh tế và sức mạnh quân sự Trung Quốc không ngừng gia tăng, thời kỳ “nằm im chờ thời” mà Đặng Tiểu Bình đặt ra đã sắp kết thúc để bắt đầu một thời kỳ mới “Trung Quốc trỗi dậy”.
Quan sát những động thái cũng như tuyên bố ngày càng mang tính thách thức, cứng rắn trên biển Đông sẽ thấy rất rõ điều đó: Tăng cường xây dựng các cơ sở quân sự tại Tam Á, Hải Nam, tăng mạnh trang bị cho lực lượng “công vụ có vũ trang phi quân sự” (Hải giám và Ngư chính), chuẩn bị chiến dịch tận thu, khai thác tài nguyên biển Đông bằng các tàu khủng, dàn khoan siêu cỡ…

Theo đánh giá của cá nhân ông, có hay không khả năng Trung Quốc lặp lại kịch bản đã diễn ra trên bãi cạn Scarborough đối với những bãi cạn, bãi ngầm, đảo không người và đảo có người trên Biển Đông, Biển Hoa Đông  cụ thể  đó là việc cho tàu cá Trung Quốc hoạt động mạnh tại các vùng biển tranh chấp, nếu một bên cho tàu chức năng phi quân sự ra xua đuổi, ngăn chặn (thường là cảnh sát biển hay lực lượng bảo vệ bờ biển theo cách đặt tên của từng nước), lực lượng tàu Hải giám, Ngư chính sẽ lập tức vào cuộc, và khi kiểm soát được vùng biển đó rồi thì Trung Quốc sẽ không chịu nhả mà sẽ tiếp tục có các động thái leo thang đánh dấu lãnh địa và khẳng định cái gọi lài chủ quyền? Tại sao?
Ba tàu Hải quân Nhật Bản đang có chuyến thăm tới Philippines cuối tháng 5/2012
Kịch bản Scarborough vừa qua đã diễn ra một cách khá “hoàn hảo” và đạt được hầu hết các mục đích Trung Quốc đặt ra: Chiếm quyền kiểm soát, mở rộng phạm vi xâm chiếm, tăng thực lực đồng nghĩa với tăng sức ép trên bàn đàm phán ngoại giao, thăm dò được phản ứng của các bên liên quan…
Về câu hỏi có hay không khả năng Trung Quốc lặp lại kịch bản đã diễn ra trên bãi cạn Scarborough đối với những bãi cạn, bãi ngầm, đảo không người và đảo có người trên Biển Đông, tôi nghĩ các nhà hoạch định, đánh giá chiến lược của các quốc gia có liên quan mới là những người tỉnh táo và có các đánh giá, phán đoán đầy đủ và toàn diện nhất.
Ở góc độ nhìn nhận cá nhân, tôi cho rằng hoàn toàn có khả năng Trung Quốc sẽ lặp lại kịch bản ấy, chúng ta có thể thấy ngay như Nhật Bản cũng phải vội vã vào cuộc giúp Philippines tăng cường khả năng phòng thủ, kiểm soát trên biển.
Tokyo cũng nhận thấy, kịch bản Scarborough hoàn toàn có thể lặp lại với Senkaku chứ không riêng gì biển Đông.
Tuy nhiên kịch bản ấy diễn ra nhanh hay chậm, và có “thuận” như những gì diễn ra trên Scarborough hay không phụ thuộc rất nhiều vào các hành động cụ thể của các bên liên quan cũng như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ trong thời gian tới.

Theo ông, sự hiện diện và quay trở lại của Mỹ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, khu vực biển Đông nói riêng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến cục diện giải quyết tranh chấp chủ quyền trên biển Đông? Những động thái vừa qua của quân đội Mỹ cũng như các phát biểu của chính khách Mỹ về tranh chấp biển Đông sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sách lược của Trung Quốc về biển Đông? Các bên liên quan nên ứng xử như thế nào với Mỹ và bên thứ 3 quan tâm, ủng hộ quan điểm giải quyết tranh chấp biển Đông qua đàm phán hòa bình, đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế?

Theo cá nhân tôi, sự hiện diện và quay trở lại biển Đông của Mỹ sẽ có vai trò quan trọng và tác động trực tiếp đến cục diện giải quyết tranh chấp. Vai trò của Mỹ tại biển Đông đang ngày một gia tăng sẽ là trở lực lớn nhất đối với Trung Quốc trong tiến trình thực hiện chiến lược, ý đồ độc chiếm biển Đông, đồng thời là cơ hội cho các bên còn lại nâng cao vị thế của mình trên bàn đàm phán với Trung Quốc, ngăn chặn các hành vi khiêu khích, thúc đẩy quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp theo cơ chế đàm phán hòa bình, đa phương, trọng tài quốc tế.
Sự thay đổi quan điểm của Mỹ được đánh dấu bằng phát biểu, Mỹ có lợi ích cốt lõi ở biển Đông được Ngoại trưởng Hillary Clinton đưa ra ngày 23/7/2010 tại Hà Nội. Tuy nhiên từ đó đến nay, do còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố nên sự trở lại của Mỹ mới dừng ở mức “quan điểm” chứ chưa có hành động nào cụ thể.
Một số nhà phân tích cho rằng đây cũng có thể là một phần lý do khiến Trung Quốc trở nên liều lĩnh hơn trên biển Đông. Tuy nhiên khi chứng kiến những lợi ích chiến lược của mình tại biển Đông và châu Á Thái Bình Dương đang bị đe dọa bởi sự “trỗi dậy” của Trung Quốc, Mỹ đã bắt đầu có những hành động thực tế.
Cụ thể là việc tàu ngầm tấn công USS North Carolina bất ngờ nổi lên tại cảng Subic gần Scarborough trong lúc căng thẳng Trung Quốc – Philippines tăng cao có thể coi như một thông điệp cứng rắn từ Mỹ.
Ngoài ra, năm nay Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ cho Philippines, bán tàu chiến cho Philippines. Đặc biệt, sự có mặt và hối thúc Thượng viện Mỹ thông qua việc Mỹ phê chuẩn Công ước biển Liên Hợp Quốc của Ngoại trưởng, Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch hội đồng tham mưu liên quân Mỹ trong phiên điều trần vừa qua tại Ủy ban đối ngoại Thượng viện, cùng phát biểu của Thượng nghị sĩ John McCain “không thể để Trung Quốc muốn làm gì thì làm trên biển Đông” đã cho thấy, người Mỹ không nói đùa.
Trong bối cảnh đó, các bên có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông cần tranh thủ thực tế này để nâng cao vai trò, vị thế của mình trên bàn đàm phán, kiên trì nguyên tắc đàm phán hòa bình, đa phương, thông qua trọng tài quốc tế, đoàn kết các bên, tận dụng tối đa sự hỗ trợ từ bên ngoài, nhất là Mỹ, Nhật Bản và các nước có mối quan tâm cũng như chung quan điểm giải quyết tranh chấp biển Đông qua đàm phán đa phương và trọng tài quốc tế. Theo tôi, cụ thể có mấy việc các bên liên quan cần làm:
Cái Trung Quốc sợ nhất là đưa tranh chấp ra tòa án quốc tế vì họ chẳng có bằng chứng gì thực tế và thuyết phục để khẳng định đòi hỏi chủ quyền của họ trên biển Đông thì các bên liên quan nên tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ để dấy lên sự quan tâm của công luận quốc tế đối với vấn đề biển Đông.
Về mặt đối ngoại – truyền thông, hiện nay Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch truyền thông “đông át thưa”, nói nhiều thành quen và tổ chức một cách quy mô, bài bản, hệ thống nhằm áp đảo truyền thông đối phương. Các nước có tranh chấp cần thấy rõ điều này, để một mặt vạch rõ chiêu trò truyền thông đánh lận con đen của Trung Quốc, mặt khác phải đẩy mạnh tuyên truyền về chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải đến người dân cũng như công luận thế giới, cụ thể ở đây là các kênh truyền thông đa ngôn ngữ (điều này Trung Quốc đang làm rất tốt).
Đưa chủ quyền biển đảo vào nội dung giáo dục ý thức cũng như kiến thức về chủ quyền lãnh thổ, kể cả giáo dục nhà trường qua sách giáo khoa cũng như giáo dục xã hội thông qua báo chí, truyền thông, kịp thời phân tích những âm mưu, ý đồ, toan tính độc chiếm biển Đông, xâm phạm lãnh hải.
Tìm kiếm, xây dựng và thúc đẩy các ý tưởng hợp tác đa phương; Phát huy tinh thần hòa hiếu, yêu chuộng hòa bình, luôn muốn là bạn, là đối tác vốn là truyền thống tốt đẹp ngàn đời của dân tộc Việt. Bên cạnh đó, cần dần dần nâng cao năng lực phòng thủ, luôn luôn cảnh giác trước mọi hoạt động của các thế lực hiếu chiến và các diễn biến phức tạp trên biển Đông; Củng cố, hoàn thiện chiến lược biển, tạo nền tảng và căn cứ pháp lý vững chắc; Xây dựng đội ngũ chuyên gia, trung tâm nghiên cứu các vấn đề chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông, đặc biệt là chuyên gia về Luật Công ước biển Liên Hợp Quốc.

Xin cảm ơn ông!

* Những ý kiến, tuyên bố, phân tích, nhìn nhận của các quan chức, chuyên gia, dư luận quốc tế trước, trong và sau khi diễn ra Diễn đàn đối thoại an ninh Sangri-La 2012 (từ 1 - 3/6/2012) sẽ được báo GDVN tiếp tục truyền tải đến bạn đọc.