Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

Tranh chấp hàng hải, TQ 'doạ' Nhật, 'nạt' Mỹ

- Hãng Tân hoa xã đưa tin, Trung Quốc sẽ tăng cường giám sát hàng hải ở một nhóm đảo tranh chấp tại biển Hoa Đông để bảo vệ quyền lãnh thổ.

Quần đảo không có người ở nhưng lại có vị trí chiến lược mà Nhật Bản gọi là Senkaku và Trung Quốc gọi là Điếu Ngư tại Hoa Đông được cho là nơi giàu trữ lượng dầu khí, cũng là trung tâm của cuộc tranh cãi ngoại giao kéo dài giữa Trung Quốc và Nhật Bản.
Ảnh: wordpress
"Việc tuần tra là một phần trách nhiệm quan trọng lâu dài của chúng tôi", Vũ Bình - phó phụ trách cơ quan Giám sát Hàng hải Trung Quốc (Hải giám) nói với hãng Tân hoa. Hãng này cũng cho biết, hai tàu tuần tra Trung Quốc gần đây đã thực hiện sứ mệnh giám sát "các dự án khai thác dầu khí "trái phép" xung quanh quần đảo tranh chấp.
Thứ sáu tuần qua, Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc để phản đối vụ "xâm nhập cực kỳ nghiêm trọng" của tàu hải giám Trung Quốc vào vùng nước Senkaku. Bộ này nói rằng, tàu Trung Quốc đã vào lãnh hải bất chấp "nhiều lần cảnh báo" từ lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Đây là vụ đầu tiên tàu nhà nước Trung Quốc tiến vào lãnh hải thuộc quần đảo kể từ tháng 8 năm ngoái.
Vụ việc xảy ra trong buổi tuần tra của hai tàu hải giám Trung Quốc. Ở một động thái bất thường, vụ việc này được cơ quan Quản lý đại dương Trung Quốc thông báo. Hai tàu đã đến vùng biển sát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào khoảng 5h sáng, cơ quan này cho biết trên trang web của họ: "Cuộc tuần tra phản ánh quan điểm nhất quán của chính phủ Trung Quốc về chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư".
Được biết, hôm 15/3, Nhật đã ra quyết định khởi tố một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc này vì tội đã cố tình đâm vào tàu tuần duyên và gây căng thẳng quan hệ song phương. Ở gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư năm 2010 đã xảy ra vụ va chạm giữa một tàu cá Trung Quốc và tàu tuần tra của lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản. Tokyo sau đó đã bắt giam thuyền trưởng tàu cá rồi thả tự do cho người này. Nhưng hiện tại, một ủy ban điều tra độc lập của Nhật đảo ngược quyết định xóa tội của cơ quan công tố. Theo đó, thuyền trưởng bị cáo buộc đã cản trở người thi hành công vụ, gây hư hại tàu của nhà chức trách và vi phạm luật quản lý hoạt động ngư trường.
Senkaku hiện nằm dưới sự kiểm soát của Tokyo nhưng Bắc Kinh lại tuyên bố có chủ quyền.
Tranh chấp hàng hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông đang leo thang những năm gần đây.
Hôm nay (20/3), trang điện tử của tờ Nhân dân Nhật báo Trung Quốc đã đăng tải bài viết, cảnh báo Mỹ không nên "khuấy động" sóng nước Biển Đông. Bài viết cho rằng, vào ngày 15/3, Burton Field, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Nhật Bản đã có cuộc họp báo tại Tokyo, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng tự do hàng hải và hành động có trách nhiệm ở Biển Đông. Tờ báo bình luận, đây thực sự không phải là hành động trách nhiệm của một chỉ huy cấp cao lực lượng vũ trang Mỹ với cái cớ "tự do hàng hải ở Biển Đông".
Theo Nhân dân Nhật báo, Biển Đông hiện nay yên tĩnh và hoà bình, và mọi quốc gia trong đó có Mỹ có thể "tận hưởng" tự do hàng hải ở đó. Nhưng theo tờ báo, trong khi tận hưởng tự do hàng hải ở Biển Đông thì Mỹ đang gây ra những bất an.
Biển Đông trải rộng trên 1,7 triệu km vuông gồm hơn 200 hòn đảo (hầu như không có người ở), bãi đá ngầm… và được cho là rất giàu tài nguyên dầu khí cũng như nguồn cá. Mặc dù có nhiều nước tuyên bố chủ quyền với Biển Đông (như Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei) và tồn tại tình trạng chồng lấn chủ quyền, thì tranh chấp thường được coi là xảy ra giữa Trung Quốc - nước tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông và các bên còn lại.
Những tranh chấp chủ quyền với các đảo, vỉa đá ngầm giàu năng lượng ở Biển Đông - vùng biển chiếm khoảng 5 nghìn tỉ giá trị vận chuyển thương mại hàng năm, là một trong những mối đe dọa an ninh lớn nhất tại châu Á. Bắc Kinh tuyên bố có chủ quyền lịch sử với hầu hết vùng biển, bất chấp tuyên bố chủ quyền của nhiều nước khác.
Mới đây, Trung Quốc đã tuyên bố ngân sách quốc phòng sẽ tăng lên 100 tỉ USD trong năm 2012, mức gia tăng hai con số mới nhất khiến nhiều quốc gia châu Á lo lắng, nhất là trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng quả quyết hơn trong tranh chấp biên giới hàng hải.
Thái An