Định Nguyên - Thông tín viên RFA
Báo Thanh Niên cùng một số đơn vị phối hợp dự định tổ chức lễ tưởng niệm, tri ân những chiến sĩ đã hy sinh trong trận chiến Gạc Ma vào ngày 14/3 vừa qua tại Cam Ranh, Khánh Hòa, nhưng bị hủy vào giờ chót.
Ai cấm, vì sao cấm?
24 năm trôi qua, kể từ ngày xảy ra trận chiến ngày 14/3/1988, không có bất cứ một thông tin hay hoạt động tưởng nhớ chính thức về biến cố lịch sử này. Những người nằm xuống dường như đã bị quên hẳn, những người sống sót tự thân phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh hằng ngày mà không được sự hỗ trợ nào để được gọi là xứng đáng với chủ trương đền ơn đáp nghĩa mà Nhà Nước thường tuyên bố.
6 giờ sáng ngày 14/3/1988 Hải Quân Trung quốc tung hỏa lực tấn công cùng lúc 3 đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam: Gạc Ma, Cô Lin và Len Đao. Một cuộc chiến không cân sức, mà thế yếu thuộc về Việt Nam, diễn ra trong hai ngày. Đến ngày 16/3/1988 thì Trung Quốc chiếm được đảo Gạc Ma và giữ cho đến nay. Kết quả cuối cùng, Hải Quân Việt Nam hy sinh 64 chiến sỹ và 3 tàu vận tải tác chiến.
Người dân Việt Nam biết nhiều về trận chiến Trường Sa 1988, mà trong tài liệu Hải Quân thì gọi là CQ-88 (Chủ Quyền-88), là do đoạn video clip mà phía Trung quốc tung lên youtube. Người dân chứng kiến hàng loạt đạn đại pháo nã vào người lính Việt Nam đang can trường bám đảo. Họ như nghe vang lạị câu nói hào hùng của Thiếu úy Trần Văn Phương: “Thà hy sinh chứ không để mất đảo. Hãy để máu chúng ta nhuộm đỏ Biển Đông chứ cương quyết không để mất đảo.” Thiếu úy Trần Văn Phương là người hy sinh đầu tiên trong trận chiến khi trong tay quyết giữ chặt lá cờ Việt Nam.
Một phần tư thế kỷ trôi qua các anh vẫn nằm hoang lạnh dưới đáy biển. Việc đưa các anh về đất liền để hương khói không phải là khó. Nhưng vì lý do nào đó chính quyền vẫn không vận động hoặc yêu cầu chính phủ Trung Quốc đừng làm khó trong chuyện quy tập các anh về.
Tất nhiên là không hề nói nhưng ai cũng biết là chắc cái sự ngại ngần với Trung Quốc về quan hệ thế thôi chứ đâu có chuyện gì khác nữa!
Nhà báo Thanh Thảo
Chính quyền viện dẫn lý do nhạy cảm để không vinh danh các anh đã đành. Những tổ chức khác muốn đền ơn đáp nghĩa các anh cũng không thực hiện được. Trước ngày 14/3 vài tháng, báo Thanh Niên (văn phòng đại diện tại Nha Trang), phối hợp với báo Nông Thôn Ngày Nay, Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam, Hội Cựu Chiến Binh ngành dầu khí dự định tổ chức vinh danh, tri ân các anh và trao tặng quà cho một số gia đình liệt sĩ đã hy sinh trong trận chiến Trường Sa đúng vào ngày 14/3/2012. Buổi lễ sẽ được tổ chức tại trụ sở của Vùng 4 Hải Quân, Cam Ranh. Kế hoạch được sự đồng tình và hoan nghênh của Bộ Tư Lệnh Hải Quân.
Các đơn vị ráo riết tổ chức, liên hệ các gia đình liệt sỹ, phát thư mời, lo việc đưa đón. Mọi việc hoàn tất chờ ngày 14/3. Những gia đình liệt sĩ khi biết được tin này hết sức vui mừng và rất mong đến ngày lễ đầy tình nghĩa ấm cúng này. Còn cách đúng 3 ngày, vào ngày 11/3, ban tổ chức nhận được lệnh “trên” yêu cầu hủy cuộc gặp mặt. Tin như sét đánh. Không thực hiện được buổi lễ vinh danh, đền ơn này, ngoài chi phí đã bỏ ra, điều cay đắng nhất là ban tổ chức sẽ gánh một oan tội là lừa phỉnh gia đình liệt sỹ; về phía gia đình liệt sỹ họ cảm thấy nhục nhã khi chồng con họ hy sinh cho đất nước mà họ vừa bị bỏ rơi vừa bị lường gạt.
Một nhà báo đi liên hệ mời các gia đình liệt sỹ Gạc Ma đã cay đắng nói với blogger Mai Thanh Hải rằng: “"Anh trở thành người đi phỉnh (lừa) các mẹ Liệt sĩ" và chán nản: "Giỗ anh em hy sinh mà không dám tổ chức. Khóc anh em hy sinh cũng không được phép khóc!" Blogger Mai Thanh Hải cũng chán nản đặt câu hỏi “Tổ quốc có bao giờ Hèn như thế này không?”
Cái lệnh cấm quái ác này đến từ đâu, từ cấp nào, của ai thì không ai được biết và cũng không có lý do. Nhà thơ Bùi Minh Quốc khi nghe được thông tin này đã viết thư ngỏ, đăng trên blog Nguyễn Tường Thụy, gởi các nhà lãnh đạo đất nước từ Quốc Hội, chính phủ, Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư đến tất cả những nhà lão thành cách mạng, ông viết: “Tôi tha thiết đề nghị các cấp lãnh đạo cùng tất cả những ai còn nặng lòng với dòng máu của các liệt sĩ đã đổ ra cho đất nước này hãy dành ra một phút đọc bản tin dưới đây: Kế hoạch vinh danh, tri ân Liệt sĩ Gạc Ma, Trường Sa bị ngăn chận (công bố trên trang mạng BASÀM) và cùng nhau giải đáp câu hỏi "Một hành động như thế này được gọi là lãnh đạo ư?”
Người lính bị lãng quên
Đến như Báo Thanh Niên là một tờ báo lớn và có uy tín ở Việt Nam, là đơn vị nòng cốt đồng tổ chức buổi lễ vinh danh này, sau khi bị ngăn chận đến nay cũng không đưa ra được vì lý do nào cấm, cấp nào ra lệnh cấm để dư luận tỏ tường. Cũng có thể báo Thanh Niên họ biết cấp nào đó, ai đó ra lệnh và lý do cấm nhưng không thể nêu ra. Chúng tôi trao đổi với ông Thanh Thảo, phóng viên của báo Thanh Niên, ông cũng không biết gì ngoài cái lệnh của “trên” hủy bỏ cuộc gặp mặt. Nhà báo Thanh Thảo cho biết:
“Thực ra lý do gì thì cũng không ai nói thành ra không biết được. Nhưng tôi biết cái việc chuẩn bị buổi lễ kỷ niệm mời tất cả những bà mẹ và vợ của các liệt sĩ đã gởi giấy mời xong và tổ chức tại Khánh Hòa. Đến phút cuối cùng thì được lệnh ở trên không cho. Lệnh ở đâu không biết chỉ nói là ở trên còn lý do thì không hề nói. Tất nhiên là không hề nói nhưng ai cũng biết là chắc cái sự ngại ngần gì với Trung Quốc về quan hệ thế thôi chứ đâu có chuyện gì khác nữa! Việc tổ chức anh em làm rất kỹ, rất tốt, chu đáo và rất hết sức kềm chế chứ không làm gì quá đáng nhưng cuối cùng cũng không được.”
Không cấp, không người, không lý do. Không cho là không được làm. Tất cả là bóng tối. Người dân nhìn cách hành xử này giống hoạt động của xã hội đen, khi cần thanh toán đối tượng nào là đối tượng đó phải chết. “Lệnh trên”, dĩ nhiên là phải có lệnh, nhưng “trên” là “trên” tới đâu thì không được chỉ, và dư luận cũng đoán mò là nếu trên Hà Nội nữa thì thật là bất hạnh cho dân tộc.
Người lính Trường Sa – Gạc Ma bị lãng quên nhưng họ không quên họ và đồng đội. Hằng năm đến ngày 14/3 những cựu binh còn sống tự âm thầm tìm đến nhau, làm bữa giỗ cho những người đã hy sinh và động viên an ủi nhau, những người may mắn sống sót. Những hoạt động như vậy ngoài khuôn khổ của Nhà Nước, thường tổ chức tại tư gia của cựu binh nào có điều kiện. Anh Dũng, một cựu binh Trường Sa nhà ở Khánh Hòa cho chúng tôi biết như sau:
“Lính đảo Trường Sa năm nào cũng tổ chức họp mặt và anh em ngồi lại với nhau để ôn lại những kỷ niệm vui buồn. Cái này anh em nhớ lại ngày đó anh em tự tổ chức, anh em tự sinh hoạt tự giúp đỡ cho nhau trong khốn khổ vậy thôi và trong anh em không hà.”
Lính đảo Trường Sa năm nào cũng tổ chức họp mặt và anh em ngồi lại với nhau để ôn lại những kỷ niệm vui buồn. Anh em tự tổ chức giúp đỡ cho nhau trong khốn khổ vậy thôi!
Anh Dũng, cựu binh Trường Sa
Việc hỗ trợ cho gia đình những đồng đội đã nằm xuống, họ không biết về phía Nhà Nước làm gì vì đó là chuyện của Nhà Nước, riêng hội của anh vẫn thực hiện nghĩa tình của những cựu chiến binh may mắn sống sót. Anh nói:
“Bên Nhà Nước có tổ chức thì là chuyện của Nhà Nước, bên hội của Dũng, anh em nào đã nằm xuống thì tới ngày họp mặt đó hội tổ chức đi thăm gia đình của những anh em đã nằm xuống.”
Như vậy trong số phận bạc bẽo của các anh cũng còn chút an ủi phần nào nhờ vào tấm lòng những đồng đội cũ.
Các anh đã thực hiện xong bổn phận của mình. Giờ đây là lúc cần tới bổn phận của người dẫn đầu trên đất nước này với những tri ân tưởng nhớ đúng nghĩa. Tiếc thay, xương cốt của các anh vẫn đang bị hoang lạnh giữa biển khơi; thân nhân các anh tối mặt vật lộn với kế sinh nhai, mà trên hết là không một tiếng nói chức trách nào đoái hoài tới sự vắng mặt của các anh. Đó là nỗi buồn đã đành đó cũng là một sự thật cần được lên tiếng.