Thứ Hai, 5 tháng 9, 2011

Vì sao Trung Quốc dồn dập đưa ra “phép thử”?

Tống văn Công
Lại thêm hai phép thử
Cách đây một tuần báo chí các nước rộ lên chuyện tàu hải quân Ấn Độ tới thăm Việt Nam, khi đang cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý (83 km) thì bị phía Trung Quốc cảnh báo qua điện đàm “Các vị đang ở trong lãnh hải Trung Quốc.” Lúc ấy, tàu Ấn Độ không nhìn thấy một chiếc tàu hay máy bay nào của Trung Quốc, do vậy họ tiếp tục hành trình của mình cập cảng Hải Phòng.
Các báo Anh cho rằng “Trung Quốc thách thức tàu hải quân Ấn Độ ngoài khơi Việt Nam là hành động tái khẳng định chủ quyền của họ tại Biển Đông”; và “Đây là bước mới trong chiến dịch của Trung Quốc nhằm tuyên bố khẳng định chủ quyền biển trong khu vực”.
Báo Tài chính của Anh có bình luận đáng chú ý là: “Cho dù đã có nhiều cuộc cãi cọ với các nước nhỏ trong vùng như Philippines, Việt Nam và Malaysia, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ thách thức một cường quốc khác trên biển”.Và báo này cho rằng: “Việc tìm kiếm phương cách giải quyết bất đồng càng trở nên quan trọng. Lý tưởng nhất là một dàn xếp đa phương các tranh chấp chủ quyền của các bên tham gia”.

Ngày 1-9-2011, tại Washington, người phát ngôn Bộ ngoại giao Mỹ nói: “Chúng tôi ủng hộ tiến trình hợp tác ngoại giao của tất cả các bên tuyên bố chủ quyền giải quyết bất đồng” và “ Trung-Ấn nên thông qua con đường ngoại giao giải quyết tranh chấp việc Trung Quốc nhắc nhở tàu Ấn Độ đang vào hải phận Trung Quốc trong khi tàu này ở ngay khu vực gần bờ biển Việt Nam”.
Nội dung các ý kiến nói trên đều có ngụ ý liên quan đến chủ quyền lãnh hải của Việt Nam. Nhưng phía chúng ta coi như đó là chuyện của Ấn Độ, không có liên quan gì đến mình!
Chỉ mấy ngày sau, ngày 2-9-2011, Tân Hoa Xã đưa tin Trung Quốc điều động tàu ngư chính tới vùng biển Hoàng Sa nhằm tăng cường các nổ lực thực thi pháp luật tại các vùng đánh bắt cá ở khu vực quần đào Hoàng Sa và nhận định “Điều này cho thấy Trung Quốc đã thực sự thực thực thi pháp luật tại các khu vực đánh bắt cá ở trong và cả xung quanh vùng biển Hoàng Sa”.
Các hãng tin nước ngoài đưa tin và bình luận rằng động thái này của Trung Quốc trong bối cảnh một quan chức cao cấp của Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc sắp công du Việt Nam từ 5-9 đến 9-9-2011, đồng chủ trì cuộc họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung. Hãng tin Reuters cho rằng “Động thái này có thể làm cho quan hệ song phương căng thẳng thêm”.
Đến đây đã có thể nhận định rằng: Vụ cảnh báo tàu hải quân Ấn Độ khi tàu này ở sát bờ biển Việt Nam, thực ra là một phép thử “tầm xa” đối với Việt Nam. Khi ta lờ đi như đó không phải là chuyện của mình, hoặc không có liên quan đến mình thì kẻ kia hiểu “thần kinh” của ta có vấn đề! Chúng lập tức cho phép thử nặng “đô” hơn, điều tàu ngư chính vào Hoàng Sa sát ngày trước ngày Đới Bỉnh Quốc lên đường!
Có lẽ hãng Reuters đánh giá quá cao sự nhạy cảm của sức phản kháng Việt Nam! Thời gian người dân sốt ruột chờ đợi người đại diện của mình lên tiếng cứ mòn mỏi dần!
Để làm gì?
Nếu từ nay đến lúc Đới Bỉnh Quốc sang Hà Nội mà phía Việt Nam vẫn im tiếng lặng nhìn tàu ngư chính Trung Quốc tung hoành trên vùng biển Hoàng Sa của mình, thì có nghĩa là chúng ta đã khuất phục trước điều mà báo Hoa Nam Buổi sáng ngày 24-8-2011 loan tin “Trung Quốc bác bỏ yêu cầu của Việt Nam đàm phán về Hoàng Sa”. Và như vậy thì kết quả thảm hại của cuộc họp lần thứ 5 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt-Trung đã được báo trước!
Đới Bỉnh Quốc là cố vấn an ninh quốc gia của Hồ Cẩm Đào, là người chỉ đạo thành công việc tạo ra cái Thông báo mà ông Hồ Xuân Sơn mang về, và cũng là người chỉ đạo thành công cuộc trao đổi giữa hai vị tướng Mã Hiểu Thiên và Nguyễn Chí Vịnh mới đây. Đáng nể chưa? Trước khi sang nước ta chuyến này, nghe đâu là có mục đích dọn đường thật quang quẻ trước chuyến đi đầu tiên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Bắc Kinh.
Trước đây mấy tuần, báo Trung Quốc còn tìm cách vuốt ve khen Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là người thân Trung Quốc! Trước khi sang Việt Nam, ông Đới xuất liền hai “chiêu”, tưởng như là rắc chông trên con đường mình sắp bước tới (như nhận định của Reuters ở trên). Nhưng có thể Reuters đã nhầm, ông ta rất tự tin!
Trước đây, trong bài “Bắc Kinh chơi cờ vây”, tôi có nhắc Binh pháp Tôn Tử và trích câu “Đối đầu trực tiếp là hạ sách”, còn nay có lẽ trích thêm những câu này trong Binh pháp Tôn Tử rất hợp với ngữ cảnh: “Thượng sách là phá mưu lược, rồi triệt ngoại giao, sau đó đến diệt quân, hạ sách mới là công thành”; “Không đánh mà khuất phục được người, mới thật giỏi”; “Khiến địch, không để cho địch khiến mình”; “Biết địch biết ta, trăm trận trăm thắng”. Chắc chắn Đới Bỉnh Quốc đã thuộc làu và vận dụng mưu lược của ông cha họ hòng nuốt sống ta.
Dân gian Việt Nam có những câu mộc mạc, nhưng trí tuệ không hề thua kém để phó với kẻ địch “Làm trò rung cây nhác khỉ”; “Được đằng chân lân đằng đầu”. Loại quân tử Tàu du côn nhưng rất hèn nhát ”Khi chưa đánh người mày xanh mặt tía, vừa đánh người hồn vía lên mây”. Đại trí Việt Nam là “Lấy đại nghĩa thắng hung tàn”, “lấy ít thắng nhiều”! Chẳng lẽ cháu con ngày nay không giữ được trí tuệ và khí phách của cha ông?
Chúng ta phải dõng dạc lên tiếng phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc, dù ngày đi của Đới Bỉnh Quốc sát nút hoặc ông ta đã bước vào! Chính ông ta phải chịu trách nhiệm về hành động hỗn xược và khiêu khích nước chủ nhà. Chủ quyền quốc gia, danh dự dân tộc không cho phép chúng ta nhân nhượng một cách yếu hèn, tạo thế cho bọn chúng “được đằng chân lân đằng đầu”.
Ngày 3-9-2011
T.V.C.