Thứ Sáu, 4 tháng 5, 2012

Biển Đông căng thẳng, phương Tây không thể đứng ngoài

VietnamDefence - Học giả Pháp bàn luận về vai trò của sức mạnh hải quân ở Biển Đông.
VietnamDefence: Giáo sư lịch sử quan hệ quốc tế Đại học Paris I Robert Frank và Phó giáo sư Đại học tổng hợp Lille  III Jean de Préneuf trả lời các câu hỏi của tờ Le Monde.

Le Monde:
Hiện tại, ở châu Á đang phát sinh các nguồn căng thẳng ngày càng mới giữa các cường quốc biển. Tình hình có thể căng thẳng lên không?
Jean de Préneuf:
Quan hệ của Trung Quốc với các nước lân bang đang gây ra sự lo ngại nhất định: Bắc Kinh đang tiến hành hiện đại hóa quy mô lớn hạm đội của mình để củng có vị thế đứng đầu trong khu vực. Còn các nước láng giềng của họ thì không muốn khoanh tay đứng nhìn, dù điều đó có liên hệ đến hạm đội tàu ngầm hay hạm đội mặt nước. Tất cả những chuyện này giống như cuộc chạy đua vũ trang trên biển ở châu Âu trước năm 1914. Không được quên rằng, những nhục nhã trên biển mà Trung Quốc đã phải chịu đựng trong cuộc chiến tranh đầu tiên với Nhật Bản năm 1894-1895 đến nay họ vẫn chưa quên.
Trong cuộc chạy đua thế giới tranh giành tài nguyên thiên nhiên, miếng bánh đại dương hôm nay phải  được giành cho cả các quốc gia đang phát triển chủ chốt. Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc và Hàn Quốc – tất cả họ đều đang xây dựng cho mình hạm đội hiện đại và đông đúc. Sau khi kết thúc chiến tranh lạnh, người ta từng nghĩ rằng, các cuộc xung đột lớn trên biển đã đi vào quá khứ, tuy nhiên không thể khẳng định chắc chắn điều gì giống như vậy. 20 năm nay, hải quân Ấn Độ và Trung Quốc tranh giành quyền kiểm soát các tuyến đường đến Cận Đông.

Robert Frank: Ngày nay chúng ta đang thấy có sự gia tăng số lượng các đấu thủ, điều gợi nhớ đến cuộc chạy đua vũ trang giữa Đức và Anh vào cuối thế kỷ XIX. Hiện tại, giữa Ấn Độ và Trung Quốc đang tồn tại sự bất đối xứng nhất định. Ấn Độ vẫn chưa thể tự giải thoát khỏi những ký ức thất bại trước Trung Quốc vào năm 1962. Vấn đề Biển Đông hoàn toàn có thể là một trường hợp điển hình. Bắc Kinh chắc chắn toan tính tiến xa hết mức chừng nào có thể mà không gây ra chiến tranh. Mặc dù, dĩ nhiên là điều đó tiềm ẩn đầy những sự cố nguy hiểm. Trong trường hợp leo thang căng thẳng, phương Tây đơn giản là không thể khoanh tay đứng nhìn. Các nước lớn dễ dàng hơn trong việc thỏa thuận với nhau về một giải pháp.
Nguy hiểm xuất phát từ cuộc chạy đua vũ trang giữa các nước nhỏ, các nước trung bình, cũng như giữa các nước nhỏ, trung bình và lớn. Những tình huống khó tiên liệu - đó là sự tính toán sai mà Tổng thống Argentina Galtieri mắc phải đối với Thatcher năm 1982, Saddam Hussein đối với George Bush năm 1990 và Gruzia đối với nước Nga của Putin năm 2008. Ngoài ra, ngày nay đang nảy sinh những vấn đề mới liên quan đến sự xuất hiện trên biển của các đấu thủ phi nhà nước như các tổ chức phi chính phủ. Chúng ta nhìn thấy điều đó ở trường hợp đấu tranh chống ngành săn bắt cá voi và những sự cố mới đây giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel.

Sức mạnh hải quân vẫn là lập luận tốt để răn đe chiến tranh và bảo vệ lợi ích quốc gia
- Các cuộc hải chiến truyền thống bây giờ ít có khả năng xảy ra?
Jean de Préneuf: Kể từ thời điểm kết thúc hai cuộc thế chiến, không còn xảy ra một trận chiến trên biển quy mô lớn nào nữa. Tuy nhiên, chiến tranh lạnh đã dẫn tới sự xuất hiện đối đầu toàn cầu trên biển, vốn là sự tiếp diễn của logic các trận chiến ở Đại Tây Dương và các chiến dịch đổ bộ lớn.
Vì thế, năm 1945 không hề đặt dấu chấm hết cho các cuộc chiến tranh có sử dụng hải quân. Danh sách có được khá dài: Triều Tiên từ năm 1950-1953, kênh đào Suez năm 1956, Việt Nam từ năm 1965-1973, Falklands (Malvinas) năm 1982, Kosovo năm 1999 và cho đến tận Libya năm 2011. Thậm chí trong các cuộc xung đột cơ bản khai diễn trên không và mặt đất thì luôn có chỗ cho hạm đội: điều đó đã xảy ra trong các cuộc xung đột Ấn Độ-Pakistan năm 1965 và 1971, trong cuộc chiến Vùng Vịnh năm 1990-1991, ở Afghanistan từ năm 2001, ở Li-băng năm 2006.

Điều đó cũng liên quan cả đến các tình huống khủng hoảng. Ví dụ, trong chiến dịch Praying Mantis ngày 14/4/1988 toàn bộ một hạm đội Iran đã bị tiêu diệt để đáp lại việc Tehran phong tỏa vịnh Persique. Nó đã cho thấy rằng, biển vấn là không gian xung đột với sự tham gia của các nước thứ ba kể cả khi nó họ không phải là các bên tham chiến trực tiếp. Ngoài ra, toàn bộ cuộc chiến tranh Iran-Iraq từ năm 1980-1988 nhắc nhở chúng ta rằng, các cường quốc hạng hai có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho các hạm đội lớn bằng các phương tiện phi đối xứng, trong số đó trước hết là thủy lôi.

Robert Frank:
Ở Cận đông, vấn đề eo biển Hormuz liên quan không chỉ đến triển vọng một trận hải chiến lớn bởi để làm việc đó lực lượng của các hạm đội cần phải gần tương đương nhau. Tuy nhiên, quyền kiểm soát đối với huyết mạch sống còn này cũng đang được giải quyết cả trên biển bởi vì Iran đã rút ra các bài học của những năm 1980 và đã hiện đại hóa không chỉ hạm đội của họ mà cả vũ khí chống hạm triển khai trên bộ.
Ở Tây Phi, hạm đội đóng vai trò trung tâm trong đấu tranh chống cướp biển, tuy nhiên trong trường hợp này, chúng ta lại không thể nói đến các trận hải chiến quy mô lớn. Liên quan đến Thái Bình Dương và Đông Á, mặc dù Trung Quốc đã tăng cường sức mạnh quân sự, cần tính đến việc họ còn có những lá bài khác để khẳng định vị thế đứng đầu trong khu vực. Nếu như nói về triển vọng gia tăng căng thẳng, nguy cơ chủ yếu xuất phát từ quan hệ của Trung Quốc với các quốc gia láng giềng nhỏ. Trong vấn đề quần đảo Hoàng Sa hay Trường Sa, không thể loại trừ kịch bản đó.

Jean de Préneuf:
Việc triển khai tàu chiến hiện nay xung quanh vịnh Persique khiến người ta nhớ lại các cuộc điều động binh lực của Mỹ năm 1988, tháng 1/1980 trong cuộc khủng hoảng con tin hay năm 1971 trong cuộc chiến Ấn Độ-Pakistan. Từ góc độ chính thị, có thể nói đến “ngoại giao 80.000 tấn” mà tàu sân bay Mỹ đại diện. Pháp cũng đã hành động tương tự trong chiến dịch Prométhée năm 1988 trong cuộc chiến Iran-Iraq. Việc phái một cụm tàu sân bay là yếu tố quyết định để bảo đảm an ninh cho vận chuyển dầu mỏ, lẫn để gây áp lực với Tehran trong đàm phán về các vấn đề người tị nạn và chương trình hạt nhân.
Robert Frank:
Lịch sử đã biết đến những trường hợp, khi mà hạm đội của một nước đang phát triển đã chiến thắng một cường quốc hải quân: năm 1905, hạm đội Nhật Bản (gồm chủ yếu là các tàu chiến Anh) đã đánh tan lực lượng hải quân của đế quốc Nga trong trận hải chiến Đối Mã (Tsushima). Tình hình hiện nay khác với thế kỷ XIX ở chỗ các đấu thủ mới có vũ khí hạt nhân: trong cuộc đối kháng giữa họ, sự kiềm chế có thể có tác dụng. Ví dụ, trước năm 1914, cuộc chạy đua vũ trang giữa các cường quốc châu Âu mang tính kiềm chế và không hoàn toàn hướng đến chiến tranh. Tuy nhiên, các đế quốc ốm yếu Nga và Áo-Hung đã có thể chấp nhận rủi ro chiến tranh bởi vì họ định bằng cách đó giải quyết các vấn đề nội bộ. Các cường quốc mới trong kỷ nguyên không hạt nhân không thể cho phép mình sự xa xỉ đó.
Ngày nay, hạm đội có thể là công cụ kiềm chế hiệu quả và đồng thời không phải là nguyên nhân làm tình hình thêm căng thẳng. Ngoài ra, ngày nay, ở mức độ lớn hơn nhiều so với hôm qua, nó là công cụ kiến tạo hòa bình và phương tiện ngăn ngừa xung đột. Toàn cầu hóa dẫn đến sự gia tăng tầm quan trọng của hạm đội. Vai trò của nó là bảo đảm an ninh trên các tuyến giao thông và bằng sự hiện diện của mình ngăn chặn những điều khó chịu có thể xảy ra trong tương lai. Ngoài ra, đây còn là công cụ phô trương sức mạnh, có thể làm chức năng kiểm chế. Khi một tàu sân bay xuất hiện gần bờ biển, người ta buộc phải tính toán đến điều đó.

- Vấn đề chủ quền ngày nay đang đặt ra với sự gay gắt mới: tất cả những điều này liệu có dẫn tới một cuộc đấu tranh điên rồ để giành giật đại dương và phân chia các vùng biển không?
Jean de Préneuf:
Vấn đề chủ quyền liên quan trước hết đến các tài nguyên biển. Cần nhớ rằng, năm 1904, vấn đề hóc búa nhất trong đàm phán giữa Pháp và Anh là Newfoundland và cụ thể là quyền đánh bắt cá. Ngày nay, sự gia tăng căng thẳng ở quần đào Falklands (Malvinas), nơi mới đây phát hiện ra tài nguyên dầu lửa, đang diễn ra đúng theo sơ đồ từng xảy ra giai đoạn từ 1976-1982.
Trước đó, mỗi bên đều đã tìm cách giành ưu thế trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của mình đã được xác định theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982. Ngày nay, tầm nhìn toàn cầu bắt đầu thắng thế. Việc phân chia lãnh thổ trên không gian biển ngày càng dịch chuyển theo hướng quy mô đại dương.

Tình hình ở Đông Nam Á và Biển Đông tất yếu liên quan đến việc phân chia tài nguyên biển. Ngoài ra, băng hà tan chảy ở Bắc Cực cũng đang dẫn đến sự gia tăng căng thẳng khu vực. Đó là chuyện làm sao giành lấy quyền kiểm soát tuyến đường biển mà trong tương lai có thể trở thành một trong những tuyến giao thương then chốt và khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong khu vực. 

- Một số nước chắc chắn dựa vào máy bay và tên lửa chứ không phải hạm đội. Cần có các phương tiện nào để duy trì sức mạnh quân sự?
Jean de Préneuf:
Cán cân giữa hải quân và không quân luôn luân phiên thay đổi tùy thuộc vào mốt và những khunh hướng ưa thích kỹ thuật nào đó, hơn nữa nhiều khi là hy sinh yếu tố hiệu quả. Những dao động này là sự phản ánh sự cạnh tranh giữa các quân chủng trong việc bảo đảm an ninh ở cự ly xa và với chi phí nhỏ nhất. Chẳng hạn, vào cuối thế kỷ XIX, ở Anh người ta tin rằng, hạm đội là câu trả lời cho mọi vấn đề.
Trong giai đoạn giữa hai cuộc thế chiến, Anh lại ưu tiên không quân, lực lượng mà người ta cho là sẽ ngăn ngừa sự tái xuất hiện mối đe dọa trên lục địa và bảo đảm trật tự trong đế quốc.

Ngày nay, người ta thường cho rằng, hạm đội hải quân toàn cầu là rất tốn kém. Tuy nhiên, điều chủ yếu là tìm ra điểm giữa tối ưu giữa hai thái cực. Vấn đề là ở chỗ, đóng vai trò lớn ở đây không chỉ là khả năng phô diễn sức mạnh của mình ở tầm xa, mà còn thực hiện chính sách hiện diện vốn giúp giải quyết mềm các cuộc xung đột.

Cần lưu ý rằng, ngày nay, khả năng quân sự của Bắc Kinh được cân đối rất tốt, trong khi trước đó hạm đội của họ về mặt cơ cấu là bộ phận yếu nhất quân đội, bởi vì nguồn gốc các mối đe dọa trước hết là ở trên bộ. Điều đó cũng đúng với cả Ấn Độ. Về khả năng chiến lược, cả hai nước đều chọn xây dựng quân đội đa dạng hóa mà trong cơ cấu của nó có cả các tàu ngầm.

Robert Frank:
Ở châu Âu, hạm đội tương ứng với địa vị thứ bậc của các cường quốc. Chẳng hạn, nước Đức là cường quốc hạng trung, mặc dù trong EU, họ vẫn mạnh hơn Pháp và Anh. Trong khi đó, khác với Đức, cả hai quốc gia Pháp và Anh lại là cường quốc “thế giới” và các hạm đội của họ hậu thuẫn cho trậ tự đó. Tuy nhiên, các hạm đội ở châu Âu đang đi đến giới hạn của mình. Hiện tại, các xu hướng chính là thiết lập các hiệp định đối tác và chia xẻ chủ quyền.
Jean de Préneuf:
Vấn đề tiền bạc cũng có liên quan đến tương lai. Một số chỉ muốn hạn chế ở mức sở hữu vũ khí hạt nhân. Số khác lại đề xuất dựa tất vào không quân dựa trên ưu thế công nghệ của mình. Những giải pháp như thế sẽ cho phép bảo vệ chủ quyền ở tầm xa và với chi phí ít hơn. Tuy nhiên, các nước đang phát triển mạnh nhất và các quốc gia phương Tây lớn nhất không ủng hộ tính toán đó. Họ đang cố cân bằng các kho quân bị của mình cùng lúc từ hai quan điểm: tìm ra sự cân bằng giữa các lực lượng vũ trụ, không quân, lục quân và hải quân, cũng như cố xây dựng hạm đội cân đối gồm tàu chiến mặt nước, tàu ngầm và máy bay.
- Vấn đề này được giải quyết ra sao ở Pháp?
Jean de Préneuf:
Vào cái ngày Pháp từ bỏ các kế hoạch đại dương toàn cầu của mình, cũng là khi Pháp ký nhận là nước này đồng ý với vai trò cường quốc hạng hai, không có khả năng bảo vệ lợi ích của mình trên thế giới khi cần. Vì lý do đó, thậm chí sau những thất bại năm 1871 và 1945, Pháp cũng đã không cắt giảm quá 30% chi phí cho hạm đội. Hơn nữa, sự cắt giảm đó luôn chỉ là hiện tượng tạm thời, kéo dài không quá 5-6 năm.
Không nên quên rằng, sự phổ biến vũ khí trang bị hiện đại là một hiện tượng có từ lâu mà việc xem nhẹ nó đã nhiều lần buộc các nước phương Tây trả giá đắt, hơn nữa tất cả đã bắt đầu từ thế kỷ XIX. Năm 1885, trong chiến tranh Pháp-Thanh, các tàu Pháp được đóng trong hoàn cảnh tiết kiệm dành cho các chiến dịch xa xôi ở các thuộc địa đã thua kém về uy lực và tốc độ so với các tàu tuần dương của nhà Thanh do Đức đóng mà theo kế hoạch của bộ chỉ huy Pháp đó lại là mục tiêu mà các tàu Pháp phải truy kích!
 
Nguồn: L'Occident serait concerné en cas d'escalade militaire en mer de Chine du Sud / Nathalie Guibert // Le Monde, 26.4.12; Inosmi, MP, 30.04.12.