Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012

Phong cách xử sự của Hoàng đế Quang Trung

- Nhắc đến Quang Trung - Nguyễn Huệ, chúng ta thường hình dung đó là một con người quyết đoán, cứng rắn, với tài cầm quân xuất quỷ nhập thần, bách chiến, bách thắng. Một người như thế chắc tính tình phải khắc kỷ, khô khan, cứng nhắc...
Vua Quang Trung.
Vua Quang Trung.
Thế nhưng, trong cuộc sống đời thường, ông lại rất vui vẻ, dí dỏm, có tài pha trò với những lời đối đáp rất thông minh, sắc sảo, chứng tỏ một trí tuệ mẫn tiệp xuất chúng. Ngay cả khi không vừa lòng thuộc cấp, ông vẫn chọn được cách nhắc nhở tế nhị nhất, thấm thía nhất, mà không hề "đao to búa lớn".

Sử chép, sau khi chiếm được Phú Xuân, Nguyễn Hữu Chỉnh vì nóng lòng muốn Nguyễn Huệ đánh ra Bắc Hà để Chỉnh được cơ hội báo thù riêng, nên có nói: "Người tài Bắc Hà chỉ có một Chỉnh này thôi. Nay tôi đã đi rồi, ấy là cái nước rỗng không, xin ngài chớ nghi ngại".


Nguyễn Huệ mới đùa rằng: "Không nghi ngại người nào khác, chẳng hóa ra chỉ có ông là đáng nghi ngại thôi ư?" (Hoàng Lê nhất thống chí - HLNTC).


Nguyễn Huệ nói đùa bẻ lại rất nhẹ nhàng, nhưng thực chất là "nhắc khéo" Chỉnh, "uốn nắn" Chỉnh chớ nên kiêu căng "mục hạ vô nhân", đến nỗi một kẻ vốn gian hùng như Nguyễn Hữu Chỉnh cũng phải "tái mặt" và cố sức thanh minh vì sự lỡ lời của mình.


Lại chuyện khác. Nguyễn Hữu Chỉnh vì muốn lấy lòng Nguyễn Huệ, nên đã "bịa" ra việc vua Lê muốn gả một nàng công chúa cho Nguyễn Huệ. Một việc vốn rất nghiêm túc và cũng "đúng ý" Nguyễn Huệ, nên ông mới đùa rằng: "Vì dẹp loạn mà ra, để rồi lấy vợ mà về, bọn trẻ nó cười cho thì sao (năm ấy Nguyễn Huệ đã 33 tuổi). Tuy nhiên, ta mới quen gái Nam Hà chứ chưa biết gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt không" (HLNTC). Mọi người xung quanh đều cười ầm. Một lời nói đùa mà chủ tướng và quân sĩ dưới quyền xích lại gần nhau, tưởng chừng như không còn khoảng cách!


Thực ra, không phải Nguyễn Huệ có ý "thử xem con gái Bắc Hà có tốt không", mà thực chất cuộc hôn nhân này lúc đầu cả hai bên đều có ý đồ chính trị. Nguyễn Huệ nói đùa để che giấu ý đồ mà thôi. Vua Lê muốn thông qua cuộc hôn nhân để ràng buộc Nguyễn Huệ trong vai trò chàng rể, để ông càng cố công giúp rập triều đình vốn đang rất rối ren. Ngược lại, Nguyễn Huệ cũng muốn thông qua việc làm rể để tìm hiểu nội bộ Hoàng tộc nhà Lê.


Tất nhiên, sau này, khi đã thành vợ thành chồng, anh hùng và giai nhân ý hợp tâm đầu, mối tình Nguyễn Huệ - Ngọc Hân mới trở thành mối tình tuyệt đẹp trong sử sách. Vì vậy, sáu ngày sau hôn lễ, vua Lê Hiển Tông chết, hoàng tộc đưa Lê Duy Kỳ (tức Chiêu Thống) lên nối ngôi, Nguyễn Huệ kiên quyết không chấp nhận, vì ông biết được nhân cách Lê Chiêu Thống qua vợ mình. Sau này, khi Chiêu Thống bán nước, rước hơn 20 vạn quân Thanh vào nước ta, càng thấy Nguyễn Huệ - Ngọc Hân thật là sáng suốt.


Ngay như việc phê đơn (ngự phê) Nguyễn Huệ cũng có cách xử sự rất độc đáo. Giai thoại Thăng Long kể: Năm 1786, Nguyễn Huệ ra Bắc đánh họ Trịnh. Khi quân đánh vào Văn Miếu, có làm đổ một số bia tiến sĩ. Đến năm 1789 sau đại thắng quân Thanh, khi Nguyễn Huệ đã lên làm vua, nhân dân quanh Văn Miếu có làm đơn lên ông, đề đạt nguyện vọng khôi phục lại các di tích bị đổ nát. Trong đơn mà các nhà nho làm hộ nhân dân, dám gọi nhà vua bằng Ngài. Quang Trung đã phê: "Ta không trách các nông phu/Ta chỉ gớm các thầy nho/Cả gan to mật, dám kêu vua bằng ngài" (thời ấy thần dân phải gọi vua bằng bệ hạ. Gọi vua bằng ngài là khi quân, trong trường hợp khác có thể quy tội rất nặng). Sau đó ông viết tiếp: "Mai sau dọn lại nước nhà/Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian".


Qua sự kiện này, giữa nhà vua và dân chúng hầu như không còn khoảng cách. Đó là nhờ sự giản dị, phục thiện, tính cách bình dân ở ông mà rất hiếm vị vua chúa có được.

(còn tiếp)

Phan Duy Kha