(Dân Việt) - Tôi sẽ sang Mỹ và thuyết phục giới chức trách, các nhà nghiên cứu, một số trường đại học đưa tài liệu Hoàng Sa và Trường Sa vào giảng dạy, phổ biến - TS sử học Nguyễn Nhã cho biết.
“Dịp 30.4 năm nay, tôi sẽ sang Mỹ và thuyết
phục giới chức trách, các nhà nghiên cứu, một số trường đại học đưa tài
liệu Hoàng Sa và Trường Sa vào giảng dạy, phổ biến. Đây là công việc mà
tôi đang cố gắng thực hiện nhằm góp tiếng nói bảo vệ chủ quyền thiêng
liêng của Tổ quốc” - TS sử học Nguyễn Nhã nói khi trao đổi với phóng
viên NTNN.
Thưa TS, vì sao ông lại chọn sang Mỹ nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn
toàn miền Nam và thống nhất đất nước để tuyên truyền về việc xác lập chủ
quyền tại Hoàng Sa, Trường Sa?
- Tôi
nghĩ rằng, tuyên truyền về Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là việc phải
thực hiện thường xuyên. Cá nhân tôi đã dành cả cuộc đời này để nghiên
cứu, tìm hiểu về Hoàng Sa nhưng giới thiệu về Hoàng Sa vào dịp này lại
có ý nghĩa hoàn toàn khác. Bởi đây chính là thời điểm chúng ta nói nhiều
nhất về lòng yêu nước, về ý chí quật cường của dân tộc.
TS Nguyễn Nhã với một góc “Hoàng Sa và Trường Sa” tại nhà riêng.
|
Tháng
1.2003, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Trường Đại học KHXH
& NV TP. Hồ Chí Minh với đề tài "Quá trình xác lập chủ quyền của
Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa". Luận án của tôi đề cập quá
trình xác lập chủ quyền từ đầu thế kỷ XVII và đến năm 1816 đội dân binh
Hoàng Sa, đội Bắc Hải đã được Nhà nước cử ra Hoàng Sa để khai thác sản
vật. Rồi từ năm 1816, thủy quân triều Nguyễn đã được lệnh với sự hỗ trợ
của dân binh Hoàng Sa đi xác lập chủ quyền chính thức, tức là cắm cột
mốc, dựng bia chủ quyền tại Hoàng Sa.
Với
luận án tiến sĩ này, tôi nghĩ mình đã góp thêm một tiếng nói về học
thuật để khẳng định Hoàng Sa là một phần máu thịt của Việt Nam. Cá nhân
tôi nghĩ rằng, luận án về Hoàng Sa, Trường Sa của tôi đáng để cho nhân
dân trong và ngoài nước biết đến.
Vì sao
ông không quảng bá tài liệu Hoàng Sa và Trường Sa ở một đất nước khác mà
lại là ở Mỹ? Việc quảng bá này sẽ như thế nào, thưa ông?
-
Năm 2011, tôi đã sang Mỹ để gửi tài liệu về Hoàng Sa và Trường Sa cho
Hội Địa lý Mỹ, Văn phòng Quốc hội Mỹ, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Mỹ
để họ cùng tham khảo. Còn lần này, trong quãng gần 2 tháng ở Mỹ, tôi sẽ
dành thời gian hoàn chỉnh bản tư liệu 500 trang viết bằng tiếng Anh về
Hoàng Sa và Trường Sa, trong đó có cập nhật thêm tư liệu của quân đội Mỹ
ở Thái Bình Dương. Năm 1960, tài liệu của quân đội Mỹ có ghi rất rõ là
năm 1816, Hoàng Sa và Trường Sa chính thức sáp nhập vào Việt Nam.
Hoàn
thiện xong bản tài liệu này, tôi sẽ đến các thư viện, trường đại học ở
Mỹ để chứng minh chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam tại Hoàng Sa.
Việc chọn nước Mỹ do tại đây có nhiều trường đại học giảng dạy môn Á
Châu, có nhiều sinh viên Trung Quốc đang làm nghiên cứu sinh về vấn đề
Biển Đông. Để cho các nghiên cứu sinh tiếp cận tài liệu này, tôi nghĩ họ
sẽ có những thay đổi quan điểm, nhận thức về chủ quyền của Việt Nam.
Ngoài Mỹ, tôi còn mong ước đưa Trường Sa và Hoàng Sa vào giảng đường,
trường học ở Việt Nam.
Cần ưu tiên kinh tế tri thức
Không
phải bây giờ ông mới đề cập nhiều đến Hoàng Sa và Trường Sa mà vào năm
1975, ông cũng đã tổ chức triển lãm về chủ quyền biển đảo của đất nước.
Như vậy, 1975 phải là năm vô cùng đặc biệt với riêng cá nhân ông? Cảm
xúc của ông vào thời khắc 30.4.1975 như thế nào?
-Năm
1975, lúc đó tôi đang giảng dạy môn sử tại Trường Đại học?Sư phạm Sài
Gòn và làm chủ bút Tập san Sử Địa thì được chứng kiến thời khắc quan
trọng của lịch sử dân tộc. Thời điểm này tôi cũng đang tổ chức triển lãm
trưng bày chủ quyền của Việt Nam với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hoàng Sa là đề tài tôi có thể đeo đuổi suốt đời; còn giải phóng là sự
kiện cả đời tôi mới được chứng kiến.
“Tôi
cho rằng, đất nước ta có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đầy những
thách thức. Đất nước muốn phát triển thì mỗi người dân phải nỗ lực và tự
tin ở mình. Nếu tin ở mình sẽ không ngại điều gì cả”.
TS Nguyễn Nhã
Tôi
là nhà sử học nên càng phải có trách nhiệm ghi lại sự kiện này. Nghĩ
vậy, tôi đã đi khắp ngõ ngách Sài Gòn để ghi âm lại những diễn biến
chính của thời khắc quan trọng của lịch sử, bắt đầu từ 11 giờ ngày
30.4.1975. Năm 2005 tôi có chuyển cuốn băng này cho Đài Truyền hình TP.
Hồ Chí Minh phát nhân Kỷ niệm 30 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam,
thống nhất đất nước.
Còn nói về cảm xúc thời
điểm đó thì tôi cũng như triệu triệu người Việt Nam khác là chỉ biết đổ
xuống đường ăn mừng thành phố được giải phóng, đất nước được thống nhất.
Lúc đó, ai ai cũng tin vào tương lai mới, một vận hội mới của thành
phố. Tuy nhiên, hiện nay nói thật TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa đáp ứng kỳ
vọng của người dân. TP. Hồ Chí Minh vẫn tiến lên phía trước nhưng tiến ở
mức độ vừa phải thôi. Nếu so với các thành phố trong khu vực thì thấy
rõ chúng ta đang tụt hậu, thua kém.
Trước năm 1975, Sài Gòn được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông, các thành
phố khác trong khu vực như Bangkok, Kuala Lumpur… đều xếp sau rất xa.
Đến nay, TP. Hồ Chí Minh không còn vị thế đó nữa. Cần phải làm gì để TP.
Hồ Chí Minh có một tương lai, vị thế xứng tầm?
-
Nhìn một cách công bằng, TP. Hồ Chí Minh còn thua kém họ về kinh tế, về
chỉnh trang đô thị nhưng về sự ổn định chính trị lại nổi bật hơn rất
nhiều. Cái nào cũng có 2 mặt của nó, được cái này sẽ mất cái kia thôi.
Riêng về kinh tế, việc chúng ta thua kém có nguyên nhân sâu xa là do con
người.
Người Nhật Bản không bao giờ coi đất
nước họ giàu về tài nguyên, rừng vàng biển bạc mà họ luôn coi tài nguyên
của mình chính là con người. Với tư duy đó, họ sử dụng con người linh
hoạt theo hướng rất trọng dụng người tài. Nhiều nước khác cũng theo xu
hướng này. Còn người Việt ta thời chiến tranh thì quá ư bản lĩnh, trung
kiên nhưng thời bình làm kinh tế vẫn còn hạn chế lắm. Nhiều người vẫn còn tâm lý tiểu nông, tiêu dùng còn hoang phí, thường thoả mãn với bản thân...
Tôi
nói thế không phải vơ đũa cả nắm nhưng đúng là đang có thực tế đó và
nếu không sớm nhận ra, không điểm mặt chỉ tên “người Việt xấu xí” thì
thành phố này, đất nước này vẫn sẽ còn có những rào cản, ít nhất là về
nguồn lực con người...
Bài học về ý chí thống nhất
Vậy
ông nghĩ gì khi gần đây trên tờ báo Time của Mỹ đã tái khẳng định rằng:
Nói đến TP. Hồ Chí Minh là nói đến sự năng động trong phát triển kinh
tế?
- Họ nói thế cũng có cơ sở. Nhiều
chuyên gia kinh tế của thế giới đến TP. Hồ Chí Minh đều thán phục về sự
đa dạng, năng động của thành phố. Nhưng nói gì thì nói, thành phố của
chúng ta vẫn còn nhiều yếu kém. TP. Hồ Chí Minh muốn phát triển cần có
những cởi trói về cơ chế, trọng dụng người tài, đặc biệt phải sử dụng
cho được những trí thức đang ở nước ngoài muốn góp sức. TP. Hồ Chí Minh
phải là nơi hội tụ trí thức tốt nhất nước, phải phát triển trên nền tảng
trí thức thì mới bứt phá được.
Việc sử dụng
tri thức, tôi thấy TP. Hồ Chí Minh nói riêng và nhiều địa phương khác
mới chỉ dừng lại ở chủ trương mà thôi. Việc mời những chuyên gia có
chuyên môn cao, các tri thức Việt kiều về hiến kế xây dựng thành phố,
chúng ta làm chưa tốt. Vấn đề ở đây là gì? Tôi nghĩ đó do tâm lý của
người đứng đầu. Ở đâu đó vẫn có kẻ sợ người tài, ngại trí thức, tư duy
này cần phải có những thay đổi căn bản.
TS
Nguyễn Nhã sinh năm 1940 tại Ninh Bình. Năm 1966, ông là Chủ nhiệm kiêm
chủ bút Tập san Sử Địa, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Năm 1975, ông xuất bản
Đặc khảo Hoàng Sa và tổ chức triển lãm trưng bày chủ quyền của Việt Nam
với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Năm 2003, ông bảo vệ thành công luận
án tiến sĩ với đề tài: Quá trình xác lập chủ quyền của Việt Nam tại quần
đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Cả nước
đang chào mừng 37 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất
nước. Bây giờ nghiền ngẫm lại, theo ông những bài học nào của Chiến
thắng 30.4 đang được phát huy trong thời kỳ hội nhập với thế giới hiện
nay?
- Sự kiện 30.4 để lại cho chúng ta
nhiều bài học, trong đó tôi đánh giá cao nhất là bài học về ý chí thống
nhất. Trong bối cảnh hiện nay, thống nhất để tạo sức mạnh là điều càng
phải hết sức quan tâm. Sự thống nhất không chỉ là thống nhất về lãnh
thổ, địa lý mà còn là sự thống nhất về ý chí của mọi tầng lớp nhân dân..
Hiện
chúng ta có hàng triệu người Việt ở nước ngoài, nếu biết thống nhất họ,
huy động họ thì chúng ta có thêm nhiều sức mạnh. Ở trong nước cũng phải
tạo được sự thống nhất. Chẳng hạn khi bàn về chủ quyền Hoàng Sa thì
phải làm sao có sự thống nhất của mỗi người dân, tất cả cùng ủng hộ cho
cuộc đấu tranh về vị thế pháp lý. Làm được như vậy, sự thành công không
phải là quá khó khăn.
Xin cảm ơn Tiến sĩ.
Văn Hoài (thực hiện)