Henry A. Kissinger, Foreign Affairs, March/April 2012
(Xung đột là một sự lựa chọn, chứ không phải là một điều tất yếu)
Trần Ngọc Cư dịch
HENRY A. KISSINGER là Chủ tịch của Kissinger Associates và là một cựu Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ. Bài tiểu luận này dựa vào lời bạt của ấn bản bìa giấy sắp ra mắt của cuốn sách mới nhất của ông, On China (Bàn về Trung Quốc) do Penguin xuất bản, 2012.
Foreign Affairs
Trong bài tiểu luận sau đây, Henry A. Kissinger đưa ra ý kiến của một "lưỡng quốc công thần", cổ vũ một sự hợp tác chiến lược bền vững Mỹ-Trung, tiếp nối tình hữu nghị mà ông đã có công xây đắp kể từ khi hai nước ký kết Thông cáo chung Thượng Hải 1972, củng cố một mặt trận đoàn kết Mỹ-Trung chống Liên Xô trong thời Chiến tranh lạnh. Ông tỏ ra lo lắng về khả năng đối đầu của hai đại cường trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Là người Việt Nam, chúng ta không thể quên sự kiện lịch sử này : Trong thời điểm Kissinger làm Bộ trưởng Ngoại giao, Chính phủ Mỹ đã khoanh tay đứng nhìn Hải quân Trung Quốc đánh chiếm Quần đảo Hoàng Sa, lúc bấy giờ nằm dưới chủ quyền của Việt Nam Cộng Hòa, một đồng minh của Mỹ.
Bauxite Việt Nam
Ngày 19 tháng Giêng 2011, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ra một tuyên bố chung vào lúc kết thúc cuộc thăm viếng Washington của họ Đào, nói lên cam kết chung đối với mối quan hệ Mỹ-Trung “tích cực, hợp tác, và toàn diện”. Mỗi bên trấn an bên kia về mối quan tâm chính của mình, bằng cách tuyên bố, “Hoa Kỳ nhắc lại rằng Hoa Kỳ sẵn sàng chào đón một Trung Quốc vững mạnh, thịnh vượng, và thành công, có đủ khả năng giữ một vai trò to lớn hơn nữa trong các vấn đề quốc tế. Trung Quốc sẵn sàng coi Hoa Kỳ như một quốc gia châu Á-Thái Bình Dương có khả năng đóng góp cho hoà bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.”
Từ đó, hai chính phủ đã bắt tay vào việc thực hiện những mục tiêu được công bố. Các quan chức hàng đầu của hai nước đã thăm viếng lẫn nhau và cơ chế hóa những trao đổi của họ trên các vấn đề chiến lược và kinh tế quan trọng. Những cuộc tiếp xúc giữa các phái đoàn quân sự hai nước đã được tái khởi động, mở ra một kênh truyền thông quan trọng giữa hai quân đội. Và ở một cấp độ không chính thức, cái gọi là những nhóm song hành (track-two groups) đã thăm dò các khả năng diễn biến của mối quan hệ Mỹ-Trung.
Nhưng trong khi sự hợp tác gia tăng, những tranh cãi cũng gia tăng. Nhiều nhóm có ảnh hưởng trong cả hai nước cho rằng một cuộc tranh giành vị trí siêu cường giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ là tất yếu và có lẽ đã diễn ra. Theo quan điểm này, những lời kêu gọi hợp tác Mỹ-Trung có vẻ lỗi thời và thậm chí ngây ngô.
Những cáo buộc lẫn nhau phát xuất từ các phân tích tình hình rất khác biệt nhưng tiến hành song song trong cả hai nước. Một số nhà tư tưởng chiến lược Mỹ lý luận rằng chính sách Trung Quốc theo đuổi hai mục tiêu dài hạn: thay thế vai trò siêu cường Mỹ trong vùng Tây Thái Bình Dương và củng cố châu Á thành một khối bài ngoại (exclusionary bloc) chịu thần phục các lợi ích kinh tế và chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Quan niệm này cho rằng, mặc dù những khả năng quân sự tuyệt đối (absolute military capabilities) của Trung Quốc không chính thức ngang hàng với khả năng quân sự tuyệt đối của Mỹ, nhưng Bắc Kinh đủ sức tạo ra những rủi ro khủng khiếp trong một cuộc xung đột với Washington và đang phát triển những phương tiện ngày càng tinh vi để loại bỏ những ưu thế mà Mỹ nắm giữ từ lâu. Khả năng tấn công hạt nhân đợt hai vốn là vô địch của Mỹ cuối cùng sẽ bị cân bằng bởi một số lượng ngày càng gia tăng gồm các tên lửa đạn đạo chống chiến hạm và các khả năng quân sự bất đối xứng [asymmetric capabilities, lấy yếu chống mạnh] của Trung Quốc trong các lãnh vực như mạng lưới internet và không gian. Một số người lo ngại rằng Trung Quốc có thể giành được ưu thế hải quân có khả năng khống chế xuyên qua một loạt chuỗi đảo ở vòng ngoài lãnh hải của mình, và một khi tấm bình phong này thành hình, những nước láng giềng của Trung Quốc, vốn lệ thuộc vào nền mậu dịch Trung Quốc và không tin chắc vào khả năng phản ứng của Mỹ, có thể sẽ điều chỉnh chính sách theo sở thích của Trung Quốc. Điều này cuối cùng có thể dẫn đến sự hình thành một khối châu Á khống chế khu vực Tây Thái Bình Dương trong đó Trung Quốc giữ vị trí trung tâm. Bản báo cáo chiến lược Mỹ gần đây nhất phản ánh, ít ra một cách ngấm ngầm, một số lo ngại này.
Cho đến nay, chưa có một quan chức Trung Quốc nào tuyên bố một chiến lược như thế là chính sách đích thực của Trung Quốc. Thật ra, họ nhấn mạnh những điều ngược lại. Nhưng, chúng ta có đủ tư liệu trên báo chí bán chính thức và trong các viện nghiên cứu của Trung Quốc để chứng minh phần nào lý thuyết cho rằng quan hệ hai nước đang tiến tới đối đầu hơn là hợp tác.
Những lo lắng chiến lược của Mỹ được phóng đại do các khuynh hướng mang tính ý hệ, đó là phải chống lại toàn bộ thế giới phi dân chủ. Một số nhà nghiên cứu lý luận rằng các chế độ độc tài tự thân là rất dễ sụp đổ nên chúng buộc phải huy động hậu thuẫn dân chúng trong nước bằng luận điệu lẫn hành vi dân tộc chủ nghĩa và bành trướng chủ nghĩa. Theo những lý thuyết này – mà phiên bản của chúng vốn được nhiều bộ phận trong cánh tả cũng như cánh hữu Mỹ đón nhận – thì sự căng thẳng và xung đột với Trung Quốc phát sinh từ cơ chế nội bộ của Trung Quốc. Quan điểm này quyết đoán rằng hòa bình thế giới sẽ phát xuất từ thắng lợi toàn cầu của thể chế dân chủ chứ không do những lời kêu gọi hợp tác. Chẳng hạn, nhà chính trị học Aaron Friedberg viết rằng “một Trung Quốc dân chủ tự do sẽ không có lý do gì để sợ các nước dân chủ khác, lại càng không có lý do để dùng vũ lực chống lại họ”. Vì thế, “ gác bỏ mọi tế nhị ngoại giao qua một bên, mục tiêu nhiên hậu của chiến lược Mỹ [là phải] thúc đẩy một cuộc cách mạng, dù là một cuộc cách mạng ôn hòa”, nhằm quét sạch chế độ độc tài độc đảng của Trung Quốc và thay vào đó bằng một chế độ dân chủ tự do”.
Về phía Trung Quốc, những lý giải mang tính đối đầu đi theo một lô-gíc ngược lại. Họ thấy Mỹ là một siêu cường đang bị tổn thương, quyết ngăn chặn sự trỗi dậy của bất cứ đối thủ nào, mà Trung Quốc là đối thủ đáng nể sợ nhất. Một số học giả Trung Quốc tranh luận rằng, dù Trung Quốc có ra sức hợp tác bao nhiêu đi nữa, mục tiêu kiên định của Washington vẫn là bao vây một Trung Quốc đang trỗi dậy bằng cách triển khai các lực lượng quân sự và duy trì các cam kết bằng thỏa ước [với các nước trong khu vực] nhằm ngăn cản Trung Quốc đóng lại vai trò lịch sử của mình -- một Vương quốc ở Trung tâm (the Middle Kingdom). Theo quan điểm này, bất cứ một hợp tác bền vững nào với Mỹ là tự chuốc lấy thất bại, vì một sự hợp tác như vậy sẽ chỉ phục vụ mục tiêu chủ yếu của Mỹ là vô hiệu hóa Trung Quốc. Lắm lúc họ cho rằng sự thù nghịch mang tính hệ thống đã nằm sẵn trong ảnh hưởng văn hóa và công nghệ Mỹ, được hình thành dưới dạng thức các áp lực có tính toán được thiết kế để xói mòn sự đồng thuận nội bộ và các giá trị truyền thống của Trung Quốc. Các tiếng nói quyết đoán nhất tranh luận rằng Trung Quốc đã tỏ ra thụ động một cách không thích đáng khi đối đầu với các xu thế thù nghịch và rằng (chẳng hạn, trong trường hợp các vấn đề lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa) Trung Quốc cần phải trực diện đối đầu với các nước láng giềng có tranh chấp biển đảo và tiếp theo đó, theo lời của nhà phân tích chiến lược Long Đạo, “phải lý luận, tính toán trước và tấn công trước, trước khi tình hình dần dần vuột ra ngoài tầm kiểm soát…bằng cách mở ra một số trận đánh trên qui mô bé nhỏ có khả năng ngăn chặn những kẻ gây hấn lấn tới thêm nữa”.
QUÁ KHỨ KHÔNG NHẤT THIẾT LÀ MỘT ĐOẠN MỞ ĐẦU
Như vậy, liệu có một khởi điểm thích hợp cho việc tìm kiếm một quan hệ hợp tác Mỹ-Trung và cho các chính sách nhằm thực hiện quan hệ đó hay không? Chắc chắn là, sự trỗi dậy của các cường quốc trong lịch sử thường dẫn đến xung đột với các nước đã có thế đứng vững chắc. Nhưng ngày nay tình hình đã thay đổi. Không ai còn tin rằng các lãnh tụ từng hồ hởi tham gia thế chiến năm 1914 lại dám làm như thế nếu họ biết rõ thế giới sẽ đổ vỡ như thế nào vào lúc kết thúc cuộc chiến đó. Các nhà lãnh đạo ngày nay không mang trong đầu những ảo tưởng như thế. Một đại chiến giữa các cường quốc hạt nhân nhất định sẽ mang lại những tổn thất và biến động xã hội vượt ra ngoài những mục tiêu có thể tính toán. Khả năng đánh phủ đầu một nước khác gần như không thể xảy ra, nhất là đối với một thể chế dân chủ đa nguyên như Hoa Kỳ.
Nếu bị thách thức, Mỹ sẽ làm tất cả những gì phải làm để duy trì an ninh của mình. Nhưng Mỹ không nên chấp nhận sự đối đầu như một chiến lược đáng lựa chọn. Với Trung Quốc, Mỹ sẽ gặp phải một đối thủ có biệt tài qua hằng thế kỷ trong việc lấy chiến tranh trường kỳ làm chiến lược và lý thuyết của họ luôn luôn nhấn mạnh sự mệt mỏi tâm lý của đối phương. Trong một cuộc xung đột thật sự, hai bên đều có khả năng và trí tuệ để gây ra những thiệt hại khủng khiếp cho nhau. Vào thời điểm bất cứ một cuộc đại chiến giả tưởng nào như thế kết thúc, tất cả các phe lâm chiến đều sẽ kiệt lực và suy yếu hẳn đi. Lúc đó cả hai nước sẽ phải một lần nữa đối diện với chính cái nhiệm vụ mà họ đang đối diện ngày nay: kiến tạo một trật tự quốc tế trong đó Mỹ và Trung Quốc là những thành viên quan trọng.
Kế hoạch ngăn chặn rút ra từ các chiến lược thời Chiến tranh lạnh mà hai nước đã sử dụng để chống lại một Liên Xô bành trướng chủ nghĩa không còn áp dụng được cho tình hình hiện nay. Kinh tế Liên Xô lúc bấy giờ vốn là yếu kém (ngoại trừ các công nghiệp sản xuất quốc phòng) và không ảnh hưởng lên kinh tế toàn cầu. Một khi Trung Quốc cắt đứt quan hệ và trục xuất các cố vấn Xô viết, ngoại trừ những nước bị hút vào quĩ đạo Xô viết bằng vũ lực, ít có nước nào có lợi ích to lớn trong quan hệ kinh tế với Mácxcôva. Trung Quốc đương đại, trái lại, là một yếu tố năng động trong nền kinh tế thế giới. TQ là đối tác thương mại chính của tất cả các nước láng giềng và hầu hết các cường quốc công nghiệp phương Tây, kể cả Mỹ. Một cuộc đối đầu kéo dài giữa Trung Quốc và Mỹ sẽ thay đổi nền kinh tế thế giới, để lại nhiều hậu quả bất ổn cho mọi quốc gia.
Trung Quốc thấy rằng chiến lược mà TQ theo đuổi trong cuộc xung đột với Liên Xô trước đây sẽ không còn phù hợp với một cuộc xung đột với Mỹ. Chỉ một vài nước – trong đó không có một nước châu Á nào -- còn coi sự hiện diện của Mỹ tại châu Á như là “những ngón tay” cần phải “chặt bỏ” (nói theo từ ngữ máu me của Đặng Tiểu Bình dành cho các vị trí tiền đồn của Liên Xô trước đây). Ngay cả các quốc gia châu Á không phải là thành viên các liên minh quân sự với Mỹ cũng tìm kiếm những trấn an do một sự hiện diện chính trị của Mỹ ở trong khu vực và do các lực lượng Mỹ trong các vùng biển lân cận và coi đó như là một thế lực giám hộ cho cái thế giới mà họ đã trở nên quen thuộc. Đường lối của các quốc gia này đã được một viên chức cấp cao của Indonesia diễn tả với một người đồng nhiệm Mỹ như sau: “Đừng từ bỏ chúng tôi, nhưng cũng đừng buộc chúng tôi phải lựa chọn phe này hoặc phe khác”.
Việc Trung Quốc tăng cường lực lượng quân sự gần đây tự nó không phải là một hiện tượng kỳ lạ: một hậu quả bất thường hơn sẽ diễn ra nếu nền kinh tế lớn thứ nhì và là nước nhập khẩu tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới không chuyển đổi sức mạnh kinh tế của mình vào việc gia tăng một số khả năng quân sự. Vấn đề đặt ra là, sự tăng cường ấy phải chăng là không được hạn chế và nhắm vào những mục đích nào? Nếu Hoa Kỳ coi mọi tiến bộ trong các khả năng quân sự của Trung Quốc là một hành vi thù nghịch, Hoa Kỳ sẽ nhanh chóng bị vướng vào một chuỗi tranh chấp vô tận trên danh nghĩa của những mục tiêu ít ai hiểu nổi. Nhưng Trung Quốc cũng phải ý thức, từ chính lịch sử của mình, về đường ranh mờ nhạt giữa các khả năng phòng thủ và tấn công và về các hậu quả của một cuộc chạy đua vũ trang không được kềm chế.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ có đủ lý do vững chắc để bác bỏ những đòi hỏi trong nước về một đường lối thù nghịch đối với Mỹ -- như họ đã từng công khai tuyên bố. Lịch sử cho thấy sự bành trướng của các đế chế Trung Quốc được thực hiện bằng sự thẩm thấu (osmosis) hơn là chinh phục bằng vũ lực, hay bằng sự chuyển đổi sang văn hóa Trung Quốc của những người đi chinh phục, những người sau đó đã đem chính lãnh thổ của mình sáp nhập vào lãnh thổ Trung Quốc. Khống chế châu Á bằng đường lối quân sự sẽ là một nỗ lực cực kỳ khó khăn. Liên Xô, trong thời Chiến tranh lạnh, tiếp giáp một chuỗi gồm những nước yếu bị tát cạn nguồn lực vì chiến tranh, bị nước ngoài chiếm đóng và lệ thuộc vào vào sự đồn trú của quân đội Mỹ vì lý do quốc phòng. Trung Quốc ngày nay đối diện với Nga về phía bắc; Nhật Bản và Nam Hàn, về phía đông; Việt Nam và Ấn Độ về phía nam; Indonesia và Malaysia không nằm xa bao nhiêu. Đây không phải là một chòm quốc gia dễ bị chinh phục bằng vũ lực. Tập hợp này có khả năng dấy lên trong lòng người TQ nỗi sợ hãi bị bao vây. Mỗi một quốc gia này đều có truyền thống quân sự lâu đời và sẽ đặt ra một trở ngại cực kỳ to lớn nếu lãnh thổ hay khả năng điều hành chính sách độc lập của họ bị đe dọa. Một chính sách đối ngoại hiếu chiến của Trung Quốc sẽ gia tăng sự hợp tác của tất cả hay chí ít một số nước trong nhóm này, gợi lên cơn ác mộng lịch sử của Trung Quốc, như đã diễn ra trong thời kỳ 2009-10.
ỨNG XỬ VỚI MỘT NƯỚC TRUNG HOA MỚI
Một lý do khác để Trung Quốc phải biết tự chế, chí ít trong trung hạn (the medium term), là tìm cách đối phó với người dân trong nước. Chênh lệch kinh tế trong xã hội Trung Quốc giữa những vùng phần lớn được phát triển dọc theo duyên hải và những vùng kém mở mang ở phía tây đã làm cho mục tiêu “một xã hội hài hòa” của Hồ Cẩm Đào vừa bức thiết vừa trở nên xa vời. Những chuyển biến văn hóa trong xã hội TQ cũng chồng chất thêm nhiều thách đố. Những thập niên sắp tới sẽ chứng kiến, lần đầu tiên, toàn bộ ảnh hưởng của chính sách gia đình một con lên xã hội người lớn Trung Quốc (adult Chinese society). Sự kiện này chắc chắn sẽ thay đổi những mô hình văn hóa trong một xã hội vốn có truyền thống là đại gia đình phải có bổn phận chăm sóc những thân nhân già nua và khuyết tật. Khi bốn người gồm ông, bà nội, ngoại cùng tranh giành sự chú ý của một đứa cháu và đặt hết hi vọng vào nó -- những hi vọng trước đây thường được phân tán cho nhiều đứa cháu -- thì một mẫu mực mới về sự thành đạt và về những kỳ vọng to lớn, có lẽ bất khả thi, có thể phát sinh.
Tất cả những phát triển này sẽ làm phức tạp thêm những thách đố trong giai đoạn chuyển giao chính quyền của Trung Quốc bắt đầu từ năm 2012, khi chức chủ tịch nước; phó chủ tịch nước; một đa số đáng kể các chức vụ trong Bộ chính trị, Quốc vụ viện, và Quân ủy Trung ương; và hằng ngàn các chức vụ quan trọng khác cấp quốc gia và cấp tỉnh sẽ được chuyển giao cho các quan chức mới được chỉ định. Đa phần nhóm lãnh đạo mới này bao gồm những thành viên của thế hệ đầu tiên trong vòng 150 năm nay được sống suốt đời trong một đất nước hòa bình. Thử thách chính của họ sẽ là, phải tìm ra một đường lối để đối phó một xã hội được cách mạng hóa do các điều kiện kinh tế đang thay đổi, do công nghiệp truyền thông bành trướng nhanh chóng chưa từng thấy, do một nền kinh tế toàn cầu tinh tế, và do việc di cư hằng trăm triệu người từ nông thôn Trung Quốc vào các thành thị. Mô hình chính phủ xuất hiện trong tương lai có thể là một tổng hợp đề của các tư tưởng hiện đại và các quan niệm chính trị-văn hóa truyền thống TQ, và việc tìm kiếm một tổng hợp đề như thế sẽ tạo ra kịch tính liên tục trong sự tiến hóa của xã hội Trung Quốc.
Những biến đổi xã hội và chính trị này nhất định sẽ được người Mỹ quan tâm theo dõi với niềm hi vọng. Nhưng nếu Hoa Kỳ trực tiếp can thiệp vào nội bộ TQ, thì đó là hành động thiếu khôn ngoan và phản tác dụng. Làm đúng nghĩa vụ của mình, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bày tỏ quan điểm về các vấn đề nhân quyền và một số trường hợp cá nhân. Và hành vi ứng xử thông thường của Washington sẽ là luôn luôn bày tỏ sự yêu chuộng các nguyên tắc dân chủ của người dân Mỹ. Nhưng một đề án có hệ thống nhằm chuyển đổi các cơ chế Trung Quốc bằng sức ép ngoại giao và trừng phạt kinh tế rất dễ đưa đến hậu quả ngược lại và cô lập chính các nhà dân chủ mà đề án này có ý định giúp đỡ. Tại Trung Quốc, đề án này sẽ bị một đa số đáng kể giải thích theo lăng kính dân tộc chủ nghĩa, gợi lại những kỷ nguyên Trung Quốc chịu đựng sự can thiệp của nước ngoài trước đây.
Điều quan trọng mà tình hình này đòi hỏi không phải là một sự từ bỏ các giá trị Mỹ nhưng là một sự phân biệt giữa việc khả thi và lý tưởng tuyệt đối. Không nên coi quan hệ Mỹ-Trung là một trò chơi bên lở bên bồi (a zero-sum game), bên này được thì bên kia phải mất, cũng không thể cho rằng sự trỗi dậy của một Trung Quốc phồn thịnh và hùng mạnh tự thân là một thất bại chiến lược của Mỹ.
Một đường lối hợp tác sẽ chống lại các thành kiến của cả hai phía. Hoa Kỳ không có nhiều tiền lệ trong lịch sử quốc gia mình về việc thiết lập quan hệ với một nước có diện tích tương đương, có tự tin, có thành tựu kinh tế và tầm cỡ quốc tế, với một nền văn hóa và hệ thống chính trị khác biệt. Lịch sử cũng không cung ứng cho Trung Quốc những tiền lệ về cách ứng xử với một ông bạn đại cường (a fellow great power) với một sự hiện diện thường trực tại châu Á, một viễn kiến về các lý tưởng phổ quát không phù hợp với quan niệm của người Trung Quốc, và các liên minh quân sự với một số nước láng giềng của Trung Quốc. Trước Mỹ, tất cả các nước chiếm một địa vị như thế đã thể hiện điều này như một khúc dạo đầu (a prelude) dẫn đến âm mưu thống trị Trung Quốc.
Đường lối đơn giản nhất để tiến tới việc hình thành chiến lược quốc gia là nhắm vào các đối thủ tiềm năng có sức mạnh áp đảo với nguồn lực và phương tiện chiến tranh ưu việt. Nhưng trong thế giới đương đại, đường lối này hiếm khi có thể thực hiện. Như một điều tất yếu, Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là những thực tế lâu dài đối với nhau. Không nước nào có thể phó thác an ninh của mình cho nước kia – không một đại cường nào chịu làm như vậy trong thời gian lâu dài – và mỗi nước sẽ tiếp tục theo đuổi những lợi ích quốc gia của mình, đôi khi gây tổn thất cho nhau. Nhưng cả hai đại cường đều có trách nhiệm phải xét đến những cơn ác mộng của nhau, và cả hai sẽ phải làm tốt để nhận ra rằng luận điệu tuyên truyền, cũng như các chính sách hiện nay, có thể nuôi dưỡng những mối ngờ vực lẫn nhau.
Nỗi sợ hãi chiến lược lớn nhất của Trung Quốc là, một hay nhiều cường quốc bên ngoài sẽ bố trí lực lượng quân sự chung quanh biên giới Trung Quốc, có khả năng xâm phạm lãnh thổ Trung Quốc hay can thiệp vào các định chế nội bộ. Trong quá khứ, mỗi khi xét thấy mình đang đối đầu một mối đe dọa như thế, Trung Quốc đã chủ động tiến công hơn là chấp nhận rủi ro nhận lãnh hậu quả của điều mà họ cho là những xu thế [chiến tranh] đang hình thành -- tại Triều Tiên năm 1950, với Ấn Độ năm 1962, dọc theo biên giới phía bắc với Liên Xô năm 1969, và với Việt Nam năm 1979.
Nỗi sợ hãi của Mỹ, đôi khi chỉ được biểu lộ một cách gián tiếp, là thấy mình bị một khối có chủ trương bài ngoại đẩy ra khỏi châu Á. Hoa Kỳ tham dự thế chiến chống lại Đức và Nhật để ngăn chặn một hậu quả như thế và dưới các chính quyền của cả hai đảng đã thực thi một số chính sách ngoại giao Chiến tranh lạnh mạnh mẽ nhất đối với Liên Xô cũng vì mục đích này. Trong cả hai sự kiện nói trên, điều đáng lưu ý là, những nỗ lực hỗn hợp Mỹ-Trung được nhắm vào việc chống lại mối đe dọa của một bá quyền mà hai nước đã nhận ra.
Các quốc gia châu Á khác sẽ nhấn mạnh đặc quyền phát triển các khả năng của mình vì những lý do riêng của nước họ, không tham gia vào một cuộc đọ sức của các cường quốc bên ngoài. Họ sẽ không muốn đặt mình trong một trật tự triều cống được phục hồi trở lại. Họ cũng không muốn coi mình là những thành tố trong một chính sách ngăn chặn của Mỹ hay trong một đồ án của Mỹ nhằm thay đổi các định chế nội bộ của Trung Quốc. Các quốc gia này chỉ muốn có quan hệ tốt dẹp với cả Trung Quốc lẫn Hoa Kỳ và sẽ chống lại bất cứ áp lực nào buộc họ phải lựa chọn giữa hai nước.
Liệu mối sợ hãi về một bá quyền và cơn ác mộng bị bao vây quân sự có được hóa giải không? Liệu có thể tìm ra một không gian trong đó hai bên có thể đạt được những mục tiêu nhiên hậu mà không cần quân sự hóa chiến lược của mình không? Đối với những đại cường có những khả năng toàn cầu và những tham vọng khác biệt, thậm chí có phần tương khắc, đâu là khoảng cách giữa xung đột và từ bỏ địa vị bá chủ của mình?
Sự kiện Trung Quốc sẽ có một ảnh hưởng to lớn trong những khu vực chung quanh nội tại trong địa lý, giá trị văn hóa, và lịch sử nước này. Nhưng, những giới hạn của ảnh hưởng ấy sẽ được hình thành do tình hình và các quyết sách. Những yếu tố này sẽ quyết định liệu là việc tìm kiếm ảnh hưởng tất yếu của Trung Quốc có biến thành một nỗ lực phủ định hay loại bỏ các nguồn quyền lực độc lập khác hay không.
Trong gần hai thế hệ, chiến lược Mỹ dựa vào việc bảo vệ các khu vực địa phương [ở nước ngoài] bằng các lực lượng trú đóng trên bộ của Mỹ -- phần lớn để tránh những hậu quả thảm khốc của một cuộc chiến tranh hạt nhân rộng lớn. Trong những thập niên gần đây, dư luận dân chúng và quốc hội đã thúc đẩy việc chấm dứt những cam kết như thế tại Việt Nam, Iraq, và Afghanistan. Hiện nay, những tính toán ngân sách đang hạn chế thêm nữa phạm vi của đường lối này. Chiến lược Mỹ đã chuyển từ bảo vệ lãnh thổ sang đe dọa giáng trả những đòn trừng phạt ngoài mức chịu đựng của kẻ thù có tiềm năng xâm lược. Đề án này đòi hỏi những lực lượng có khả năng can thiệp nhanh chóng và vươn tới mọi nơi trên thế giới, nhưng không đòi phải có những căn cứ vây quanh biên giới Trung Quốc. Điều cấm kỵ mà Washington không nên làm là kết hợp một chính sách quốc phòng bị hạn chế ngân sách với một chính sách ngoại giao đặt cơ sở trên những mục tiêu ý hệ không bị hạn chế (unlimited ideological aims).
Trong khi ảnh hưởng Trung Quốc tại các nước láng giềng có thể kích động những lo sợ về một bá quyền, những nỗ lực của Mỹ trong việc theo đuổi những lợi ích quốc gia truyền thống của mình có thể bị Trung Quốc coi là một hình thức bao vây quân sự. Hai bên phải hiểu rõ những điểm tế nhị theo đó các đường lối bên ngoài có vẻ truyền thống và có vẻ hợp lý có thể gợi lên nỗi sợ hãi cho nhau. Hai bên phải cùng nhau tìm cách định nghĩa lãnh vực trong đó sự cạnh tranh hòa bình của họ được giới hạn. Nếu việc này được quản lý khéo léo, thì tình trạng đối đầu quân sự lẫn bá quyền chính trị có thể tránh được; bằng không, sự căng thẳng giữa hai nước ngày một leo thang là tất yếu. Nhiệm vụ của chính sách ngoại giao là phải phát hiện được cái không gian cạnh tranh hòa bình này, nới rộng nó nếu có thể, và ngăn chặn mối quan hệ giữa hai nước khỏi bị các yêu cầu chiến thuật và nội bộ đè bẹp.
CỘNG ĐỒNG HAY XUNG ĐỘT?
Trật tự thế giới hiện nay được kiến tạo gần như không có sự tham dự của Trung Quốc, và vì thế đôi khi Trung Quốc không cảm thấy bị các luật lệ của nó ràng buộc như các nước khác. Trong các trường hợp trật tự này không phù hợp với nguyện vọng của Trung Quốc, Bắc Kinh đã sắp xếp lại cách khác, chẳng hạn trong các kênh ngoại hối riêng biệt (separate currency channels) đang được thiết lập với Brazil, Nhật Bản, và các nước khác. Nếu mô hình này trở nên thông dụng và lan sang các lãnh vực hoạt động khác, nhiều trật tự thế giới cạnh tranh nhau (competing world orders) sẽ triển khai. Nếu không có được những mục tiêu chung gắn liền với các luật lệ kiềm chế do các bên thoả thuận, một sự cạnh tranh mang tính cơ chế (institutionalized rivalry) có khả năng leo thang, vượt ra ngoài những tính toán và ý định ban đầu của những người khởi xướng. Trong một thời đại trong đó các khả năng tấn công chưa từng thấy và các công nghệ xâm nhập (intrusive technologies) gia tăng theo cấp số, những biện pháp trừng phạt của mô hình này có khả năng là rất quyết liệt và có lẽ không thể hủy bỏ.
Nỗ lực quản lý các cuộc khủng hoảng sẽ không đủ sức để duy trì một mối quan hệ có tầm cỡ toàn cầu rộng lớn và chịu quá nhiều sức ép khác nhau tự bên trong mỗi quốc gia và giữa hai quốc gia. Đó là lý do tại sao, tôi đã bênh vực ý niệm về một Cộng đồng Thái Bình Dương (a Pacific Community) và bày tỏ niềm hi vọng rằng Trung Quốc và Mỹ có thể cùng nhau tạo ra một ý thức về mục đích chung, ít ra trên một số vấn đề quan tâm tổng quát. Nhưng chúng ta sẽ không đạt được mục tiêu của một cộng đồng như thế nếu một trong hai phía coi nỗ lực này chủ yếu là một phương cách hữu hiệu hơn để đánh bại hay phá hoại phía kia. Giữa Trung Quốc và Mỹ, không thể có khả năng phía này bị phía kia thách thức một cách có hệ thống mà không hề nhận ra, và nếu một sự thách thức như vậy được phía kia ghi nhận, nó sẽ bị chống trả đích đáng. Cả hai nước cần phải cam kết hợp tác chân thật và tìm ra một đường lối để truyền đạt và phản ảnh viễn kiến của mình cho nhau và cho cả thế giới.
Một số bước dò dẫm theo chiều hướng ấy đã được thực hiện. Chẳng hạn, Mỹ đã tham gia cùng một số quốc gia khác trong việc bắt đầu các cuộc đàm phán về Quan hệ Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP), một thỏa ước mậu dịch tự do kết nối châu Mỹ với châu Á. Một sự sắp xếp như vậy có thể là một bước tiến tới một Cộng đồng Thái Bình Dương (a Pacific Community) vì nó sẽ hạ thấp những rào cản mậu dịch giữa những nền kinh tế có năng suất cao, năng động, và giàu tài nguyên nhất và nối hai bờ của đại dương trong những đồ án chung.
Obama đã mời Trung Quốc tham gia TPP. Nhưng, các điều kiện gia nhập theo cách trình bày của các thuyết trình viên và bình luận gia Mỹ đôi khi có vẻ như muốn đòi hỏi những thay đổi cơ bản trong cơ cấu nội bộ Trung Quốc. Nếu đúng là như vậy, TTP có thể bị Bắc Kinh coi là một phần chiến lược nhằm cô lập Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc đã đưa ra những sắp xếp khác hơn, có thể sánh được với đề xuất của Mỹ. Trung Quốc đã thương thuyết một thương ước với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đã gợi ý về một thương ước Đông Bắc Á với Nhật Bản và Nam Hàn.
Những cân nhắc chính trị nội bộ quan trọng là rất phức tạp cho mọi quốc gia. Nhưng nếu Trung Quốc và Mỹ bắt đầu coi những nỗ lực thành lập thương ước của nhau là những yếu tố trong một chiến lược để cô lập phía kia, khu vực châu Á-Thái Bình Dương có thể biến thành nhiều khối quyền lực thù địch cạnh tranh nhau. Mỉa mai là, điều này sẽ là một thách thức đặc biệt cho Mỹ nếu Trung Quốc đáp ứng những kêu gọi thường xuyên trong đó Mỹ yêu cầu Trung Quốc chuyển đổi từ một nền kinh tế lấy xuất khẩu làm chủ đạo thành một nền kinh tế có động cơ tiêu thụ, như kế hoạch 5-năm gần đây nhất đã dự tính. Một sự phát triển kinh tế như thế có thể giảm bớt vốn đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ như một thị trường xuất khẩu của Trung Quốc, ngay cả khi Trung Quốc khuyến khích các quốc gia châu Á khác định hướng nền kinh tế của họ thêm nữa về phía Trung Quốc.
Quyết định chủ yếu mà cả Bắc Kinh lẫn Washington phải đối diện là liệu hai nước sẽ tiến tới một nỗ lực hợp tác thật sự hay hai nước sẽ rơi vào một phiên bản mới của các mô hình lịch sử về cạnh tranh quyền lực quốc tế. Cả hai nước đều chọn luận điệu cổ vũ cộng đồng quốc tế. Họ thậm chí còn lập một diễn đàn cấp cao cho việc này, đó là diễn đàn Đối thoại Chiến lược và Kinh tế (the Strategic and Economic Dialogue), họp hai lần một năm. Diễn đàn này có một số kết quả trên các vấn đề cấp thời, nhưng nó vẫn chưa đi đến đâu trong nhiệm vụ sau cùng là tạo được một trật tự kinh tế và chính trị thực sự toàn cầu. Và nếu một trật tự toàn cầu không xuất hiện trong lãnh vực kinh tế, thì những trở ngại cho tiến bộ trên các vấn đề nhạy cảm và thiếu tích cực, như lãnh thổ và an ninh quốc gia, có thể trở nên rất khó khắc phục.
NHỮNG RỦI RO CỦA LỐI NÓI KHOA TRƯƠNG
Khi theo đuổi tiến trình này, cả hai bên cần phải nhìn nhận tác động của luận điệu khoa trương lên cảm thức và các tính toán. Vì yêu cầu chính trị nội bộ, lãnh đạo Mỹ thường tung ra các chỉ trích chống Trung Quốc, gồm cả việc đề xuất những chính sách cụ thể mang tính thù nghịch. Họ làm việc này kể cả -- có lẽ dặc biệt là – khi một chính sách ôn hòa là ý định sau cùng của Mỹ. Vấn đề này không phải là những bất bình cụ thể, vốn phải được giải quyết theo ưu khuyết điểm của từng vụ việc, nhưng nằm ở các mũi tấn công nhắm vào những động lực cơ bản trong chính sách của Trung Quốc, chẳng hạn tuyên bố Trung Quốc là một kẻ thù chiến lược. Mục tiêu của các mũi tấn công này nhất định sẽ đưa đến vấn nạn là, liệu những yêu cầu cấp bách của nội bộ Mỹ đang đòi hỏi khẳng định thái độ thù nghịch với Trung Quốc không sớm thì muộn sẽ đòi hỏi luôn cả hành động thù nghịch hay không? Tương tự như thế, những tuyên bố có tính cách hù họa của Trung Quốc, kể cả những tuyên bố trên báo chí bán chính thức của Trung Quốc rất có thể được diễn giải thành những hành động mà chúng ám chỉ, bất luận các áp lực nội bộ hay ý đồ đưa đến những tuyên bố đó là gì đi nữa.
Cuộc tranh luận tại Mỹ, của cánh tả cũng như cánh hữu, thường mô tả Trung Quốc như một “cường quốc đang trỗi dậy” cần có thời gian để “trưởng thành” và học cách thi hành trách nhiệm trên sân khấu thế giới. Nhưng, Trung Quốc không tự coi mình như là một cường quốc đang trỗi dậy, nhưng là một cường quốc đang trở về tư thế cũ, từng có địa vị khống chế trong khu vực suốt hai thiên niên kỷ và tạm thời bị thay thế bởi các nước thực dân bóc lột, những thế lực đã lợi dụng tình trạng nội chiến và suy yếu của Trung Quốc. Trung Quốc coi viễn ảnh một nước Trung Hoa hùng mạnh sử dụng ảnh hưởng của mình trong các vấn đề kinh tế, văn hóa, chính trị, và quân sự không phải một thách thức bất thường cho trật tự thế giới nhưng thật ra đó là một sự trở lại với tình trạng bình thường. Người Mỹ không cần phải đồng ý với mọi khía cạnh trong cách lý giải của phía Trung Quốc để hiểu được rằng việc lên lớp một quốc gia có hàng ngàn năm lịch sử về nhu cầu “phải trưởng thành” và ứng xử “có trách nhiệm” có thể nghe chối tai vô ích.
Về phía Trung Quốc, những tuyên bố của các cấp chính quyền và các cấp bán chính thức, rằng Trung Quốc có ý định “hồi sinh nước Trung Hoa” trở lại địa vị đại cường truyền thống của nó, mang nhiều ý nghĩa khác nhau ở bên trong cũng như bên ngoài Trung Quốc.Trung Quốc có quyền tự hào chính đáng về những tiến bộ gần đây trong việc phục hồi ý nghĩa về hướng đi của đất nước, tiếp theo sau giai đoạn mà họ coi là một thế kỷ ô nhục. Tuy nhiên, ít có một nước nào khác tại châu Á luyến tiếc một thời đại mà họ chịu khuất phục dưới quyền bá chủ của Trung Quốc. Là những nước trước đây đã từng chiến đấu chống chế độ thực dân, hầu hết các nước châu Á là cực kỳ bén nhạy trong việc duy trì độc lập và tự do hành động khi phải đối diện với bất cứ cường quốc nào từ bên ngoài, dù là từ phương Tây hay châu Á. Họ tìm cách tham dự các hoạt động trong các lãnh vực kinh tế và chính trị chồng lấn lên nhau càng nhiều càng tốt; họ chào đón Hoa Kỳ đóng một vai trò trong khu vực nhưng với mục đích tìm kiếm một sự quân bình, chứ không phải tham dự một cuộc thánh chiến hay đối đầu.
Sự trỗi dậy của Trung Quốc là do hậu quả của việc Trung Quốc gia tăng sức mạnh quân sự thì ít, nhưng do thế cạnh tranh của Mỹ đang suy yếu thì nhiều, một sự suy yếu bị thúc đẩy bởi các yếu tố như là cơ sở hạ tầng cũ kỹ lỗi thời, sự thiếu quan tâm đối với công tác nghiên cứu và phát triển, và một qui trình chính phủ có vẻ rối loạn chức năng. Mỹ phải đối phó với những vấn đề này bằng sự khéo léo và quyết tâm của mình thay vì chỉ biết đổ lỗi cho một quốc gia bị coi là thù địch. Mỹ phải cẩn trọng để khỏi lặp lại trong chính sách đối với Trung Quốc mô hình của các cuộc xung đột mà Mỹ đã tham gia – lúc đầu với sự hậu thuẫn của đông đảo quần chúng và với những mục tiêu rộng lớn, nhưng về sau phải kết thúc khi tiến trình chính trị Mỹ đòi hỏi một chiến lược rút quân tương đương với một sự từ bỏ, nếu không muốn nói một sự đảo ngược hoàn toàn, những mục tiêu của quốc gia đã được công bố.
Trung Quốc có thể tìm thấy trấn an trong chính thành tích bền bĩ chịu đựng của mình và trong sự kiện chưa bao giờ có một chính quyền Mỹ nào tìm cách thay đổi tình hình thực tế của Trung Quốc như một trong những quốc gia, những nền kinh tế, và những nền văn minh quan trọng của thế giới. Người Mỹ phải nhớ rằng thậm chí cả khi GDP của Trung Quốc có ngang bằng với GDP của Mỹ, thì nó sẽ phải được phân bố trên một dân số đông gấp bốn lần Mỹ, đang già nua, và đang nằm trong những chuyển biến nội bộ phức tạp được gây ra do sự tăng trưởng và tiến trình đô thị hóa của Trung Quốc. Hậu quả thực tế là, một phần lớn năng lực của Trung Quốc sẽ được dồn vào những nhu cầu trong nước.
Hai bên phải đủ cởi mở để có thể coi các hành vi của nhau như một phần bình thường của sinh hoạt quốc tế và không coi chúng như là lý do để sợ hãi. Xu thế tất yếu là hai bên sẽ va chạm lẫn nhau, nhưng không nên coi đó như là một nỗ lực cố ý để ngăn chặn hay thống trị, bao lâu mà hai bên còn có thể phân biệt rạch ròi như thế và chịu rà soát, điều chỉnh hành vi của mình một cách thích đáng. Mỹ và Trung Quốc không nhất thiết phải vượt lên trên sự vận hành thông thường của một cuộc thi đua giữa các đại cường. Nhưng vì trách nhiệm đối với chính mình, và với thế giới, hai nước phải cố gắng làm điều này.
H. A. K.
Dịch giả gửi trực tiếp cho BVN.