Thứ Sáu, 20 tháng 1, 2012

VỌNG HOÀNG SA

Hà Thành 
“Ðất nước Việt Nam có khi thịnh khi suy, lịch sử Việt Nam có khi hưng khi phế, thế hệ trước không giữ được Hoàng Sa nhưng không phải vì thế mà Hoàng Sa trở thành đất của Trung Quốc hay của bất cứ một quốc gia nào khác. Dân tộc Việt Nam, các thế hệ Việt Nam hôm nay và mai sau phải nhớ rằng: Bất cứ khi nào các điều kiện kinh tế, chính trị và quân sự cho phép, một trong những việc đầu tiên là phải lấy lại Hoàng Sa.”
Đó là những câu văn bi tráng của một nhà văn Sài Gòn viết sau sự kiện quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam bị Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm vào ngày 19/01/1974. Mỗi lần vào trang diễn đàn Hoàng Sa (hoangsa.org), đọc những câu ấy trên trang chủ, nghẹn lòng chực khóc…
Cũng trong những ngày sau biến cố đau thương ấy, nhà thơ Phạm Lê Phan đã khóc Hoàng Sa bằng những câu thơ nhói lòng:
“…Mẹ Ðứng mũi Sơn Trà
Gủi hồn ra Ðông Hải
Ðảo nổi giận nên biển cuồn sóng dậy
Ôi, đất nước ông cha: tay đứt lòng đau…”
Đã 38 năm trôi qua, Hoàng Sa bị chia rời khỏi đất mẹ Việt Nam!
Hoàng Sa là đảo, là biển, là đất đai, máu thịt của Việt Nam. Nơi đó, bao thế hệ tổ tiên chúng ta đã đổ mồ hôi nước mắt, hy sinh xương máu để gìn giữ. Vẫn còn đó Âm Linh Tự trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) thờ tự những hùng binh Hoàng Sa năm xưa, vẫn còn đó những ngôi mộ gió với hình nhân thế mạng bằng đất sét, bởi người đã nằm lại biển Hoàng Sa.
Hoàng Sa trời nước mênh mông
Người đi thì có mà không thấy về…
Câu ca nghe như cứa vào lòng người. Câu ca là nỗi niềm của những người dân ở Lý Sơn vọng Hoàng Sa, chờ đợi những người lính Hoàng Sa cách đây vài trăm năm, nhưng điều đó đúng với cả những ngư dân đi biển Hoàng Sa của ngày hôm nay. Ở nơi quần đảo bão tố bao nhiêu bất trắc tai ương, nhưng những người ngư dân vẫn bám biển Hoàng Sa, không chỉ mưu sinh, mà còn để khẳng định biển Hoàng Sa là của Việt Nam, như một chân lý có tự bao đời. Từ Lý Sơn, ở biển Hoàng Sa, họ nhìn về đảo Hoàng Sa, thương nhớ! Những ngư dân Lý Sơn dong thuyền ra Hoàng Sa như một bản năng, một sự thôi thúc từ sâu thẳm trong tim.
Bia chủ quyền Việt Nam do người Pháp dựng ở Hoàng Sa năm 1938. Trên bia có ghi rõ: Vương quốc Đại Nam 1816 – năm vua Gia Long bắt đầu thực thi chủ quyền của Việt Nam tại các đảo Hoàng Sa – Ảnh tư liệu ( Theo HDTG)
Thuyền trưởng Mai Phụng Lưu ở đảo Lý Sơn – người được mệnh danh là “sói biển” ở Hoàng Sa từng chia sẻ: “Không biết răng cứ ra tới biển là trong đầu nhớ nhớ Hoàng Sa. Có lần tui chạy về hướng Trường Sa được 180 lý rồi tự nhiên tay lái cứ bẻ lên Hoàng Sa”. Bốn lần bị Trung Quốc bắt, hai lần bị tịch thu tàu, một lần bị giam cầm tra tấn dã man và vô số lần bị rượt đuổi, nhưng “sói biển” Mai Phụng Lưu nhất quyết không bỏ biển Hoàng Sa. Với anh, đơn giản là: “Hoàng Sa là biển của ông bà chúng tôi…”  Lần cuối cùng bị bắt tàu, tán gia bại sản, nợ nần chồng chất, Mai Phụng Lưu ngồi nhà đau đáu nhớ Hoàng Sa; nhưng khi có cơ hội, việc đầu tiên anh làm là đóng tàu để trở lại Hoàng Sa.
Hoàng Sa – hai tiếng thân thương ấy là nỗi niềm của Mai Phụng Lưu, của ngư dân Lý Sơn và của biết bao người dân Việt Nam. Hoàng Sa như một huyền thoại, lại vừa hiện thực đến xót xa. Trong bộ phim tài liệu “Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc” do Điện ảnh quân đội thực hiện (giải A giải báo chí Quốc gia 2010, giải thưởng Bông sen vàng Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 17 – 2011), Hoàng Sa được ví như “một nỗi đau tận cùng trái tim” (lời bình trong phim). Hình ảnh những nhân chứng Hoàng Sa ở tuổi xế chiều ngồi cùng nhau ở UBND Huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) ôn lại kỷ niệm, với những gương mặt trầm lặng ưu tư, day dứt khiến người xem rơi nước mắt.
Ca khúc “Nơi đảo xa” của nhạc sỹ Thế Song là bài ca hay nhất về biển đảo quê hương, về Hoàng Sa và Trường Sa. Tác phẩm được viết khi đất nước đã thống nhất. Câu hát “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa quần đảo tím hiên ngang thiên hùng ca ngời sáng” dồn lên với những nốt nhạc cao, nhanh như bão tố phong ba, lại cũng đầy thiết tha, da diết. Nhưng có thể thấy, tác giả viết “Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa…” dù xét về mặt địa lý, Hoàng Sa ở gần hơn… Đó là một tâm thế vọng về Hoàng Sa, khi mà Hoàng Sa trở nên xa xôi hơn không đơn thuần vì khoảng cách.
Thời gian trôi, đã có rất nhiều điều đã thay đổi. Nhưng lịch sử không thay đổi và không thể bóp méo lịch sử. Sự thật là sự thật! Câu chuyện Hoàng Sa là một biến cố đau thương trong lịch sử bốn ngàn năm của dân tộc Việt Nam, trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Hãy xóa đi những hận thù quá khứ để hòa giải, yêu thương; để đồng lòng và đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp giành lại Hoàng Sa! Nếu không, chúng ta có muôn đời có lỗi với tổ tiên!
Hoàng Sa tạm thời chia cắt, Hoàng Sa tạm thời xa cách; nhưng Hoàng Sa vẫn là của Việt Nam, mãi là của Việt Nam. Những người dân đất Việt vẫn hướng về Hoàng Sa, ghi khắc Hoàng Sa trong tâm khảm. 38 năm đã trôi qua, không phải là quãng thời gian ngắn ngủi nhưng cũng không thể làm vơi nỗi nhớ Hoàng Sa, và cũng không phải là dài để có thể hao mòn một niềm tin. Đó là niềm tin bất diệt: Hoàng Sa sẽ trở về với đất mẹ Việt Nam!  
Hà Nội, 3h30’ ngày 19/01/2012 

http://quechoa.info/ 
________________________
Tác giả gửi cho Quê choa
(Bài vở gửi đăng QC là chủ kiến riêng của tác giả, không hẳn là chủ kiến của QC)