Thứ Bảy, 21 tháng 4, 2012

Giải pháp khả thi nào cho vấn đề Biển Đông?

Mặc Lâm
 
RFA 
 
Vấn đề Biển Đông đã vượt khỏi ranh giới của các nước đang tranh chấp và trở thành đề tài chung đáng quan tâm ngay cả trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng như tại các diễn đàn khác có liên quan.  Trong bối cảnh này, Mặc Lâm thực hiện loạt bài tìm hiểu và lấy ý kiến của những chuyên gia về Biển Đông, các Luật gia cũng như các vị đại sứ từng hiểu biết sâu sắc vấn đề nhằm tìm ra một câu trả lời tương đối thoả đáng có thể giải quyết bài toán hóc búa này.
Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Phnom Penh khép lại với những câu hỏi về Biển Đông vẫn còn nằm trên bàn của các nước trong khối ASEAN và Trung Quốc. Báo chí khi loan tin nghị trình diễn ra tại đây luôn nhắc tới câu hỏi về Biển Đông mà Trung Quốc gọi là Biển Nam Trung Hoa còn Philippines thì gọi là Biển Tây Philippines. Ba danh xưng dùng trên một vùng biển đã phần nào cho thấy sự căng thẳng khu vực chưa có chiều hướng lắng xuống cho tới khi nào quốc tế chính thức xem vấn đề này là mối nguy tiềm ẩn cho nền hoà bình và ổn định của khu vực, có thể kéo theo những cuộc chiến ngắn nhưng hết sức nguy hiểm giữa các bên liên quan mà mối lo chính vẫn là Trung Quốc.
Quốc tế theo dõi những phát biểu mạnh mẽ của Philippines về vấn đề này tại Hội Nghị và cũng không quên chia sẻ ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ông ủng hộ cách giải quyết đa phương trong lúc Trung Quốc vẫn khăng khăng dùng mọi cách để bẻ từng chiếc đũa đa quốc gia để dễ bề thao túng.
Vị trí và sức mạnh nội hàm của Việt Nam đối với Trung Quốc là điều không cần bàn cãi tuy nhiên không phải là không có lối thoát danh dự trong hoàn cảnh toàn cầu hoá như hiện nay. Giải pháp đối với Trung Quốc được nhiều nước quan tâm và cho là phù hợp với công pháp quốc tế là hai hồ sơ DOC và COC còn gọi là Bộ xây dựng quy tắc ứng xử Biển Đông. Vào tuần tới Malaysia sẽ có một cuộc hội thảo về COC để các bên ngồi lại với nhau chia sẻ những quan tâm và làm cách nào để thực hiện các điều khoản mà các bên đồng ý.
Phần đầu tiên Mặc Lâm phỏng vấn Thạc sĩ Hoàng Việt hiện đang giảng dạy tại trường đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh để ghi nhận ý kiến của ông trên khía cạnh pháp lý mà Việt Nam có thể sử dụng nhằm bảo vệ cho ngư dân cũng như đánh động dư luận quốc tế về cách mà Trung Quốc ứng xử đối với khu vực Hoàng Sa của Việt Nam.
Câu hỏi với Thạc sĩ Hoàng Việt hôm nay chúng tôi gợi lại hình ảnh của Tổng thống Philippines tại diễn đàn ASEAN vừa qua khi ông cương quyết đưa ra những vấn đề của Biển Đông mà theo ông rất cần thiết phải được mang vào nghị trình. Thái độ này được hiểu như thế nào đối với toàn cảnh hiện nay khi mà vẫn còn nhiều nước e ngại, tránh né nêu vấn đề tại ASEAN nhất là nước chủ nhà Campuchia? Thạc sĩ Hoàng Việt cho biết ý kiến của ông trong cuộc phỏng vấn ngắn của chúng tôi như sau:
"Nói chung đúng là thái độ của Tổng thống Phi thì họ quyết liệt còn phản ứng của Việt Nam thì phải nói là chừng mực hơn tuy nhiên cũng rất khó để mà so sánh. Nhưng nói chung thì Việt Nam vừa rồi đã hưởng ứng cách giải quyết đa phương vì vậy điều mà Philippines đưa ra đã được Việt Nam hưởng ứng nhiệt liệt. Sở dĩ thái độ của Việt Nam chừng mực hơn vì mỗi nước có một cách ứng phó khác nhau khi mà Việt Nam có vị thế địa chính trị tương đối nhạy cảm hơn Phi nhiều lần."
Mặc Lâm: Thưa ông sắp tới tại Malaysia sẽ có cuộc gặp gỡ giữa các thành viên ASEAN và Trung Quốc để bàn về hồ sơ COC, theo kinh nghiệm nghiên cứu của ông thì Việt Nam nên có thái độ như thế nào khi tham gia bàn bạc về một hồ sơ rất quan trọng này?
Th. S Hoàng Việt: Thứ nhất là đối với COC thì Việt Nam rất tích cực. Có điều đặc biệt của COC là những nước có tranh chấp như Philippines thì rất quyết liệt vì họ có tranh chấp trên quần đảo Trường Sa mà không tranh chấp về Hoàng Sa. Khi soạn thảo COC nội dung rất quan trọng mà Trung Quốc không muốn nhắc tới là Hoàng Sa mà chỉ muốn nhắc tới Trường Sa mà thôi, có nghĩa là không áp dụng cho toàn vùng Biển Đông trong đó bao gồm cả Hoàng Sa. Vì thế Việt Nam rất kiên quyết yêu cầu phải đem Hoàng Sa vào COC để đàm phán.
Rõ ràng thái độ của Việt Nam cũng rất kiên quyết chỉ có điều là họ có làm hay không mà thôi vì rất phức tạp. Không phải một mình Việt Nam yêu cầu là được mà phải có sự đồng thuận của các nước ASEAN. Cho đến bây giờ thì lợi ích và quan điểm của các thành viên ASEAN khác biệt nhau khá nhiều. Tuy nhiên bây giờ cũng có dấu hiệu cho thấy có khả năng sẽ đựơc đưa vào COC trong năm nay nhưng chưa biết thế nào chỉ là hy vọng thôi.
Mặc Lâm: Cho tới nay Trung quốc vẫn từ chối cho biết tin tức của 21 ngư dân Việt Nam bị họ bắt giữ vào tháng trước kể cả hai chiếc tàu đánh cá vẫn không được trao trả. Về mặt chủ quyền, Trung Quốc đang thực hiện ý đồ xác nhận Hoàng Sa là của họ bằng cách bắt giữ tàu nước ngoài đánh bắt cá tại Hoàng Sa sẽ gây cho dư luận quốc tế nghĩ rằng đây là mảnh đất của họ. Theo ông cách hay nhất hiện nay Việt Nam cần phải làm gì ngoài việc đưa ra những lời chống đối do Bộ Ngoại giao từng làm khi có các vụ tương tự xảy ra từ nhiều năm nay?
Th. S Hoàng Việt: Về mặt chủ quyền thì chúng ta vẫn cứ phải khẳng định là khu vực này là nơi đang tranh chấp vì sẽ tránh đựơc việc mặc thừa nhận với quốc tế. Hồi gần đây chúng tôi cũng trao đổi với nhau khá nhiều trong giới luật gia về vấn đề này thì rất nhiều ý kiến cho rằng cần phải xem xét đưa ra toà án quốc tế. Tuy nhiên vẩn đề là Trung Quốc cũng đang tìm mọi cách để tránh thẩm quyền của toà án quốc tế. Có lẽ chúng ta cũng phải đưa lên những diễn đàn quốc tế như Liên Hiệp Quốc cũng như Philippines đã làm chẳng hạn và tôi nghĩ rằng đấy là biện pháp hữu hiệu nhất.
Mặc Lâm: Tuy nhiên vì Trung Quốc có quyền không tham dự một phiên toà như vậy thì nỗ lực của Việt Nam coi như chỉ là một cách đánh động dư luận mà thôi, còn có cách nào khác làm cho quốc tế biết rằng Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch lấy sức mạnh để kéo công lý về họ hay không?
Th. S Hoàng Việt: Vâng, và vì vậy mình cần dùng những biện pháp như viết bài hay trực tiếp đưa vấn đề lên thẳng Liên Hiệp Quốc. Ví dụ như Philippines đã từng làm trong năm vừa rồi khi Philippines có căng thẳng với Trung Quốc thậm chí đòi đưa Trung Quốc ra tòa quốc tế về luật biển. Việc Philippines đưa ra diễn đàn Liên Hiệp Quốc như vậy đã đánh động lên khá nhiều
Mặc Lâm: Xin cám ơn thạc sĩ Hoàng Việt.
*
Vừa rồi là thạc sĩ Hoàng Việt với những ý kíên về luật pháp của ông đối với vấn đề Biển Đông. Sau đây là nhận định của luật gia Lê Hiếu Đằng, nguyên Phó chủ tịch MTTQVN-TPHCM với những góc nhìn khác về lĩnh vực xã hội và các chính sách của nhà nước đối với vấn đề Biển Đông.
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Theo tôi thì trước hết ta phải thấy rõ cái bản chất của Trung Quốc, tức là một nước lớn và luôn luôn có chủ trương bành trướng lãnh thổ cũng như đi khuất phục những dân tộc nhỏ khác, vì vậy mà mình thấy cái bản chất này, và bản chất này cho tới bây giờ vẫn không thay đổi, từ đó chúng ta mới có một chiến lược và sách lược cho phù hợp.
Nếu chúng ta cứ khẳng định đó là “bạn vàng” hay là “đồng minh chiến lược” thì dứt khoát chúng ta sẽ không quyết tâm trong việc chống lại chính sách bành trướng xâm lược của Trung Quốc.
Tôi cho rằng nhà nước phải dựa vào hai cái, một là thế trận lòng dân, phải dựa vào sức mạnh của dân tộc, sức mạnh của dân Việt Nam, vì vậy phải để cho người dân bày tỏ thái độ của mình trước những hành động bách hại dân Việt Nam. Bởi vì ngư dân Việt Nam đánh bắt trên ngư trường truyền thống của mình. Hoàng Sa là ngư trường truyền thống từ bao đời nay rồi thế mà bây giờ Trung Quốc lại nghiêm cấm thì là thế nào? Và khi mà ngư dân mình đánh bắt trên ngư trường đó thì lại bị Trung Quốc bắt, bị tịch thu và bị đòi tiền chuộc, và thậm chí có nhiều người bị mất tích, và cho đến bây giờ vẫn chưa được thả, làm cho vợ con họ hết sức khổ sở. Chính vì vậy nên có bộ phim của anh André Menras là “Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát”.
Do đó chúng tôi thấy rằng trước hết phải dựa vào sức mạnh của người dân nếu muốn chống lại các hành vi của Trung Quốc.
Mặc Lâm : Vâng. Thưa ông, có người cho rằng Việt Nam vẫn còn chần chừ chưa đẩy mạnh việc liên minh với các nước vì vẫn còn cái bóng của Trung Quốc ở phía sau. Ý kiến của ông như thế nào về việc này ạ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Sự liên minh của tất cả các nước thì hiện nay Việt Nam đã tham gia vào những định chế quốc tế rồi, ví dụ khối ASEAN hay là APEC, thì chúng ta phải dựa vào đó để mà chống lại âm mưu bành trướng của Trung Quốc. Và nhất là đã có nhiều người đề nghị là nếu mà Trung Quốc cứ lấn tới và cứ khẳng định “đường lưỡi bò” như vậy đó thì chúng ta phải kiện ra Tòa Án Quốc Tế. Tôi thấy điều này là hoàn toàn nằm trong khả năng của Việt Nam.
Nhà nước đã nói Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam và điều này không thể chối cãi, như vậy tại sao chúng ta đã có chứng cứ mà lại không chuẩn bị hồ sơ và sau đó nếu cần thiết phải đưa ra quốc tế? Như vậy thì mới có thể giải quyết được vấn đề một cách công khai minh bạch. Chứ nếu chúng ta quan niệm rằng đây là vấn đề song phương giữa hai nước thì ta sẽ lọt vào cái âm mưu của Trung Quốc.
Vừa rồi Thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố rằng vấn đề Biển Đông là vấn đề giữa ASEAN và Trung Quốc thì cũng không đúng nữa, bởi vì Biển Đông là đường hàng hải chung và trong đó có những lợi ích chung và ngoài các nước ASEAN ra còn có Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ và nhiều nước khác, như Ấn Độ cũng vừa tuyên bố đây là lợi ích chung. Vì vậy chúng ta phải dựa vào sức mạnh của quốc tế, sức mạnh của thời đại để chống lại âm mưu bành trướng và xâm lượcc của Trung Quốc.
Mặc Lâm : Trước những áp lực ngày một lớn hơn của Trung Quốc rõ ràng là Việt Nam không thể dùng giải pháp quân sự trong thời điểm này vì rất nhiều lý do. Theo ông, có cách nào khác để hãm lại sự khống chế ngày một công khai hơn của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam trong vùng biển Hoàng Sa hay không?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Như anh nói đó, chúng ta không thể dùng lực lượng quân sự được bởi vì chúng ta yếu, với lại không nên gây chiến tranh. Tôi nhất trí rằng chúng ta phải đấu tranh một cách hòa bình để giành lại Hoàng Sa và để bảo vệ Trường Sa. Nhưng hòa bình không có nghĩa là chúng ta hèn yếu, chúng ta nhu nhược, mà hòa bình ở đây là chúng ta sẽ có những hành động rất cương quyết dựa trên lòng nhân, dựa trên những hỗ trợ của quốc tế. Và nếu với phương án này thì chúng ta hoàn toàn có thể chống lại và chúng ta có thể bảo vệ được ngư dân của chúng ta.
Về mặt quân sự mà nói thì chúng ta cũng có thể có những hành động hạn chế và trong phạm vi chủ quyền quốc gia của chúng ta, như Philippines thì người ta cũng đã làm. Chúng ta phải tổ chức những lực lượng quân sự để bảo vệ dân đánh cá, hoặc khi mà Trung Quốc có những hành động gây hấn bách hại ngư dân chúng ta thì chúng ta có thể dùng máy bay để đề nghị họ phải rút lui, như Philippines thì họ vẫn làm. Tuy chúng ta không gây chiến tranh nhưng cũng phải có những hành động quân sự nhất định để bảo vệ ngư dân của chúng ta, chứ không phải chỉ bằng những lời tuyên bố, rồi những công hàm như hiện nay chúng ta làm.
Thái độ cương quyết của chúng ta trên rất nhiều lãnh vực sẽ khiến Trung Quốc không tiếp tục những hành động bách hại ngư dân. Còn nếu chúng ta chỉ có những lời tuyên bố mà không hành động cương quyết thì những việc bách hại ngư dân sẽ tiếp tục, gây sự bất bình rất sâu sắc trong nhân dân Việt Nam.
Mặc Lâm : Dư luận cho rằng tinh thần yêu nước của thanh niên hiện nay xem ra khá mờ nhạt so với trước đây thể hiện qua việc kiếm sống và chạy theo vật chất cũng như ăn chơi của họ của họ quá lớn. Ông nghĩ sao về việc giáo dục ý thức quốc gia dân tộc hiện nay trong nhà trường ?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Nói cho cùng, khi mà có vấn đề gì xảy ra thì lực lượng thanh niên chính là người dân đứng ra bảo vệ tổ quốc, bảo vệ đất nước, vì vậy mà phải tuyên truyền một cách sâu rộng trong nhân dân về cái bản chất của Trung Quốc như thế nào, vì người dân người ta rất là hoài nghi về cái mối quan hệ giữa hai nước. Như chúng ta biết, Trung Quốc là nước lớn nằm cạnh Việt Nam mà như vậy thì vấn đề là phải có những đường lối, chủ trương, chính sách rõ ràng và minh bạch để chúng ta củng tồn tại với nhau trong một không gian chung. Phải giữ gìn hòa bình, phải làm sao cho các dân tộc cùng sống với nhau và cùng phát triển.
Mặc Lâm : Nhà nước một mặt lên tiếng về ngư dân bị bắt nhưng lại vẫn giữ lập trường được gọi là “nhận thức chung” trong các lần gặp gỡ giữa hai quốc gia. Theo ông có nên đặt lại vấn đề này một cách rốt ráo trên tinh thần gìn giữ bản sắc dân tộc trong đó lòng tự hào dân tộc là điểm then chốt để giáo dục thanh niên hay không, thưa ông?
Luật gia Lê Hiếu Đằng : Giữa hai nhà nước mà chúng ta nói là có cái nhận thức chung về vấn đề Biển Đông thì cái nhận thức chung đó là gì? Phải nói cho rõ về cái nhận định đó. Trong khi nhận thức chung thì có như vậy, nhưng mà hành động cụ thể lại đi ngược lại cái nhận thức chung đó, như vậy là thế nào? Như vậy có phải là vì “16 chữ vàng, 4 tốt” hay không? Thì chúng ta phải xác định lại cho rõ chứ chúng ta không thể mơ hồ, nhất là khi chúng ta giáo dục thanh niên của chúng ta đó.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn luật gia Lê Hiếu Đằng.
*
 
Sau đây là ý kiến của Nhà báo Tống Văn Công, nguyên Tổng biên tập báo Lao Động từ năm 1988 tới năm 1994. Trước tiên ông cho biết về thực tế của 16 chữ vàng mà dư luận đang rất chống đối hiện nay.
Nhà báo Tống Văn Công: Mười sáu chữ vàng, nội dung của nó tức là “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”, đó là nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, mà cũng là nguyện vọng của nhân dân Trung Quốc, tức là nhân dân Việt Nam làm cho nhân dân Trung Quốc thấy rằng đó là nguyện vọng chung.
Những người cầm quyền Trung Quốc bịp bợm, họ nói một đàng để mà ru ngủ, lợi dụng, thao túng những người cầm quyền Việt Nam, mà nhân dân hai nước thì chắc chắn thật sự mong muốn điều đó. Những người Việt Nam chân chính kêu gọi nhân dân Trung Quốc buộc nhà cầm quyền của họ thực hiện cái nguyện vọng đó của hai dân tộc.
Mặc Lâm: Vâng. Nhưng thưa ông, để thực hiện những điều mà ông vừa nói thì bằng cách nào? Vì Việt Nam so với Trung Quốc rất yếu kém về nhiều mặt, từ kinh tế, quân sự cho tới sự đoàn kết trong và ngoài nước như hiện nay?
Nhà báo Tống Văn Công: Mặc dầu nội lực của mình yếu hơn nhưng mà thế của mình là thế chính nghĩa nó cao hơn. Bao giờ chính nghĩa nó cũng nhân cái sức mạnh lên gấp bội, thế mà tại sao chúng ta lại không dám đấu tranh với họ để mà thực hiện “mười sáu chữ vàng”?
Những vấn đề lịch sử thì mình phải công khai, thẳng thắn. Ví dụ như phía họ mà họ viết tiểu thuyết, họ đề cao bọn xâm lược 6 tỉnh phía Bắc, đề cao Hứa Thế Hữu tại sao ta không có dám phê phán quyển sách đó là nó phá hoại tình hữu nghị? Những tấm bia lịch sử lên án quân xâm lược ở các tỉnh biên giới phía Bắc thì phải giữ gìn trân trọng, tại sao mình lại đục phá đi? Những ngày lịch sử thì mình cũng phải kỷ niệm đàng hoàng và mình phải có xã luận để nói ai đúng ai sai.
Phía bên kia thì họ ra rả, thậm chí họ khiêu khích mình, còn ở đây thì mình chỉ nói đúng sự thật, rút ra những bài học lịch sử để cho nhân dân mình và nhân dân Trung Quốc biết. Ví dụ như ngày Trung Quốc xâm lược 6 tỉnh phía Bắc của mình ngày 17 tháng 2, tại sao mình lại làm thinh, mình không nói gì cả? Cái ngày mà Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bây giờ có khi hỏi nhân dân mình thì nhiều người không biết, thậm chí đã có những cán bộ đảng viên cho Hoàng Sa – Trường Sa là bãi hoang chim ỉa.
Vừa qua có chuyện hai cháu một là người Trung Quốc và người kia là Việt Nam mình ở bên Mỹ đối thoại với nhau về chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa. Cháu người Trung Quốc nói rất là mạch lạc, còn cháu người Việt Nam mình thì chỉ biết nói rằng Hoàng Sa là của mình mà không có nói lý lẽ gì hết, rồi khóc, trùm mền, bỏ cơm. Đó là cái lỗi của ta rất là lớn. Chính là vì nhân dân mình không biết, cán bộ mình không biết làm cho thế chính nghĩa của mình bị che lấp, không khơi dậy được nhận thức của toàn dân thì không thể có sức mạnh. Người Việt Nam không hiểu việc của mình thì làm sao thế giới người ta ủng hộ mình?
Mặc Lâm: Thưa ông, chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc hình như không được nhất quán khi mà một mặt Việt Nam vẫn ca tụng tình hữu nghị giữa hai nước và khái niệm “vì đại cuộc” vẫn được đưa lên hàng đầu trong những văn bản chính thức của hai nước. Tuy nhiên cũng chính Bộ Ngoại giao khi lên tiếng về vụ Trung Quốc bắt giữ ngư dân và tổ chức du lịch Hoàng Sa vừa rồi thì đã nhiều lần dùng từ rất nặng là “phi pháp”. Mà một nước khi đã phi pháp với mình thì làm sao có thể giao hảo được, thưa ông?
Nhà báo Tống Văn Công: Tôi cũng thấy là nó không nhất quán, nó thể hiện ở nhiều chỗ rất mâu thuẫn. Ví dụ như phim “Hoàng Sa – Nỗi đau mất mát” nó có gì là sai sự thật đâu? Nó hoàn toàn nói lên nguyện vọng, nói lên hoàn cảnh cụ thể của những ngư dân Việt Nam bị đày ải, bị hành hạ một cách vô lối, sai luật pháp quốc tế. Thế mà mình lại không dám bênh vực, mình vẫn sợ, mình không dám chiếu!
Hoặc khi người dân của mình lên tiếng “Hoàng Sa – Trường Sa – Việt Nam” tại sao mình lại cấm? Cái cách cư xử của chúng ta nó làm người trong nước khó hiểu huống gì người ngoài nước! Những lời của người phát ngôn Bộ Ngoại giao vừa rồi nói rất là mạnh mẽ nhưng mà rất là sáo mòn, thành ra nó không có sức thuyết phục.
Hồi đầu tháng 3 hai bên tuyên bố thiết lập đường dây nóng giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam với Trung Quốc, thế mà một tháng qua đường dây nóng tại sao nó lại không hoạt động? Mục đích đặt ra cho nó rất là rõ ràng tức là để tăng cường quan hệ Việt Nam – Trung Quốc, triển khai cơ chế đàm phán về vấn đề trên biển, xử lý kịp thời những vấn đề nảy sinh để mà duy trì hòa bình ổn định ở Biển Đông. Những điều này đúng với việc mà đường dây nóng được thiết lập, thì tại sao đường dây nóng lại không hoạt động?
Hay là nó có hoạt động mà phía bên kia có lý lẽ bào chữa cho cái quyền mà họ làm, nhưng mà ta thì coi như việc riêng nên không công bố nội dung đó? Nếu không công bố thì rất là vô lý.
Theo tôi, phía bên kia lý lẽ của họ như thế nào thì mình cứ công khai ra, tức là mình cũng tỏ ra rất bình đẳng, rất là tôn trọng người ta, để cho nhân dân trong nước mình với nhân dân thế giới cùng nghe, ai phải ai trái, tại sao mình không làm cái đó? Nếu làm được như vậy thì tôi nghĩ rằng bên phía Trung Quốc họ cũng thấy là họ đuối lý, bởi vì cái lý họ đâu có! Họ chỉ nói ngang rằng Hoàng Sa là của họ, không cần bàn cãi.
Mặc Lâm: Theo ông, nếu nhà nước tiếp tục che giấu thông tin hay nói chính xác hơn là họ không muốn cho dân chúng biết những thông tin mà Trung Quốc đối với Việt Nam thì người dân có đồng thuận hay không? Và trong thời gian qua việc che giấu thông tin này đã có những kết quả nào thấy được?
Nhà báo Tống Văn Công: Người Việt Nam trải qua lịch sử lâu dài rất nhạy cảm với họa ngoại xâm. Mọi động thái trong bang giao của nhà nước đều được toàn dân chăm chú, lắng nghe, thẩm định, do đó nếu chúng ta không có một đối sách minh bạch đối với Trung Quốc, ứng phó từng trường hợp. Về lâu dài có những trường hợp bất nhất, nhiều khi nhượng bộ vô nguyên tắc thì tình trạng đó gây nghi hoặc, gây phân tâm trong đảng viên, trong cán bộ, trong nhân dân. Lẽ ra trước tình thế hiện nay thì mọi việc làm đều phải nhằm đoàn kết được toàn dân tộc, nhất trí chống lại kẻ thù bên ngoài.
Chúng ta có những chuyện rất là đáng buồn. Ví dụ như đảng viên Nguyễn Chí Đức đi biểu tình, bị bắt, bị lôi như là súc vật, bị đạp giày lên mặt. Các nhà trí thức, các nhà văn hóa hàng đầu đi biểu tình chống Trung Quốc gây hấn cũng bị xếp một rọ với bọn phản động. Yêu cầu đính chính, xin lỗi cũng không đính chính, không xin lỗi.
Những buổi tổ chức thuyết trình về Hoàng Sa – Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam cũng bị ngăn cản. Những buổi chiếu phim “Hoàng Sa – Nỗi đau Việt Nam” gần đây thì cũng bị cấm đoán mà không giải thích. Tất cả những chuyện đó gây một hiệu ứng tâm lý rất xấu, phá hoại sức mạnh đoàn kết dân tộc rất nguy hiểm.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng những biểu hiện trong cách xử lý của chính quyền cho thấy nhà chức trách Việt Nam có những biểu hiện không tin dân, thậm chí là sợ dân, cho rằng dân có thể bị bọn phản động xúi giục, lôi kéo. Đó là một nhận thức rất lệch lạc, gây tác hại rất lớn nếu như không mau chóng khắc phục được.
Mặc Lâm: Xin quay trở lại vấn đề đang bức bối hiện nay: theo ông thì Việt Nam cần làm gì để việc bắt giữ ngư dân Việt Nam của Trung Quốc phải chấm dứt trong khi chờ đợi một giải pháp chung do quốc tế đưa ra nếu có?
Nhà báo Tống Văn Công: Lẽ ra ta phải có một văn kiện chính thức của chính phủ Việt Nam nói về chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa có đầu có đuôi để làm văn kiện cơ bản. Và phải có mặt trên tất cả các diễn đàn trên thế giới, không phải chỉ ASEAN. Phải đấu tranh với họ về vấn đề chủ quyền của chúng ta trên hai quần đảo này.
Như việc họ bắt ngư dân ta cho tới nay vẫn chưa thả tôi nghĩ rằng đã đến lúc mình phải đưa việc này ra trọng tài quốc tế. Mình phải công khai đòi hỏi phía Trung Quốc, nếu mà song phương để đối thoại về chủ quyền Hoàng Sa thì phải có tiếng nói yêu cầu họ trả lời dứt khoát. Nếu mà song phương không được, trong thời hạn nào đó – phải có thời hạn – để tiến hành đấu tranh ở đa phương, chớ không thể nói cho qua như là nói không biết đến bao giờ có thời hạn cuối cùng thì không thể được.
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà báo Tống Văn Công đã dành thời gian cho chúng tôi trong ngày hôm nay.
 
*
 
Sau đây là cuộc phỏng vấn ông Trần Bình Nam, nguyên một sĩ quan Hải Quân của QLVNCH, ông cũng là người bỏ công nghiên cứu chuyên đề Trung Quốc từ nhiều chục năm nay.
Mặc Lâm : Thưa, xin ông cho biết qua kinh nghiệm nghiên cứu tình hình Biển Đông, ông nhận xét thế nào về những diễn biến mới nhất hiện nay?
Ông Trần Bình Nam : Vấn đề liên quan đến Biển Đông với thái độ của Trung Quốc trong năm vừa rồi cũng như qua năm 2012, họ theo chính sách Hoàng Sa, Trường Sa, và rộng ra là vùng biển trong “đường lưỡi bò”, họ làm những hành động để cho thế giới quen rằng đó là của họ, đó là chính sách mà họ đang làm.
Việt Nam từ trước đến nay mỗi lần xảy ra vụ việc thì đều lên tiếng phản đối chứ không phải là không, và năm vừa rồi thì có những hành động căng hơn một chút. Ví dụ như cho những chiếc tàu của hải quân hay của những đội ủng hộ những người đánh cá ra để mà chận tàu cá Trung Quốc nhưng cũng chỉ đến như vậy thôi chứ không thể làm khác hơn được.
Hiện giờ thì rõ ràng Trung Quốc coi Biển Đông là một phần trong sách lược bành trướng thế lực của họ. Đương nhiên muốn bành trướng thì trước hết Trung Quốc phải mở cửa Biển Đông vì đó là lối đi ra ngoài của họ. Họ biết khi đi vào biển Đông thì sẽ đụng độ với những thế lực quan trọng, mà thế lực quan trọng nhất hiện giờ là Hoa Kỳ.
Mặc Lâm : Trước các tuyên bố cứng rắn về sự trở lại của Hoa Kỳ thì phản ứng của Trung Quốc xem ra rất yếu ớt, theo ông họ có sách lược nào về vấn đề này, thưa ông?
Trần Bình Nam : Đối với Trung Quốc họ biết là họ không có sức để làm một hành động gì có tính cách quân sự ngang hàng với Hoa Kỳ được cho nên họ phải chờ đợi. Họ chờ đợi cho đến khi xây dựng hải quân vững vàng hơn có thể ngang ngửa với hải quân Hoa Kỳ ở Thái Bình Dương. Hai nữa họ chờ đợi thời điểm thuận lợi vì họ biết Hoa Kỳ là một nước dân chủ, cứ 4 năm lại bầu cử tổng thống một lần thì chính sách của Hoa Kỳ lại thay đổi. Chính sách thay đổi có nghĩa là khi mạnh khi yếu, khi thế này khi thế khác, và họ chờ thời điểm thuận lợi họ sẽ hành động.
Mặc Lâm : Còn riêng với Việt Nam thì Trung Quốc có thay đổi gì cho phù hợp với tình hình mới hiện nay hay không ạ?
Trần Bình Nam : Đối với Việt Nam thì họ dùng chính sách gọi là “cây gậy và củ cà rốt” để họ o ép Việt Nam và các nước Đông Nam Á trong vùng. Trong sách lược của Trung Quốc như vậy thì Việt Nam cần có một đối sách lâu dài hơn, hơn là đối sách hiện giờ là chỉ có phản đối bằng lời.
Mặc Lâm : Rất nhiều người than phiền Việt Nam tỏ ra không nhất quán trong đối sách với Trung Quốc. Theo ông thì đối sách lâu dài của Việt Nam hiện nay có thể xem là chấp nhận được hay không?
Trần Bình Nam : Tôi thấy đối sách lâu dài của Việt Nam về phương diện tự lực thì phải tăng cường sức mạnh hải quân của mình, và thứ hai tôi nghĩ rằng phải có chính sách rõ ràng trong khi liên kết với các thế lực mà có thể là bạn của mình, nghĩa là Hoa Kỳ. Nói như vậy không có nghĩa là tôi muốn nói rằng Việt Nam phải ngã vào Hoa Kỳ, nhưng Việt Nam cần có một thái độ để cho Trung Quốc biết rằng Việt Nam sẽ coi Hoa Kỳ là một người bạn trong việc bảo vệ quyền lợi của mình ở Biển Đông.
Ngoài ra, một đường lối mà tôi nghĩ là lâu dài hơn thì có lẽ Việt Nam phải đưa vấn đề Biển Đông ra cho Liên Hiệp Quốc, hay là nói cách khác hơn là đưa ra Tòa Án Quốc Tế để xử rõ ràng việc đó. Để có những án lệnh quốc tế nói rõ là vùng biển đó thuộc của ai. Thứ hai nữa, song song với việc đó tôi nghĩ là cần phải quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Đương nhiên là những vùng đảo của mình thì mình giữ.
Việt Nam cũng không thế đòi hỏi tất cả các hải đảo của quần đảo Trường Sa được, nhưng cần phải phân biệt rõ ràng cái gì của mình và cái gì của người khác.
Muốn có một giải pháp như vậy thì cần đặt vấn đề quốc tế hóa. Khi mà quốc tế hóa như vậy thì mình dọn đường cho những thế lực quốc tế có thể bàn về vấn đề đó.
Ví dụ như gần là Ấn Độ, Nhật Bản, và xa hơn là Hoa Kỳ. Tôi nghĩ đó là đường hướng lâu dài mà Việt Nam cần phải theo. Nếu như bây giờ cứ mỗi lần có một sự o ép nào đó của Trung Quốc như bắt bớ ngư dân của mình thì Việt Nam lên tiếng phản đối có tính cách ngoại giao rồi qua đi, thì tôi thấy dần dần mình sẽ bị lép vế.
Mặc Lâm : Một diễn biến mới đây nhất là Trung Quốc đã bị Philippines đem tàu chiến ra bao vây 8 chiếc tàu cá của Trung Quốc xâm phạm vùng biển đảo san hô Scarbouroug của nước này, và song song với việc đó thì Phi luôn lớn tiếng cho thế giới biết những hành động vi phạm chủ quyền của Trung Quốc, kể cả ở Liên Hiệp Quốc, theo ông thì Việt Nam có thể học được gì từ phản ứng này của Phi, thưa ông?
Trần Bình Nam : Trong vụ xảy ra ở đảo Scarbouroug giữa Trung Quốc và Phi Luật Tân mới đây thì đúng là mình ghi nhận thái độ của Phi hết sức là cứng rắn. Nhìn lại những việc tương tự xảy ra đối với Việt Nam thì thái độ của Việt Nam thường thường dè dặt hơn. Vấn đề thật ra cũng dễ hiểu. Về quân lực, nói riêng về hải quân thì hải quân Việt Nam hiện giờ mạnh hơn hải quân Phi Luật Tân rất nhiều, nhưng mà cái thế của Việt Nam đối với Trung Quốc khó hơn cái thế của Phi Luật Tân đối với Trung Quốc.
Phi Luật tân hiện giờ thật sự có những ký kết bằng văn bản về an ninh với Hoa Kỳ cho nên họ mạnh dạn hơn. Hơn nữa mối liên hệ trong quá khứ giữa Phi Luật Tân với Trung Quốc, cũng như Việt Nam với Trung Quốc rất khác nhau. Sự liên hệ giữa hai nước Trung Quốc – Việt Nam quá chặt chẽ với nhau, và hiện giờ thật ra cũng là hai nước trong khối xã hội chủ nghĩa còn lại trong ít oi những nước XHCN trên thế giới.
Kinh tế Việt Nam lệ thuộc vào Trung Quốc nhiều hơn. Cho nên tôi nghĩ rằng cái khó nó bó cái khôn, chứ không phải Việt Nam yếu.
Phi Luật Tân họ có cái thế rộng tay hơn cho nên họ hành động một cách dễ dàng hơn, và đương nhiên hiện giờ mình biết rằng ở Biển Đông Trung Quốc không bao giờ họ làm cái gì mạnh hết. Họ chỉ lấn từng bước, lấn từng bước để tạo ra một trạng thái tâm lý rằng đó là đảo của họ, đó là biển của họ. Lúc này chưa phải là lúc họ có những hành động thật mạnh mẽ, vì vậy cho nên trước sự đối đầu mạnh mẽ của Phi Luật Tân thì họ tạm nhượng bộ vậy thôi.
Mặc Lâm : Trong khi Trung Quốc vẫn giam giữ trái phép 21 ngư dân của mình thì Việt Nam lại gửi một phái đoàn quân sự cao cấp sang thăm Trung Quốc. Việc làm này khiến dư luận nghi ngờ vào sự yếu kém của nội bộ đảng Cộng sản Việt Nam. Ông giải thích sao về câu hỏi này?
Trần Bình Nam : Vâng. Tôi nghĩ trong thái độ ngoại giao nó có hai mặt mà mình phải để ý đến, mặt ở bên ngoài và mặt ở bên trong. Hà Nội bây giờ bên ngoài họ giữ thái độ rất bình thường, hai bên có những cuộc thăm viếng, cũng nói những lời lẽ rất thân hữu, nhưng bên trong không phải là thiếu sự căng thẳng. Thành ra nếu mình nghĩ rằng thái độ của Việt Nam không chấp nhận được thì tôi nghĩ những nhận xét đó cũng hơi quá nghiêm khắc.
Quan trọng là ở trong thái độ thật sự của Việt Nam. Hiện giờ mình thấy Việt Nam vẫn cố gắng trang bị thêm vũ khí và cũng rất cương quyết trong vấn đề bảo vệ đất đai, bảo vệ những gì mình có, nhất là cái kho tàng dầu hỏa ở dưới Biển Đông nên tôi nghĩ Việt Nam cũng không thể để lọt vào tay Trung Quốc một cách dễ dàng đâu. Hơn nữa, việc này liên quan đến năng lượng thì liên quan tới các nước lớn, nhất là Hoa Kỳ, thành ra thế ngoại giao hiện giờ và cách hành xử của Việt Nam có thể thấy người dân không thỏa mãn một chút, nhưng tôi nghĩ rằng gặp cái thế như vậy thì phải hành xử như vậy.
Mặc Lâm : Xin cám ơn nhà nghiên cứu Trung Quốc – Trần Bình Nam.
 
*
 
Sau đây là nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, ông đã xuất bản rất nhiều sách và các chuyên luận về vấn đề Biển Đông và hiện đang tham gia nghiên cứu tại Đại Học Mở TPHCM. Ông Đinh Kim Phúc sẽ có những giải thích về lịch sử của các đảo Scarborough, Bãi cỏ rong  cũng như thái độ của Việt Nam từ trước tới nay đối với chủ quyền trên hai khu vực thuộc quần đảo Trường Sa này
Mặc Lâm: Xin cám ơn nhà nghiên cứu Biển Đông - Đinh Kinh Phúc. Thưa ông trong nhiều năm qua Việt Nam luôn bị Trung Quốc khống chế, chèn ép về mọi mặt trong hồ sơ Biển Đông nhưng chính phủ VN không thể làm khác hơn vì thế và lực của Việt Nam rất nhỏ so với Trung Quốc. Theo ông thì có cách nào có thể xem là tương đối vẹn toàn để đối phó với vấn đề này hay không?
Ông Đinh Kim Phúc: Theo tôi, đây là một câu hỏi rất khó. Trước nhứt phải nói rằng vào năm 1956 Trung Quốc chiếm một phần của quần đảo Hoàng Sa và đến năm 1974 thì chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cho đến ngày hôm nay họ đương nhiên coi là sự đã rồi, coi như là vùng đất của họ và không bao giờ họ đồng ý đưa vào chương trình nghị sự để mà đàm phán, giải quyết những vấn đề tranh chấp. Chúng ta biết rằng quần đảo Hoàng Sa là ngư trường truyền thống hàng trăm năm của ngư dân Miền Trung Việt Nam, nhưng bây giờ cứ mỗi lần ra biển, mỗi lần đi đánh bắt ở mảnh đất ông cha của mình thì bị Trung Quốc chận bắt, o ép, đánh đập và bắt đòi tiền chuộc. Những hành động của nhà nước Trung Quốc chẳng khác nào những tên hải tặc của thế kỷ 21. Vấn đề đó đã gây một dư luận hết sức bức xúc cho nhân dân Việt Nam, cũng như là nối thống khổ của ngư dân Miền Trung hiện nay.
Giải quyết bằng cách nào? Đây là một vấn đề rất khó đặt ra trong thời điểm hiện nay. Chúng ta biết rằng chính phủ Việt Nam nhiều lần tuyên bố giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, vẫn giữ tình hữu nghị Việt Nam – Trung Quốc, nhưng càng mềm mỏng bao nhiêu, càng nhún nhường bao nhiêu, càng tuân thủ luật pháp quốc tế bao nhiêu, thì Trung Quốc lại càng lấn tới gây ra những điểm nóng trên Biển Đông, và nhất là vấn đề bắt bớ ngư dân đòi tiền chuộc. Nếu như không có giải pháp thỏa đáng được đặt ra mà ngư dân sợ đến tánh mạng của mình, sợ đến nồi cơm của mình, lén lút nộp tiển chuộc, thì chẳng khác nào thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên vùng quần đảo Hoàng Sa.
Mặc Lâm: Tuy nhiên, mới đây một phái đoàn quân sự cao cấp của Việt Nam đã sang Bắc kinh để bàn thảo việc hợp tác giữa hai nước. Trong tình hình hiện nay liệu cái được gọi là tình hữu nghị này có thể khiến Trung Quốc hài lòng và tỏ ra thiện chí với Việt Nam hơn hay không khi mà 21 ngư dân Việt Nam vẫn còn bị họ giam giữ, thưa ông?
Đinh Kim Phúc: Không thể đặt tình hữu nghị lên trên chủ quyền quốc gia. Đứng trước một cường quốc mạnh như Trung Quốc, một đất nước có hơn 2.000 tỷ đô la dự trữ, một đất nước chi phí quân sự hàng năm gấp mấy lần thu nhập quốc dân của Việt Nam, và họ luôn luôn cố tình khiêu khích vũ trang để cho Việt Nam nổ súng để họ lấy đó làm cái cớ để tiến công Việt Nam nhằm đánh chiếm thêm một số hải đảo của Việt Nam, đây là một bài toán rất là gian nan! Nếu không có những biện pháp ổn thỏa để giải quyết thì chúng ta sẽ sập bẫy của Trung Quốc và sẽ mất thêm lãnh thổ.
Một vấn đề đặt ra, theo tôi nghĩ một mặt kiên trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình bằng các đường lối ngoại giao, nhưng cũng cần phải có một tiếng nói thống nhứt trong nội bộ các nước ASEAN. Trong những chỉ thị, những áp đặt vô lý của Trung Quốc ở Biển Đông như là lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm, rồi truy bắt ngư dân của Việt Nam, của Philippines, của Malaysia, vân vân, thì chúng ta phải có tiếng nói thống nhứt.
Thứ hai nữa, nếu ai trách rằng nhà nước Việt Nam quá mềm mỏng đối với vấn đề đối phó với Trung Quốc trong việc ngư dân bị bắt bớ thì tôi nghĩ rằng ở tình trạng này Việt Nam đang bị vướng mắc bởi giữ vững lập trường hòa bình, ổn định và phát triền. Trong mối quan hệ kinh tế hàng năm giữa Việt Nam và Trung Quốc là 25 tỷ đô la thì khó có thể kiếm một thị trường nào đó để bù đắp vào thị trường này.
Mặc Lâm: Trong thực tế này thì Việt Nam phải làm gì để thoát ra dần dần hiện trạng lệ thuộc về kinh tế đối với Trung Quốc?
Đinh Kim Phúc: Vấn đề đặt ra là các nhà kinh tế Việt Nam, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam phải tìm ra những thị trường mới để bù đắp thị trường Trung Quốc, thì tiếng nói của nhà nước Việt Nam tôi nghĩ rằng sẽ mạnh dạn hơn và sẽ cứng rắn hơn. Bài toán giải quyết việc Trung Quốc đánh đập, bắt bớ, tống tiền ngự dân Việt Nam, tuy là bài toán của nhà nước nhưng tất cả mọi người đều phải có một tiếng nói chung và phải chỉ ra được một phương pháp cụ thể để giúp cho nhà nước vượt qua được cái khó khăn này, chứ không chỉ là phê phán.
Ngay cả thời kỳ xung đột vũ trang giữa Việt Nam và Trung Quốc trong cuối những năm 70 của thế kỷ trước chúng ta thấy rằng có những vấn đề cũng hết sức khó xử giữa một nước nhỏ bên cạnh một nước lớn. Do đó dù giữ quan hệ láng giềng hữu nghị đối với Trung Quốc nhưng chính phủ Việt Nam cần phải cứng rắn hơn nữa, nhưng tránh khiêu khích vũ trang, vì nếu khiêu khích vũ trang thì sẽ sập bẫy Trung Quốc.
Mặc Lâm: Trong vài ngày vừa qua Trung Quốc và Philippines đã căng thẳng với nhau trước vấn đề mà Phi gọi là Trung Quốc đã xâm phạm đảo Scarborough trong quần đảo Trường Sa. Theo ông thì những đòi hỏi của Phi có hợp lý hay không?
Đinh Kim Phúc: Vấn đề xung đột giữa Trung Quốc và Philippines trong tuần qua trong việc tranh chấp khu vực bãi cạn Scarborough nó đã đẩy vấn đề tranh chấp Biển Đông lên một bước mới có khả năng xảy ra xung đột vũ trang nếu như hai bên không kiềm chế.
Có một vấn đề được đặt ra là vì sao khu vực này thuộc về quần đảo Trường Sa của Việt Nam mà Việt Nam lại không lên tiếng trong vấn đề tranh chấp. Trước khi trả lời câu hỏi này thì tôi có thể khẳng định rằng toàn bộ khu vực đang tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc thì nó thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Cần phải nhắc lại rằng trong hiệp ước hòa bình giữa Mỹ và Tây Ban Nha ký tại Paris ngày 10-12-1898 thì Tây Ban Nha giao lại phần lãnh thổ của Philippines cho Mỹ quản lý thì không bao gồm khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trong điều 3 của hiệp định hòa bình 1898 ghi rất rõ khu vực gọi là lãnh thổ Philippines mà Tây Ban Nha giao lại cho Mỹ không bao gồm quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Một sự kiện thứ hai nữa là trong hiệp ước phòng thủ giữa Mỹ và Philippines ký vào tháng 5-1984 thì không gian phòng thủ cũng không bao gồm quân đảo Trường Sa của Việt Nam. Điều này đã thấy rõ là Philippines hoàn toàn không có chủ quyền ở trên quấn đảoTrường Sa của Việt Nam. Nhưng trong thời gian vừa qua thì tôi nghĩ rằng chính phủ Việt Nam đã nhiều lần khẳng định Hoàng Sa – Trường Sa là của Việt Nam. Lời tuyên bố cả gói như thế tôi thấy là tạm đủ, vì trong các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền thì cần phải có lúc nhân nhượng, có lúc tranh thủ để tập trung đấu tranh chống lại tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc . Còn trong nội bộ các nước ASEAN thì vẫn giữ nguyên tắc không gây căng thẳng và đàm phán bằng phương pháp hòa bình.
Mặc Lâm: Thái độ của nhà nước Việt Nam cho tới nay vẫn hoàn toàn im lặng, không hề lên tiếng về chủ quyền tại Bãi cỏ rong mặc dù luôn khẳng định Trường Sa là của Việt Nam. Liệu với sự im lặng này thì Việt Nam có tự gạt mình ra khỏi cuộc tranh chấp hay không ạ?
Đinh Kim Phúc: Đây là một vấn đề mà giới học giả nghiên cứu Biển Đông cũng đang đặt ra. Tuyên bố chủ quyền dù có giành được hay không thì vấn đề liên tục tuyên bố chủ quyền nó vẫn có giá trị pháp lý trong vấn đề đấu tranh ở các hội nghị quốc tế hoặc trong các tòa án quốc tế. Nhưng đấy là điều mà ngay cả bản thân tôi cũng rất là ngạc nhiên, vì trong thời gian vừa qua, ngay thậm chí khi Philippines và Trung Quốc căng thẳng trên vùng đảo Bãi Cỏ Rong thì chính phủ Việt Nam cũng không lên tiếng chủ quyền ở khu vực này. Tôi không biết có một sự thỏa thuận nào đó giữa Việt Nam và các quốc gia ASEAN nói chung, hay giữa Việt Nam và Philippines hay không, nhưng đây cũng là câu hỏi mà tôi đang đặt ra. Không biết là Việt Nam có từ bỏ chủ quyền của mình trên vùng Bãi Cỏ Rong, hoặc vùng bãi đá ngầm Scaborough hay không?
Mặc Lâm: Một lẫn nữa, xin cảm ơn nhà nghiên cứu Biển Đông – Đinh Kim Phúc đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn ngày hôm nay.
 
*
 
Vừa rồi là nhà nghiên cứu Biển Đông Đinh Kim Phúc, sau đây là ý kiến của Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, nguyên đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc và ông Nguyễn Trung, nguyên đại sứ Việt Nam tại Thái Lan về những giải pháp cho cuộc tranh chấp Biển Đông. Đây là phần cuối của loạt bài ý kiến của nhiều vị khách mời có quan tâm và nghiên cứu đến vấn đề Biển Đông. Hy vọng rằng những nhận định của họ sẽ giúp cho chúng ta hiểu thêm những gì đang xảy ra trong và ngoài nước có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến vận mệnh của chủ quyền Việt Nam.
Mặc Lâm : Thưa, xin ông Đại Sứ cho biết qua những kinh nghiệm khi còn làm đại sứ tại Bắc Kinh thì tình hình Biển Đông hiện nay theo ông vấn đề gì là quan trọng nhất?
Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh : Đối với tình hình Biển Đông thì tôi chỉ quan tâm là  các đảo và biển của tổ quốc mình không bị cái lưỡi bò vô lý của Trung Quốc chia cắt. Chúng tôi có nhiều tư liệu đầy đủ về Biển Đông và các quần đảo thuộc về chúng tôi, và Trung Quốc thì không có gì cả, không có cứ liệu nào có giá trị mà nói lên được các quần đảo là của họ. Họ chỉ tuyên bố họ xí phần thế thôi. Tôi muốn công bố những tài liệu của Việt Nam lên cho thế giới biết cũng như phải đấu tranh ngoại giao, đấu tranh dư luận với họ. Còn họ mạnh về quân sự, chúng tôi về hải quân không bằng họ, kém lắm, nhưng nếu họ đánh thì chúng tôi cũng có những phương tiện khác để có thể đánh chìm tàu chiến của họ. Nhưng cái đó còn tùy thái độ lãnh đạo của chúng tôi.
Mặc Lâm : Vâng. Nhiều nhà nghiên cứu Biển Đông trong và ngoài nước đã đề nghị chính phủ cần phải đưa vấn đề này ra quốc tế, bất chấp Trung Quốc có đồng ý hay không vì làm được điều này thì Việt Nam đã gióng được tiếng chuông cảnh báo với thế giới về những hành động quá đáng của Trung Quốc, ông có đồng ý với quan điểm này hay không, thưa ông Đại Sứ?
Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh : Tôi cho rằng phải đưa ra quốc tế để quốc tế hóa những tư liệu của chúng tôi trong cuộc đấu tranh với Trung Quốc, chứ còn cứ nói tay đôi với họ thì chả giải quyết được điều gì đâu. Tuy họ mạnh thật nhưng không phải dễ dàng gì họ đánh chúng tôi. Họ mạnh nhưng họ có những chỗ yếu. Trước đây Mỹ mạnh gấp mười lần thế nhưng chúng tôi cũng đánh trả, rồi cũng giành được độc lập.
Mặc Lâm : Đó là đối với thế giới còn với trong nước thì sao? Ông Đại Sứ có đề nghị gì với chính phủ trước tình hình sôi động hiện nay không ạ ?
Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh : Tôi thường đề nghị với chính phủ là phải thực hiện dân chủ và đàn áp những người đi biểu tình yêu nước chống Trung Quốc là vô lý.
Mặc Lâm : Nhưng mà hình như có một áp lực nào đó lúc nào cũng chi phối hành động của chính quyền đối với những gì có mang yếu tố Trung Quốc. Ông có nhận thấy như vậy hay không, thưa ông?
Đại sứ Nguyễn Trọng Vĩnh : Không phải một mình tôi mà cả dư luận nhiều đồng bào tôi cũng biết là có cái áp lực từ Phương Bắc, nhưng mà bây giờ mình phải cứng rắn lên thì không sợ thì mới được, chứ cứ sợ cái áp lực của họ thì chả giải quyết được cái gì rồi đến mất nước mất thôi.
Mặc Lâm : Xin cám ơn ông.
 
*
 
Sau đây là ý kiến của nguyên Đại sứ Nguyễn Trung về nội dung câu hỏi là liệu Việt Nam phải làm cách nào để bảo vệ chủ quyền biển đảo trong hoàn cảnh sức mạnh quân sự vẫn còn quá yếu như hiện nay.
Đại sứ Nguyễn Trung : Chúng tôi tìm mọi cách để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình, đấy là quan điểm của tôi. Tôi ủng hộ tất cả những gì có thể tạo ra được kết quả, bất kể đó là một chuyện gì. Tuy nhiên, nếu phía Trung Quốc tỉnh táo thì tốt nhất là nên tôn trọng những ý kiến, nhất là những ý kiến vừa rồi được nói tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN. Tôi nghĩ những ý kiến này thật rõ ràng. Thế còn phía Trung Quốc nều họ cứ cố tình họ không thực hiện thì trách nhiệm thuộc về họ thôi.
Mặc Lâm : Vâng. Thưa ông Đại Sứ, trong Hội nghị thượng đỉnh ASEAN vừa qua Trung Quốc đã làm một động thái có thể xem là uy hiếp nước chủ nhà Campuchia khi yêu cầu Phnom Penh không mang vấn đề Biển Đông vào nghị trình làm việc. Nhận xét của ông về hành động này như thế nào ạ?
Đại sứ Nguyễn Trung : Tôi biết là họ chịu một sự uy hiếp, thậm chí là những hành động không đúng với tính cách một quốc gia, mà hơn nữa Trung Quốc là một nước lớn, thế thì phải nói rằng đấy là chuyện không thể nào chấp nhận được. Tôi nghĩ rằng dứt khoát nhân dân Việt Nam lập trường rất rõ ràng, rất mong muốn có quan hệ tốt với các nước láng giềng, nhất là với Trung Quốc là một nước lớn bên cạnh mình. Nhưng điều đó không có nghĩa là chấp nhận bất kể một điều gì xâm phạm đến chủ quyền, đến lãnh thổ, đến các vùng biển, vùng trời mà đã thuộc chúng tôi và là của chúng tôi. Về mặt lịch sử cũng như mặt pháp lý là đã rõ ràng, không có gì để bàn.
Tôi nghĩ rằng bây giờ tốt nhất dối với Trung Quốc phải tôn trọng các tập quán chung, các luật lệ chung, và kể cả bản thân của Trung Quốc là thành viên ở trong khu vực này. Hơn nữa hội nghị ASEAn vừa rồi ai cũng biết, Trung Quốc tìm mọi cách không muốn để cho Campuchia đưa vấn đề Biển Đông vào hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN vừa rồi. Tuy nhiên cuối cùng thì các nước ASEAN người ta là những quốc gia độc lập, có chủ quyền, người ta không thể nào chấp nhận những cách đặt vấn đề như vậy của Trung Quôc, tôi nghĩ tất cả đã rõ ràng chứ còn không có gì là không rõ ràng đó anh.
Mặc Lâm : Những phản đối của Bộ ngoại giao Việt Nam về sự xâm hại cả người và tài sản của ngư dân cũng như vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì Trung Quốc luôn im lặng và không màng hồi âm. Kinh nghiệm trong ngành ngoại giao theo ông Đại sứ thì Việt Nam phải đối phó như thế nào trước thái độ này?
Đại sứ Nguyễn Trung : Tôi nghĩ rằng mình phải tìm mọi cách để họ biết rằng không nghe không được. Người dân đã nói lên ý kiến rất rõ, và tôi nghĩ chính phủ ai cũng phải nghe dân chứ không thể nào khác được. Tôi thấy những gì đã nói ở hội nghị thượng đỉnh vừa rồi thì rất là rõ ràng, dứt khoát, chúng ta không thể nào chấp nhận một tình hình như thế đâu.
Mặc Lâm : Để kết luận, xin ông cho biết cái nhìn tổng quan của ông trước những tranh chấp đối với Trung Quốc sẽ còn xảy ra trong nhiều năm tới nó sẽ ra sao, thưa ông?
Đại sứ Nguyễn Trung : Trung Quốc không phải một lần đối với ta như thế này đâu. Cũng đã xảy ra những lúc quan hệ hai nước rất xấu. Tôi lấy ví dụ như thời chiến tranh tháng 2 năm 1979, hay như chuyện cướp thêm mấy cái đảo nữa vào năm 1988, thì phải nói rằng đấy là thái độ hoàn toàn không đúng với một nước gọi là “trỗi dậy hòa bình” hay là cái gì cả. Chúng tôi thừa nhận là càng ngày họ càng leo thang và như thế chúng ta nhất định phải có biểu thị thái độ rõ ràng và cứng rắn hơn nữa. Cái đó là chắc chắn. Tôi nghĩ chúng ta phải làm như vậy. Chúng ta phải chống cự Trung Quốc từ mấy nghìn năm nay rồi chứ không phải từ bây giờ. Dân tộc này không khuất phục đâu anh. Cái đó là chắc chắn anh ạ.
Thực ra Trung Quốc bây giờ là vấn đề của cả thế giới chứ không phải chỉ có riêng Việt Nam. Việt Nam hoàn toàn không cô lập trong vấn đề này đâu. Chừng nào Trung Quốc còn theo đuổi chính sách như vậy thì tôi nghĩ vấn đề sẽ vẫn còn tiếp tục khó khăn và căng thẳng chứ không phải ngày một ngày hai mà hết được.
Mặc Lâm : Xin cảm ơn ông Đại sứ Nguyễn Trung.