Câu hỏi về việc vinh danh các chiến sỹ Việt Nam Cộng hòa hy sinh tại Hoàng Sa lại nổi lên nhân ngày 38 năm quần đảo này vào tay Trung Quốc.
Đúng 38 năm trước, 58 lính hải quân Việt Nam Cộng hòa đã hy sinh trong trận hải chiến Hoàng Sa kéo dài từ 17/1-19/1, nhưng không bảo vệ được quần đảo này.
Trong trận hải chiến Hoàng Sa, 60 chiến sỹ VNCH tử nạn |
Tuy quân số hai bên không khác nhau nhiều, nhưng các chiến hạm của Trung Quốc tối tân hơn hẳn của Việt Nam Cộng hòa.
Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ đóng gần đó đã không có sự trợ giúp nào, ngay cả khi nghe cầu cứu. Những người chỉ huy hải quân VNCH thời đó tin rằng Trung Quốc đã nổ súng giao tranh vì biết rằng Mỹ sẽ không can dự.
Các chiến hạm của VNCH tham gia hải chiến Hoàng Sa bao gồm tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), tuần dương hạmTrần Bình Trọng (HQ-5) và khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4).
Thủy thủ đoàn trên hộ tống hạm Nhật Tảo do hạm trưởng Ngụy Văn Thà chỉ huy đã bị thương vong nhiều nhất. Bản thân ông Ngụy Văn Thà hy sinh theo tàu khi tàu này bị bắn chìm.
Những năm gần đây, trong nỗ lực hòa giải dân tộc đã có kêu gọi nhà nước Việt Nam vinh danh các chiến sỹ tham gia hải chiến Hoàng Sa.
Thay đổi thái độ
Từ giữa năm ngoái, báo chí chính thống trong nước đã có bài nói về trận đánh này, mà họ gọi là trận 'quyết tử của người Việt để bảo vệ chủ quyền dân tộc'.
Báo Đại Đoàn Kết hồi tháng 7/2011 công khai đăng ý kiến kêu gọi "cần vinh danh những người con đất Việt đã hy sinh trong trận hải chiến bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974”.
"Nếu người ta nghĩ đến công lao của chồng tôi mà có sự vinh danh, thì tôi rất vui mừng. Thật sự tôi không biết nói sao, ngoài một điều là ông ấy đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc."
Bà quả phụ Ngụy Văn Thà
Thái độ về Hoàng Sa của chính quyền trong nước dường như đã thay đổi mạnh, nhất là khi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phát biểu trước Quốc hội về chủ đề từng được coi là nhạy cảm trong quan hệ Việt-Trung này.
Hôm 25/11, ông Dũng nói trước các nhà lập pháp của Việt Nam, rằng "chủ trương của Việt Nam là đàm phán để đòi hỏi chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa".
Ngoài việc chỉ rõ Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực, ông thủ tướng nói thêm Việt Nam cũng chủ trương "đàm phán giải quyết, đòi hỏi chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa bằng biện pháp hòa bình".
Phát biểu của ông Nguyễn Tấn Dũng được đánh giá là có 'dịch chuyển về chính sách'.
Thế nhưng, kêu gọi vinh danh những người lính thuộc phía bên kia của 'cuộc chiến chống Mỹ' dường như chưa có diễn biến gì mới.
"Hy sinh vì Tổ quốc"
Bà Huỳnh Thị Sinh, tức bà quả phụ Ngụy Văn Thà, nói không nhận được thông tin gì liên quan tới sự kiện gắn với cái chết của chồng bà.
Từ TP Hồ Chí Minh, bà quả phụ nói với BBC trong nước mắt: "Nếu người ta nghĩ đến công lao của chồng tôi mà có sự vinh danh, thì tôi rất vui mừng".
"Thật sự tôi không biết nói sao, ngoài một điều là ông ấy đã hy sinh để bảo vệ Tổ quốc."
Hiện bà Sinh đang phải tá túc "cùng một số chị em" khi nhà cũ của bà bị giải tỏa, trong lúc chờ được chuyển định cư tới một căn nhà mới, nơi bà sẽ dành chỗ để lập bàn thờ cho chồng.
"Ở chỗ này, tôi cũng không có chỗ nào để lập bàn thờ cho ông ấy."
Trong khi đó, ở Hoa Kỳ, lễ tưởng niệm hải chiến Hoàng Sa đã được tổ chức cuối tuần qua.
Báo Người Việt cho hay hôm 15/1, "hàng trăm đồng hương Việt ở Nam California đã tập trung tại Tượng đài Chiến sỹ Việt Mỹ tại Westminster để làm lễ tưởng niệm" những người ngã xuống trong trận chiến 1974.
Báo này viết: "Trước tình trạng bành trướng của Trung Quốc tại Biển Ðông, kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa nay là một biểu tượng yêu nước, quyết giữ gìn bờ cõi của dân tộc Việt Nam".
Được biết đây là hoạt động hàng năm của cộng đồng Việt Nam ở Nam California.