Chủ Nhật, 15 tháng 1, 2012

Xã hội đen trùm lên xã hội đỏ

Ngô Nhân Dụng
 
Hai vụ bạo động diễn ra gần nhau ở Việt Nam. Một là vụ gia đình ông Đoàn Văn Vươn ở xã Bắc Hưng, huyện Tiên Lãng đã đặt mìn rồi nổ súng bắn bị thương một số công an Hải Phòng chống lại việc bị cưỡng chiếm đầm nuôi thủy sản và trồng cây ăn quả của họ. Hai là vụ đặt bom nổ tại nhà ông đại tá giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên. Hai vụ có nguyên ủy khác nhau, ý nghĩa khác nhau, nhưng cùng biểu hiện uy tín của ngành công an. Một là bị ghét, hai là bị khinh thường.
 
Công an là rường cột của chế độ cộng sản hiện nay. Nó bị khinh rẻ và oán ghét, chứng tỏ chế độ đang trên đường suy yếu.
Tiến sỹ Lê Bạch Dương, một vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) nhận xét về vụ ông Đoàn Văn Vươn: “Trước đây chưa từng thấy những hiện tượng như người dân chống lại người thi hành công vụ đánh lại cảnh sát, lao xe vào cảnh sát.” Người dân có đi biểu tình, có hô đả đảo, có chống cự khi bị đàn áp. Nhưng cố ý đặt mìn tính làm nổ một bình ga khi công an tới khu đầm nuôi cá, rồi từ trong nhà bắn súng ra nhắm vào toán công an đến tìm, thì chưa bao giờ có. Ông Nguyễn Học, ở Hà Nội đã nhớ lại cuộc đấu tranh của nông dân Quỳnh Phụ, Thái Bình năm 1997, dùng hai câu tục ngữ: “Tức nước, vỡ bờ;” và “Con giun xéo lắm cũng quằn;” để nhận định: “ …khi người nông dân đã kiên trì và nhẫn nại đến mức không thể chịu hơn được nữa thì họ phải đấu tranh.” Ông nghĩ rằng vụ này cho thấy “Nó bắt đầu có tính chất của một sự phản kháng, một tinh thần  nông dân phản kháng,” theo truyền thống trong lịch sử dân Việt. Một nhà làm blog khác nói thẳng: “… trước tình trạng bất công áp bức kéo dài thì sự việc chống trả của người dân cũng sẽ đến sớm muộn mà thôi, vì có áp bức thì có đấu tranh, và càng đè nén thì sức bộc phát sẽ khó lường.”
Vụ Đoàn Văn Vươn cho thấy lòng người dân Việt Nam phẫn uất với chế độ. Còn vụ Thái Nguyên có thể biểu lộ một tình trạng suy yếu ngay trong guồng máy chính quyền. Đại tá Nguyễn Như Tuấn mới được bổ nhiệm làm giám đốc công an tỉnh Thái Nguyên vài tháng, thì ngôi nhà của ông ở đường Lương Ngọc Quyến bị đặt bom nổ, phá tan khu vực tầng dưới, cửa sắt ngoài bị thổi tung. Một bản tin mô tả: “Các nhà hàng xóm trong bán kính 50m cũng bị sức ép của vụ nổ làm vỡ cửa kính; nhiều tấm bạt, biển quảng cáo, mái hiên di động các nhà xung quanh bị sức ép của vụ nổ thổi rách.”
Khi đọc tin này, nhiều vị độc giả đã phản ứng, coi đây cũng là một hành động phản kháng của người dân đối với guồng máy công an, và với cả chế độ. Nhưng ý kiến đó có vẻ vội vàng. Người dân Việt Nam nếu có phản kháng thì phải có lý do trực tiếp và cụ thể, như gia đình ông Đoàn Văn Vươn đã hành động. Còn việc đặt bom phá nhà này không thấy dấu hiệu nào do những người dân phẫn uất chủ trương, vì không nhắm vào một mục tiêu cụ thể nào cả. 
Báo Dân Trí trong nước cho biết  thêm: “Đại tá Tuấn nổi tiếng mạnh tay trong việc trấn áp tội phạm về trật tự xã hội như ma túy, mại dâm, nhà hàng vũ trường và cả những vụ đua xe, quậy phá của các băng nhóm giang hồ.” Chi tiết này có thể cho thấy một động cơ của vụ đặt bom: Cảnh cáo một viên chức công an đang quá mạnh tay trong việc bài trừ tội phạm trong vùng trách nhiệm của mình. Nhưng loại tội phạm nào có khả năng và có can đảm tổ chức nổ bom nhà của một ông giám đốc công an tỉnh? Những nhóm tổ chức mại dâm, vũ trưòng, những nhóm đua xe, quậy phá phố phường chắc không thuộc loại đó. Có một tổ chức nào cả gan “đụng tới công an?” Chỉ có những tổ chức buôn bán ma túy mới dám nghĩ tới và có khả năng thi hành một thủ đoạn như vậy. Cho nên có thể đặt ra giả thuyết rằng ông Nguyễn Như Tuấn đang bị xã hội đen hăm dọa. Những nhóm xã hội đen mạnh nhất chắc phải dính tới việc tổ chức buôn lậu lớn, trong đó có buôn bán ma túy. Thái Nguyên có thể là một cái chốt trên con đường vận chuyển và phân phối hàng lậu và ma túy.
Ma túy là một đại nạn xã hội của nước ta. Những người tôi quen biết ở miền Bắc Việt Nam đều đồng ý rằng gần một nửa thanh thiếu niên ở các thành phố đông dân đang bị ma túy tấn công hàng ngày. Tôi đã hỏi một sĩ quan công an: Tại sao guồng máy của các anh tỏa rộng khắp nơi, không có cái gì lọt khỏi mắt công an, mà tệ nạn ma túy lại hoành hành được như vậy? Ma túy đang hủy hoại tương lai của dân tộc. Chính công an các anh chịu trách nhiệm! 
Người sĩ quan công an nghe tôi hỏi chỉ biết trả lời: “Chúng tôi đã cố gắng  nhiều lắm.” Một câu trả lời không ai thấy thỏa đáng.
Vụ đặt bom nhà Đại tá Nguyễn Như Tuấn có thể trả lời cho câu hỏi trên. Nếu giả thuyết trên đây đúng, thì vụ nổ bom ở nhà ông giám đốc công an tỉnh do xã hội đen chủ trương cho thấy công an muốn chống cũng bất lực. Và bị khinh thường.
Đặt bom nhà một giám đốc công an tỉnh không phải chuyện chơi, tổ chức xã hội đen nào có gan làm việc đó? Để xem cuộc điều tra của họ rồi sẽ đi tới đâu. Có ai bị đưa ra làm con dê tế thần hay không? Sau vụ này ông Nguyễn Như Tuấn sẽ làm gì? Ông còn hăng hái bài trừ các băng đảng buôn bán ma túy trong tỉnh Thái Nguyên hay không? Ông có dám yêu cầu cấp trên của ông làm cho rõ trắng đen hay không? Nếu cấp trên trong ngành công an muốn làm cho ra nhẽ, thế còn các ông bà trong Trung Ương Đảng có đồng ý không? Còn các ông bà trong Bộ Chính trị, họ ngồi trên đầu Trung Ương Đảng họ nghĩ sao?
Một nhà văn hài hước người Ba Lan, Sławomir Mrożek đã kể một câu chuyện với hình ảnh “thằng ăn cắp này ngồi trên đầu thằng ăn cắp kia,” trong tập truyện Con Voi, xuất bản năm 1957 trong thời cộng sản. Cuốn này đã được Diễm Châu dịch và in ở Sài Gòn hồi 1970. Truyện ngắn “Trẻ em” tả một lũ trẻ đắp tuyết làm hình thằng người ở công viên. Thế rồi đám trẻ bị nhiều người lớn động lòng, cho là chúng cố ý ám chỉ, nói xấu chế độ. Một người lớn giải thích: Lũ trẻ đắp ba tảng tuyết chồng lên nhau, chúng có ý đồ gì? Có phải là chúng muốn nói một bọn ăn cắp ngồi trên đầu một bọn ăn cắp khác, rồi lại bị một bọn ăn cắp khác ngồi trên đầu chúng; có phải không nào? 
Nhưng làm cách nào mà những lớp ăn cắp có thể ngồi trên đầu nhau, trong những hợp tác xã, cùng nhau trong cả chế độ cộng sản ở Ba Lan; trong khi mục đích được đảng Cộng sản nêu lên là làm cách mạng giải phóng dân vô sản? Vì trong xã hội loài người có những quy luật, những người chọn đi vào một con đường nào thì phải chịu hậu quả của lựa chọn đó. 
Khi một đảng chủ trương thành lập một chế độ độc tài để cai trị dân chúng, thì chính họ cũng sống theo quy tắc độc tài. Với lối sống tập trung quyền hành và bảo vệ bí mật của họ, những người khôn lanh nhất trong đảng sẽ tìm cách len lỏi theo hệ thống mà leo lên cao, leo lên cao mãi; cuối cùng guồng máy lãnh đạo đảng sẽ do một nhóm lưu manh nắm trọn. Một quy luật như vậy đã được nhà xã hội học người Đức, Robert Michels mô tả, gọi tên là “Luật sắt của chế độ Quả đầu” (The iron law of oligarchy), trong cuốn sách Đảng Chính trị in năm 1911. Michels nhận thấy rằng các đảng hoạt động bí mật cuối cùng sẽ rơi vào trong tay một nhóm nhỏ độc tài (gọi là quả đầu, oligarchy).
Tại sao một đảng cách mạng, một đảng cầm quyền chính trị, lại bị “quả đầu hóa” và “lưu manh hóa” như vậy? Michels thấy nguyên nhân là vì một đảng phải có những người lãnh đạo; mà nhóm người nào cũng vậy, cuối cùng họ phải tự lo cho quyền lợi của chính họ; ngoài ra, tính thụ động của các đảng viên khiến họ dần dần chỉ biết tôn thờ các lãnh tụ. Quy luật sắt của Michels đã được chứng minh qua lịch sử các đảng phát xít và cộng sản. Bất cứ đảng nào hoạt động chính trị với chủ trương sẽ thi hành chế độ độc tài đều đưa đến một hậu quả này: Chính cái đảng đó sẽ rơi vào tay một nhóm quả đầu. Và đảng càng sống lâu thì càng bị một bọn lưu manh thao túng. Vì chỉ bọn họ mới có quyết tâm trên con đường xây dựng sự nghiệp cá nhân mình bằng cách leo dần dần lên các cấp lãnh đạo! Họ biến thành một lũ mafia khai thác “sự nghiệp cách mạng” của các đảng viên để củng cố quyền hành, địa vị và tài sản của họ, bất chấp lợi ích chung của người dân.
Người dân khi biết tình trạng đó thì đã quá muộn màng. Như nhà văn Dương Thu Hương viết: “Dân chúng đã nhìn rõ bản mặt của họ: những con vật đi bằng hai chân, những con vật tham tàn, những con vật đang run sợ vì sự tham tàn của chúng không còn được bóng tối che đậy.” Đó là một đảng cầm quyền hay một băng đảng ăn cướp? Như ông Đoàn Văn Vươn ở huyện Tiên Lãng đã có kinh nghiệm. Nhưng ông làm gì được để bảo vệ các thành quả do công sức gia đình ông tạo nên, khi cả guồng máy hành chánh và công an cùng nhau cố ý đưa ông vào bước đường cùng? Nỗi phẫn uất của ông không biết trút vào đâu, cho nên mới sinh bạo động!
Vụ nổ bom nhà ông Nguyễn Như Tuấn không biết điều tra sẽ đưa tới kết quả nào hay không. Ai có can đảm làm cho rõ trắng đen? Trong khi chờ đợi chúng ta biết một sự thật, rằng xã hội đen mạnh lắm, táo bạo lắm; nó coi những thứ như đại tá công an không ra gì cả. Nó bạo và mạnh như vậy cho nên mới dám nổ bom giằn mặt một giám đốc công an tỉnh! Nó biết không ai dám tìm sự thật sau cùng; không ai dám làm cho ra nhẽ. Bởi vì sức mạnh của nó đã trùm lên trên cả những cấp chỉ huy công an, phủ lên đầu cả những người chỉ huy công an. Trên đầu các ông giám đốc công an tỉnh có bộ Công An, trên đầu bộ này có Trung Ương Đảng, trên đầu họ lại có Bộ Chính trị. Giống như cái hình người tuyết trong truyện ngắn của Sławomir Mrożek có mấy tảng. Ở cấp nào cũng có bóng dáng xã hội đen len lỏi vô, chia chác và thao túng! Xã hội đen đã trùm lên trên xã hội đỏ! Không thể nào phân biệt được xã hội đen với xã hội đỏ nữa!